Quy định thuê lao động lỏng lẻo, người lao động chịu thiệt.

Cần quy định cụ thể trách nhiệm của bên cho thuê và bên thuê lại lao động để bảo đảm quyền lợi của người lao động.


Anh Trần Hoàng Cơi, làm việc tại Công ty Bánh kẹo Vina Miền Đất Ngọt (huyện Hóc Môn - TPHCM),

nạn nhân của việc cho thuê lại lao động, đang khiếu nại đòi lương. Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG


Chưa bao phủ hết đối tượng


Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, để thận trọng hơn trong áp dụng luật, dự thảo nghị định quy định việc cho thuê lại lao động chỉ thực hiện ở 14 công việc. Đó là phiên dịch, thư ký - trợ lý hành chính, lễ tân, hướng dẫn viên du lịch, hỗ trợ bán hàng, hỗ trợ dự án, tin học văn phòng, kế toán, điện - điện tử, người trông coi và vệ sinh chuyên nghiệp, dạy học, kinh doanh, tiếp thị và bảo vệ.


Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng quy định này chưa phù hợp với thực tế. Ông Đào Ngọc Hoàng dẫn chứng: Hiện Đồng Nai có 30 DN đang hoạt động cho thuê lại lao động. Công việc của người lao động (NLĐ) chủ yếu là bốc vác, chế biến gỗ, xây dựng, may mặc, giày da, bánh kẹo… Do vậy, cần mở rộng danh mục công việc nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động.


Cũng theo ông Hoàng, nếu không phủ hết đối tượng, DN sẽ tìm cách lách luật. Việc này không chỉ gây khó khăn trong quản lý mà còn gây thiệt thòi cho NLĐ nếu có tranh chấp. Trên thực tế, đã có nhiều vụ tranh chấp xảy ra mà cơ quan quản lý Nhà nước không với tới được.


Điển hình là mới đây, nhiều công nhân làm việc tại một công ty bánh kẹo ở huyện Hóc Môn - TPHCM bị nợ lương nhưng không biết kêu ai. Trong vụ việc này, giữa DN cho thuê và DN thuê lại lao động đùn đẩy trách nhiệm cho nhau; NLĐ năm lần bảy lượt đòi lương, phúc lợi nhưng bất thành.


NLĐ thua thiệt đủ đường


Một bất cập khác được nhiều đại biểu đưa ra bàn luận là quy định về trách nhiệm của DN cho thuê và DN thuê lại lao động chưa rõ ràng. Ông Nguyễn Văn Thạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Dịch vụ Xuất khẩu lao động và chuyên gia Suleco, băn khoăn: “Giả sử khi NLĐ bị tai nạn lao động thì DN cho thuê hay DN thuê lại lao động chịu trách nhiệm đền bù, hỗ trợ? Mặt khác, có chế tài cụ thể nào để DN cho thuê không trốn tránh trách nhiệm này?”.


Đồng quan điểm, ông Yooung Mo, chuyên gia Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nhận định: “Dự thảo nghị định chưa quy định về trách nhiệm trong quan hệ tiền lương, an toàn lao động và việc ký quỹ giữa các bên. Nếu DN bỏ trốn, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm trả cho NLĐ?”- ông Yooung Mo đặt vấn đề.


Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM, nhìn nhận việc xác định trách nhiệm của các DN trong trường hợp NLĐ bị rủi ro, chẳng hạn như bị tai nạn lao động là rất quan trọng. Thực tế, đã có nhiều trường hợp khi xảy ra tai nạn lao động, cả DN cho thuê và DN thuê lại lao động đều đùn đẩy trách nhiệm.


“Do đó, nhất thiết phải quy định rõ ràng và cụ thể trách nhiệm của từng DN đối với NLĐ. Bên cạnh đó, cần quy định thêm trách nhiệm của các cơ quan địa phương đối với những trường hợp bị tai nạn lao động, tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể…” - ông Xê kiến nghị.


Theo NLĐ

CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy