Để có thỏa ước tốt.
Việc thuyết phục doanh nghiệp đưa phúc lợi vào thỏa ước lao động tạo sự phấn khởi, an tâm cho người lao động
Ngoài ổn định việc làm, thu nhập và thực hiện đầy đủ chế độ chính sách theo luật định, công ty còn cam kết duy trì các chế độ phúc lợi hiện có để động viên người lao động (NLĐ) an tâm làm việc. Thông tin trên được tập thể công nhân (CN) Công ty Shing Việt (100% vốn Đài Loan, quận Thủ Đức - TPHCM) đón nhận trong tâm trạng phấn chấn.
Nhờ Công đoàn cơ sở thương lượng tốt, công nhân Công ty Cổ phần Giày Khải Hoàn được hưởng nhiều phúc lợi
Hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện chính sách
“Cái tâm của giám đốc chỉ là điều kiện cần, quan trọng là Công đoàn (CĐ) cơ sở phải biết bám sát tình hình sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp (DN) để tổ chức tốt việc lấy ý kiến đóng góp của NLĐ, từ đó đàm phán và ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT)” - bà Nguyễn Thị Thúy Vân, Chủ tịch CĐ Công ty Shing Việt, chia sẻ.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM:
Chú ý các khoản phụ cấp
Để TƯLĐTT có chất lượng, CĐ cơ sở phải chủ động tổ chức khảo sát thu nhập và chi tiêu của NLĐ; tìm hiểu thông tin về điều chỉnh thu nhập của các DN khác để có cơ sở thương lượng. Đặc biệt, trong thương lượng, cần chú ý đến các khoản phụ cấp đang bị tác động trực tiếp của việc tăng giá như nhà trọ, xăng, bữa ăn giữa ca… sao cho người sử dụng lao động hiểu rõ và nhận thấy đề xuất của CĐ cơ sở là hợp lý và dễ chấp nhận. Đối với những DN quá khó khăn, CĐ cơ sở nên phối hợp với người sử dụng lao động thông báo rõ tình hình DN với NLĐ, động viên họ san sẻ.
Chủ động xây dựng dự thảo TƯLĐTT và thảo luận kỹ nội dung với ban giám đốc trước khi lấy ý kiến đóng góp của NLĐ là cách làm của CĐ Công ty Shing Việt từ nhiều năm qua. Nhờ đáp ứng nguyện vọng của số đông nên phần lớn nội dung dự thảo TƯLĐTT nhận được sự tán đồng của 100% NLĐ. Thực tế, ngoài bữa ăn giữa ca không ngừng được cải thiện, sự năng động của CĐ cơ sở trong quá trình thương lượng còn giúp CN được hưởng các chế độ phúc lợi cao hơn luật định.
Còn tại Công ty Sampu Vina Sport (huyện Hóc Môn - TPHCM), trước khi thương lượng, CĐ cơ sở đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của CN tại 26 chuyền. Cách làm này nhận được sự đồng thuận từ phía NLĐ lẫn ban giám đốc. Ngoài bảo đảm mức lương tối thiểu thấp nhất 1,6 triệu đồng/tháng, TƯLĐTT vừa được ký kết cuối tháng 2-2011 còn quy định khoản thưởng Tết 2 tháng lương; hỗ trợ tiền xăng xe, nhà trọ (150.000 đồng/người/tháng)… Bà Trần Thị Gái, chủ tịch CĐ công ty, cho biết: “Hoàn thiện chính sách đãi ngộ là cách để DN giữ CN, từ đó ổn định sản xuất. Về phía NLĐ, họ sẽ bớt nhọc nhằn hơn với chế độ phúc lợi không ngừng được nâng cao”.
Thuyết phục bằng thực tế
Bám sát chỉ đạo của CĐ cấp trên, từ sau Tết Tân Mão, nhiều CĐ cơ sở đã tăng cường nắm bắt thông tin từ NLĐ, nhất là các vấn đề liên quan đến điều kiện làm việc, thu nhập; từ đó phân tích, chọn lọc kỹ trước khi đàm phán, ký kết TƯLĐTT. “Việc tập hợp ý kiến CN dựa trên nguyên tắc phản ánh nguyện vọng số đông NLĐ, đồng thời phải phù hợp với khả năng của DN đã giúp nhiều CĐ cơ sở nâng cao chất lượng hội nghị NLĐ và chất lượng thỏa ước” - ông Giang Văn Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp - TPHCM, nhận xét.
Khảo sát 10 DN điển hình tổ chức tốt hội nghị NLĐ, thương lượng ký kết TƯLĐTT cho thấy: Những đề xuất dựa trên thực tế hoạt động của DN và đời sống NLĐ luôn có sức thuyết phục cao. Qua đó, nhiều DN đã xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng để giữ lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề, tạo tâm lý làm việc phấn khởi cho NLĐ. Chẳng hạn, tại DNTN Nước tinh khiết Sài Gòn (Sapuwa), CN nữ được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ và được hưởng trợ cấp trong vòng một năm khi mang thai (4,8 triệu đồng/năm).
tại Công ty Hà Giang, ban giám đốc còn đầu tư xây nhà giữ trẻ miễn phí cho con CN. Riêng Công ty Cổ phần May Phương Nam còn mua bảo hiểm rủi ro cho toàn bộ CN… Được chăm lo đúng mức, CN đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do CĐ phát động, sẵn sàng chia sẻ khi DN gặp khó khăn. Đặc biệt, qua đó, giúp DN hiểu rõ thêm vai trò của CĐ cơ sở.
Bài và ảnh: VĨNH TÙNG
Theo nld.com.vn