Đòi lương, nhận được... lời hứa!
Người lao động sẵn sàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp nhưng đi làm mà không có lương thì lấy gì sống?
“Từ tháng 7 đến tháng 12-2011, công ty chỉ cho tôi ứng tiền lương từ 1 triệu đến 2 triệu đồng/tháng. Tôi đã nhiều lần khiếu nại nhưng chỉ nhận được lời hứa suông từ phía lãnh đạo công ty. Mong cơ quan chức năng sớm can thiệp để tôi được nhận lương”. Đây là bức xúc của anh Mạc Phúc Nguyên, nhân viên dịch thuật của Công ty TNHH Truyện Trí Việt (số 9 Ngô Gia Tự, phường Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một - Bình Dương) có văn phòng đại diện ở phường Đa Kao, quận 1-TPHCM.
Chỉ cho tạm ứng một phần
Không chỉ anh Nguyên mà còn gần 20 nhân viên dịch thuật, thiết kế đồ họa, biên tập viên làm việc tại Công ty TNHH Truyện Trí Việt cũng bị công ty này nợ tiền lương từ tháng 7 đến tháng 12-2011 với số tiền mỗi người từ 15,6 triệu đến 21,8 triệu đồng. Do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn nên hằng tháng, công ty chỉ cho nhân viên tạm ứng một phần tiền lương, có lúc 2 tháng mới trả được 1 tháng lương.
Anh Nguyễn Chí Liêl đang trình bày bức xúc với phóng viên Báo Người Lao Động
Lúc đầu, biết công ty gặp khó khăn, nhân viên đã đồng ý nhận tiền tạm ứng nhưng liên tiếp nhiều tháng không được trả lương đầy đủ khiến đời sống của họ rất khốn khó. Trong tháng 12-2011, nhân viên đã nhiều lần kiến nghị nhưng không được giải quyết. “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp nhưng đi làm mà không có lương thì lấy gì sống? Tiền nhà, tiền điện, tiền nước… đâu có ai cho chúng tôi nợ?” - anh Phan Tại Hiếu than thở.
Còn tại Công ty TNHH Phân phối Phát Việt, trụ sở ở Hà Nội, có chi nhánh tại số 378/2 Điện Biên Phủ, phường 11, quận 10-TPHCM, chị Phan Thị Thanh Hà cũng bị công ty “giam” gần 10 triệu đồng tiền lương. Dù chị đã nhiều lần khiếu nại nhưng công ty vẫn không thanh toán. Anh Nguyễn Chí Liêl, công nhân Công ty TNHH ERE Sài Gòn (số 207/63 Hồ Học Lãm, quận Bình Tân-TPHCM), cũng bị công ty nợ 1 tháng lương với số tiền gần 6 triệu đồng.
Điệp khúc “hứa”
Anh Đinh Văn Tiến, nhân viên bảo vệ thuộc Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ vệ sĩ chuyên nghiệp Hoàng Long Hải (phường An Phú, thị xã Thuận An - Bình Dương), bị đơn vị này nợ 4,1 triệu đồng tiền lương từ tháng 10-2011 đến nay. Anh Tiến đã nhiều lần từ TPHCM đến công ty ở Bình Dương để đòi lương nhưng chỉ nhận được… lời hứa.
Đến cuộc hẹn lần thứ 7, ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc công ty, khẳng định sẽ trả tiền lương vào sáng 16-1-2012. Đúng hẹn, anh Tiến đến công ty nhưng vẫn không có tiền. Đến trưa 16-1, ông Hùng lại đề nghị anh Tiến đợi đến cuối giờ chiều. Anh Tiến đợi đến 19 giờ ngày 16-1 rồi lại ra về tay không!
Còn vụ việc tại Công ty TNHH Truyện Trí Việt, trao đổi với chúng tôi, ông Lai Hải Vân, giám đốc điều hành, cho biết công ty đã họp và giải thích với nhân viên là do nguồn tiền về chậm nên chưa chi trả tiền lương cho nhân viên. Ông Vân cũng than thở bản thân ông cũng bị công ty nợ gần 1 năm tiền lương. Tiếp nhận thông tin phản ánh từ cơ quan chức năng, ông Vân hứa sẽ… báo cáo với HĐQT để giải quyết. Ông Vân cho biết dự kiến công ty sẽ thanh toán 3 tháng tiền lương, số còn lại sẽ thanh toán dứt điểm sau Tết nhưng cụ thể vào thời điểm nào thì… chưa biết!
Đối với trường hợp của chị Hà, bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Trưởng Phòng Hành chính Nhân sự Chi nhánh TPHCM của Công ty TNHH Phân phối Phát Việt, cho biết công ty đang làm việc với chị Hà để giải quyết vấn đề tiền lương. Chị Hà cho biết công ty có mời chị đến làm việc và hứa sẽ sớm trả lương cho chị.
Luật sư Cao Thế Luận, Công ty Luật Phạm Nghiêm:
Khởi kiện ra tòa
Pháp luật lao động quy định người lao động làm việc phải được trả lương đầy đủ theo thỏa thuận. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì có thể chậm trả lương nhưng cũng không được quá 1 tháng. Nếu doanh nghiệp không thực hiện thỏa thuận đã giao kết, người lao động có quyền tiến hành các bước thủ tục khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi.
Bài và ảnh: Trường Hoàng
Theo nld.com.vn