2/ Công tác tuyên truyền phát triển đoàn viên.
VÌ LỢI ÍCH CỦA MÌNH, CỦA DOANH NGHIỆP BẠN HÃY GIA NHẬP CÔNG ĐOÀN,
CÔNG ĐOÀN LÀ CHỖ DỰA TIN CẬY CỦA BẠN.
CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
- Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và người lao động tự nguyện lập ra nhằm tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt; đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao dộng.
- Công đoàn Việt Nam thành lập ngày 28/7/1929.
CHỨC NĂNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
- Đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ;
- Tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế;
- Giáo dục, động viên CNVCLĐ phát huy quyền làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
HỆ THỐNG TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
2. Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương (Công đoàn Việt Nam có 63 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, 20 Công đoàn ngành Trung ương và Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn).
3. Công đoàn cấp trên cơ sở.
4. Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn.
ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC GIA NHẬP CÔNG ĐOÀN
CNVCLĐ Việt Nam làm công ăn lương; người lao động tự do hợp pháp, không phân biệt nghề nghiệp, nam nữ, tín ngưỡng…
Điều kiện:
-Tán thành điều lệ Công đoàn Việt Nam.
-Tự nguyện sinh hoạt trong một tổ chức cơ sở của công đoàn.
- Đóng đoàn phí theo qui định.
THỦ TỤC KHI MUỐN GIA NHẬP CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
- Tự viết đơn xin gia nhập Công đoàn.
- Nộp đơn cho Ban chấp hành Công đoàn cơ sở nơi đang làm việc.
- Những gì chưa rõ, mời bạn gặp gỡ cán bộ Công đoàn cơ sở, hoặc LĐLĐ Quận 11 để được giúp đỡ.
QUYỀN CỦA ĐOÀN VIÊN CÔNG ĐOÀN
- Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của công đoàn; ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn; những đoàn viên ưu tú được công đoàn giới thiệu đảng xem xét kết nạp, giới thiệu để bầu vào cơ quan lãnh đạo của đảng (nếu là đảng viên), của nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội khác; được phê bình, chất vấn cán bộ lãnh đạo công đoàn, kiến nghị bãi miễn cán bộ công đoàn có sai phạm.
- Được yêu cầu công đoàn bảo vệ nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm; đại diện tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Được công đoàn tư vấn miễn phí về pháp luật lao động và công đoàn; hướng dẫn giúp đỡ tìm việc làm, học nghề; ưu tiên xét vào học tại các trường, lớp do công đoàn tổ chức; thăm hỏi, giúp đỡ lúc ốm đau hoặc khi gặp hoàn cảnh khó khăn; được tham gia các sinh hoạt văn hóa, thể thao, du lịch, nghỉ ngơi do công đoàn tổ chức.
- Khi nghỉ hưu, đoàn viên được nghỉ sinh hoạt công đoàn, được công đoàn cơ sở nơi làm thủ tục về nghỉ và công đoàn địa phương nơi cư trú giúp đỡ, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng; được tham gia sinh hoạt câu lạc bộ hưu trí, ban liên lạc hưu trí do công đoàn giúp đỡ.
NHIỆM VỤ CỦA ĐOÀN VIÊN CÔNG ĐOÀN
- Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Thực hiện các nghị quyết của công đoàn, tham gia các hoạt động và sinh hoạt của công đoàn, đóng đoàn phí, tuyên truyền phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn.
- Không ngừng học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, chuyên môn, tay nghề; rèn luyện phẩm chất giai cấp công nhân; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
- Giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình độ nghề nghiệp, lao động có hiệu quả và tổ chức tốt cuộc sống; đoàn kết giúp nhau bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ và tổ chức công đoàn.
LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI ĐOÀN VIÊN CÔNG ĐOÀN ĐƯỢC CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ
NƠI MÌNH LÀM VIỆC ĐẠI DIỆN, BẢO VỆ VÀ GIÚP ĐỠ
- Được tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, các chế độ chính sách pháp luật của Nhà nước đối với người lao động và các nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.
- Được hướng dẫn, giúp đỡ giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động.
- Được Công đoàn cơ sở đại diện và ký thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động; kiểm tra giám sát việc thi hành các chế độ, chính sách, pháp luật, việc thực hiện các điều khoản đã được ký kết trong hợp đồng lao động và thỏa ước lao động.
- Được Công đoàn cơ sở đại diện tham gia Hội đồng hoà giải cơ sở và tham gia giải quyết các quyền lợi của đoàn viên và các tranh chấp lao động theo qui định của pháp luật.
- Được Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động chăm lo đời sống, cải thiện điều kiện làm việc nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp cho người lao động. Đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội.
QUYỀN LỢI CỦA DOANH NGHIỆP KHI CÓ TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN Ở DOANH NGHIỆP
- Được tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp theo pháp luật Việt Nam.
- Được công đoàn phối hợp để động viên người lao động thi đua làm việc với năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động; giáo dục người lao động có ý thức chấp hành tốt kỷ luật lao động vì việc làm, đời sống của người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp.
NHIỆM VỤ CỦA DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN
Cộng tác chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để thành lập công đoàn cơ sở và hoạt động của tổ chức công đoàn theo qui định của pháp luật Việt Nam.
PHỐI HỢP TỐT GIỮA CHỦ DOANH NGHIỆP (NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG)
VÀ CÔNG ĐOÀN LÀ SỰ ĐẢM BẢO ĐỂ DOANH NGHIỆP ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN
Tổng hợp.