Tùy tiện đuổi người.

Nhiều doanh nghiệp vô cớ cho người lao động nghỉ việc, vi phạm các quy định của pháp luật lao động.


“Vào ngày 1-10, tôi đến công ty làm việc thì bị ông Baptiste Amarger, giám đốc nhà máy, ngăn cản không cho vào. Đồng thời, ông Baptiste ký thông báo chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) và yêu cầu tôi rời khỏi nhà máy ngay lập tức. Sau đó, tôi được tổng giám đốc công ty thông báo HĐLĐ vẫn còn hiệu lực. Thế nhưng, khi trở lại làm việc, giám đốc nhà máy lại tiếp tục gây khó và không cho tôi làm việc…”. Chị Phan Thị Ngọc Thư, Công ty Armapex (KCN Long Thành - huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), cho biết.


Không ưa thì đuổi


Chị Thư bắt đầu làm việc tại công ty từ năm 2007 với chức danh kế toán trưởng, rồi giám đốc hành chính nhân sự. “Trong một lần, tôi đề nghị ông Baptiste cộng thêm 2 ngày phép cho những công nhân làm việc trong môi trường độc hại theo quy định của công ty nhưng ông Baptiste không đồng ý. Từ đó, giữa tôi và ông Baptiste phát sinh mâu thuẫn” - chị Thư nói.


Ông Baptiste Amarger (giữa) làm việc với phóng viên

tại Tòa soạn Báo Người Lao Động. Ảnh: BẢO NGHI


Đến ngày 1-10, ông Baptiste thông báo chấm dứt HĐLĐ với chị Thư nhưng vài ngày sau lại yêu cầu chị Thư vào làm việc. Đến hẹn, chị Thư vào công ty thì lại nhận được thông báo đề nghị… tiếp tục nghỉ việc để luật sư các bên thương lượng. Ngày 22-10, chị Thư trở lại làm việc thì được ông Baptiste giao cho cập nhật nội quy lao động nhưng lại không cho sử dụng các tiện ích văn phòng như trước đây.


“Ông Baptiste liên tục gây áp lực với tôi như tổ chức họp, thỏa thuận hỗ trợ tôi 3 tháng lương, trả tiền lương 45 ngày báo trước với điều kiện tôi phải nghỉ việc… Tôi không đồng ý với cách hành xử này” - chị Thư cho biết. Không chỉ thế, ông Baptiste còn yêu cầu chị Thư giải trình nhiều việc, trong đó có việc “gửi khiếu nại đến cơ quan báo chí”.


Ngày 7-11, trả lời khiếu nại của chị Thư, ông Baptiste cho biết đã 3 lần đề nghị chị Thư không cần đến công ty làm việc mà vẫn được trả lương đến ngày 31-12 và trả thêm 45 ngày lương hỗ trợ tìm việc, trả tiền trợ cấp thôi việc và các chế độ khác theo quy định của pháp luật nhưng chị Thư không đồng ý. Tuy ông Baptiste không nói cụ thể lý do cho chị Thư nghỉ việc nhưng qua những gì ông trình bày và diễn biến vụ việc cho thấy đơn giản chỉ vì ông “không ưa” chị Thư.


Hành xử bất nhất


Trường hợp anh Đặng Quốc Hùng, Công ty Khôi Nguyễn, quận Thủ Đức - TPHCM, cũng bị xử lý tùy tiện. Anh Hùng ký HĐLĐ xác định thời hạn từ ngày 1-5 đến 31-12-2012 với công việc nhân viên giới thiệu sản phẩm. Đến ngày 27-10, công ty đột ngột lập biên bản cho anh Hùng nghỉ việc với lý do “không đến công ty làm việc trong 4 ngày, không thanh toán tiền cho công ty khi khách hàng đã trả tiền”.


Anh Hùng khẳng định: “Tôi không hề nghỉ việc, mà trong thời gian này tôi đi tìm hiểu việc tiêu thụ sản phẩm của khách hàng. Còn việc nợ tiền thì lại càng không có, chẳng qua là do khách hàng chưa thanh toán tiền đã mua sản phẩm”. Sau khi làm việc với Báo Người Lao Động, ngày 20-11, Công ty Khôi Nguyễn đã rút quyết định cho anh Hùng thôi việc, đồng thời mời anh Hùng trở lại làm việc.


Thế nhưng, công ty không bố trí công việc cũ theo hợp đồng mà lại chuyển anh sang làm thủ kho. Bà Nguyễn Thị Định, giám đốc công ty, giải thích do anh Hùng vi phạm nội quy công ty với các lỗi như: nghỉ 4 ngày không xin phép, không thanh toán tiền đầy đủ và kịp thời nên phải điều chuyển công việc khác. Anh Hùng cho biết: “Tôi không đồng ý với kiểu hành xử bất nhất, kỳ quặc như vậy”.


Mới đây, Báo Người Lao Động cũng nhận được khiếu nại của nhiều nhân viên Công ty Thế giới ăn vặt (quận Phú Nhuận - TPHCM) về việc không được ký HĐLĐ, cho nghỉ việc hàng loạt chỉ bằng miệng và không giải quyết các chế độ theo quy định. Về việc này, bà Dương Nguyễn Hồng Phượng, trưởng phòng tổ chức hành chính công ty, thừa nhận khi nhận người lao động vào làm việc hai bên chỉ thỏa thuận miệng. Vừa qua, do công ty kinh doanh không hiệu quả nên phải cho người lao động nghỉ việc. Do khi tuyển dụng chỉ thỏa thuận miệng nên lúc cho nghỉ việc cũng chỉ nói miệng (?!)


LUẬT SƯ CAO THẾ LUẬN, CÔNG TY LUẬT PHẠM NGHIÊM:


Bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau


Về nguyên tắc, quan hệ lao động là bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và tuân thủ pháp luật. Các tranh chấp xảy ra thường là do doanh nghiệp và đôi khi là người lao động bỏ qua các nguyên tắc, hành xử tùy tiện. Điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp ổn định, phát triển là phải tuân thủ pháp luật. Thử hình dung một doanh nghiệp suốt ngày phải lo giải quyết khiếu nại, tố cáo; phải đi hầu kiện thì làm sao có thể tập trung cho sản xuất, kinh doanh; chưa kể còn bị tai tiếng, khách hàng từ bỏ?


TRƯỜNG HOÀNG

Theo nld.com.vn

 

CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy