Thả nổi suất ăn công nhân.
Báo cáo vụ ngộ độc tập thể hàng trăm công nhân ở Bình Dương lên Văn phòng Chính phủ. Nhiều doanh nghiệp muốn hạ chi phí suất ăn dành cho công nhân nên không cần quan tâm đến chất lượng.
Chiều 28-9, ông Từ Tấn Thứ, người phát ngôn của Sở Y tế Bình Dương, cho hay đã gửi báo cáo nhanh về vụ ngộ độc vừa xảy ra tại Công ty Hansoll Vina (KCN Sóng Thần, thị xã Dĩ An - Bình Dương) cho Văn phòng Chính phủ và Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Hiện cơ quan chức năng ở Bình Dương đã lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm, tìm nguyên nhân gây ngộ độc.
Công nhân Công ty Hansoll Vina được cấp cứu tối 27-9 do ngộ độc thực phẩm
Bếp ăn mất vệ sinh
Khoảng 18 giờ ngày 27-9, hàng loạt công nhân của Công ty Hansoll Vina phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân đoàn 4 (Dĩ An) và Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức (TPHCM) trong tình trạng nôn ói, choáng váng, ngất xỉu. Đây là vụ ngộ độc với số lượng người mắc lớn nhất từ trước đến nay mà Bệnh viện Quân đoàn 4 tiếp nhận.
Theo Sở Y tế Bình Dương, số lượng công nhân nhập viện là khoảng 750 người và sự việc xảy ra sau bữa ăn tối. Ngoài số suất ăn với cơm và thịt kho tiêu, rau muống xào, canh rau mồng tơi thì còn có 1.142 phần ăn là bún chả cá. Thức ăn do Công ty TNHH Thương mại Hoa Lan (TPHCM) chế biến tại bếp ăn của Công ty Hansoll Vina.
Trong đêm 27-9, Chi Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm Bình Dương đã đến Công ty Hansoll Vina kiểm tra. Kết quả cho thấy bếp ăn sắp xếp không gọn gàng, lẫn lộn giữa nguyên liệu thực phẩm và tư trang nhân viên; cống rãnh tại khu chế biến không thông thoáng, ứ đọng nước; dụng cụ chế biến và đựng thức ăn cũ kỹ, hoen gỉ, biến dạng, vệ sinh chưa sạch; không có thiết bị phòng chống côn trùng xâm nhập. Công ty có hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm nhưng chưa xuất trình được hóa đơn mua hàng.
Cũng theo xác định của của Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm Bình Dương thì từ khi công nhân ăn đến lúc ngộ độc chỉ trong 1 giờ. Thức ăn nghi gây ngộ độc là chả cá vì đa phần công nhân nhập viện là những người ăn món này. Tất cả công nhân bị ngộ độc đã xuất viện vào khoảng 10 giờ ngày 28-9. Tuy nhiên, đến 21 giờ cùng ngày, bác sĩ Trịnh Đức Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân đoàn 4, cho biết 14 người đã nôn ói và ngất xỉu nên phải nhập viện trở lại.
Đông Nam Bộ là điểm nóng
Theo công bố của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 5 năm gần đây, toàn quốc ghi nhận 927 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.733 người nhập viện, trong đó có 229 người tử vong (trung bình có 46 người chết/năm vì ngộ độc thực phẩm). Trong đó, tỉ lệ ngộ độc thực phẩm trong các bếp ăn tập thể chiếm 12% - 20,6%. Ngộ độc tập thể trong các KCN - KCX xảy ra nhiều nhất tại vùng Đông Nam Bộ (chiếm 66,7% trong tổng số vụ xảy ra trong cả nước).
Hiện rất nhiều doanh nghiệp muốn hạ chi phí suất ăn dành cho công nhân nên không cần quan tâm đến chất lượng ra sao. Giám đốc một công ty chuyên nấu thức ăn cho các doanh nghiệp cho biết với giá 5.000 - 7.000 đồng họ vẫn có thể cung cấp được suất ăn cho công nhân.
Khoảng 750 công nhân Công ty Hansoll Vina ở Bình Dương bị ngộ độc thực phẩm
phải nhập viện điều trị từ tối 27-9 Ảnh: NHƯ PHÚ
Một cán bộ an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh Bình Dương băn khoăn: “Tâm tư của chúng tôi là muốn bữa ăn công nhân tăng chất lượng nhưng tôi biết chuyện này khó lắm. Nếu yêu cầu tăng chi phí suất ăn cao hơn thì các doanh nghiệp sẽ kêu ca, phản đối”. Vị này còn cho biết thêm: “Heo, gà tươi sống đưa vào KCN thì bên thú y quản lý. Bao giờ heo, gà được nấu lên thì trách nhiệm mới thuộc về chúng tôi”.
Khi được hỏi xảy ra ngộ độc thực phẩm thì trách nhiệm cao nhất thuộc về ai? Ông Nguyễn Văn Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Bình Dương, nói: “Câu hỏi này khó quá! Tôi nghĩ để xảy ra ngộ độc thì chủ sử dụng lao động, đơn vị cung cấp thức ăn phải chịu trách nhiệm!”.
Trong một hội thảo tổ chức mới đây tại Bình Dương, PGS-TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, lo ngại nhiều công nhân sẽ sinh ra một thế hệ con cái suy dinh dưỡng và dễ mang nhiều bệnh vì chất lượng bữa ăn của người mẹ không bảo đảm, quá thiếu dinh dưỡng. Kết quả kiểm tra nhanh của Viện Dinh dưỡng quốc gia tại nhiều KCN cho thấy trong nguyên liệu chế biến thức ăn cho công nhân tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, hàn the và nhiều độc tố khác với hàm lượng cao.
Bài và ảnh: NHƯ PHÚ
Theo nld.com.vn