Khốn đốn vì bị nợ lương.

Hàng loạt doanh nghiệp khó khăn, thu hẹp sản xuất hoặc ngưng hoạt động khiến người lao động điêu đứng, đời sống lao đao trong những ngày giáp Tết.


Gần 1 năm nay, nhãn hiệu giấy, bao bì Minh Việt Long gần như vắng bóng trên thị trường. Từ một doanh nghiệp (DN) có tiếng tại quận 6 - TPHCM, hiện Công ty Minh Việt Long chỉ sản xuất cầm chừng với 25 lao động, hơn 100 người do không thể cầm cự đã phải nghỉ để tìm việc khác.


Lay lắt chờ việc


Dù là những ngày cuối năm, cao điểm của ngành in, bao bì nhưng hoạt động sản xuất của Công ty Minh Việt Long tại cơ sở 168/9 Lê Đình Cẩn, quận Bình Tân - TPHCM vẫn chỉ “cầm hơi”. Ghé thăm công ty những ngày đầu tháng 1-2013, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Nhà xưởng với diện tích 700 m2, được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị nhưng chỉ có 12 công nhân (CN) làm việc; máy móc phần lớn “trùm mền” do không có đơn hàng. Hình ảnh này khác xa với cảnh cách đây 1 năm khi công ty nhận rất nhiều đơn hàng Tết, phải tuyển thêm CN.


Không có việc làm ổn định, anh Huỳnh Văn Thoại, công nhân Công ty Sae Hwa Vina,

phải nhận sửa chữa đồ điện tử để kiếm sống. Ảnh: VĨNH TÙNG


Tiếp xúc với chúng tôi, ông  Bùi Thanh Vàng, giám đốc công ty, thừa nhận: “DN gặp rất nhiều khó khăn nên chắc chắn sẽ không có thưởng Tết”. Anh Lê Thành Danh, một trong những CN còn “trụ lại”, buồn rầu: “Có những thời điểm công ty chỉ có thể trả lương từng ngày cho CN”.


Đây cũng là tình cảnh chung của 200 CN phân xưởng nhuộm Công ty Sae Hwa Vina (100% vốn Hàn Quốc; huyện Củ Chi - TPHCM). Sáng 7-1, CN đến nhận lương nhưng đành thất vọng ra về vì công ty tiếp tục hẹn đến ngày 14-1. Từ đầu tháng 12-2012 đến nay, gần 200 CN phân xưởng nhuộm lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Do không có việc làm, không có lương, anh Tạ Quang Vịnh (quê Kiên Giang) và nhiều CN phải xin làm phụ hồ, giữ xe để có tiền trang trải. Công việc thời vụ không ổn định nên thu nhập rất bấp bênh. Nhìn cái bụng vợ ngày một lớn, anh Vịnh không khỏi lo lắng. “Bác sĩ nói khoảng 3 tuần nữa thì vợ tôi sinh nên tôi rất lo. Muốn đưa vợ về quê thì không biết đào đâu ra tiền. Công ty cứ hẹn hoài như vầy thì CN càng khổ” - anh Vịnh tâm sự.


Ở phòng cạnh bên, anh Huỳnh Văn Thoại cũng đang lúi húi sửa lại chiếc đầu máy cho khách hàng để kiếm thêm thu nhập mà tâm trạng rối bời. Là thợ điện chính song cả tháng nay, Thoại phải nghỉ chờ việc trông lương, ai kêu gì sửa đó.


Suốt 1 năm qua, trụ sở Công ty CP Xây dựng 6 (quận 6 - TPHCM) cũng “vắng như chùa Bà Đanh”. Cả công ty hiện chỉ còn 3 người: Giám đốc, chủ tịch Công đoàn và kế toán. Những lao động còn lại đều xin nghỉ không lương vì công ty không có hợp đồng và nợ lương nhiều tháng trời.


Bà Trần Thị Kim Vân, chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết: “Đầu tháng rồi, tôi mới được nhận ứng lương 2 triệu đồng cho tháng 4-2012. Kể từ tháng 6-2011, hơn 10 lao động của công ty chỉ được nhận ứng lương. Đến nay, công ty nợ 8 tháng lương và phần còn lại của 10 tháng lương ứng, khả năng Tết này chúng tôi cũng không có thưởng Tết. Cuối tháng 1 này, tôi đến tuổi hưu nhưng với tình hình nợ lương, nợ BHXH như vậy thì không biết làm sao để chốt sổ BHXH được”.


Bị mất việc, “giam” lương


Tết đã cận kề nhưng không khí ở khu nhà trọ CN Công ty TNHH Nông hải sản - Xây dựng - Thương mại Viễn Thắng nằm trên đường An Dương Vương, phường 13, quận 6, thật buồn. Không ai còn có tâm trạng nghĩ đến Tết và cũng không có cơ hội ăn Tết bởi công ty đã ngưng hoạt động từ đầu tháng 7-2012.


Hơn 6 tháng qua, do không có việc làm, gần 70 CN phải chật vật tìm việc. Người may mắn thì tìm được công việc thời vụ, song số đông phải trở về quê do nợ nần chồng chất. Không có việc đã đành, đến giờ này họ vẫn chưa được thanh toán tiền lương từ tháng 12-2011 đến lúc công ty ngưng hoạt động. Cố gắng cầm cự từ tháng này qua tháng khác với hy vọng công ty sẽ trả lương, khắc phục nợ BHXH nhưng rốt cuộc họ lại tiếp tục thất vọng. Anh Ngô Chí Bình than thở do bị mất việc và bị Công ty Viễn Thắng nợ lương nên anh phải làm đủ thứ việc để kiếm sống, từ đi giao hàng đến làm bồi bàn. Vợ anh may mắn hơn khi tìm được việc làm theo hợp đồng ngắn hạn nhưng chắc chắn không có tiền thưởng Tết.


Chị Bùi Thị Kim Phượng cũng cho biết 7 năm làm ở công ty, chị không nghĩ có ngày sẽ mất việc. Mấy năm trước, khi công ty còn làm ăn khấm khá, ngoài lương cơ bản, vợ chồng chị còn được lĩnh thêm hơn 5 triệu đồng tiền thưởng. Số tiền đó đủ để mua sắm, về quê đón Tết. Còn năm nay, không chỉ mất việc mà CN còn bị công ty “giam” lương. “Do giám đốc công ty cứ hứa hẹn nên chúng tôi ráng “đeo” theo nhưng càng ngày càng mất hết hy vọng. Tết của CN như chúng tôi chỉ trông chờ vào tiền thưởng, giờ thất nghiệp, làm thời vụ lay lắt kiếm từng đồng để trang trải cuộc sống hằng ngày nên không dám nghĩ đến Tết nữa” - chị Phượng buồn bã.


Trước kia, 10 hộ gia đình được ở trọ miễn phí, nay do khó khăn, lãnh đạo công ty sang nhượng lại khu trọ cho chủ khác nên mỗi hộ gia đình phải trả thêm tiền trọ 800.000 đồng/tháng. Hiện khu trọ chỉ còn 4 hộ gia đình trụ lại để chờ công ty trả lương, các gia đình khác đã chuyển đi hoặc về quê do không tìm được công việc mới.


Ít cơ hội tìm việc làm mới


Nhiều CN tại các DN nói trên cho biết khó khăn lớn nhất của họ chính là tìm việc làm mới, nhất là vào thời điểm cuối năm. Một số trung tâm giới thiệu việc làm cho biết  mọi năm, nếu CN bị mất việc, không có việc làm ổn định thì có thể xin làm phụ hồ. Còn hiện nay, hầu hết các công trình xây dựng đều bị đình đốn nên kiếm việc rất khó. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng cuối năm của các DN dệt may, giày da giảm mạnh, do vậy, cơ hội tìm việc làm mới của CN mất việc là không nhiều.

 

Nguy cơ không có Tết

 

Nhiều công nhân vì bị nợ lương, mất việc làm nên không còn bụng dạ nào nghĩ đến chuyện ăn Tết; số khác lặng lẽ rời nhà trọ, chờ sang năm mới trở lại tìm việc


Vừa lo kiếm việc làm tạm thời để sống qua ngày vừa chạy về công ty cũ nghe ngóng tình hình trả lương. Đó là tình cảnh của gần 40 công nhân (CN) Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đại Thắng Lợi (huyện Hóc Môn - TPHCM) trong nửa tháng qua. Trung tuần tháng 12-2012, sau khi tạm ứng một phần tiền lương tháng 11-2012 cho CN, ông Lâm Minh Quý, giám đốc công ty, thu dọn đồ đạc rồi bỏ trốn, đẩy hàng chục CN vào cảnh khốn cùng.


Trắng tay trước Tết


Tiếp chúng tôi trong một căn nhà trọ tại ấp Thới Tây 2, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, nhiều CN vẫn chưa hết “sốc” trước cách hành xử thiếu tình người của lãnh đạo công ty. Anh Lê Văn Quý (quê Kiên Giang) cho biết cách đây vài tháng, họ được ông Quý và bà Phan Thị Hoàng Lộc, phó giám đốc công ty, mời về làm việc.


Chị Phạm Thị Kim Phượng (phải), một trong số 40 công nhân bị Công ty Đại Thắng Lợi nợ lương.

Ảnh: HỒNG NHUNG


Thời gian đầu, công ty luôn trả lương đúng hạn nhưng từ đầu tháng 12-2012, mọi việc diễn ra theo chiều hướng xấu đi, nhất là khi những người góp vốn thành lập công ty mâu thuẫn nhau. Giữa tháng 12-2012, khi đến kỳ lương tháng 11-2012, nhiều CN rất háo hức song họ đã bị dội một gáo nước lạnh khi công ty liên tục hứa hẹn mà không giải thích rõ lý do. Vì quá bức xúc, đêm 24-12-2012, CN đã bao vây công ty, yêu cầu ban giám đốc giải quyết dứt điểm nợ lương. Trước áp lực của các cơ quan chức năng, 3 ngày sau đó, công ty mới chịu tạm ứng 47 triệu đồng.


Trong thời gian chờ giải quyết nốt phần nợ lương còn lại, CN chạy đôn chạy đáo tìm việc làm mới nhưng hầu hết đều thất vọng bởi rất ít doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng vào thời điểm cuối năm. Không tiền, không việc, lại lo mất luôn phần tiền lương còn lại, nhiều CN không còn bụng dạ nào nghĩ đến chuyện về quê đón Tết. Một CN nói: “Gọi điện về quê báo tin cho gia đình sẽ không về ăn Tết mà em thắt cả lòng. Mọi năm, cố gắng tằn tiện cũng mua được chút quà, vài cái áo cho cha mẹ; năm nay không ngờ lại rơi vào tình cảnh như vậy”.


Cách đây một tháng, 40 CN Công ty Long Đại Phát (quận 12 - TPHCM) cũng rơi vào cảnh trắng tay khi ông Bùi Đức Long, giám đốc công ty, bỏ trốn, xù 250 triệu đồng tiền lương.


“Sống dở, chết dở”


Tình trạng nhiều DN “chết lâm sàng”, không đủ khả năng trả lương, thưởng Tết cũng đẩy CN vào cảnh khốn khó. “Do sản xuất, kinh doanh không ổn định, nhiều DN thường xuyên chậm trả lương, không thưởng Tết khiến CN lao đao”- bà Nguyễn Thị Ánh Thu, Chủ tịch LĐLĐ huyện Củ Chi - TPHCM, cho biết.


Những ngày đầu năm 2013, tinh thần làm việc của gần 300 CN Công ty CP Vietstar JSC, huyện Củ Chi (100% vốn của Mỹ; chuyên xử lý, chế biến rác thải) hết sức uể oải. Ba  năm qua, do sản xuất, kinh doanh không thuận lợi, công ty lâm vào hoàn cảnh khốn đốn. Chia sẻ khó khăn với công ty, mới đây, gần 50 lao động đã tự nguyện giảm từ 30% đến 35% lương.


Nhưng điều đó cũng chẳng làm cho tình hình khá hơn. Mới đây, nghe công ty thông báo đến tháng 3-2013 mới có thể thưởng Tết, hàng trăm CN rất thất vọng bởi nguy cơ không có Tết đã hiển hiện. “Ngoài vận động giảm lương để san sẻ khó khăn, Công đoàn (CĐ) cơ sở chỉ có thể động viên CN bởi tình hình sản xuất không thuận lợi” – bà Hoàng Thị Kim Liên, Chủ tịch CĐ Công ty CP Vietstar JSC, buồn bã nói.


Không hy vọng có thưởng Tết


Lo âu cũng là tâm trạng của 50 CN Công ty Korea Fine Chemical, huyện Củ Chi (100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất, chế tạo khuôn mẫu đế giày) khi đến giờ này, DN vẫn chưa công bố thưởng Tết. Năm 2012, do gặp khó khăn, công ty phải cắt giảm 88 lao động, 50 lao động còn lại làm việc trong trạng thái bất an. Tại quận Bình Tân - TPHCM, do làm ăn thua lỗ, Công ty TNHH Sun Glory (100% vốn Đài Loan) quyết định đóng cửa khiến 44 CN mất việc trước Tết. Đón xe về quê mà nét mặt nữ CN Đoàn Thị Chanh buồn rười rượi. Chị cho biết: “Trước mắt, cứ về quê, đợi sau Tết sẽ quay trở lại TP tìm việc”.


Chiều 9-1, dù được tạm ứng thêm tiền lương tháng 11-2012 nhưng gần 200 CN phân xưởng nhuộm Công ty Sae Hwa Vina (huyện Củ Chi) vẫn không vui. Tiền lương được trả nhỏ giọt trong khi hy vọng thưởng Tết đã tắt dần, nhiều CN phải nghĩ đến  việc về quê để đỡ chi phí. Lúi húi dọn đồ đạc, anh Phan Thanh Giản thất vọng nói: “May mà chủ nhà trọ cho khất nợ, nếu không, có lẽ tất cả đã bị đẩy ra đường”.


Chủ động hỗ trợ công nhân mất việc


Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM, tác động của khủng hoảng kinh tế trong năm 2012 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình đời sống, việc làm của người lao động. Đã có hàng ngàn DN tại TPHCM giải thể, thu hẹp sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động. Trước tình hình trên, LĐLĐ TP đề nghị LĐLĐ các quận, huyện tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách; chi trả lương, thưởng, phúc lợi cho người lao động; chủ động tìm việc làm mới cho CN mất việc. Ông Hải cho biết nhờ sự chủ động này của các cấp CĐ, đến nay đã có 4.986 CN mất việc tìm được việc làm mới. Hiện các cấp CĐ TP đang thống kê danh sách CN mất việc do DN giải thể, ngừng hoạt động để có chính sách hỗ trợ, san sẻ khó khăn kịp thời.


NHÓM PHÓNG VIÊN

Theo nld.com.vn

CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy