Trách nhiệm thuộc doanh nghiệp cuối cùng.
Sau bài viết Rắc rối trợ cấp thôi việc đăng trên Báo Người Lao Động ngày 11-10 nhiều bạn đọc thắc mắc về quy định trợ cấp thôi việc. Bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công Sở LĐ-TB-XH TPHCM, nói rõ thêm về vấn đề này
Người lao động tại SPT mỏi mòn chờ trợ cấp thôi việc. Ảnh: BẢO NGHI
Phóng viên: Hiện nay, quy định trợ cấp thôi việc (TCTV) được tính như thế nào?
- Bà Nguyễn Thị Dân: Kể từ ngày 1-1-2009, khi chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có hiệu lực, chế độ TCTV cũng thay đổi. Theo đó, tại khoản 2 điều 41 Nghị định 127/CP của Chính phủ quy định thời gian người lao động (NLĐ) thực tế làm việc theo các bản hợp đồng lao động (HĐLĐ) với người sử dụng lao động mà không phải đóng BHTN thì được tính để xét hưởng TCTV, trợ cấp mất việc. Như vậy, thời gian để tính TCTV là tổng thời gian làm việc thực tế tại doanh nghiệp (DN) trừ thời gian đã đóng BHTN.
NLĐ làm việc ở nhiều công ty Nhà nước chuyển công tác trước ngày 1-1-1995 thì đơn vị nào trả TCTV?
- NLĐ làm việc ở nhiều công ty Nhà nước do chuyển công tác trước ngày 1-1-1995, thời gian làm việc để tính TCTV là tổng thời gian đã làm việc cho các công ty Nhà nước. Tiền lương làm căn cứ tính TCTV cho NLĐ ở từng DN là tiền lương, tiền công theo HĐLĐ được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt HĐLĐ ở công ty Nhà nước cuối cùng. Công ty Nhà nước cuối cùng có trách nhiệm chi trả toàn bộ số tiền TCTV cho NLĐ, kể cả phần TCTV thuộc trách nhiệm chi trả của công ty Nhà nước mà NLĐ đã làm việc trước khi chuyển công tác trước ngày 1-1-1995, sau đó gửi thông báo yêu cầu hoàn trả số tiền đã được chi trả hộ.
Bà có thể nói rõ hơn hướng dẫn của Bộ Tài chính về vấn đề này? Nếu DN cuối cùng gửi thông báo mà DN trước đó không trả thì sao?
- Bộ Tài chính chỉ hướng dẫn việc hoàn trả TCTV cho công ty Nhà nước cuối cùng đã chi hộ cho công ty Nhà nước mà NLĐ đã làm việc do chuyển công tác trước ngày 1-1-1995 nhưng đã giải thể tại thời điểm công ty Nhà nước cuối cùng giải quyết TCTV. Còn đối với công ty Nhà nước vẫn còn tồn tại (mà hiện nay là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) hoặc chuyển đổi hình thức sở hữu thì vẫn có trách nhiệm hoàn trả lại TCTV cho công ty Nhà nước cuối cùng. Trường hợp các DN này không hoàn trả theo quy định thì công ty Nhà nước cuối cùng có thể khởi kiện tại tòa án để được giải quyết theo luật định.
Trường hợp sau khi sáp nhập, hợp nhất, chia tách; chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý hoặc quyền sử dụng tài sản DN mà NLĐ thôi việc, mất việc thì đơn vị nào có trách nhiệm thanh toán TCTV cho thời gian NLĐ đã làm việc trước đó mà chưa lĩnh TCTV?
- Theo quy định tại điều 31 Bộ Luật Lao động, trong các trường hợp này, người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm giải quyết TCTV, mất việc cho NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ.
Quy định TCTV trong Nghị định 44/CP, Thông tư 21 và Thông tư 17 của Bộ LĐ-TB-XH áp dụng như thế nào khi hiện nay không còn 100% DN Nhà nước nữa?
- Tuy hiện nay không còn loại hình DN Nhà nước nhưng trong quá trình tái cơ cấu DN thì vẫn còn loại hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động theo Luật DN. Những DN này vẫn thuộc đối tượng thực hiện theo cách tính TCTV đối với trường hợp NLĐ làm việc ở nhiều công ty Nhà nước do chuyển công tác trước ngày 1-1-1995.
Nhiều lao động đã có quyết định điều động công tác, chuyển công tác từ đơn vị hành chính sự nghiệp sang công ty TNHH, công ty liên doanh, công ty cổ phần thì TCTV được tính như thế nào?
- Theo quy định, kể từ ngày Bộ Luật Lao động có hiệu lực thi hành 1-1-1995 không còn áp dụng chế độ chuyển công tác đối với NLĐ làm việc theo chế độ HĐLĐ. Do đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về TCTV không quy định việc chuyển công tác trong các trường hợp nêu trên. Vì vậy, nếu DN chuyển công tác NLĐ không đúng quy định thì các đơn vị có liên quan cần phối hợp để thống nhất hướng chi trả TCTV cho NLĐ phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
TRƯỜNG HOÀNG thực hiện
Theo nld.com.vn