Cẩm nang của Người lao động nữ.

Cẩm nang của Người lao động nữ

(Trích tài liệu “Cẩm nang của người lao động nữ” năm 2009

Trung tâm tư vấn pháp luật LĐLĐ TP Hồ Chí Minh)


Nhằm bổ sung kiến thức pháp luật cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, Trung tâm Tư vấn Pháp luật phối hợp cùng Ban Nữ công – Liên đoàn Lao động Thành phố biên soạn và phát hành tài liệu bỏ túi “Cẩm nang của nữ CNVC-LĐ”, mục đích giúp cho nữ CNVC-LĐ có điều kiện nghiên cứu thêm về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động và công tác.


Hy vọng “Cẩm nang của nữ CNVC-LĐ” sẽ là phương tiện hỗ trợ cho tổ chức Công đoàn, doanh nghiệp và người lao động xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, thân thiện và gắn bó trong cơ quan, doanh nghiệp.


Ban biên soạn rất mong nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của toàn thể quý vị để lần phát hành sau được hoàn thiện và hiệu quả hơn.



TTTV PHÁP LUẬT – BAN NỮ CÔNG


Câu 1:


Hỏi: Quyền lợi cơ bản của lao động nữ được Bộ Luật lao động quy định như thế nào?


Đáp: Gồm những quyền lợi sau:


- Được đối xử bình đẳng về tuyển dụng, sử dụng, nâng bậc lương và trả công lao động;

- Không bị phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự và nhân phẩm;

- Được ưu tiên tuyển dụng vào làm việc khi có đủ tiêu chuẩn tuyển chọn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ mà doanh  nghiệp đang cần (Điều 111 BLLĐ)


Câu 2:


Hỏi: Nhà nước có trách nhiệm gì đối với lao động nữ?


Đáp:


Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ để ngoài nghề đang làm người lao động nữ còn có thêm nghề dự phòng và để việc sử dụng lao động nữ được dễ dàng, phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ (Điều 110 BLLĐ).


Câu 3:


Hỏi: Lao động nữ khi mang thai có được quyền đơn phương chấm dứt hợp động lao động không?


Đáp:


Người lao động nữ có thai có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không phải bồi thường nếu có giấy của thầy thuốc chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Trong trường hợp này, thời hạn mà người lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động tùy thuộc vào thời hạn do thầy thuốc chỉ định (Điều 112 BLLĐ)


Câu 4:


Hỏi: Người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động nữ trong trường hợp nào?


Đáp:


Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động. Trong thời gian có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người lao động nữ được tạm hoãn việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, kéo dài thời hiệu xem xét xử lý kỷ luật lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động (Điều 111 BLLĐ).


Câu 5:


Hỏi: Trong thời gian mang thai lao động nữ được nghỉ việc đi khám thai mấy lần?


Đáp:


Trong thời gian mang thai lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần mỗi lần một ngày, trong trường hợp ở xa cơ sở y tế hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai. Thời gian này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ hàng tuần; mức lương bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc (Điều 29 LBHXH).


Câu 6:


Hỏi: Thời gian hưởng chế độ đối với lao động nữ khi sinh con?


Đáp:


Lao động nữ khi sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:


- Bốn tháng nếu làm nghề hoặc công việc trong điều kiện lao động bình thường;

- Năm tháng nếu làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do BLĐTBXH và BYT ban hành; làm việc theo chế độ 3 ca; làm việc thường xuyên nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên hoặc là nữ quân nhân, nữ công an nhân dân;

- Sáu tháng đối với lao động nữ là người tàn tật có mức suy giảm khả năng lao đọng từ 21% trở lên;

- Trường hợp sinh đôi trở lên, ngoài thời gian nghỉ việc theo quy định nêu trên thì tính từ con thứ 2 trở đi cứ mỗi con được nghỉ thêm 30 ngày (Khoản 1 Điều 31 LBHXH).

- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ hàng tuần (khoản 4 Điều 31 LBHXH)

 

Câu 7:


Hỏi: Thời gian hưởng chế độ khi sinh con mà con bị chết?


Đáp:


Trường hợp sau khi sinh con nếu con dưới 60 ngày tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 90 ngày tính từ ngày sinh con; nếu con từ 60 ngày tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 30 ngày tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá (4 tháng, 5 tháng và 6 tháng tùy theo từng điều kiện nêu trên), thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định (Khoản 2 Điều 31 LBHXH).


Câu 8:


Hỏi: Thời gian hưởng chế độ khi nhận nuôi con nuôi?


Đáp: Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 4 tháng tuổi (Điều 32 LBHXH).


Câu 9:


Hỏi: Khi sẩy thai, nạo hút thai hoặc thai chết lưu, lao động nữ được nghỉ mấy ngày?


Đáp:


Khi sẩy thai, nạo hút thai hoặc thai chết lưu, lao động nữ được nghỉ 10 ngày nếu thai dưới 01 tháng, 20 ngày nếu thai từ 01 tháng đến dưới 03 tháng, 40 ngày nếu thai từ 03 tháng đến dưới 06 tháng, 50 ngày nếu thai từ đủ 06 tháng trở lên. Thời gian này tính cả ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hàng tuần (Điều 30 LBHXH).


Câu 10:


Hỏi: Mức lương chế độ thai sản được quy định như thế nào?


Đáp: Người lao động hưởng chế độ thai sản khi khám thai; sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu; khi sinh con; nhận nuôi con nuôi và thực hiện các biện pháp tránh thai:


- Mức hưởng chế độ thai sản bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, ngoài ra còn được hưởng trợ cấp một lần bằng 2 tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi.


- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian này người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội (Điều 34, Điều 35 LBHXH).


Câu 11:


Hỏi: Chế độ đối với lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con?


Đáp:


Người lao động nữ có thể đi làm việc trước khi hết thời gian nghỉ thai sản, nếu đã nghỉ ít nhất được 2 tháng sau khi sinh và có giấy của thầy thuốc chứng nhận việc trở lại làm việc sớm không có hại cho sức khỏe và phải báo cho người sử dụng lao động biết trước. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc người lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản (Điều 114 BLLĐ, Điều 36 LBHXH).


Câu 12:


Hỏi: Chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản được quy định như thế nào?


Đáp:


- Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung (Điều 37 LBHXH).


- Hết thời gian nghỉ thai sản, nếu có nhu cầu người lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động (khoản 2 Điều 114 BLLĐ).


Câu 13:


Hỏi: Khi thực hiện các biện pháp tránh thai, lao động nữ được nghỉ mấy ngày?


Đáp:


Khi đặt vòng tránh thai người lao động được nghỉ 7 ngày, khi thực hiện biện pháp triệt sản được nghỉ 15 ngày (Điều 33 LBHXH).


Câu 14:


Hỏi: Trường hợp lao động nữ nghỉ việc trước thời điểm sinh con thì có được hưởng chế độ thai sản khi sinh con không?


Đáp: Lao động nữ khi sinh con có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con mà nghỉ việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản (Điều 28 Khoản 1 LBHXH).


Câu 15:


Hỏi: Quyền lợi của người lao động nữ khi mang thai và nuôi con nhỏ?


Đáp:


- Lao động nữ có thai từ tháng thứ 7 hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi không phải làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa;

- Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi có thai từ tháng thứ 7 được chuyển sang làm công việc nhẹ hơn hoặc giảm bớt một giờ làm việc hàng ngày mà vẫn hưởng đủ lương;

- Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc mà vẫn hưởng đủ lương;

- Hết thời gian nghỉ thai sản theo chế độ và cả trong trường hợp được phép nghỉ thêm không hưởng lương, khi trở lại làm việc, người lao động nữ vẫn được bảo đảm chỗ làm việc (Điều 115, 117 BLLĐ).


Câu 16:


Hỏi: Chế độ đối với lao động nữ trong thời gian hành kinh được quy định như thế nào?


Đáp: Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút (Điều 115 BLLĐ).


Câu 17:


Hỏi: Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi sử dụng người lao động nữ?


Đáp:


- Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ phải phân công người trong bộ máy quản lý điều hành doanh nghiệp làm nhiệm vụ theo dõi vấn đề lao động nữ, khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em phải tham khảo ý kiến của đại diện những người lao động nữ (Điều 118 BLLĐ).

- Nơi có sử dụng lao động nữ, phải có chỗ thay quần áo, buồng tắm và buồng vệ sinh nữ (khoản 1 ĐIều 116 BLLĐ).

- Ở những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, người sử dụng lao động có trách nhiệm giúp đỡ tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho lao động nữ có con ở lứa tuổi gửi trẻ, mẫu giáo (khoản 2 Điều 116 BLLĐ).


Câu 18:


Hỏi: Những công việc mà người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ?


Đáp: Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động nữ làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại làm ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con theo danh mục của BLĐ-TBXH và Bộ Y tế ban hành; không được sử dụng người lao động nữ bất kỳ độ tuổi nào làm việc thường xuyên dưới hầm mỏ hoặc ngâm mình dưới nước (Điều 113 BLLĐ)


Câu 19:


Hỏi: Chế độ hưu trí của người lao động nữ được quy định như thế nào?


Đáp:


- Đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.

- Đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, chưa đủ điều kiện về tuổi đời nhưng ít nhất đã đủ 45 tuổi mà bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên (theo giám định của Hội đồng giám dịnh y khoa).

- Đủ 55 tuổi và đủ 25 năm đóng BHXH thì được hưởng lương hưu hàng tháng với mức tối đa do Chính phủ quy định (Điều 145 BLLĐ, Điều 50 LBHXH).


Câu 20:


Hỏi: Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động như thế nào?


Đáp:


Người vi phạm kỷ luật lao động, tùy theo mức độ phạm lỗi, bị xử lý theo một trong những hình thức sau đây:


- Khiển trách được áp dụng đối với người lao động phạm lỗi lần đầu nhưng ở mức độ nhẹ;

- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng hoặc chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa là 6 tháng hoặc cách chức;

- Sa thải (Điều 84 BLLĐ).


Câu 21:


Hỏi: Hình thức kỷ luật sa thải được áp dụng khi nào?


Đáp:


Hình thức kỷ luật sa thải chỉ được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

- Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp.

- Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương, chuyển làm công việc khác mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm;

- Người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng (Điều 85 BLLĐ).


Câu 22:


Hỏi: Hình thức xử lý kỷ luật cán bộ, công chức như thế nào?


Đáp:


Cán bộ, công chức (trừ những người được bầu cử) khi vi phạm các quy định của pháp luật, nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:


- Khiển trách;

- Cảnh cáo;

- Hạ bậc lương;

- Hạ ngạch;

- Cách chức;

- Buộc thôi việc (Điều 39 Pháp lệnh CBCC đã được sửa đổi bổ sung năm 2003).


Câu 23:


Hỏi: Thời hiệu xử lý vi phạm kỷ luật lao động alf bao lâu?


Đáp: Thời hiệu xử lý vi phạm kỷ luật lao động tối đa là 3 tháng, kể từ ngày xảy ra vi phạm, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 6 tháng (Điều 86 BLLĐ).


Câu 24:


Hỏi: Thủ tục tiến hành xử lý vi phạm kỷ luật lao động như thế nào?


Đáp:


Khi tiến hành xử lý vi phạm kỷ luật lao động:


- Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

- Người lao động có quyền tự bào chữa hoặc nhờ luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác bào chữa;

- Phải có mặt của đương sự và phải có sự tham gia của đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp;

- Việc xem xét xử lý kỷ luật lao đông phải ghi thành biên bản (Điều 87 BLLĐ).


Câu 25:


Hỏi: Quyền của người lao động là cán bộ Công đoàn? (cả nam và nữ)


Đáp:


Người lao động làm công tác Công đoàn không chuyên trách được sử dụng một số thời gian trong giờ làm việc để làm công tác Công đoàn và được người sử dụng lao động trả lương, ít nhất là 3 ngày làm việc trong một tháng (Điều 155 BLLĐ)

CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy