Dù được cảnh báo, vẫn cứ ... chết bất ngờ!
Lại thêm 2 cái chết bất ngờ và thương tâm xảy ra mới đây tại công trình xây dựng tòa nhà Nam Đô Complex (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Ý thức của công nhân và an toàn lao động là rất quan trọng.
Có nhiều lý do giải thích, nhưng dễ thấy nhất, đó là thực trạng người lao động không được trang bị các thiết bị bảo hộ đảm bảo cũng như kiến thức, ý thức về an toàn lao động.
Giỡn với tử thần
Qua tìm hiểu của PV, hầu hết các công trình xây dựng tại thủ đô, đặc biệt là các công trình nhỏ hoặc khuất lấp trong khu dân cư đều không đảm bảo quy định an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và các quy định về che chắn an toàn.
Điển hình là vụ tai nạn gần đây dẫn đến cái chết của 2 công nhân tại tòa nhà Nam Đô (rơi từ tầng 16) là kết cục dễ thấy của tình trạng tắc trách, mà ở đó có cả lỗi của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động.
Có mặt tại công trình thi công 2 tầng nằm sâu trong ngõ 240 Khương Đình, chúng tôi mới thấy được phần nào sự coi thường của chủ xây dựng và NLĐ với sự an toàn của những người xung quanh. Dù công trình thi công nằm sát với con đường hẹp (rộng chưa đầy 1,5m), trong khi bên trên thợ vẫn đang thi công không có thiết bị bảo hộ lao động, công trình không được che chắn ra phía ngoài đường khiến người dân luôn lo lắng.
Vụ tai nạn xảy ra hồi đầu tháng 6 vừa qua tại công trình xây dựng trên đường Tây Sơn chính là hậu quả của sự bất tuân thủ những quy định bảo đảm an toàn trong xây dựng. Một cột gỗ lớn bất ngờ tuột dây giằng, rơi thẳng xuống người chị H, khiến chị bất tỉnh tại chỗ. Nhờ được chạy chữa kịp thời nên chị H đã may mắn thoát chết.
Khi được hỏi về quy định bảo đảm ATVSLĐ, một công nhân tên là Nguyễn Văn Thịnh (quê Hà Nam) gạt phắt: “Ôi dào, quy định gì chứ, người ta công trình lớn mới phải đảm bảo, chớ mình có 1-2 tầng tí tẹo này, mang chỉ thêm vướng”. Một công nhân khác đang thi công tại công trình thiếu đảm bảo ATVSLĐ trên đường Khương Đình cho biết: “Thực ra, mình cũng biết đôi chút về quy định an toàn trong xây dựng, nhưng công trình thì nhỏ, mang những dây dợ thêm vào người chỉ tổ lằng nhằng, càng khó xử lý hơn”.
Khi NLĐ coi thường an toàn bản thân
Theo thống kê gần đây, phần đông NLĐ- đặc biệt là LĐ tại các công trình thi công nhỏ- đều là lao động tự do, không được đào tạo cũng như hướng dẫn về quy định an toàn trong xây dựng, bởi vậy, trong quá trình làm việc, họ phải chịu nhiều rủi ro. Thường thì đến khi tai nạn xảy ra, trách nhiệm của chủ xây dựng mới được nhắc đến.
Tại hội thảo “Tăng cường an toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao tại Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, Bộ LĐTBXH cũng chỉ ra những nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng gia tăng các vụ tai nạn, trong đó, tai nạn xây dựng luôn chiếm tỉ lệ cao: Tốc độ đô thị hóa nhanh; đa phần các Cty xây dựng thuộc dạng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các đơn vị xây dựng tư nhân thiếu quan tâm đến công tác ATVSLĐ; lực lượng thanh tra lao động mỏng, chưa có điều kiện thường xuyên thanh tra tất cả các đơn vị...
Theo ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động - việc xử lý các chủ thầu vi phạm quy định ATVSLĐ, cũng như tăng cường thanh tra tại các công trình xây dựng vi phạm cũng chỉ là xử lý phần ngọn, mà căn nguyên sâu xa nhất, chính là làm sao thay đổi được ý thức tuân thủ, kỷ luật của NLĐ, có như vậy mới hạn chế được tình trạng tai nạn lao động hiện nay, bởi theo ông Thắng: “Bản thân NLĐ cũng không hề quan tâm đến quyền lợi và sự an toàn cho chính mình, thì thử hỏi, ai có thể bảo vệ thay được cho họ?”.
Theo laodong.com.vn