Thử sống với lương tối thiểu!
Với tiền lương 3 triệu đồng/tháng, không chỉ có 2 chị bạn tôi nghỉ việc mà chắc chắn còn nhiều người nữa cũng “dứt áo ra đi” bởi phòng nhân sự vừa đăng thông báo tuyển dụng “không giới hạn thợ may công nghiệp”.
Má tôi ở Trà Vinh vừa gọi điện thoại lên bảo tôi xin phép nghỉ việc mấy hôm để về cho người ta “coi mắt”. Tôi bảo không được vì mới vừa nghỉ Tết xong, vả lại lúc này có nhiều đơn hàng nên phải tranh thủ làm. Nghe vậy, má tôi nói: “Không cho nghỉ thì bỏ luôn, về dưới này làm ruộng ăn”. Tôi năn nỉ: “Không được đâu má ơi, về dưới làm ruộng dễ gì kiếm được 3 triệu đồng mỗi tháng”. Má tôi nghe vậy thì làm thinh.
Công nhân ngoại tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn.
(Ảnh chụp tại một khu nhà trọ công nhân ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức- TPHCM). Ảnh: HỒNG ĐÀO
Ăn trước, trả sau
Sau mấy tháng mất việc, đầu tháng 1-2013, tôi tìm được việc làm mới tại một công ty ở quận 12 - TPHCM. Sau khi đọc hồ sơ, thấy tôi không có bằng cấp mà chỉ có kinh nghiệm, trưởng phòng nhân sự nói: “Coi như bạn chưa qua đào tạo nghề nên chỉ được hưởng mức lương bằng với lương tối thiểu, ngoài ra còn có phụ cấp. Nếu cộng tất cả các khoản thì thu nhập của bạn mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng. Đồng ý thì ký hợp đồng, không cần phải thử việc”.
Đang thất nghiệp nên tôi và mấy chị bạn vội đặt bút ký ngay vào bản hợp đồng lao động. Đến nay, tôi đã lãnh lương được 2 lần. Tính đổ đồng cũng được khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng như lời trưởng phòng nhân sự nói. Tuy nhiên, do ăn trước làm sau nên lãnh lương ra thì phải trả nợ đã vay mượn trước đó để xoay xở trong thời gian thất nghiệp. Vì vậy, lúc nào tôi cũng có cảm giác mình là... con nợ.
Tuần trước, lãnh lương xong, 2 chị bạn tôi đã quyết định... dứt áo ra đi. Một chị chuyển qua giúp việc nhà cho một người nước ngoài ở quận 7 - TPHCM vì “được bao ăn, bao ở”; còn chị kia trẻ hơn thì úp úp, mở mở: “Bà chị họ mình lấy chồng bên Đài Loan, vừa rồi chị về ăn Tết và rủ mình qua bên đó cho có chị, có em. Thôi thì cứ thử vận may một lần xem sao chớ ở bên này làm mướn hoài, ăn còn không đủ, lấy đâu mà phụ giúp gia đình?”. Đáng nói là, không chỉ có 2 chị bạn tôi nghỉ việc bởi phòng nhân sự vừa đăng thông báo tuyển dụng “không giới hạn thợ may công nghiệp”.
Nếu chỉ ăn thôi thì dư...
Mấy hôm trước, cô chủ nhà trọ của chúng tôi phối hợp với Hội LHPN phường tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, buổi nói chuyện đã nhanh chóng chuyển sang một cuộc tọa đàm “Làm thế nào để sống với mức lương tối thiểu?”. 48 nam, nữ công nhân có mặt đã tham gia ý kiến rất rôm rả. Chị Phương, đang làm việc tại KCN Bình Chiểu, nói: “Dễ ợt. Lãnh lương xong là mình mua chục ký gạo, chai nước mắm, bịch bột nêm...”.
Anh Bình làm chung với chị Phương thì “hiến kế”: “Lãnh lương ra tôi nộp ngay cho bà chủ quán cơm đầu hẻm. Coi như tháng đó dù có thế nào đi nữa thì mình cũng no bụng!”. Gần chục ý kiến tương tự như vậy. Mọi người vừa phát biểu vừa cười nghiêng ngả y như thể cuộc sống khốn khó trước mặt “chẳng là cái đinh gì!” như lời anh Thăng, đang làm việc tại KCN Sóng Thần (Bình Dương), nói.
Thế nhưng, những nụ cười chợt tắt lịm khi chị Hồng, có chồng làm công nhân tại KCX Linh Trung II, lên tiếng: “Các anh chị còn độc thân, mạnh khỏe nên tiền lương như vậy cũng có thể gói ghém. Tuy chật vật nhưng không đến nỗi nào. Còn như vợ chồng tôi, đứa lớn học lớp 2, đứa nhỏ đi mẫu giáo, mẹ chồng tôi bệnh nằm liệt một chỗ, bản thân tôi bị tai nạn mất sức lao động nên không thể làm việc nặng. Tiền lương của chồng tôi mỗi tháng được gần 5 triệu đồng như muối bỏ biển. Nhiều hôm, không còn tiền, cả nhà phải ăn cơm với rau muống luộc chấm mắm ruốc. Người lớn thì không sao, chỉ tội con trẻ và thương mẹ già...”.
Nói đến đây, chị nghẹn lời. Chúng tôi cũng lặng đi.
Câu hỏi “Làm thế nào để sống với mức lương tối thiểu?” lại làm ray rứt.
Cần nhiều thứ
Anh Nguyễn Văn Nam, đang làm việc tại một công ty ở quận Thủ Đức - TPHCM, đưa ra một bảng khảo sát chi tiêu mà anh và bạn bè đã thực hiện để phục vụ đợt tăng lương đầu năm 2013 của công ty. Các khoản chi cụ thể là: Ăn sáng 30 ngày, mỗi ngày 10.000 đồng, vị chi là 300.000 đồng. Buổi trưa ăn ở công ty nên không tốn tiền. Bữa tối mỗi ngày 20.000 đồng, 30 ngày là 600.000 đồng. Tiền nhà 600.000 đồng; tiền điện, nước, gas, mắm, muối: 300.000 đồng; nhu yếu phẩm (xà phòng tắm, giặt, gội...) 100.000 đồng; tiền xăng 200.000 đồng; tiền đám tiệc (cưới hỏi, thôi nôi, sinh nhật...) trung bình khoảng 300.000 đồng; các khoản linh tinh (cắt tóc, vá xe, sửa xe...) 100.000 đồng. Các bạn nữ thì thêm khoản áo quần, son phấn 100.000 đồng...
“Cộng chung tất cả các khoản là từ 2,5 triệu đến 2,6 triệu đồng. Nếu tiền lương 3 triệu đồng thì các bạn còn dư được 400.000 đồng phòng khi hữu sự. Tuy nhiên, với mức chi phí cho cuộc sống như vậy thì các bạn phải không đi chơi, không ăn quà vặt, không xem phim, không đọc báo, không xem tivi, khó có thể có chồng, có vợ; nếu có chồng, vợ rồi thì khoan vội có con; nếu có con rồi thì không thể cho con đi học... Các bạn cũng không được đau ốm bệnh hoạn, không có bạn bè, không thể quan tâm đến người thân, người ở xa không thể về thăm nhà...”- Nam kết thúc một cách hóm hỉnh.
HUYỀN CHI
Theo nld.com.vn