Cam kết trái luật.
Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH cho rằng bản cam kết mà Công ty Cathay Việt Nam đưa ra đã thủ tiêu quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động nên phải bị hủy bỏ
“Nhiều nhân viên khác cũng bị công ty buộc ký cam kết phải làm việc 2 năm, nếu nghỉ việc trước thời hạn cam kết thì phải bồi thường một khoản tiền bằng 4 tháng thu nhập”. Ông N.H.T - nguyên nhân viên Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Cathay Việt Nam (Công ty Cathay Việt Nam, 100% vốn Đài Loan, ở quận 1-TPHCM) - cho biết như vậy trong đơn khiếu nại gửi LĐLĐ TP và Báo Người Lao Động mới đây.
Hứa rồi nuốt lời
Ông N.H.T làm việc tại Công ty Cathay Việt Nam với hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn. Cũng như nhiều nhân viên khác, ông phải ký “Cam kết hỗ trợ và làm việc”. Theo đó, ông phải làm việc cho công ty đủ 2 năm; đổi lại, công ty sẽ hỗ trợ ông mỗi tháng 3 triệu đồng. Nếu ông N.H.T đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong thời gian cam kết mà “không có lý do chính đáng” hoặc (và) “không tuân thủ thời hạn báo trước theo quy định” thì phải bồi thường cho công ty 4 tháng tổng thu nhập tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ.
Công ty Cathay Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực trẻ trung, năng động,
đòi hỏi những người quản lý phải am hiểu pháp luật. Ảnh: THANH HOA
Ngày 13-3, ông N.H.T gửi thư thông báo sẽ chấm dứt HĐLĐ vào ngày 16-5 (báo trước 45 ngày theo quy định). Nhận được thông báo, người phụ trách trực tiếp đã ký chấp thuận cho ông N.H.T nghỉ việc vào ngày 27-4. Giám đốc công ty cũng ra quyết định, nêu rõ: “Anh N.H.T có trách nhiệm bàn giao công việc và hoàn tất các khoản thanh toán cho công ty trước ngày kết thúc làm việc 27-4; được trả lương đến hết ngày 27-4, đóng BHXH đến hết tháng 4-2012”.
Thế nhưng, khi ông N.H.T nghỉ việc thì công ty lại không trả lương như đã hứa. Ông N.H.T gửi đơn khiếu nại đến hòa giải viên lao động quận 1. Tại buổi hòa giải ngày 6-8, sau khi xem xét các chứng cứ, hòa giải viên yêu cầu Công ty Cathay Việt Nam phải trả đủ tiền lương cho ông N.H.T nhưng phía công ty cho rằng ông đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi làm việc chưa đủ 2 năm nên phải bồi thường và công ty giữ lương của ông là để cấn trừ.
“Đứng trên luật pháp”
Ngày 29-11, trả lời khiếu nại của ông N.H.T, ông Nguyễn Hữu Hiếu, trưởng phòng pháp lý của công ty, cho rằng: “Tiền lương là quan hệ... dân sự. Vì ông N.H.T còn nợ công ty một khoản tiền theo cam kết dân sự nên công ty giữ lương để cấn trừ”. Tuy nhiên, ông Hiếu không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy ông N.H.T đã “vay nợ” của công ty. Về vấn đề này, Phó Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Tiến Tùng cho rằng bản cam kết mà Công ty Cathay Việt Nam ép người lao động ký kết là “đứng trên luật pháp”, thủ tiêu quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của họ theo luật định nên phải bị hủy bỏ.
Mặt khác, giả sử bản cam kết mà công ty tự đặt ra là đúng luật thì trong trường hợp này cũng không thể áp dụng. Bởi, ông N.H.T không hề đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại điều 37 Bộ Luật Lao động mà đây là trường hợp hai bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ theo khoản 3, điều 36 Bộ Luật Lao động. Cụ thể: Ông N.H.T có đơn xin nghỉ việc và được công ty chấp thuận!
Sẽ kiểm tra, xử lý
Theo ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh Thanh tra Lao động TPHCM, trong thời hạn 7 ngày, kể từ khi chấm dứt HĐLĐ, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Nếu công ty chậm thanh toán thì còn phải bồi thường cho người lao động một khoản tương đương với lãi suất phát sinh trong thời gian trả chậm. Ông Dũng nhấn mạnh: “Về phía cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý các sai phạm tại Công ty Cathay Việt Nam”.
ĐỨC MINH
Theo nld.com.vn