Cẩn thận khi thuê tư vấn.
Nhiều doanh nghiệp thuê đơn vị tư vấn để “rảnh tay” lo việc sản xuất kinh doanh nhưng không ít đơn vị tư vấn lại gây ra phiền hà...
Người lao động phải tìm đến cơ quan chức năng khi các thắc mắc, khiếu nại không được doanh nghiệp giải quyết
“Do chưa hiểu về pháp luật Việt Nam, công ty đã quyết định thuê một đơn vị tư vấn để xử lý toàn bộ công việc liên quan đến nhân sự, BHXH, tiền lương. Vài tháng sau, công ty bị người lao động (NLĐ) kiện ra tòa do sa thải không đúng quy định.Chúng tôi thuê tư vấn để tránh rắc rối, ai ngờ lại rước phiền phức về mình”. Đây là tâm sự của ông Nguyễn Tuấn Hùng, giám đốc một công ty cung cấp linh kiện điện tử tại quận Bình Tân - TPHCM, khi tiếp xúc với chúng tôi để giải quyết khiếu nại của NLĐ.
Quá tin nên gặp phiền phức
Đầu năm 2011, sau khi du học nước ngoài về, ông Hùng quyết định mở công ty chuyên cung cấp linh kiện điện tử. Để bảo đảm cho công ty hoạt động đúng quy định của pháp luật Việt Nam, ông Hùng tìm đến một đơn vị tư vấn. Sau khi nghe giới thiệu các gói dịch vụ, ông Hùng đã ký kết hợp đồng thuê trọn gói làm các công việc liên quan đến nhân sự trong công ty, xây dựng nội quy lao động, thang, bảng lương, làm thủ tục khai báo lao động, thủ tục đóng BHXH…Lúc đầu mọi việc suôn sẻ, nhưng sau đó bắt đầu rắc rối khi có NLĐ khiếu nại. Một nhân viên tự ý bỏ việc 5 ngày mà không thông báo cho công ty. Đến ngày thứ 6, nhân viên này trở lại làm việc. Ông Hùng kể: “Tôi không đồng ý với hành vi vô kỷ luật của nhân viên và đề nghị đơn vị tư vấn tham mưu xử lý kỷ luật. Sau đó, đơn vị tư vấn thảo quyết định sa thải cho tôi ký.NLĐ không đồng ý nên kiện ra tòa. Tại tòa, với chứng cứ là giấy tờ liên quan đến vụ tai nạn giao thông và giấy nằm viện, tòa đã tuyên hủy quyết định trái luật của công ty… Tin tưởng đơn vị tư vấn, tôi không mời NLĐ lên để hỏi rõ mọi việc nên mới xảy ra cớ sự này. Cách làm việc cứng nhắc của đơn vị tư vấn đã khiến công ty gặp phiền phức”.Không hầu tòa như trường hợp trên nhưng bà Phan Ngọc Lý, giám đốc một công ty ở quận Thủ Đức - TPHCM, lại bị hết cơ quan này đến cơ quan khác mời làm việc với lý do không giải quyết chế độ thai sản cho NLĐ. Để làm thủ tục hưởng chế độ thai sản cho NLĐ, công ty cung cấp tất cả các giấy tờ để đơn vị tư vấn làm thủ tục gửi cơ quan BHXH.Tuy nhiên, khi kiểm tra hồ sơ, cơ quan BHXH phát hiện sai sót nên đề nghị bổ sung dẫn đến chậm trễ trong việc trả chế độ thai sản cho NLĐ. Đơn vị tư vấn cũng không tư vấn kịp thời việc thanh toán chế độ thai sản trong vòng 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ mà để đến kỳ lương tháng sau mới cho lãnh.
Đây chỉ là hai trong số nhiều doanh nghiệp (DN) gánh hậu quả khi được tư vấn sai.
Không nên phó mặc cho tư vấn
Theo ông Nguyễn Tuấn Hùng, đơn vị tư vấn cũng đã giúp công ty nhiều việc nhưng nếu quá tin tưởng, phó thác hết mọi việc cho đơn vị tư vấn thì sẽ không tránh khỏi rắc rối; nhất là đối với các vấn đề liên quan đến việc xử lý kỷ luật lao động. Ngoài việc phải yêu cầu đơn vị tư vấn định kỳ thông báo tất cả các đầu việc được thuê tư vấn và làm dịch vụ, khi sự cố xảy ra, đại diện công ty phải trực tiếp làm việc với NLĐ.Qua đó, tìm hiểu rõ ràng mọi vấn đề, nhận diện được đúng, sai của mỗi bên và đưa ra hướng giải quyết hợp tình, hợp lý. “Sự việc xảy ra tại công ty, nếu tôi tham gia từ đầu thì đâu phải hầu tòa và bị bồi thường như bây giờ”- ông Hùng nói.
Còn bà Phan Ngọc Lý thì sau khi vụ việc xảy ra, đã chấm dứt hợp đồng với đơn vị tư vấn. “Bây giờ, khi có vụ việc gì xảy ra, đầu tiên tôi mời NLĐ đến làm việc, sau khi nắm được nội dung phản ánh của NLĐ, tôi tìm cách giải quyết, nếu NLĐ tiếp tục khiếu nại, tôi sẽ tham khảo ý kiến các cơ quan Nhà nước như Sở LĐ-TB-XH, BHXH TP. Tuy vất vả hơn trước nhưng qua đó giúp tôi biết được nhiều vấn đề liên quan đến NLĐ. Đặc biệt khi thường xuyên tiếp xúc với NLĐ, tôi đã hiểu và chia sẻ những khó khăn của họ nhiều hơn”.
Đơn vị tư vấn không thể làm thay Nhiều DN cho rằng việc tồn tại của đơn vị dịch vụ tư vấn là cần thiết nhưng chỉ ở chừng mực nhất định bởi các đơn vị này chỉ có chức năng tham mưu và làm một số công việc đơn giản về mặt thủ tục trong quá trình sử dụng lao động chứ không thể đại diện cho người sử dụng lao động. Đối với các vấn đề phức tạp trong quan hệ lao động như xử lý kỷ luật, xây dựng chính sách tiền lương, phúc lợi, giải quyết tranh chấp, khiếu nại... thì phải do chính người sử dụng lao động đứng ra thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật. |
Bài và ảnh: TRƯỜNG HOÀNG
Theo nld.com.vn