Chàng kỹ sư bán bánh.

Mai Trường Giang đã chứng minh cho mọi người thấy nếu có hoài bão, dám dấn thân thì sẽ thành công.


Ấn tượng bởi bài thuyết trình của Mai Trường Giang tại hội thảo Xu hướng khởi nghiệp năm 2013 do Viện Đào tạo khởi nghiệp tổ chức, tôi tìm đến tiệm bánh của chàng giám đốc trẻ này. Xuất hiện trước mắt tôi là một chàng trai trong trang phục quần jeans, áo pull giản dị.


“Lắng nghe ý kiến khách hàng là điều tôi làm hằng ngày. Những ngày đầu, để tiếp xúc với khách, tôi còn kiêm luôn thợ làm bánh, giữ xe, thu ngân, giao hàng” - Mai Trường Giang, Tổng Giám đốc Công ty CP Khuông Việt, chủ của chuỗi cửa hàng nhượng quyền Chewy Junior tại Việt Nam, tiết lộ.


Mai Trường Giang tại tiệm bánh của mình

Học để thoát nghèo


Lớn lên từ một xã nghèo của tỉnh Trà Vinh nhưng Giang may mắn khi gia đình ý thức được việc học hành của con. Từ năm lớp 7, Giang phải ra thị trấn ở trọ để học. Tự lập từ nhỏ nên chàng trai nghèo rất kiên cường trước mọi khó khăn. Năm 2003, Giang đỗ vào Học viện Bưu chính Viễn thông với số điểm khá cao làm nức lòng cha mẹ, họ hàng.


Học được 1 năm rưỡi, băn khoăn trước môi trường học tập cũng như sở thích của mình, Giang xin tạm ngưng. “Khi tôi thông báo việc tạm ngưng học, bạn bè cho rằng tôi bị khùng, còn ba mẹ thì quá sốc, cứ khóc suốt” - Giang kể. Giang đi học ngoại ngữ để tìm cơ hội du học nước ngoài.


Mọi cố gắng đã được đền đáp khi Giang trúng tuyển vào một trường công lập ở Singapore với mức học bổng 80%. Mỗi tháng, phải đóng thêm hơn 1.000 đô la Singapore cùng chi phí ăn ở, sinh hoạt khác trong khi không có tiền nhưng với quyết tâm học để thoát nghèo, chàng trai miền Tây vẫn lên đường với số tiền ít ỏi trong túi cha mẹ cho. Làm thời vụ, bán hàng, phục vụ nhà hàng… là công việc Giang chọn để trang trải chuyện học hành.


“Có khi tôi phải phục vụ suốt 24 giờ. Khi bước chân ra khỏi khách sạn, đôi chân tôi tê cứng không nhúc nhích nổi. Trong các bạn cùng đi làm, nhiều người đã bỏ cuộc vì không chịu nổi nhưng tôi luôn nhủ mình phải cố gắng vì không còn con đường khác” - Giang tâm sự.


Ra trường, làm đúng nghề xây dựng đã học được 8 tháng, Giang chọn thêm công việc làm thêm là môi giới bất động sản. 23 tuổi, thu nhập 10.000 đô la Singapore mỗi tháng, Giang có thể có cuộc sống sung túc nơi xứ người nhưng anh nhận thấy “hình như mình vẫn chưa đi đúng”.


Đứng lên từ thất bại


Một lần đi ngang qua tiệm bánh Chewy Junior, thấy nhiều người đang đứng xếp hàng mua, Giang tự hỏi: “Tại sao người ta chịu khó xếp hàng chỉ để mua bánh?”. Anh cũng đến mua và mang về cho bạn bè thưởng thức, ai cũng tấm tắc khen ngon. Một ý định lóe lên trong anh chàng trẻ tuổi này: “Sao mình không mang cơ hội thưởng thức chiếc bánh ngon đến người Việt?”.


Làm một bảng chiến lược, Giang tìm đến ông chủ tiệm bánh để trình bày. Bị thuyết phục bởi tài ăn nói cũng như sự thành tâm của một chàng trai Việt trẻ tuổi, chủ tiệm bánh đồng ý. Kêu gọi bạn bè, người thân và sự giúp đỡ của gia đình, Giang gom góp được 1,4 tỉ đồng, một số tiền quá nhỏ để nhượng quyền một thương hiệu nổi tiếng nhưng ông chủ chấp nhận cho Giang trả dần hằng tháng.


Không như những chiếc bánh su khác, bánh Chewy Junior được làm từ loại bột ngon, phủ bên trên sô-cô-la, mứt, phô mai…, vị không quá đắng cũng không quá ngọt đã chinh phục nhiều khách hàng khó tính. Tuy nhiên, do xác định sai đối tượng khách hàng, ông chủ trẻ đã vấp phải thất bại. Bánh mang đến tiếp thị ở các trường đại học, sinh viên đều mê nhưng không có ai mua khiến cửa hàng của Giang lỗ cả trăm triệu đồng mỗi tháng.


“Lúc ấy, tôi nhận ra mình sai vì sinh viên thì thích bánh thật nhưng không có nhiều tiền để trả cho một cái bánh là 9.000 đồng. Tôi nhận ra văn hóa của người Việt là không thể mua một cái bánh để ngồi ăn một mình. Tôi đã thiết kế nhiều set với những cái bánh nhỏ. Nhân viên văn phòng hay bất người nào cũng có thể đến mua để mời đồng nghiệp, người thân cùng chia sẻ. Lần này tôi đã đi đúng hướng” - Giang hào hứng.


Từ một cửa tiệm ban đầu ở quận 1 - TPHCM, bánh Chewy Junior đã có mặt trên khắp cả nước với 13 cửa hàng. Nhận xét về ông chủ của mình, chị Mai Thị Thúy Kiều cho biết: “Mỗi ngày, anh Giang đều hỏi: Hôm nay khách đến mua loại nào nhiều, thái độ của họ như thế nào? Làm việc cùng anh, chúng tôi cũng học hỏi được nhiều điều từ sự lắng nghe khách hàng”.


“Sắp tới, tôi sẽ cho ra lò những chiếc bánh su ngon với giá thấp hơn để người bình dân, người nghèo vẫn có thể thưởng thức được” - Giang khẳng định.


Bài và ảnh: HỒNG ĐÀO

Theo nld.com.vn

CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy