Hiểu đúng chính sách thất nghiệp.

Ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM, giải thích cụ thể một số thắc mắc của người lao động chung quanh chính sách bảo hiểm thất nghiệp.


Hỏi: Tôi đã nghỉ hưu và có quyết định hưởng lương hưu nhưng sau đó được một doanh nghiệp tư nhân ký hợp đồng làm việc trở lại. Vậy tôi có phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không?


- Ông Trần Xuân Hải trả lời: Đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng mà có giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với người sử dụng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia BHTN.


Người lao động đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM. Ảnh: PHAN ANH


Điều kiện hưởng BHTN là đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật. Xin hỏi, tháng đóng BHTN của người lao động (NLĐ) được tính thế nào?


- Tháng đóng BHTN của NLĐ được tính nếu người sử dụng lao động và NLĐ đã đóng BHTN, NLĐ đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc ít nhất 1 ngày trong tháng đó.


Một trong những điều kiện để hưởng BHTN là chưa tìm được việc làm sau 15 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp với trung tâm giới thiệu việc làm. Xin nói rõ cách tính 15 ngày này như thế nào?


- Theo quy định, ngày thứ nhất trong 15 ngày nêu trên là ngày ngay sau ngày NLĐ đăng ký thất nghiệp, tính theo ngày làm việc. Ví dụ: đăng ký thất nghiệp ngày 10-12 thì thời hạn 15 ngày chưa tìm được việc làm được tính bắt đầu từ ngày 11-12. “Ngày làm việc” áp dụng cho tất cả các trường hợp là ngày làm việc từ ngày thứ hai đến hết ngày thứ sáu hằng tuần.


Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi bị mất việc, chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng trong trường hợp những tháng cuối cùng trước khi thất nghiệp, NLĐ có thời gian gián đoạn đóng BHTN thì tính như thế nào?


- Trong trường hợp những tháng cuối cùng trước khi thất nghiệp, NLĐ có thời gian gián đoạn đóng BHTN thì 6 tháng liền kề để tính mức trợ cấp thất nghiệp là bình quân của 6 tháng đóng BHTN trước khi NLĐ mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật. Ví dụ, ông N.V.A đóng BHTN từ ngày 1-1-2009 đến 14-1-2012. Ông A. có 2 tháng 10 và tháng 11-2011 không đóng BHTN theo quy định; tháng 1-2012, ông A. bị chấm dứt hợp đồng lao động. Như vậy, mức trợ cấp thất nghiệp mà ông A. được hưởng bằng tiền lương đóng BHTN bình quân của 6 tháng: tháng 5, 6, 7, 8, 9 và 12-2011.


NLĐ bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp vào những ngày của tháng đang hưởng thì có được hưởng trợ cấp thất nghiệp của cả tháng đó hay không?


- NLĐ bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thuộc một trong các trường hợp: không trực tiếp thông báo hằng tháng với trung tâm giới thiệu việc làm về việc tìm kiếm việc làm theo quy định hoặc bị tạm giam. NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị tạm dừng hưởng trong 2 trường hợp nêu trên vào những ngày của tháng đang hưởng thì vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp của cả tháng đó.


Không được truy lĩnh


Theo ông Trần Xuân Hải, NLĐ bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được hưởng trở lại trong trường hợp: NLĐ vẫn trong khoảng thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định và tiếp tục thực hiện thông báo hằng tháng với cơ quan lao động về việc tìm kiếm việc làm; NLĐ vẫn trong khoảng thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp sau thời gian bị tạm giam. Tuy nhiên, NLĐ sẽ không được truy lĩnh thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp bị tạm dừng.


MAI THANH

Theo nld.com.vn

 

CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy