Ngắc ngoải chờ phá sản.

Thủ tục phá sản doanh nghiệp nhiêu khê và thanh lý tài sản kéo dài khiến hy vọng đòi quyền lợi công nhân rất mong manh


“Gần 4 năm qua, chúng tôi đã phải mỏi mòn chờ thanh lý tài sản doanh nghiệp (DN), nay tài sản được thanh lý thì vẫn phải tiếp tục chờ”. Nhiều công nhân (CN) Công ty Vina Haeng Woon Industry (100% vốn Hàn Quốc, quận 8-TPHCM) đã than phiền như vậy khi nhận được thông báo của cơ quan thi hành án.


Công nhân Công ty Vina Haeng Woon Industry hoang mang khi chủ bỏ trốn. Ảnh: MINH ĐỨC


Hy vọng mong manh


Tháng 10-2008, do làm ăn thua lỗ, bà Noh Yeon Hong, Giám đốc Công ty Vina Haeng Woon Industry, đã bỏ trốn khi còn nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH của CN hơn 3,5 tỉ đồng. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, LĐLĐ quận 8 - TPHCM đã được tập thể CN ủy quyền yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản công ty để có cơ sở giải quyết quyền lợi. Mãi đến ngày 27-4-2009, TAND TP mới có quyết định mở thủ tục phá sản và 2 tháng sau mới ban hành quyết định thành lập tổ quản lý, thanh lý tài sản công ty.


Thế nhưng việc thanh lý tài sản DN vẫn giậm chân tại chỗ do vướng nhiều thủ tục dẫn đến máy móc, thiết bị ngày càng xuống cấp. Trước tình hình này, tổ quản lý, thanh lý tài sản đề nghị TAND TP áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là bán đấu giá toàn bộ tài sản của công ty. Đến ngày 15-11-2011, TAND TP mới có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Mất thêm 7 tháng nữa, việc bán đấu giá tài sản của công ty mới hoàn tất. Khi ấy, tổng số tiền thu được chỉ được hơn 1,9 tỉ đồng và CN nhận được thông báo tiếp tục chờ!


Rắc rối thủ tục nhận quyền lợi


Đầu tháng 6-2012, nhận được tin việc bán đấu giá tài sản DN hoàn tất, CN rất phấn chấn. Càng mừng hơn khi thấy LĐLĐ quận 8 - TPHCM mời CN lên làm thủ tục hưởng quyền lợi. Thế nhưng vụ việc lại nảy sinh rắc rối khác vì sau một thời gian dài bỏ việc, phần lớn CN không còn lưu lại bất kỳ giấy tờ nào để chứng minh mình đã từng làm việc tại DN.


Bà Đỗ Thị Mỹ Dung, cán bộ chuyên trách LĐLĐ quận 8, cho biết: “Thời điểm giám đốc bỏ trốn, công ty có khoảng 700 CN. Chúng tôi đã nỗ lực tìm được danh sách bảng lương của CN, song bảng lương này không được DN đóng dấu nên không có giá trị pháp lý để làm căn cứ giải quyết quyền lợi CN”. Không nản lòng, đầu tháng 6-2012, LĐLĐ quận liên tục thông báo trên các phương tiện truyền thông đề nghị CN cung cấp hồ sơ nhưng đến nay số CN đến bổ sung chỉ vỏn vẹn 100 người. “Vụ việc kéo dài quá lâu khiến CN chán nản. Nay tiền thanh lý tài sản đã có nhưng nếu không đáp ứng đầy đủ yêu cầu, họ cũng khó nhận được quyền lợi. Tập thể CN rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng”- ông Huỳnh Ngũ Há, Chủ tịch LĐLĐ quận 8 - TPHCM, kiến nghị.


Vụ việc tại Công ty Haeng Woon Industry cho thấy trình tự thủ tục xử lý DN chủ bỏ trốn quá nhiêu khê, từ đó ảnh hưởng đến việc giải quyết quyền lợi chính đáng, hợp pháp của CN. Ngay cả khi việc thanh lý tài sản đã hoàn tất, CN cũng rất khó khăn trong việc nhận quyền lợi vì thiếu cơ sở pháp lý (hợp đồng lao động, sổ BHXH). Một cán bộ LĐLĐ quận 12 -  TPHCM bức xúc: “Từ năm 2008 đến nay, đặc biệt là trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, trên địa bàn TPHCM có hàng ngàn DN đóng cửa, giải thể, ngừng hoạt động, chủ DN bỏ trốn. Điều này dẫn đến quyền lợi của hàng chục ngàn người lao động (NLĐ) bị đe dọa mất trắng. Thế nhưng, điều đáng nói là đến giờ này, các cơ quan chức năng vẫn không có giải pháp nào hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi NLĐ”.


LUẬT SƯ ĐẶNG ANH ĐỨC, ĐOÀN LUẬT SƯ TP HÀ NỘI:


Đơn giản hóa thủ tục mở phá sản doanh nghiệp


Thực tế tại Công ty Vina Haeng Woon Industry cho thấy việc “khai tử” DN hết sức nhiêu khê. Với các DN có chủ bỏ trốn, nếu tổ chức Công đoàn (đại diện cho quyền lợi NLĐ) yêu cầu, tòa án nên sớm có quyết định mở thủ tục phá sản nhằm đẩy nhanh tiến trình giải quyết quyền lợi NLĐ. Song  song đó, các cơ quan như Sở LĐ-TB-XH, BHXH cần hợp tác chặt chẽ với Công đoàn trong việc thu thập hồ sơ, chứng minh quá trình làm việc của NLĐ tại DN.


KHÁNH CHI

Theo nld.com.vn

 

CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy