Nhọc nhằn đời công nhân thoát nước.

Ngâm mình trong dòng nước đen ngòm, hứng đủ thứ mùi hôi thối của bùn rác, chất thải; những công nhân thoát nước đang âm thầm làm việc để khơi thông dòng chảy, giảm ngập cho TP.


Từ sáng sớm, công nhân (CN) Xí nghiệp Thoát nước lưu vực Đông TPHCM đã tập trung để bắt đầu một ngày vớt bùn ở cống dọc tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, quận 2 - TPHCM. Nắp cống vừa mở, mùi bùn hôi xộc lên, vậy mà các anh vẫn điềm nhiên lội xuống dòng nước đặc sệt, đen quánh...


“Riết rồi cũng quen”


Vừa trầm mình dưới mương nước, anh Võ Văn Lượm chỉ tay vào dòng nước đen ngòm cười nói: “Đây là công việc hằng ngày của chúng tôi. Chui từ mương này sang mương khác, hố ga này sang hố ga khác, cống này sang cống khác riết rồi cũng quen. Thấm thoát mà tôi làm CN thoát nước được 10 năm rồi đó”.Anh Lượm ở dưới cầm cái ky xúc bùn đổ vào thùng, còn anh Nguyễn Minh Trí ở phía trên chuyển thùng bùn đổ vào thùng nhựa lớn. Một thùng, 2 thùng, rồi 3 thùng... Những ky bùn nặng trĩu, dính đầy mảnh giẻ rách, túi ni lông, rác thải sinh hoạt... Khi nào lưng mỏi, chân tê, họ đổi vị trí cho nhau. Giữa cái nắng gay gắt ban trưa nhưng không thấy được dòng mồ hôi của họ vì cả người đều ướt nước cống đen.


Công nhân thoát nước đang nạo bùn dưới lòng mương trên đường Nguyễn Duy Trinh, quận 2 - TPHCM


Tới giờ nghỉ trưa, họ chia nhau vào nhà dân dọc 2 bờ cống để xin nước rửa. Dưới một tán cây bên đường, bữa trưa của họ được bày ra. Vừa ăn cơm, họ vừa kể cho nhau nghe chuyện công việc, gia đình, con cái... Anh Huỳnh Hữu Chấn kể ngoài duy tu, bảo vệ ống cống và chống ngập, ứng cứu lũ, công việc thường ngày của CN thoát nước là dọn các loại rác thải như bùn đất, đá, túi ni lông, chai lọ… trên các hố ga, dưới cống, mương, kênh để khơi thông dòng chảy.Tiến độ công việc tùy theo lượng rác. Hố ga ở ven đường thì mất một buổi, một ngày nhưng với những hố ga gần các công trình xây dựng, khu công nghiệp, nhà hàng, khu chợ thì phải mất cả tuần lễ mới xong, không chỉ bởi lượng rác lớn mà còn có mùi thối rất khủng khiếp.


Gắn bó với nghề


Hơn 19 năm làm CN thoát nước, anh Lương Văn Phước không còn nhớ nổi đã bao nhiêu lần ngụp lặn dưới những dòng nước đen ngòm và hôi hám. “Dân thoát nước chúng tôi suốt ngày ngâm mình dưới đủ thứ nước thải như phân, rác rưởi hôi thối, thậm chí là xác chết động vật. Mỗi lần đi làm về, dù tắm rửa kỳ cọ 2 - 3 lần nhưng vẫn còn mùi hôi tanh, có khi da nổi mẩn ngứa, sần sùi” - anh Phước cho biết.


Đối với CN thoát nước, ngán nhất là nước ở các lò bún vì có tắm chanh, trầu, bạc hà, xà phòng loại xịn cũng không thể nào hết mùi tanh, hôi rất khó chịu. Còn nguy hiểm nhất là khi lội xuống những hố ga, lòng cống có kim tiêm, miểng chai hay hóa chất. “Hiểu được tính chất nguy hiểm của công việc nên ban giám đốc xí nghiệp, Công đoàn luôn đôn đốc, nhắc nhở CN sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động, còn chúng tôi luôn ý thức cẩn thận khi làm việc nên cũng chưa xảy ra trường hợp đáng tiếc nào” - anh Chấn nói.


Cực nhọc, hiểm nguy là thế nhưng những CN thoát nước nói về công việc của họ thật nhẹ nhàng: “Quen rồi”. Anh em kể đến nỗi đi đường, mắt họ lại theo thói quen mà “ngó nghiêng” xem có nắp ga nào nhô lên, miệng thu nước nào bị ngập rác không?… CN trong Xí nghiệp Thoát nước lưu vực Đông TPHCM, người có thâm niên làm việc ít nhất cũng đã 4-5 năm dù tuổi đời còn rất trẻ.Anh Trí đã làm được 5 năm, anh Lượm 10 năm, còn anh Chấn thì đã 14 năm gắn bó và ngày ngày chạy xe 20 km để đến hiện trường. Rồi có những CN do “cha truyền con nối” như gia đình anh Phước. Cha anh Phước cũng làm CN thoát nước, giờ con trai và con rể anh Phước cũng theo nghề này. Anh bảo: “Ngành thoát nước ngày càng tiến bộ, phát triển hơn thì cho con cái theo nghề cũng tốt chứ sao”.


Vất vả, hiểm nguy là thế nhưng mong ước của những công nhân thoát nước thật giản dị: Mong mọi người hãy góp sức giữ gìn hệ thống thoát nước, không xả rác, không lấn chiếm kênh rạch, không bít lấp hố ga; đặc biệt là phát hiện, ngăn chặn việc lấy cắp các nắp hố ga, bảo đảm cho việc tiêu thoát nước và an toàn đi lại cho mọi người.


Bài và ảnh: PHAN ANH

Theo nld.com.vn

 

CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy