Công nhân ... sợ tết!

Bữa cơm tối đạm bạc của gia đình anh Thái – chị Hợi sau một ngày làm việc.

 

Làm sao để có tiền về quê? Làm sao để có tiền vào lại Sài Gòn sau tết? Làm sao để có tiền mua quà cho con?... Câu chuyện ngày tết của công nhân vẫn không dứt khỏi bốn chữ “cơm áo gạo tiền”.


“Đêm giao thừa lòng như lửa đốt”


18 giờ - giờ công nhân tan ca - trước cổng Khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức, TPHCM), những xe hàng rong xếp la liệt từ rau củ quả, áo quần, giày dép đến bánh kẹo tết để tranh thủ bán cho công nhân. Hàng bánh Orion của chị Thủy vẫn chưa bán được hộp nào: “Bán có 30 ngàn đồng một hộp mà họ chê mắc”. Anh Đoàn nhấc lên nhấc xuống hộp bánh, lưỡng lự chưa muốn mua, nửa đùa nửa thật: “Công nhân một tháng lỡ nhậu hai lần là khỏi tết, lại chẳng biết có về được không mà bánh với trái”.


Anh Triệu Văn Đoàn (sinh năm 1989 -  công nhân Khu chế xuất Linh Trung) đã ba năm không về quê ăn tết. Anh dự tính tết này nữa là bốn: “Bốn lần không về là bốn lần tủi. Đêm giao thừa, lòng như lửa đốt, nhớ nhà kinh khủng”. Anh Đoàn quê ở tận Cao Bằng, việc vượt hơn 2.000 cây số để về quê ăn tết đối với anh là điều khó khăn. “Lương công nhân mới đã dè xẻn, cuộc sống tại Sài Gòn lại đắt đỏ, phải tiết kiệm lắm mới đủ ăn. Đã thế, sau 25 tết công nhân mới được nghỉ, vé xe tết lúc đó ít nhất cũng phải triệu rưỡi. Nhớ nhà, muốn về chỉ có về ngày thường thì mới đỡ chi phí, nhưng về kiểu ấy gấp gáp quá, không vui”.


Chưa ăn tết đã lo hậu tết


Với những người phải xa con để đi làm như cặp vợ chồng anh Thái – chị Hợi, tết không về lại càng cảm thấy buồn tủi. Đành gửi lại hai đứa con trai cho bà ngoại trông nom, hai anh chị rời Nghệ An vào TPHCM  làm công nhân từ năm 2008. Chị Hợi làm công nhân ở Khu chế xuất Linh Trung. Anh Thái làm cho một công ty cầu đường. Tết năm trước, anh chị không về quê. Năm nay, bận con nhỏ nên anh chị lại ở lại Sài Gòn. Nhắc đến quê, chị Hợi lại nao nao: “Cứ mỗi buổi chiều tối như thế này, hai vợ chồng chị lại muốn đón xe về quê, về ngay với con”.


Căn phòng trọ rộng khoảng 16m2 mà anh chị thuê ở Thủ Đức có giá 1,2 triệu đồng, cộng với tiền điện nước cũng ngốn mất gần một nửa số tiển lương của chị Hợi. Công việc của anh Thái không ổn định, lương khi ít khi nhiều. Đứa con gái út của anh chị chưa đầy 5 tháng đã phải ăn sữa ngoài vì chị đi làm cả ngày, để bà nội chăm. Tiền sữa, tiền bột cho con coi như hết lương, dè xẻn lắm, anh chị mới tiết kiệm được một ít, cộng với tiền thưởng tết tháng thứ 13 mới được 10 triệu đồng để ăn tết. Nhưng anh chị quyết định không về quê bởi nỗi lo sau tết ăn gì: “Tiền xe cả đi cả về của hai vợ chồng cũng đến 6 triệu, tiền tiêu tết, mua quà cho con, gửi ông bà cúng tổ tiên ngày tết cũng ngốn thêm một vài triệu nữa. Ăn tết xong, mùng 4 đã phải lục đục lên xe vào Sài Gòn để đi làm. Rồi 20 tháng giêng mới nhận lương. Nếu về quê tháng giêng, hai vợ chồng chẳng biết lấy tiền đâu để sống”.


Anh Thái kể: “Tết năm trước, còn mỗi hai vợ chồng ở lại xóm trọ. Xóm trọ vắng hiu vắng hắt, buồn lắm, chẳng có gì gọi là tết cả. Ở quê, tiết trời lạnh nhưng có không khí, có nội có ngoại, con cái anh em. Chẳng nơi mô bằng nhà mình, nhưng có phải mình không muốn về mô. Vẫn biết tết là dịp để mình nghỉ ngơi, ăn chơi nhưng tết mà buồn và ức chế như thế thà đừng có còn hơn!”.

 

Theo laodong.com.vn

CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy