Nắng thì ngủ, mưa thì nghỉ...

Giám đốc một doanh nghiệp quan sát và thấy trong ca làm việc 8 giờ, công nhân chỉ thực sự làm việc có... 5 giờ. Thời gian còn lại họ la cà uống nước, đi vệ sinh, nói chuyện...

 

Năng suất, chất lượng, tác phong công nghiệp luôn là quan tâm hàng đầu của

công nhân Công ty Bao bì giấy Liksin. Ảnh: HUỲNH NGA


Mới đây, khi làm việc với chúng tôi về khiếu nại của một công nhân (CN) bị xử lý kỷ luật do thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ, ông Võ Văn Danh, Giám đốc Công ty Việt Hà (quận 12 - TPHCM), than thở: “Cái cô này tôi không cho nghỉ việc là may. Một tháng có 26 ngày công mà cô ấy đi trễ hết 25 ngày. Hôm thì do trời mưa, hôm thì kẹt xe, bữa lại ngủ quên, lần khác thì xẹp bánh xe giữa đường...”. Rồi vui chuyện, ông kể “những câu chuyện cười ra nước mắt” mà những người lao động ở công ty đã gây ra cho mình.


Bỏ việc đi ăn cưới


Tháng 9 vừa qua, công ty nhận được một đơn hàng gấp. Do tình hình sản xuất khó khăn nên kiếm được đơn hàng là mừng. Ông Danh tính toán: Nếu huy động tối đa lực lượng tại chỗ, mỗi tuần tăng ca 3 tối thì trong 2 tuần sẽ hoàn thành đơn hàng. Đem chuyện này ra bàn với các phân xưởng thì mọi người đều nhất trí. Vậy là triển khai làm ngay. Công việc trôi chảy được 10 ngày đầu, đến tuần thứ hai, mọi thứ sắp sửa hoàn thành thì xảy ra sự cố.


Hôm đó là thứ bảy, theo lịch thì CN sẽ tăng ca đến 21 giờ. Nhà bếp đã chuẩn bị cơm nước, các bộ phận phục vụ cũng sẵn sàng. Thế nhưng, đến 17 giờ thì có 50 CN kéo lên văn phòng xin không tăng ca. Hỏi lý do thì họ bảo phải đi ăn đám cưới một người bạn đồng hương. Có người còn bảo làm việc thì cả đời, còn cưới hỏi thì chỉ có một lần, công ty không cho họ cũng nghỉ. “Tôi chỉ còn biết lắc đầu.


Họ không hề nghĩ rằng nếu không kịp giao hàng thì chính chén cơm của họ sẽ bị ảnh hưởng vì công ty vừa phải bồi thường, mà đối tác cũng sẽ mất niềm tin. May mà hôm sau là chủ nhật nhưng nhiều CN đã tình nguyện làm thêm để kịp giao hàng. Nếu chị là giám đốc doanh nghiệp (DN), chị có bực mình không? Có tiếp tục tuyển dụng những CN ấy khi hợp đồng của họ hết hạn không? Ai nói thì tôi chịu chứ nhất định tôi sẽ ghi nhớ tên những CN ấy” - ông Danh không giấu vẻ buồn bực.


Chưa hết, ông giới thiệu cho tôi gặp một người bạn ở quận Bình Tân: “Anh bạn tôi còn khốn khổ hơn nhiều”.


Vừa làm vừa chơi


Theo lời giới thiệu của giám đốc Công ty Việt Hà, tôi đến gặp ông T.V.T, giám đốc một doanh nghiệp chế biến thực phẩm ở quận Bình Tân. Vị giám đốc này là một người dễ tính và khá hài hước. Vừa nghe tôi đề cập chủ đề “tác phong công nghiệp của CN”, ông cười ha hả: “Cái đó là hàng xa xỉ ở đây. Mà nói chung, CN mình ở đâu cũng luộm thuộm như vậy cả. Tôi nhớ hồi lâu lắm rồi có nghe bà chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn ví von: Tác phong của CN mình là “nắng ngủ, mưa nghỉ, mát trời đi chơi”. Tôi nghe thấy rất đúng và rất thích”.


Ông kể mới vừa rồi, có gần 30 CN của ông tự dưng biến mất. Thấy cả khu vực vắng hoe trong giờ sản xuất, ông hỏi thì không ai biết, cả tổ trưởng cũng không thấy mặt. Tìm hiểu ngọn nguồn, ông mới biết là cả tổ đã kéo nhau đi Long An ăn đám giỗ! Họ đi mà không hề xin phép, không hề nhắn nhủ một lời. “May mà hôm đó là ngày không phải sơ chế nguyên liệu tươi sống chứ nếu không, tôi lỗ sặc máu”- ông T.V.T khôi hài.


Rồi ông cho tôi xem một bảng ghi chép: Trong một lần, ông đã cắt cử người bí mật quan sát CN làm việc và ghi chép, bấm giờ cẩn thận. Kết quả cho thấy: Trong ca làm việc 8 giờ, CN chỉ thực sự làm việc có... 5 giờ. Thời gian còn lại thì họ la cà uống nước, đi vệ sinh, đi lấy nguyên phụ liệu, ngưng việc để nói chuyện... Tôi còn được xem một tài liệu khá thú vị của phòng nhân sự: Những hôm trời mưa thì cả công ty đi làm trễ; có người trễ 2  giờ dù trời đã tạnh mưa lâu rồi. Chờ tôi xem xong, giám đốc T. mới nói: “Công ty tôi có 300 CN mà quản lý còn mệt mỏi; những nơi khác có cả chục ngàn, chắc là khổ lắm”.


Chất lượng lao động thấp nhất khu vực


Theo kết quả khảo sát “Thiếu hụt lao động kỹ năng ở Việt Nam” do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) phối hợp với Tập đoàn Manpower tiến hành mới đây tại 6.000 DN, các DN đánh giá chất lượng lao động Việt Nam nằm trong nhóm 10% thấp nhất của khu vực. Những điểm yếu của lao động Việt Nam là thiếu hiểu biết về công nghệ và khả năng sáng tạo; thiếu khả năng thích nghi với công nghệ mới; không có kỹ năng... Còn theo chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2009 - 2010, năng suất lao động của Việt Nam đứng thứ 75/133, trong khi Thái Lan là 36, Malaysia là 24 và Singapore là 3.


HOÀI PHƯƠNG

Theo nld.com.vn

 

CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy