Sài Gòn với Nguyễn Tất Thành.
Ngày 05-6-1911, Sài Gòn ghi dấu một sự kiện có ý nghĩa như một trong những cột mốc khởi đầu đặc biệt của lịch sử cách mạng Việt Nam thời kỳ cận - hiện đại: Từ Bến Nhà Rồng, Bác Hồ quyết định ra đi tìm đường cứu nước.
Mùa hè năm 1905, Nguyễn Tất Thành cùng anh trai Nguyễn Tất Đạt theo học chữ quốc ngữ và chữ Pháp tại Trường Tiểu học Pháp - Việt ở Vinh.
Tại Vinh trước và trong thời gian theo học ở Trường Tiểu học Pháp - Việt, Nguyễn Tất Thành học tiếng Pháp và bắt đầu làm quen với văn hóa phương Tây.
Chịu ảnh hưởng các thầy giáo yêu nước, cấp tiến như Nguyễn Quý Song, Lê Văn Miến… (và trước đó từ các thầy Vương Thúc Quý, Trần Thân…), tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh của Nguyễn Tất Thành càng được đắp bồi.
Khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” của cách mạng dân chủ tư sản Pháp được nghe từ vài năm trước, nay có thêm điều kiện để tìm hiểu sâu sắc hơn, đầy đủ hơn.
Thành phố Vinh trở thành nơi thôi thúc mạnh mẽ quyết tâm của Nguyễn Tất Thành: “Muốn làm quen với nền văn minh Pháp” và “tìm hiểu tận nơi xem đằng sau những từ ngữ ấy ẩn giấu cái gì”.
Hun đúc tư tưởng yêu nước ở Huế
Chưa hết năm học ở Trường Tiểu học Pháp - Việt tại Vinh, tháng 5-1906, hai anh em Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành cùng cha vào Huế, khi ông Nguyễn Sinh Sắc được bổ nhiệm làm Thừa biện Bộ Lễ.
Tại Huế có những cơ quan đầu não của bộ máy cai trị thực dân ở Trung Kỳ nhưng Huế cũng là nơi hưởng ứng sôi nổi các phong trào Đông Du, Duy Tân do Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… khởi xướng.
Bến Nhà Rồng đầu thế kỷ XX. Ảnh: Tư liệu
Tháng 9-1906, ông Nguyễn Sinh Sắc xin cho Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành vào học lớp dự bị Trường Tiểu học Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên (thường gọi là trường Đông Ba). Đến tháng 8-1908, Nguyễn Tất Thành được bỏ qua năm thứ nhất để vào thẳng năm thứ hai Trường Quốc học Huế.
Quãng thời gian học ở Huế, Nguyễn Tất Thành học thầy Hoàng Thông và tiếp tục học thầy Lê Văn Miến, được thầy Hoàng Thông giao nhiệm vụ làm liên lạc cho các hoạt động Đông Du, Duy Tân.
Bên cạnh đó, Nguyễn Tất Thành còn tham gia phong trào Duy Tân ở Huế với vai trò thông ngôn cho các cuộc đấu tranh chống thuế của đồng bào.
Chính trong những tháng ngày sôi động ở Huế (từ 1907 đến 1908), Nguyễn Tất Thành đã nghe, đã biết, đã chứng kiến Đông Kinh nghĩa thục bị đóng cửa, phong trào Đông Du bị dập tắt, phong trào Duy Tân và Kháng thuế Trung Kỳ bị đàn áp dã man…
Các nhà yêu nước tiêu biểu như Phan Châu Trinh bị kết án tử hình; Trần Quý Cáp, Nguyễn Hằng Chi bị xử chém; Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế… bị đày ra Côn Đảo... Tình cảnh ấy càng thôi thúc ý chí tìm đường cứu nước.
Trong tác phẩm Ho, nhà báo Mỹ David Halberstam viết: “Tư tưởng yêu nước của Hồ (tức Nguyễn Tất Thành) được tăng cường ở Huế… Đây là một thời gian đặc biệt may mắn, và ông là một con người muốn học thêm nữa bằng cách chu du ra nước ngoài hơn là học trong trường khắt khe do thực dân đỡ đầu”.
Từ Quy Nhơn, bước ngoặt của sự trưởng thành
Giữa năm 1909, ông Nguyễn Sinh Sắc được cử làm giám khảo kỳ thi Hương ở Bình Định, rồi nhậm chức Tri huyện Bình Khê - một huyện hẻo lánh thuộc tỉnh Bình Định. Đang học năm thứ hai Trường Quốc học, Nguyễn Tất Thành theo cha rời Huế.
Được cha gửi ăn học tại nhà ông Phạm Ngọc Thọ (cha của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch) đang dạy tại Trường Tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn, Nguyễn Tất Thành tiếp tục theo chương trình “cours supérieur”.
Ngay khi đến Bình Khê, ông Nguyễn Sinh Sắc dẫn con đi thăm các sĩ phu trong vùng và di tích lịch sử ở Tây Sơn. Thời gian Nguyễn Sinh Sắc nhậm chức Tri huyện Bình Khê cũng là lúc Nguyễn Quý Song - thầy giáo cũ của Nguyễn Tất Thành - bị cách chức Tri huyện Phù Cát (Bình Định) vì “không làm tròn phận sự”.
Đáng chú ý nhất là sự kiện sau khi Nguyễn Sinh Sắc bị bãi chức (tháng giêng năm 1910) và bị triệu hồi về kinh, trong khi Nguyễn Tất Đạt theo cha thì Nguyễn Tất Thành xin ở lại, rồi sau đó tìm cách đi tiếp vào Nam.
Bước ngoặt đầu năm 1910 ở Quy Nhơn chính là thời điểm đánh dấu sự trưởng thành trọn vẹn với những suy nghĩ và quyết định hết sức tự chủ của người thanh niên 20 tuổi Nguyễn Tất Thành trên hành trình thực hiện hoài bão cứu nước.
Chặng đường tiếp theo của Nguyễn Tất Thành gắn với Phan Thiết - Bình Thuận, vùng đất cực Nam Trung Kỳ. Lý giải về việc Nguyễn Tất Thành dừng chân ở Bình Thuận, tác giả Hà Huy Giáp cho biết: “Bác Hồ có lần nói với tôi: Trên đường từ Huế vào Sài Gòn, hễ nơi nào có thể vừa kiếm sống vừa tìm được tàu ra nước ngoài thì Bác vào”.
Tại Bình Thuận, Nguyễn Tất Thành được tiếp xúc và gặp gỡ nhiều chí sĩ yêu nước, cấp tiến như Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh… - những nhà sáng lập và điều hành Công ty Liên Thành.
Nguyễn Tất Thành cũng rất quan tâm thu thập thông tin về việc đi ra nước ngoài, tìm hiểu mối liên hệ giao dịch của Liên Thành thương quán với các chuyến tàu biển…
Từ Bình Thuận, Nguyễn Tất Thành đã nhận được “sự chuẩn bị của một đại gia đình bao nhiêu bậc đàn anh trong thế hệ nho sĩ lớp trước” để “đến thành phố Sài Gòn không bị đơn độc và mau chóng làm quen với thành phố Âu hóa này” - theo tác phẩm Vàng trong lửa của Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng.
Sài Gòn, nơi quyết định sự chọn lựa của Nguyễn Tất Thành
Bốn tháng ở Sài Gòn (từ tháng 2 đến đầu tháng 6-1911) là chặng thời gian ngắn ngủi, nhưng Sài Gòn lại chính là nơi đánh dấu sự chín muồi cả về nhận thức và hành động để Nguyễn Tất Thành quyết định dứt khoát sự lựa chọn của mình. Tại Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành có dịp gặp gỡ các nhà yêu nước gắn bó với Hội Liên Thành và đã từng tham gia các phong trào Đông Du, Duy Tân.
100 năm sau nhìn lại, càng thấy rõ hơn vị thế của Sài Gòn - mảnh đất kết tụ hoài bão lớn của Nguyễn Tất Thành sau nhiều trải nghiệm trên những chặng hành trình bắt đầu từ năm 15 tuổi cho đến năm 21 tuổi.
Cũng tại Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến cảnh tượng “ngay giữa chợ Bến Thành - mà người ta bảo là một thành phố Pháp, bọn gác chợ người Âu cũng không ngần ngại dùng roi gân bò, dùi cui đánh phụ nữ bản xứ để bắt họ tránh khỏi làm nghẽn lối” (Nguyễn Ái Quốc - Bản án chế độ thực dân Pháp. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.148).
Nỗi khổ nhục ấy của người dân càng thôi thúc thêm ý chí đi ra nước ngoài của Nguyễn Tất Thành.Trong bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với một nhà báo Pháp đăng trên báo Nhân Dân (số ra ngày 18-5-1965): “Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau rằng ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người khác nữa nghĩ là Mỹ. Tôi thì thấy phải đi ra nước ngoài để xem cho rõ”.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong tác phẩm Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm, NXB Sự thật, 1985 nêu giả thuyết mà cũng là đáp án: “Phải chăng thành phố ít nhiều mang tính chất công nghiệp đã góp phần vào sự lựa chọn quyết định của Bác?”
Qua các chặng hành trình Vinh - Huế - Bình Định - Bình Thuận - Sài Gòn, Sài Gòn đã trở thành nơi kết tụ hoài bão lớn của người thanh niên yêu nước trước ngày rời Tổ quốc.
Các học giả Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng trong tác phẩm Vàng trong lửa - NXB Tổng hợp TPHCM, 2009 nhận định: “Sài Gòn, nơi tuy Bác dừng chân ngắn nhất, lại có vai trò quyết định đối với sự lựa chọn con đường cứu nước”, là “chốn giải tỏa cho Bác nhiều nghi vấn mà chỗ khác không đủ điều kiện giúp Bác giải tỏa”; từ đó đi đến kết luận: “Nếu Sài Gòn không phải là chỗ gợi ý thì cũng là nơi định đoạt dứt khoát thái độ của Bác”, để Nguyễn Tất Thành quyết định dứt khoát phải sang Pháp và các nước phương Tây, chứ không phải hướng về phương Đông như một số nhà yêu nước tiền bối
TS Lê Hữu Phước (Trường Đại học KHXH&NV - ĐH Quốc gia TPHCM)
Nguồn Báo Người Lao Động