Tư vấn pháp luật để bảo vệ người lao động.
Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 25.12, Hội nghị Đoàn Chủ tịch (ĐCT) Tổng LĐLĐVN (TLĐ) bước sang ngày làm việc thứ 2, bàn nhiều nội dung quan trọng trong việc chỉ đạo những vấn đề lớn trước Đại hội XI - CĐVN, trong đó đặc biệt là công tác tư vấn pháp luật (TVPL) để bảo vệ quyền lợi NLĐ.
Theo đánh giá chung qua gần 20 năm TVPL cho đoàn viên và NLĐ, các cấp công đoàn đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, công tác TVPL cũng còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, nhiều nơi còn bị động, "ngại" đại diện NLĐ tranh tụng trước toà án...Vì vậy, tại hội nghị này ĐCT đã bàn bạc, xác định sự cần thiết, những tồn tại hạn chế, yếu kém để tìm nguyên nhân, nhằm định hướng cho hoạt động TVPL và trợ giúp pháp lý của CĐ trong nhiều năm tới.
Chưa đáp ứng thực tiễn
Theo Phó Chủ tịch TLĐ Mai Đức Chính: “CĐVN hoạt động tuy đa dạng, phong phú, nhưng “nhiệm vụ chính” thực chất xoay quanh 3 lĩnh vực là “đoàn viên, đoàn phí và pháp luật”. Qua gần 20 năm TVPL cho đoàn viên và NLĐ, các cấp CĐ đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi cho họ. Xác định rõ “tầm vóc” của công tác TVPL, tháng 12.2010, ĐCT TLĐ đã ban hành NQ 04/NQ-ĐCT về “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác TVPL của tổ chức CĐ trong tình hình mới”, nhằm đẩy mạnh hoạt động này trong quá trình CNH-HĐH đất nước...”.
Hiện toàn hệ thống CĐVN có 13 trung tâm TVPL và 35 văn phòng TVPL, gồm 272 cán bộ làm công tác TVPL trực thuộc các trung tâm và văn phòng TVPL; 482 tổ TVPL với 2.628 tư vấn viên... Chỉ tính năm 2011 và 10 tháng đầu năm 2012, hoạt động TVPL CĐ đã thực hiện 70.866 vụ việc (tăng trung bình 11.000 vụ việc/năm), trong đó TVPL và hỗ trợ pháp lý 54.908 vụ việc về pháp luật LĐ và CĐ; trực tiếp tranh tụng 2.551 vụ để bảo vệ NLĐ...
Kết quả: Có 1.381 NLĐ được nhận trở lại làm việc; tổng số tiền đoàn viên và NLĐ được bồi thường đạt trên 21 tỉ đồng. Tuy nhiên - theo các uỷ viên ĐCT TLĐ - kết quả trên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là trong bối cảnh nền KT-XH đất nước và khu vực có nhiều biến động ảnh hưởng đến quan hệ LĐ, đòi hỏi công tác TVPL phải được đổi mới và nâng cao hơn nữa.
Mặc dù mục tiêu NQ 04 là: Đến 2013 phủ kín TVPL ở tất cả các cấp CĐ gồm 4 loại hình: Trung tâm, văn phòng, tổ và chuyên viên TVPL. Thế nhưng, đến tháng 10.2012, vẫn còn 15/83 LĐLĐ địa phương và CĐ ngành chưa có bộ máy TVPL; 33/83 LĐLĐ địa phương và CĐ ngành chưa có trung tâm hoặc văn phòng TVPL. Thậm chí, một số nơi còn không chịu duy trì trung tâm TVPL (như LĐLĐ Đồng Tháp, CĐ Than - Khoáng sản).
Đã thế, hiện chỉ có 75/272 cán bộ có trình độ cử nhân luật, khiến chất lượng công tác TVPL giảm hẳn; chưa kể không ít nơi còn bị động trong công tác TVPL (chỉ thực hiện khi NLĐ yêu cầu); có nơi còn “ngại” đại diện NLĐ tranh tụng trước tòa...
Những nguyên nhân chính
Đến tháng 10.2012, vẫn còn 15/83 LĐLĐ địa phương và CĐ ngành chưa có bộ máy TVPL; 33/83 LĐLĐ địa phương và CĐ ngành chưa có trung tâm hoặc văn phòng TVPL. Thậm chí, một số nơi còn không chịu duy trì trung tâm TVPL. Có 75/272 cán bộ có trình độ cử nhân luật Tại hội nghị, các đại biểu phân tích: Công tác TVPL và trợ giúp pháp lý cho NLĐ chưa thu hút được nhiều cán bộ biên chế của CĐ có trình độ cử nhân luật trở lên là bởi họ không được hưởng 30% phụ cấp dành cho cán bộ đảng - đoàn thể (theo QĐ số 05 của Bộ Chính trị) cũng không được hưởng 25% phụ cấp công vụ như cán bộ công chức... Vì vậy, hầu hết các trung tâm phải cộng tác với những người có kiến thức pháp luật (luật gia, luật sư) để thực hiện nhiệm vụ.
Các luật gia, luật sư chỉ thực hiện công việc theo vụ việc hoặc theo thời gian chứ không mang tính chất thường xuyên. Đối với những vụ án cần thuê mướn luật sư, CĐ vẫn phải dùng nguồn kinh phí cho phép (rất eo hẹp) chi trả. Do vậy, để có đủ kinh phí duy trì hoạt động, không ít trung tâm đã phải nhận luôn những vụ việc tranh chấp dân sự, hình sự, kinh tế, thậm chí cả dịch thuật... Đây cũng là nguyên nhân khiến công tác TVPL cho NLĐ giảm chất lượng, thiếu hấp dẫn.
Bởi các lẽ trên, khi hội nghị nêu chỉ tiêu dự kiến của Đại hội CĐVN lần thứ XI là: 100% các LĐLĐ tỉnh, thành, CĐ ngành T.Ư trực thuộc TLĐ thành lập văn phòng hoặc trung tâm TVPL cho NLĐ, thì các uỷ viên ĐCT TLĐ đều cho rằng nên tuỳ tình hình thực tế, có nơi đông CNLĐ nên phát triển trung tâm TVPL; có nơi chỉ cần thành lập văn phòng TVPL. Các uỷ viên ĐCT thống nhất cần kiến nghị Ban Tổ chức T.Ư cho phép CĐ tăng biên chế tại các trung tâm, văn phòng TVPL và những cán bộ ở đây cũng được hưởng chính sách 30% theo QĐ số 05, và 25% phụ cấp công vụ.
Về việc này, Chủ tịch TLĐ Đặng Ngọc Tùng kết luận: “Đây là hoạt động quan trọng bảo vệ quyền lợi NLĐ, nên sẽ đưa ra xin ý kiến tại hội nghị BCH TLĐ diễn ra trong 3 ngày 26, 27, 28.12”.
GS-TS Lê Vân Trình – Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam
Nên đổi tư vấn pháp luật thành trợ giúp pháp lý
Trợ giúp pháp lý (TGPL) là hướng dẫn cách ứng xử cho phù hợp pháp luật. Đặc trưng của tư vấn pháp luật công đoàn (CĐ) khác với tư vấn pháp luật dân sự khác ở chỗ không thu phí, và phải đảm bảo hài hòa lợi ích các bên để cùng tồn tại.
Tóm lại, mục đích hoạt động của các trung tâm tư vấn pháp luật CĐ hiện nay chính là TGPL nhằm duy trì quan hệ LĐ. Về tên gọi, tư vấn pháp luật với TGPL có điểm khác nhau: Tư vấn pháp luật là cung cấp dịch vụ pháp luật (có thu phí), còn TGPL nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng yếu thế (Điều 10 – Luật Trợ giúp pháp lý) và không thu phí. Với hình thức hoạt động của mình, tôi đề nghị dùng tên gọi Trung tâm TGPL mới đúng bản chất.
Hiện nay một số tỉnh, địa phương có nhiều KCN-KCX với lượng lớn NLĐ nhập cư làm việc trong các DN FDI (nơi dễ phát sinh nhiều mâu thuẫn trong quan hệ LĐ) thì rất cần đến hoạt động TGPL tích cực của tổ chức CĐ. Nhưng ở một số tỉnh, địa phương nhỏ, số lượng NLĐ ít, những vấn đề liên quan đến quan hệ LĐ không nhiều, thì CĐ chỉ cần thành lập các Văn phòng TGPL hoặc các tổ TGPL trực thuộc Ban Chính sách pháp luật.
Còn các thành phần khác như phụ nữ, người già cô đơn, người dân tộc, trẻ em, người vô gia cư... nếu có bị “bắt nạt” thì lại thuộc các ngành và đoàn thể khác chăm lo, CĐ không nên “bao sân”. Vì vậy, không cần phủ kín 100% trung tâm tư vấn pháp luật ở các LĐLĐ tỉnh, thành, hoặc CĐ ngành T.Ư, mà nên tập trung ở những nơi có lượng lớn NLĐ. Những nơi có từ 20.000 NLĐ đến dưới 100.000 NLĐ thì nên thành lập văn phòng TGPL; còn tập trung từ 100.000 NLĐ trở lên mới thành lập trung tâm TGPL.
Nhóm PV ghi
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính:
Cần điều chỉnh chính sách
Đối với cán bộ biên chế của tổ chức CĐ ở những đơn vị sự nghiệp ai cũng được hưởng phụ cấp ưu đãi 30% theo QĐ 05/QĐ/BCT “phụ cấp của cán bộ đảng - đoàn thể”. Các trung tâm TVPL của CĐ có tư cách pháp nhân đầy đủ, cũng là đơn vị sự nghiệp, nhưng căn cứ QĐ 05 thì những cán bộ CĐ làm việc ở đây lại không phải đối tượng hưởng 30%. Ví dụ, một cán bộ LĐLĐ cấp tỉnh đang hưởng 30% phụ cấp, nhưng khi được điều sang làm giám đốc trung tâm TVPL thì sẽ mất ngay khoản phụ cấp 30% này.
NĐ 43 của Chính phủ về “quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính” đã xác định 3 loại đơn vị sự nghiệp, bao gồm: Đơn vị sự nghiệp được hỗ trợ 100% kinh phí; đơn vị sự nghiệp được hỗ trợ 50%; đơn vị sự nghiệp phải tự lo 100% kinh phí. Các trung tâm TVPL của CĐ phục vụ NLĐ miễn phí nên thuộc loại được ngân sách hỗ trợ 100%.
Vì thế, cán bộ LĐLĐ được điều về trung tâm làm việc (từ CBCC biến thành VC) kiến nghị phải sửa đổi chính sách để cho anh em đỡ thiệt thòi. Theo tôi, trong phần dự toán về tiền lương của cán bộ CĐ cần đưa 30% phụ cấp ưu đãi cán bộ đảng - đoàn thể vào, đồng thời cho anh em hưởng luôn 25% phụ cấp công vụ, như vậy mới thu hút được cán bộ làm công tác TVPL.
Nhóm PV ghi
Theo laodong.com.vn