Lao động nữ quá vất vả.
Công việc vất vả, nặng nhọc nhưng thu nhập thấp; không có thời gian chăm sóc gia đình nên nhiều nữ công nhân đành phải rời bỏ nhà máy.
Tôi gặp chị Nguyễn Thị Linh (huyện Củ Chi - TPHCM) khi chị đang quét dọn sân nhà. Chị nói với tôi, giọng buồn buồn: “Từ hồi nghỉ việc tới giờ chỉ quanh quẩn ở nhà, hết chợ búa lại cơm nước cho chồng con… Nhớ nhà máy lắm”. Trước đây, chị Linh từng là công nhân (CN) Công ty CP May Sài Gòn 3.
Hy sinh vì gia đình
Quê chị Linh ở Vĩnh Long. Mấy năm trước chị lên TPHCM tìm việc. Qua người quen giới thiệu, chị xin vào làm CN Công ty CP May Sài Gòn 3. Công việc ổn định với thu nhập hơn 3 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể tăng ca. Gần 3 năm gắn bó với nhà máy, chị đã quen và lập gia đình với anh T.T.P, làm chung xí nghiệp. Cưới nhau ít lâu thì chị sinh con.
Chị Linh kể: “Từ lúc có con, cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Vợ chồng chưa có chỗ ở ổn định, con còn nhỏ không có cơ sở giữ trẻ nào chịu nhận. Tôi định gửi con về quê cho ông bà ngoại nuôi giùm rồi đi làm trở lại nhưng ông xã không chịu. Tính tới tính lui, chỉ còn có cách là tôi phải nghỉ việc, về sống với bên chồng để chăm sóc con”.
Lao động nữ chiếm đa số trong ngành may. Ảnh: Vĩnh Tùng
Chị Linh cho biết bạn bè chị nhiều người cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Khi phải chọn lựa giữa công việc và gia đình thì hầu hết lao động nữ phải chấp nhận thiệt thòi, chọn gia đình thay vì công việc. Chị Trần Thị Phương Nga, CN Công ty Hoàng Gia (quận 12-TPHCM), cũng phải nghỉ việc sau khi sinh con.
Lý do chồng chị đưa ra để ép vợ nghỉ việc là: “Đi làm từ sáng tới tối mịt, bỏ đói chồng con mà lương không đủ sống thì nghỉ ở nhà người ta nuôi”. Chị Phương Nga bức xúc: “Những người may mắn có chồng hiểu biết, chia sẻ thì còn đỡ; nếu không thì dù phải chấp nhận hy sinh, thiệt thòi nhưng lại mang tiếng là “ăn bám”.
Tuổi nghề ngắn
Đối với chị Nguyễn Thị Nhung (quận Bình Tân - TPHCM) thì lý do “bỏ nhà máy về nhà mình” lại khác. Chị Nhung trước đây làm CN may. “Lúc đó, tôi mới sinh đứa đầu lòng mà ngày nào cũng tăng ca tới tối, việc nhà phó thác hết cho ông xã. Nhiều lúc con bệnh, tôi xin nghỉ việc thì lại bị quản lý càm ràm, khó dễ. Làm cực mà mỗi tháng chỉ lãnh được hơn 2 triệu đồng, không đủ lo sinh hoạt cho gia đình. Đã vậy, làm CN may, suốt ngày phải ngồi nên tôi bị đau lưng, nhức mỏi, sức khỏe giảm sút. Sau một thời gian bàn tính, tôi quyết định xin nghỉ việc”- chị Nhung nhớ lại.
Sau khi nghỉ việc, vợ chồng chị vay vốn để mở cửa hàng tạp hóa. Công việc bán tạp hóa cũng phải thức khuya, dậy sớm nhưng không bị gò bó. Vui nhất với chị là công việc mới giúp chị có thời gian chăm sóc gia đình.
Bà Lưu Thị Tuyết Mai, trưởng phòng nhân sự một công ty có hơn 3.000 CN ở quận Tân Bình, cho biết trong năm 2011, công ty phải tuyển thêm gần 1.000 lao động để bù đắp cho số nghỉ việc. “Tuổi nghề của nữ CN ngành may mặc, giày da, thủy sản thường rất ngắn. Nếu bắt đầu vào nhà máy từ năm 18 tuổi thì chưa đến 40, sức khỏe đã suy kiệt, rất khó theo nghề”.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Giám đốc Công ty Hoàng Gia (quận 12- TPHCM):
Lao động nữ chịu nhiều áp lực
Ở công ty chúng tôi, lực lượng lao động nữ chiếm đến 80%. Đây là những người rất siêng năng, cần cù, có tinh thần trách nhiệm trong công việc. Tuy nhiên, họ cũng là những người phải chịu rất nhiều áp lực trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng lao động của công ty biến động không nhiều nhưng chủ yếu vẫn rơi vào lao động nữ.
Họ phải chăm lo cho gia đình, không chịu nổi áp lực công việc… nên phải nghỉ việc. Theo tôi, đây còn là một sự hy sinh.
Huỳnh Nga
Theo nld.com.vn