Vươn lên sống tốt.

Dù bị mất mát một phần thân thể nhưng các chị đã vượt qua khó khăn, thách thức để trở lại làm việc, sống có ích cho đời.


“Sau tai nạn, ai cũng sợ tôi không qua khỏi; nếu còn sống thì phải mang thương tật suốt đời. Tôi cũng nghĩ tới điều đó, nhiều lúc thấy hoang mang nhưng rồi tôi tự động viên mình phải vượt qua để mà sống”- chị Nguyễn Dương Quế Phượng, công nhân Công ty Nước ngầm Sài Gòn, kể lại những tháng ngày đau buồn sau tai nạn vào năm 2009.


Không chùn bước


Tai nạn sập nền ập đến khi mọi người đang quây quần tổ chức các hoạt động của công ty làm một người chết và rất nhiều người bị thương. Chị Quế Phượng bị thương nặng nhất với 4 xương sườn bị nứt, bể mâm chày, hoại tử cơ đùi, bể xương chậu… Mức độ thương tật đến 59%.


“Tôi tỉnh dậy trong trạng thái mơ hồ và thấy toàn thân đau nhức khủng khiếp. Tất cả mọi người đều mừng vui khi tôi đã trở về từ cõi chết”- chị Phượng cho biết. Hơn 1 năm nằm viện và phải chịu nhiều đau đớn khi trải qua 6 lần phẫu thuật, sức khỏe của chị dần hồi phục. Tuy nhiên, sự tổn thất về tinh thần thì không dễ gì lành được. “May mà có cơ quan, đồng nghiệp hỗ trợ nên tôi cũng yên tâm phần nào”- chị Phượng xúc động.


Sức khỏe hồi phục nhưng chị không được đi lại nhiều. Ban giám đốc công ty và Công đoàn thể hiện sự quan tâm khi chuyển chị Phượng từ bộ phận kế toán qua bộ phận hành chính để không lên xuống lầu. Ở vị trí mới, chị Phượng vẫn là một nhân viên năng nổ, hết mình với công việc.


Còn sống, còn hy vọng


Năm 2009, trong một lần đi làm về, chị Hồ Vũ Thanh Hương (Công ty Daimonya Việt Nam, quận 10 - TPHCM) bị tai nạn giao thông. Chị được đưa vào bệnh viện trong trạng thái hôn mê vì chấn thương sọ não. Chị hôn mê suốt 9 ngày ở bệnh viện, cha mẹ chị khóc hết nước mắt vì sợ con không qua khỏi. Nhưng đến khi chị tỉnh dậy, mẹ chị lại khóc nhiều hơn vì sợ con không thể trở lại bình thường sau tai nạn. “Lúc ấy tôi chỉ biết khóc, nắm tay mẹ thật chặt như bảo với mẹ là con còn sống thì còn hy vọng. Cả nhà cũng phải hy vọng để giúp con vượt qua”- chị kể.


Bà Phạm Thị Hoa, Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ TPHCM, trao quà cho nữ CNLĐ bị tai nạn lao động


Sau đó, hộp sọ của chị được gửi đến Bệnh viện 175 để nuôi, sau 3 tháng mới ráp lại. “Nhớ lại, tôi vẫn còn kinh khiếp với chính mình nhưng may mắn đã mỉm cười khi tôi khỏe lại, trí nhớ ổn định. Càng may mắn hơn khi công ty vẫn nhận tôi trở lại làm việc với vị trí kiểm hàng. Đã từng đối diện với cái chết nên tôi càng thấy yêu cuộc sống này hơn”- chị Hương bộc bạch.


Vượt qua nỗi sợ hãi


“Có những lúc tôi tưởng mình không thể nào vượt qua. Nhưng nhớ đến đứa con trai nhỏ rất cần mẹ, tôi tự bảo mình phải sống, phải phấn đấu đến khi nào còn có thể”- chị Bùi Thị Điệp, công nhân Công ty Viên Tâm (quận 12- TPHCM), tâm sự.

 

Rời Quảng Ngãi vào TPHCM làm công nhân, cuộc sống tuy thiếu thốn nhưng vợ chồng chị Điệp rất hạnh phúc khi đón đứa con trai chào đời. Nhưng hạnh phúc thật ngắn ngủi. Con trai mới 25 ngày tuổi, chồng chị ra đi vĩnh viễn sau cơn đột quỵ ở tuổi 27. Người mẹ trẻ ấy chỉ biết ôm con khóc hết nước mắt mà không biết những ngày sắp tới của hai mẹ con sẽ ra sao.


Gửi con lại cho gia đình nội nuôi, chị quay vào TPHCM tiếp tục làm công nhân tại Công ty May Sài Gòn để kiếm tiền gửi về quê nuôi con. Nhưng bất hạnh lại ập xuống khi trong một lần ép keo, chị Điệp đưa tay gỡ một mảnh keo thì bị máy cuốn mất 3 ngón tay. Suốt một tháng ở bệnh viện, hình ảnh con lúc nào cũng ám ảnh chị Điệp. Chị sợ mình bị tàn phế, sợ con bơ vơ… “Chính nỗi sợ hãi ấy đã làm cho tôi nung nấu quyết tâm phải vượt qua mọi khó khăn, thử thách để sống, làm việc và lo cho con”- chị Điệp tâm sự.


Sau khi ra viện, chị phải tập luyện với 2 ngón tay còn lại để làm công việc cũ. Tuy nhiên, sau đó, nhớ con quá, chị phải xin nghỉ việc về quê. “Về quê tuy được ở gần con nhưng công ăn việc làm không ổn định, không thể nào lo nổi cho con nên cuối cùng tôi lại phải xa con để vào TPHCM. Tôi được Công ty Viên Tâm nhận vào làm việc với thu nhập ổn định. Tôi biết mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người nên sẽ cố gắng làm việc thật tốt để có đủ tiền nuôi con”.


Bà Phạm Thị Hoa, Trưởng Ban Nữ Công LĐLĐ TPHCM: Tạo cơ hội cho các chị làm việc, cống hiến


Dù bị tai nạn, mất mát một phần thân thể nhưng các chị vẫn vươn lên sống tốt, sống có ích. Không những thế, nhiều chị còn trở lại làm việc và quyết tâm trở thành những công nhân giỏi, nhân viên xuất sắc.


Tổ chức Công đoàn TP xin cảm ơn gia đình đã tiếp thêm sức mạnh cho các chị, doanh nghiệp tạo cơ hội cho các chị được làm việc, cống hiến và thấy mình có ích.


Bài và ảnh: Hồng Đào

Theo nld.com.vn

CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy