Lạm dụng “điều chuyển”.
Vì muốn “ép” người lao động nghỉ việc, nhiều doanh nghiệp tùy tiện điều chuyển loanh quanh để người lao động nản chí.
“Tôi đang làm việc thì ngân hàng (NH) rút tôi về phòng tổ chức, hạ lương, sau đó chuyển tôi đến làm việc hết nơi này đến nơi khác…” - anh Tôn Thất Quang, Phó Giám đốc Phòng Phát triển sản phẩm, NH Thương mại CP Việt Á - NH Việt Á (quận 1 - TPHCM), phản ánh như trên trong đơn khiếu nại gửi LĐLĐ TPHCM và Báo Người Lao Động mới đây.
Điều chuyển … chóng mặt!
Năm 2009, anh Tôn Thất Quang vào làm việc cho NH Việt Á với chức danh chuyên viên phòng phát triển sản phẩm. Đến tháng 8-2010, anh được bổ nhiệm phó giám đốc phòng phát triển sản phẩm. Làm việc tại vị trí mới chưa được bao lâu thì đến tháng 3-2011, anh bị rút về phòng nhân sự để chờ bố trí công tác khác mà không hề có lý do. Đến ngày 5-9-2011, NH Việt Á tiếp tục điều động anh về nhận nhiệm vụ tại Chi nhánh Chợ Lớn. Quyết định chưa ráo mực thì ngày 6-9-2011, NH lại chuyển anh Quang về Phòng Giao dịch quận 7.
Anh Tôn Thất Quang bức xúc vì Ngân hàng Việt Á điều động không lý do, không thỏa thuận
Trước cách điều động khó hiểu trên, anh Quang gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng. Thay vì sửa sai, NH Việt Á lại tiếp tục ban hành quyết định điều anh về Phòng Giao dịch Phú Lâm vào tháng 2-2012. Chưa dừng lại ở đó, tháng 5-2012, NH này lại tiếp tục điều động anh về lại Chi nhánh Chợ Lớn. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi tháng 10-2012, NH Việt Á tiếp tục điều động anh đến nhận nhiệm vụ tại Chi nhánh Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
“Trong quá trình làm việc, tôi không hề vi phạm nội quy của NH, các quyết định điều chuyển không hề thỏa thuận, thương lượng với tôi, nhất là việc chuyển tôi lên Đắk Lắk, cách xa nhà hơn 400 km. Cách hành xử của NH khác nào cố tình trù dập, ép tôi phải nghỉ việc” - anh Quang bức xúc.
Làm việc với chúng tôi, ông Vũ Đức Hưng, Giám đốc nhân sự NH Việt Á, không chứng minh được việc điều động anh Quang là đúng pháp luật nhưng lại khẳng định: “NH đã thực hiện đúng và đầy đủ nội dung công việc theo hợp đồng lao động đã ký với anh Quang (?!)”.
Ép nghỉ việc không được thì… chuyển
Việc tùy tiện điều động nhưng không thỏa thuận với người lao động (NLĐ) đang xảy ra tại khá nhiều doanh nghiệp. Đáng nói nhất ngay cả lao động nữ đang mang thai cũng bị làm khó. Vụ việc vừa xảy ra tại Công ty KODA Sài Gòn (KCN Thuận Đạo, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) là một minh chứng.
Trong đơn khiếu nại gửi Báo Người Lao Động, chị Trần Thị Kim Yến, công nhân Công ty KODA Sài Gòn, cho biết trong lúc đang làm ở bộ phận may mặc, do tổ trưởng phân công việc khác không phù hợp nên chị bức xúc. Sau đó, công ty không bố trí làm việc và “gợi ý” chị Yến nếu muốn nghỉ việc thì làm đơn! Tiếp đến, công ty chuyển chị Yến sang công việc chà lót thuộc bộ phận gỗ.
“Công việc chà lót không phù hợp với tôi vì vừa nặng nhọc vừa độc hại do thường xuyên tiếp xúc với bụi, hóa chất, ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Với mong muốn được làm việc để có tiền nuôi con nhỏ và không ảnh hưởng đến đứa con còn trong bụng, tôi đề nghị công ty chuyển sang tổ bầu để làm việc nhẹ hơn nhưng công ty không đồng ý” - chị Yến cho biết. Giải thích về việc điều chuyển chị Yến, ông Doãn Quốc Bảo, Giám đốc nhân sự Công ty KODA Sài Gòn, nói tỉnh bơ: “Công ty điều động chị Yến sang bộ phận khác là do nhu cầu công việc”.
Làm cho nản chí để phải xin nghỉ
Anh Trần Trung Thanh làm việc tại Công ty Việt Hà (quận 11 - TPHCM) từ năm 2007 với chức danh kế toán trưởng. Năm 2011, trong một lần phát hiện công ty có sai sót về tài chính, anh mạnh dạn góp ý để công ty không vi phạm luật. Bề ngoài, giám đốc tỏ vẻ biết ơn anh và có thiện chí khắc phục nhưng bên trong lại ngầm gây khó.
Thoạt đầu, anh được chuyển sang làm phó phòng kinh doanh với lý do “là người hiểu rõ nguyên tắc tài chính nên có thể giúp bộ phận kinh doanh phát triển đúng hướng”. Hai tháng sau, anh lại được đưa về phòng tổ chức với chức danh chuyên viên cao cấp có nhiệm vụ “tham mưu cho ban giám đốc những vấn đề quan trọng về chiến lược kinh doanh”.
Anh Thanh “ngồi chơi xơi nước” ở phòng tổ chức gần 6 tháng mà không có cơ hội nào để “tham mưu”. Cuối cùng, anh đành chấp nhận đến làm việc ở xưởng sản xuất tại huyện Hóc Môn - TPHCM với chức danh “trợ lý sản xuất”. Tuy nhiên, với vị trí mới này, anh cũng chẳng có công việc gì để làm. Tháng 11-2012, anh làm đơn xin nghỉ việc. Giám đốc đồng ý ngay và giải quyết nhanh chóng quyền lợi cho anh. “Tôi thấy họ hết sức phấn khởi khi tôi xin nghỉ việc. Thôi thì đành tìm nơi nào làm ăn đàng hoàng mà đầu quân vậy” - anh Thanh cười buồn.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TPHCM
Để quan hệ lao động được hài hòa, ổn định, bất cứ phát sinh nào trong quá trình làm việc, người sử dụng lao động và NLĐ cần thương lượng, thỏa thuận với nhau, tránh hành xử cảm tính. Trong các trường hợp trên, NLĐ nên gửi đơn đến cơ quan thanh tra để được xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Bài và ảnh: TRƯỜNG HOÀNG
Theo nld.com.vn