“Chết” vì thiếu hiểu biết.
Không ít doanh nghiệp do áp dụng không đúng trình tự, quy định trong xử lý kỷ luật nên bị người lao động kiện ngược lại, dù họ sai phạm rành rành.
“Sau khi sa thải trái luật, chúng tôi đã đồng ý nhận người lao động (NLĐ) trở lại làm việc, xin lỗi và bồi thường nhưng họ vẫn không đồng ý, tiếp tục khiếu nại, đưa ra những đòi hỏi quá đáng”. Ông Võ Quốc Đạt, Giám đốc Công ty H.L, quận Thủ Đức - TPHCM, đã phân trần như thế khi trao đổi với chúng tôi về việc sa thải nhân viên N.
Chịu thua vì kỷ luật sai
Anh N. được tuyển vào làm việc tại phòng vật tư Công ty H.L từ năm 2005. Thời gian đầu, anh N. làm việc rất tốt, công ty giao nhiệm vụ gì cũng hoàn thành. Tuy nhiên, từ năm 2011, anh N. thường xuyên đi trễ, về sớm và sắm nhiều tư trang đắt tiền. Trước những bất thường của N., công ty đã cử người theo dõi, kiểm tra và phát hiện anh thường xuyên nâng giá các thiết bị cao hơn mức công ty quy định để hưởng chênh lệch. Đến khi bị phát hiện, anh N. đã chiếm dụng hơn 200 triệu đồng. Trước hành vi gian dối này, công ty đã tiến hành họp các phòng ban liên quan và quyết định sa thải anh N.
Người lao động đến Báo Người Lao Động nhờ can thiệp do bị xử lý kỷ luật không đúng quy định
Vì không được dự cuộc họp kỷ luật mình, anh N. đã khiếu nại. Sau khi được cơ quan chức năng khuyến cáo việc xử lý kỷ luật chưa đúng trình tự, Công ty H.L đã đề nghị N. trở lại làm việc và giải quyết các quyền lợi cho anh theo quy định. Tuy nhiên, anh N. không đồng ý, đề nghị phải tổ chức cuộc họp toàn thể nhân viên trong công ty để xin lỗi. Do công ty không đáp ứng yêu cầu, anh N. đã liên tục gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng.
Ngoài ra, trong quá trình công ty mời đến thương lượng, anh N. cùng người nhà đã lớn tiếng chửi bới những người của công ty tham gia giải quyết vụ việc. “Tôi rất mệt mỏi. Hành vi vi phạm của anh N. rất rõ ràng nhưng vì cách thực hiện pháp luật của mình không đúng nên mới phát sinh rắc rối” - ông Võ Quốc Đạt nói.
Được voi đòi tiên
Trong quá trình giải quyết thắc mắc, khiếu nại của NLĐ, chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp NLĐ đưa ra những yêu sách, đòi hỏi quá đáng sau khi bị doanh nghiệp (DN) kỷ luật không đúng quy định.
Tại một DN ở quận Tân Bình-TPHCM, một lao động đã yêu cầu bồi thường gần 100 triệu đồng khi điều chuyển công tác không đúng quy định. Hoặc vụ việc xảy ra tại một DN may tại quận Bình Tân - TPHCM, khi đơn vị này xử lý kỷ luật sai một lao động nữ đang mang thai. Nhờ hiểu luật, nữ công nhân này đã liên tục khiếu nại, làm khó lại DN bằng cách đòi tiền bồi thường cao, không chịu làm việc và có hành vi gây rối.
Không chỉ làm khó dễ cho công ty, trong một số trường hợp, NLĐ còn phản ứng thái quá, dẫn đến vi vi phạm pháp luật. Trường hợp xảy ra tại Công ty Q.H, quận 3 - TPHCM là một ví dụ. Do khó khăn trong sản xuất, công ty sắp xếp lại nhân sự và điều chuyển chị H. từ bộ phận kinh doanh sang phòng hành chính mà chưa thỏa thuận. Sau đó, H. khiếu nại, công ty đã nhiều lần thương lượng thỏa thuận nhưng chị vẫn không chấp nhận làm công việc mới. Không dừng lại ở đó, chị H. còn nhắn tin với lời lẽ xúc phạm và đe dọa vợ con của giám đốc Công ty Q.H. Sự việc chỉ dừng lại khi cơ quan chức năng phát hiện vụ việc.
Hợp tác để giải quyết
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, pháp luật bảo vệ quyền lợi của NLĐ, đồng thời cũng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN. Để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra, khi xử lý vụ việc, DN phải căn cứ quy định của pháp luật. Đồng thời, NLĐ phải biết dừng lại đúng lúc, ngồi lại cùng DN để giải quyết vụ việc trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, góp phần tạo mối quan hệ tốt trong quá trình làm việc.
Bài và ảnh: TRƯỜNG HOÀNG
Theo nld.com.vn