Thợ xây khổ trăm bề.

Do làm việc chỉ thỏa thuận bằng miệng nên công nhân xây dựng thường bị quỵt lương, bị bỏ rơi khi bị nạn.


 

Anh Phan Trung Kiên (trái) trình bày việc không được trả tiền công


“Chủ thầu xây dựng không trả tiền công cho công nhân (CN) trong đội, bỏ mặc người lao động khi bị tai nạn lao động chết người. Mong cơ quan chức năng sớm can thiệp để bảo vệ quyền lợi cho chúng tôi”. Đây là trình bày của anh Phan Trung Kiên, ngụ tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, trong đơn khiếu nại gửi Báo Người Lao Động mới đây.


Ăn chặn cả tiền của người chết


Qua quen biết, anh Kiên được ông Hưng, Giám đốc Công ty An Phát Hưng (số 9B, đường 385, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9 - TPHCM), mời nhận khoán công trình sửa chữa, nâng cấp nền nhà xưởng cho Công ty Hào Dương (KCN Hiệp Phước - TPHCM) với số tiền hơn 59 triệu đồng. Sau đó, anh Kiên gọi thêm một số người quen cùng vào làm công trình này. Ngày 21-9, trong quá trình thi công, anh Võ Công Lào, CN trong nhóm của anh Kiên, bị điện giật, sau đó đã tử vong.


Sau khi tai nạn xảy ra, Công ty Hào Dương đã chuyển cho Công ty An Phát Hưng 100 triệu đồng để lo hậu sự cho anh Lào. Thế nhưng, Công ty An Phát Hưng chỉ đưa cho gia đình anh Lào 50 triệu đồng. Tiếp đó, ông Hưng đưa cho anh Kiên một bảng hợp đồng giao khoán với những điều khoản buộc phía anh Kiên phải chịu trách nhiệm khi tai nạn xảy ra, kèm theo điều kiện nếu anh Kiên ký vào bảng hợp đồng này sẽ được trả tiền công như thỏa thuận trước đó.“Thấy điều khoản vô lý nên tôi không ký và ông Hưng tuyên bố không trả tiền công cho nhóm của chúng tôi. Mặt  khác, ông Hưng cũng không nói gì đến khoản tiền mà Công ty Hào Dương đã đưa cho gia đình nạn nhân bị chết vì tai nạn lao động”- anh Kiên bức xúc.


Cai thầu ôm tiền bỏ trốn


Anh Cao Văn Vương, CN xây dựng, ngụ ở quận Thủ Đức - TPHCM, cũng bức xúc vì bị quỵt tiền lương. Tháng 5-2012, anh Vương cùng mấy người quen vào làm việc cho một công trình xây dựng ở huyện Nhà Bè - TPHCM theo lời mời của ông Nguyễn Sĩ, cai thầu, với thỏa thuận miệng là 200.000 đồng/ngày. Tuần đầu tiên ông Sĩ cho nhóm của anh Vương ứng tiền đầy đủ. Thế nhưng các tuần tiếp theo chỉ được hứa và cuối cùng ông Sĩ đã bỏ trốn. Khi anh Vương yêu cầu chủ thầu chính trả tiền công thì được trả lời đã thanh toán tiền đầy đủ (có biên bản) cho ông Sĩ. Anh Vương đã nhiều lần liên lạc với ông Sĩ nhưng không được.


Nhiều giám đốc công ty xây dựng thừa nhận lâu nay trong lĩnh vực xây dựng tồn tại tình trạng chủ thầu chính ký hợp đồng với thầu phụ, thầu phụ ký tiếp với một đơn vị và đơn vị này ký tiếp với đơn vị khác… Cứ như thế đến người CN làm việc trực tiếp thì đã qua đến 6, 7 đơn vị. Dĩ nhiên CN chỉ biết tổ trưởng hoặc đội trưởng trực tiếp gọi mình đi làm mà thôi và giữa họ chỉ là thỏa thuận miệng. Chính vì vậy, khi bị quỵt lương, tai nạn lao động xảy ra…CN chẳng biết kêu cứu ở đâu. Việc cai thầu bỏ trốn cũng có nhiều nguyên nhân, có thể là nhận công trình giá thấp, không đủ chi phí trả cho CN, hoặc cai thầu nhận tiền rồi mang đi ăn nhậu hết tiền… Để tránh trường hợp cai thầu ôm tiền bỏ trốn, ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty Xây dựng Tuấn Sang, nêu kinh nghiệm: Chủ nhật hằng tuần khi ứng tiền lương cho CN, công ty đều mời công an nơi có công trình xây dựng đến chứng kiến. Việc làm này sẽ tránh được rắc rối khi cai thầu bỏ trốn.


Đa số công nhân không được ký hợp đồng


Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TPHCM, cho biết đa số CN làm trong lĩnh vực xây dựng không được ký hợp đồng lao động nên khi xảy ra sự việc rất khó bảo vệ quyền lợi của mình. Ông Việt lưu ý khi vào làm việc, CN phải yêu cầu người sử dụng lao động ký hợp đồng lao động để tránh rủi ro. Về phía thanh tra sở và thanh tra xây dựng quận, huyện cũng thường xuyên kiểm tra các công trình xây dựng trên địa bàn để ngăn ngừa và xử lý vi phạm.


Bài và ảnh: TRƯỜNG HOÀNG

Theo nld.com.vn

 

CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy