Đuổi người dễ hay khó?

Khó hay dễ là do doanh nghiệp có chịu khó học hỏi, áp dụng pháp luật một cách nghiêm túc hay không. Ngoài ra, bộ phận nhân sự phải kỹ, cái gì chưa biết thì đừng ngại hỏi ý kiến cơ quan chức năng...


“Mấy người lãnh lương để trông coi tài sản của công ty, bây giờ xảy ra mất mát thì không phải mấy người lấy còn ai vô đây? Đồ trộm cắp, gian manh. Đuổi, đuổi cổ hết, đuổi ngay lập tức...”. Giọng ông Trần Văn H., Giám đốc Công ty T.L (huyện Bình Chánh - TPHCM), vang lên rõ mồn một trong băng ghi âm. Năm nhân viên gồm bảo vệ, thủ kho, tiếp liệu bị “lùa” ra khỏi công ty ngay sau lệnh của giám đốc. Quá bức xúc, họ đã kiện công ty ra tòa.


Sai trình tự, hủy nội dung


“Bị đơn hoặc các nhân viên khác của công ty có bắt quả tang anh C. lấy trộm đồ của công ty không?” - thẩm phán chủ tọa phiên tòa hỏi. “Tôi không thấy nhưng biết chắc” - ông Trần Văn H. quả quyết. “Không ai thấy sao lại dám khẳng định người ta ăn trộm? Nếu không có chứng cứ thì bị đơn còn phạm phải lỗi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động” - vị thẩm phán từ tốn. Ông giám đốc im lặng.


Người lao động hiểu biết pháp luật sẽ nâng cao khả năng tự bảo vệ. Trong ảnh: Công nhân Công ty Shing Viet

(quận Thủ Đức - TPHCM) được tập huấn về pháp luật lao động. Ảnh: VĨNH TÙNG

 

Năm vụ án lao động có nội dung giống nhau được xét xử chóng vánh. Do giám đốc công ty không chứng minh được lỗi của người lao động, không tổ chức cuộc họp và lập biên bản xử lý kỷ luật có mặt các bên liên quan theo quy định, cũng không có quyết định sa thải bằng văn bản... nên tòa tuyên phải nhận người lao động trở lại làm việc, trả đủ lương và còn phải bồi thường thêm.


“Anh có kháng cáo không?” - tôi hỏi ông giám đốc. Ông buồn bã lắc đầu: “Sai rành rành rồi còn kháng cáo gì nữa cho tốn tiền, tốn thời gian? Biết vậy, tôi cứ để yên đó rồi rình bắt tại trận cho họ biết tay”.


Không quy định, không thể xử lý


Ấm ức vì “nhân viên sai lè lè ra đó mà không xử lý được” là tâm trạng của ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Nam Khang (quận 12 - TPHCM). Tháng 8-2012, bắt gặp 3 nữ nhân viên uống bia trong giờ làm việc, bảo vệ lập biên bản định báo cáo giám đốc xử lý nhưng mấy cô năn nỉ quá nên thôi. Hơn tháng sau, mấy cô lại phạm lỗi nhậu say ngủ trong giờ làm việc ca đêm. Hôm đó, thiết bị không có người điều khiển, chạy không tải làm nhiệt độ tăng cao bất thường suýt gây sự cố cháy nổ.


“Với sai phạm nghiêm trọng như vậy thì không thể không xử lý. Giám đốc công ty đã họp hội đồng kỷ luật và quyết định sa thải cả 3 cô. Làm kín kẽ như vậy mà vẫn bị kiện”. Trưởng phòng nhân sự của công ty nói và đưa chúng tôi xem biên bản phạm lỗi quả tang, quyết định thành lập hội đồng xử lý kỷ luật, biên bản xử lý có đầy đủ chữ ký của các bên liên quan...


“Không biết được ai tư vấn mà các cô cho rằng hành vi uống rượu bia trong giờ làm việc không có quy định đối với nữ trong nội quy lao động; việc nhậu xỉn ngủ quên trong ca sản xuất cũng không có... Hội đồng xét xử thì nhận định chỉ khi nào hành vi vi phạm và hình thức xử lý tương ứng được quy định rõ ràng trong nội quy lao động có đăng ký với cơ quan lao động thì mới được xử lý. Tôi đành... bó tay chịu thua! Số tiền bồi thường cho người lao động xem như đóng phí để đi học khôn” - ông Huỳnh Anh Tuấn than thở.


Phải có đầy đủ chứng lý


Luật gia Hoàng Hà (Hội Luật gia TPHCM) cho rằng đuổi việc khó hay dễ là do doanh nghiệp có chịu khó học hỏi, áp dụng pháp luật một cách nghiêm túc hay không. Cách nay 2 tuần, ông nhận hỗ trợ pháp lý cho một nữ công nhân ở KCN Tây Bắc Củ Chi - TPHCM bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì không hoàn thành công việc. Cô kể với ông: “Hôm bị lập biên bản lần đầu, em cứ tưởng họ chỉ dọa chứ không dám làm. Không ngờ, mấy hôm sau, đích thân quản đốc xuống kiểm tra. Rủi là hôm đó em có việc đột xuất nên vô trễ. Vậy là hụt mất 15 sản phẩm. Ông quản đốc lập biên bản, sau đó công ty cho em nghỉ việc trước thời hạn. Em thấy lỗi của mình nhẹ hều, sao lại xử lý nặng quá như vậy?”.


Sau khi đọc kỹ hồ sơ, luật gia Hoàng Hà đã khuyên cô đi tìm việc làm khác, đừng mất thời gian kiện tụng vì công ty đã làm đầy đủ và đúng tất cả các bước thủ tục. Vị luật gia kể: “Tôi liên hệ với giám đốc công ty, ông cho biết trước đây đã từng bị thua kiện do xử lý công việc một cách cảm tính. Bình thường không sao chớ đụng chuyện dắt nhau ra tòa thì phải có đầy đủ chứng lý, không nói khơi khơi được”.


Theo luật sư Nguyễn Thị Anh Đào, Trưởng Văn phòng Luật sư Công đoàn, bộ phận nhân sự là nơi tham mưu cho người sử dụng lao động các vấn đề liên quan đến chính sách lao động. Do vậy, đòi hỏi người làm nhân sự phải có kiến thức, có tâm và hết sức thận trọng. Đặc biệt, cái gì chưa biết thì đừng ngại hỏi ý kiến cơ quan chức năng trước khi thực hiện.


ĐỨC MINH

Theo nld.com.vn

CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy