Nghề của tình thương.
Lòng yêu trẻ, tâm huyết với nghề đã giữ các nhân viên trụ lại với công việc đầy vất vả, nhọc nhằn
“Tới giờ ăn chiều rồi các con ơi. Mấy con ngồi ngoan, các cô sẽ cho ăn nhé!”. Giọng nói trìu mến của các nhân viên chăm sóc khiến không gian Khoa Nhi 2 Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật, mồ côi Thị Nghè - TPHCM thật ấm cúng. Lần lượt từng bé bị khuyết tật nặng được các nhân viên ân cần đặt vào chỗ ngồi, kiên nhẫn đút từng muỗng cháo.
Chị Hoàng Thị Bích chăm sóc trẻ khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật, mồ côi Thị Nghè - TPHCM
Xoa dịu nỗi đau
Bà Nguyễn Thị Kim Chưởng, Trưởng Khoa Nhi 2, cho biết: “Đa số các bé ở đây bị bệnh não úng thủy hoặc đa dị tật nên thường gặp khó khăn trong việc sinh hoạt, ăn uống. Để có thể chăm sóc tốt các cháu, ngoài kỹ năng nghề nghiệp, hiểu biết về tâm sinh lý của trẻ, mỗi nhân viên phải hết sức nhẫn nại. Nếu không có lòng yêu nghề, đặc biệt là tình thương đối với trẻ, họ khó lòng trụ lại”.
Có mặt tại trung tâm từ trước 7 giờ, các nhân viên lần lượt rửa mặt, làm vệ sinh, cho ăn, thay quần áo, xoa bóp chân tay cho các em. Công việc không lúc nào ngơi tay. Chị Hoàng Thị Bích đã gắn bó với nghề hơn 14 năm. Công việc hằng ngày của chị là chăm sóc trẻ bị khuyết tật, trẻ bị bại não không cử động được. Chị phải lo cho các em từ giấc ngủ, miếng ăn, vệ sinh cá nhân. Có nhiều đêm chị thức trắng để trông nom các em bị bệnh nặng chỉ vì một lý do đơn giản: Sợ các em ra đi bất ngờ mà thiếu hơi ấm bàn tay của mình.
Chị Giang Thị Mỹ Chi cũng đến với nghề bằng tấm lòng yêu trẻ. Ngày đầu đến Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân thử việc, ánh mắt đau đáu của một bé trai 5 tuổi bị khuyết tật ở chân nhìn các bạn cùng trang lứa chơi ngoài sân đã ám ảnh chị rất nhiều. “Chạy tới ôm bé mà tôi không cầm được lòng. Ý nghĩ phải bù đắp một phần nào đó cho sự thiếu thốn của các cháu là lý do tôi quyết định gắn bó với công việc này” - chị Chi tâm sự.
Tấm lòng của những người mẹ
Ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (quận Thủ Đức - TPHCM), đa số các em đều bị bệnh tật, nhiều em toàn thân lở loét. Mười năm làm việc tại trung tâm, chị Trần Thị Mỹ Lan không nhớ hết bao nhiêu lần nghe tiếng khóc của trẻ con bị bỏ rơi trước cổng lúc nửa đêm. Rất nhiều bé bị bệnh viện “chê”, trả về trung tâm vì bệnh quá nặng nhưng với tấm lòng của người mẹ, họ đã bỏ công chăm sóc, quyết giành lại sự sống cho các em. Cách đây 3 năm, bé Nguyễn Thị Tuyết Minh bị viêm phổi nặng. Hơn 2 tháng điều trị ở bệnh viện nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm mà còn trầm trọng hơn. “Còn nước còn tát”, bằng tấm lòng của một người mẹ, chị Lan cùng các đồng nghiệp ở trung tâm đã tận tụy chăm sóc cho em. Nỗ lực ấy của họ đã được bù đắp khi bé Minh khỏe hẳn.
Đã 14 năm trôi qua nhưng chị Hoàng Thị Bích còn nhớ như in cảm giác ngày đầu đi làm công tác xã hội. “Nhìn thấy các em mỗi đứa một dạng tật, nước miếng, nước mũi chảy ròng ròng khiến tôi không khỏi rùng mình. Công việc cực nhọc trong khi thu nhập bấp bênh, đã có lúc tôi muốn nghỉ việc nhưng rồi lại nghĩ đến những thiệt thòi về thể xác lẫn tinh thần mà các em phải gánh chịu, thế là tôi lại tự nhủ mình không được bỏ cuộc. Chăm sóc một đứa trẻ bình thường, khỏe mạnh đã cực, huống chi là phải chăm sóc nhiều trẻ khuyết tật và trẻ mắc bệnh hiểm nghèo. Nếu nghĩ đến lương bổng chắc không ai dám đến với nghề này” - chị Bích chia sẻ. Gắn bó với nghề đã 14 năm nhưng thu nhập hằng tháng của chị Bích chỉ khoảng 3 triệu đồng. “Tình cảm với các cháu chính là sợi dây vô hình giữ chúng tôi lại với nghề” - chị tâm sự.
Khó tuyển nhân viên công tác xã hội
Bà Nguyễn Thị Kim Tiên, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, cho biết rất khó tuyển nhân viên công tác xã hội. Nhiều bạn trẻ đã nghỉ việc chỉ sau 1 hoặc 2 ngày vào làm. Lương thấp cộng với công việc chăm sóc các đối tượng xã hội rất vất vả, nguy cơ lây nhiễm cao... là những yếu tố khiến cho nghề công tác xã hội không thu hút giới trẻ.
Bài và ảnh: PHAN ANH
Theo nld.com.vn