Ai sẽ giải quyết quyền lợi hợp pháp của người lao động khi bị vi phạm.

 

 

Đình công là quyền cơ bản của giai cấp công nhân và những người lao động, là phương tiện cuối cùng để họ có thể tự bảo vệ mình khi cần thiết, nhất là trong điều kiện nền kinh tế thị trường. Dưới góc độ kinh tế – xã hội, đình công được coi là một quyền kinh tế - xã hội của người lao động trong nền kinh tế thị trường.


Nó nhằm gây sức ép buộc người sử dụng lao động phải giải quyết các vấn đề về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động phát sinh trực tiếp từ quan hệ lao động như tiền công, tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bảo hiểm xã hội…


Dưới góc độ pháp lý, đình công được hiểu là một trong những quyền cơ bản của người lao động được pháp luật quy định. Nó đảm bảo cho người lao động được quyền nghỉ việc tập thể nhằm buộc người sử dụng lao động hoặc các chủ thể khác phải thỏa mãn các yêu sách chính đáng của mình.


Tuy nhiên, quyền đình công này chỉ giới hạn trong khuôn khổ pháp luật cho phép và phải tuân theo trình tự, thủ tục nhất định do pháp luật quy định.


Thực tế cho thấy từ những năm 1989, ngay sau khi chuyển hướng phát triển kinh tế thị trường thì các cuộc đình công liên tiếp nổ ra, thời kỳ đầu này do chưa có sự điều tiết của pháp luật nên các cuộc đình công không có tổ chức và mang tính chất tự phát. Từ thực tiễn đó, Bộ Luật lao động đã ghi nhận và cụ thể hóa quyền đình công của người lao động, đưa quyền đình công vào trong khuôn khổ pháp luật.


Tuy nhiên, mặc dù pháp luật đã cụ thể hóa quyền đình công của người lao động nhưng tất cả các cuộc đình công từ trước đến nay vẫn không có tổ chức và mang tính chất tự phát. Nội dung của các cuộc đình công chủ yếu là do người sử dụng lao động không chấp hành đúng các quy định của pháp luật về các chế độ tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện làm việc, môi trường làm việc, bảo hiểm xã hội…của người lao động, hay còn gọi đây chính là đình công về “Quyền”.


Trong các cuộc đình công về quyền, thường có cả nội dung về “Lợi ích” như: yêu sách đòi tăng lương, tăng mức hỗ trợ tiền ăn giữa ca, hỗ trợ tiền nhà ở… Nguyên nhân dẫn đến các cuộc đình công không có tổ chức và mang tính chất tự phát thì chúng tôi không bàn luận ở đây. Điều mà chúng tôi hiện nay đang rất quan tâm đến dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi là bỏ quyền đình công về “quyền”, chỉ cho phép người lao động được đình công về “lợi ích” thì liệu đây có phải là giải pháp để ngăn chặn quyền đình công tự pháp hay không? liệu quy định này có khả thi không?


Theo quan điểm mà các nhà làm luật đưa ra, việc vi phạm về “quyền” là vi phạm đến chính sách, pháp luật của Nhà nước nên trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước phải giải quyết, nếu cho người lao động đình công về “quyền” thì có nghĩa là việc quản lý của Nhà nước yếu kém, mặt khác khi người lao động đình công về quyền thì vô hình dung đang gián tiếp chống lại Nhà nước?


Với quan điểm như vây, nên dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi đã bỏ quyền đình công về “quyền” của người lao động. Tuy nhiên, chúng tôi boăn khoăn rằng nếu để cho các cơ quan quản lý nhà nước xử lý thì liệu có đảm bảo giải quyết kịp thời được quyền hợp pháp của người lao động hay không? Bởi vì hiện nay khi hỏi về trách nhiệm của cơ quan lao động địa phương trong việc tham mưu cho UBND cùng cấp quản lý Nhà nước về lao động thì đúng như Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh - Xã hội Phạm Minh Huân đã nói rằng, trách nhiệm này cơ quan lao động xin nhận trách nhiệm theo quy định của pháp luật, nhưng để giải quyết được vấn đề này thì cơ quan lao động không thể giải quyết được.


Thứ trưởng cho rằng, với lực lượng cán bộ lao động ở các địa phương quá mỏng như hiện nay thì việc xử lý triệt để các vi phạm pháp luật về lao động của các doanh nghiệp là một điều không tưởng.Như vậy, vấn đề đặt ra là hàng ngày người sử dụng lao động không tuân thủ đúng quy định của pháp luật, vi phạm đến quyền lợi hợp pháp của người lao động, còn người lao động hàng ngày phải chấp nhận sự vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động đối với quyền lợi hợp pháp của mình nhưng lại không được quyền đình công thì có công bằng hay không? trong khi nếu chờ vào sự xử lý của các cơ quan Nhà nước thì không biết là đến bao giờ mới được giải quyết? nếu quyền lợi của người lao động không được giải quyết kịp thời thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm? cơ quan Nhà nước hay là người sử dụng lao động?


Chúng tôi thiết nghĩ rằng, một điều tất yếu sẽ vẫn xảy ra các cuộc đình công bất hợp pháp do tình trạng “tức nước, vỡ bờ” mà người lao động buộc phải dùng đến biện pháp cuối cùng của mình là “dừng việc” để buộc người sử dụng lao động phải giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của mình, dù họ vẫn biết rằng đó là bất hợp pháp theo quy định của pháp luật.


Từ sự bất cập trên, chúng tôi đề nghị nếu chúng ta bỏ quyền đình công về “quyền” của người lao động, để đảm bảo sự công bằng, pháp luật cần có quy định riêng về quyền được ngừng việc của người lao động đối với các vi phạm về “quyền” của người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có một chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động đối với các vi phạm về quyền lợi hợp pháp của người lao động. Các trình tự, thủ tục giải quyết cần nhanh chóng, kịp thời. Có như vậy mới đảm bảo được các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, hạn chế được các cuộc đình công bất hợp pháp xảy ra.


Nguồn: Xuân Tuấn (Thanh Hóa).

CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy