Bài nói chuyện “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bài nói chuyện “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

 

I - PHẢI TẨY SẠCH NẠN THAM Ô, LÃNG PHÍ VÀ BỆNH QUAN LIÊU


Muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không, thì dù cày bừa kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi.


Muốn thành công trong việc tăng gia sản xuất và tiết kiệm cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Nếu không, thì nó sẽ làm hại đến công việc của ta.


Tham ô là gì?


- Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là:


Ăn cắp của công làm của tư


Đục khoét của nhân dân


Ăn bớt của bộ đội.


Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình,
đơn vị mình, cũng là tham ô.


- Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là:


Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế.


Lãng phí là gì?


Lãng phí có nhiều cách:


- Lãng phí sức lao động: Vì kém tinh thần phụ trách, vì tổ chức sắp xếp vụng, việc gì ít người cũng làm được mà vẫn dùng nhiều người. Trong quân đội, các cơ quan, các xí nghiệp đều có khuyết điểm ấy. Trong việc sửa chữa đường cầu, phục vụ chiến dịch, lãng phí dân công khá nhiều, vì tổ chức không khéo - đó là một thí dụ.


- Lãng phí thời giờ: Việc gì có thể làm trong một ngày một buổi, cũng kéo dài đến mấy ngày.
Thí dụ: những cuộc khai hội, vì người phụ trách chuẩn bị chương trình không đầy đủ, người đến dự hội thì không chuẩn bị ý kiến, đáng lẽ chỉ một ngày thì bàn bạc và giải quyết xong vấn đề, song cuộc khai hội kéo dài đến 5, 3 ngày.


- Lãng phí tiền của: Có rất nhiều hình thức, đây chỉ nêu vài thí dụ:


- Các cơ quan dùng vật liệu một cách phí phạm.


- Các xí nghiệp dùng máy móc và nguyên liệu không hợp lý.


- Cục vận tải giữ gìn xe cộ, tiết kiệm dầu mỡ không triệt để.


- Sở kho thóc làm kho tàng không cẩn thận; người giữ kho kém tinh thần trách nhiệm, để thóc ẩm ướt, hao hụt, hư hỏng.


- Mậu dịch không khéo tính toán sắp xếp, để hàng hóa hao hụt, lỗ vốn.


- Ngân hàng không khéo sử dụng tiền bạc, để tiền bạc ứ đọng lại, không bổ ích cho việc tăng gia sản xuất.


- Cơ quan kinh tế làm kế hoạch không thiết thực, không sát với hoàn cảnh, để Chính phủ phải lỗ vốn.


- Bộ đội không biết quý trọng giữ gìn quân trang, quân dụng và chiến lợi phẩm.


- Nhân dân bỏ hoang ruộng đất, đốt vàng mã, bán trâu, cầm ruộng để làm đám cưới, đám ma, v.v...


Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô.


Mà có nạn tham ô và lãng phí là vì bệnh quan liêu.


Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn.


Nói tóm lại: Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí.


Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu.


II - THAM Ô LÃNG PHÍ VÀ BỆNH QUAN LIÊU LÀ KẺ THÙ CỦA NHÂN DÂN


1. Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ.


Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta.


Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến. Vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính.


Để kháng chiến thắng lợi, để xây dựng nước nhà, chiến sĩ thì hy sinh xương máu, đồng bào thì hy sinh mồ hôi nước mắt để đóng góp. Mà những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám.


Vì những lẽ đó, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị.


Cũng như ở các mặt trận khác, muốn thắng ở mặt trận này, ắt phải có chuẩn bị, kế hoạch, tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên.


Cách tổ chức tranh đấu, đại khái như sau:


Bước đầu là đánh thông tư tưởng:


Phải khai hội đủ mặt mọi người trong cơ quan, đơn vị, trường học, v.v... để giải thích rõ ràng, nói đi nói lại, cho mọi người đều hiểu:


- Tham ô, lãng phí, quan liêu có hại cho dân cho nước thế nào?


- Vì sao phải chống những nạn ấy?


Để sửa chữa những ý nghĩ sai lầm như:


- Tham ô là có tội, song lãng phí chỉ là một khuyết điểm.


- Những người có công với cách mạng, thì tham ô, lãng phí chút đỉnh, cũng nên tha thứ họ.


- Nước ta nghèo, không có gì mà tiết kiệm. Cơ quan ta không có gì mà lãng phí.


- Không phải cơ quan kinh tế tài chính, thì không có gì mà tham ô, lãng phí, v.v...


Để yên định những lo ngại không đúng, như:


- “Một sự nhịn, chín sự lành”, kiểm thảo lẫn nhau làm gì.


- Tự nhận sai lầm mình sợ mất thể diện, mất uy tín, sợ bị phạt, v.v...


- Chỉ trích lỗi của người sẽ mất đoàn kết.


- Ai tham ô, lãng phí mặc ai, mình không tham ô, lãng phí thì thôi.


- Nói thật mất lòng, sẽ bị bầu bạn ghét, bị cấp trên trù, v.v...


Bước thứ hai:


Khi mọi người đã hiểu thì chia từng tiểu tổ để nghiên cứu những tài liệu, như:


- Những lời dạy của Lênin, Xtalin... nói về tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, quan liêu.


- Tuyên ngôn của Đảng Lao động, chính sách và chỉ thị của Đảng và của Chính phủ.


- Tài liệu nói về cần, kiệm, liêm, chính, và cách sửa đổi lối làm việc.


Các tiểu tổ vừa nghiên cứu, vừa thật thà tự kiểm thảo và giúp nhau kiểm thảo. Kiểm thảo nên nhằm vào mấy điểm chính và thiết thực, như:


- Mình có tham ô không?


- Có ăn bớt của công cho đơn vị riêng của mình không?


- Có lười biếng, có kém lòng trách nhiệm, có đứng núi này trông núi nọ không?


- Có phô trương lãng phí không?


- Có lãng phí của Chính phủ, của Đoàn thể không?


- Có lãng phí của dân và sức dân không?


- Có bệnh quan liêu, xa cách quần chúng không?


Tự kiểm thảo và kiểm thảo người khác phải thật thà, phải dựa vào sự thực, phải đào tận gốc rễ những khuyết điểm. Không nên thoa vẽ, che giấu. Không nên “ít thít ra nhiều”, càng không nên nói việc nhỏ bỏ việc lớn, nói việc cũ quên việc mới.


Vừa nêu rõ khuyết điểm, vừa phân tách tư tưởng.


Chỉ trích những khuyết điểm, khen ngợi những ưu điểm.


Tiểu tổ kiểm thảo xong, thì chọn người để xung phong tự kiểm thảo trong những buổi khai hội toàn thể đơn vị hoặc cơ quan.


Bước ba: Đơn vị hoặc cơ quan khai hội kiểm thảo chung để giải quyết các vấn đề, giải thích các thắc mắc, sửa chữa những khuyết điểm trong phong trào kiểm thảo, khen ngợi những người đã thành thật tự kiểm thảo, khuyến khích những người còn ngập ngừng e ngại, đặt chương trình chung cho đơn vị (chương trình mở rộng kiểm thảo, tăng năng suất...) và bầu cử ban lãnh đạo phong trào. Ban này gồm có những người lãnh đạo như Bộ trưởng, Thứ trưởng, Đoàn trưởng... và những phần tử hăng hái, trung thành nhất trong cơ quan (hoặc đơn vị).


Cơ quan chính như các bộ, các đại đoàn, v.v..., kiểm thảo xong đợt một, thì phải:


- Tìm cách nâng cao năng suất các cán bộ để phụ trách công việc trong cơ quan.


- Phái một số cán bộ đắc lực chia thành từng tiểu tổ phụ trách điều tra các bộ phận, như điều tra kho tàng, điều tra sổ sách, v.v..., đồng thời giúp các bộ phận ấy kiểm thảo.


Hàng ngày, các tổ trưởng những tiểu tổ ấy phải báo cáo rõ tình hình với Ban lãnh đạo và giúp Ban ấy trong việc kiểm thảo chung.


Nói tóm lại: Việc kiểm thảo phải có trọng tâm, phải làm từng bước, phải nắm vững và vào sâu. Phải làm từ cấp trên đến cấp dưới, từ bộ phận chính đến bộ phận phụ.


Những điều cần thiết.


Cán bộ cao cấp mỗi nơi phải:


- Thật thà tự kiểm thảo để làm gương mẫu.


- Thật thà báo cáo tình hình cả đơn vị mình cho mọi người trong toàn đơn vị, toàn ngành biết rõ.


- Phải kiên quyết “nhổ cỏ”.


- Nắm vững trọng điểm,


- Tổ chức nhóm trung kiên để giúp nghiên cứu tình hình và giúp lãnh đạo phong trào kiểm thảo.


Trong phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu, giáo dục là chính, trừng phạt là phụ, nghĩa là:


- Ai kiểm thảo đúng những người khác, sẽ được khen thưởng.


- Ai có lỗi mà thật thà tự kiểm thảo, thì lỗi nhẹ sẽ được tha thứ, lỗi nặng sẽ được xử nhẹ hoặc lấy công chuộc tội (trừ những tội lỗi đặc biệt nặng).


- Ai có lỗi mà không thật thà nói ra, sẽ bị kỷ luật.


- Ai ngăn cản, đe dọa những người kiểm thảo mình, sẽ bị kỷ luật.


2.Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng.


Cách mạng là tiêu diệt những cái gì xấu, xây dựng những cái gì tốt. Chúng ta làm cách mạng để tiêu diệt chế độ thực dân, phong kiến, để xây dựng dân chủ mới.


Thực dân và phong kiến tuy bị tiêu diệt, nhưng cái nọc xấu của nó (tham ô, lãng phí, quan liêu) vẫn còn, thì cách mạng vẫn chưa hoàn toàn thành công, vì nọc xấu ấy ngấm ngầm ngăn trở, ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp xây dựng của cách mạng.


Có những người trong lúc tranh đấu thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng. Chúng ta phải cứu vãn họ, giúp họ khôi phục đạo đức cách mạng. Có những người miệng thì nói: phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nhưng bị vật chất dỗ dành mà phạm vào tham ô, lãng phí, hại đến Tổ quốc, nhân dân. Chúng ta phải giáo dục họ, đưa họ vào con đường cách mạng.


Tham ô, lãng phí, quan liêu là những xấu xa của xã hội cũ. Nó do lòng tự tư tự lợi, ích kỷ hại nhân mà ra. Nó do chế độ “người bóc lột người” mà ra.


Chúng ta muốn xây dựng một xã hội mới, một xã hội tự do bình đẳng, một xã hội cần, kiệm, liêm, chính - cho nên chúng ta phải tẩy cho sạch hết những thói xấu của xã hội cũ.


3. Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ.


Bộ đội không ngại hy sinh xương máu để kháng chiến cứu nước. Đồng bào không ngại hy sinh mồ hôi nước mắt để kháng chiến cứu nước. Chiến sĩ gửi tính mệnh mình, đồng bào gửi công, gửi của mình trong tay Chính phủ và Đoàn thể, để kháng chiến kiến quốc. Đó cũng là một hình thức dân chủ tập trung.


Chính phủ và Đoàn thể giao cho cán bộ cái quyền điều khiển bộ đội sử dụng tiền của trong công cuộc kháng chiến kiến quốc. Nhiệm vụ của cán bộ là chăm nom, yêu mến mỗi một chiến sĩ, quý trọng, tiết kiệm mỗi một đồng tiền, một bát gạo, một giờ công của đồng bào. Đồng thời, chiến sĩ và đồng bào có quyền đòi hỏi cán bộ phải làm tròn nhiệm vụ đó, có quyền phê bình chỉ trích những cán bộ nào không làm tròn nhiệm vụ đó.


Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Cho nên phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công.


Quần chúng tức là toàn thể chiến sĩ trong quân đội, toàn thể công nhân trong xưởng, toàn thể nhân viên trong cơ quan, v.v..., rồi đến toàn thể nhân dân. Cũng như mọi việc khác, việc “chống” này phải động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công. Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng.


Nhiệm vụ của quần chúng là phải hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Chiến sĩ xuất công, nhân dân xuất của để đánh giặc, cứu nước. Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. Vì vậy, chiến sĩ và nhân dân phải hăng hái tham gia phong trào ấy.


Chúng ta từ trên đến dưới phải đồng tâm hiệp lực để thắng lợi trong phong trào này. Mà thắng lợi trong phong trào này sẽ giúp chúng ta đoàn kết hơn nữa, nâng cao năng suất hơn nữa. Nó giúp cán bộ ta cải tạo tư tưởng, nâng cao giác ngộ, thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật thà phụng sự bộ đội và nhân dân. Nó giúp chính quyền ta thành một chính quyền trong sạch, xứng đáng với lòng tin tưởng và sự hy sinh của chiến sĩ và đồng bào. Nó sẽ giúp chúng ta hoàn thành đầy đủ kế hoạch tăng gia sản xuất và tiết kiệm của Chính phủ và của Đoàn thể. Nó sẽ giúp chúng ta chuẩn bị mau đầy đủ để tiến sang tổng phản công.

*

* *


Đồng chí Lênin, Xtalin... rất chú trọng và nói nhiều về vấn đề tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí và chống bệnh quan liêu. Tôi lược dịch vài đoạn sau đây, để giúp các đồng chí nghiên cứu.


Lênin nói:


“Tiền bạc phải tính toán một cách rành mạch, thật thà, phải tiết kiệm, chớ lười biếng. Chớ ăn cắp của công làm của tư. Phải giữ gìn kỷ luật lao động rất nghiêm ngặt. Đó là những khẩu hiệu chính và rất cần thiết.


Một mặt, quần chúng lao động thiết thực làm đúng những khẩu hiệu ấy. Đó là phương pháp duy nhất để cứu vãn một nước đã bị lũ kẻ cướp đế quốc và lũ bù nhìn làm cho chết dở sống dở như nước Nga.


Một mặt khác, chính quyền Xôviết do phương pháp của mình, căn cứ vào pháp luật của mình, mà thiết thực thi hành khẩu hiệu ấy - Đó lại là điều kiện chủ chốt và đầy đủ để đưa chủ nghĩa xã hội đến thắng lợi hoàn toàn”. (Nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xôviết, 28-4-1918).


Ngày 2-5-1918, tòa án nhân dân Mạc Tư Khoa xử nhẹ một vụ án hối lộ. Lênin không bằng lòng, và viết:


“Không xử bắn lũ ăn của đút lót, mà xử một cách pha trò, mềm mỏng nhẹ nhàng như vậy, - đó là một điều xấu hổ cho những đảng viên cộng sản, cho những người cách mạng. Cần phải nêu những đồng chí đã ăn hối lộ ra để cho dư luận quở trách và cần phải đuổi họ ra khỏi Đảng”.


Cách vài hôm sau, Lênin viết thư cho cán bộ tư pháp: “Phải lập tức đề nghị một đạo luật để trừng trị những vụ hối lộ (ăn hối lộ, tặng hối lộ, và những cách hối lộ khác). Ít nhất cũng phải phạt 10 năm giam cầm và 10 năm khổ sai”.


Báo cáo trước Đại hội lần thứ IV của Quốc tế Cộng sản (13-11-1922), Lênin nói:


“Hiện nay, tình hình công nghệ nặng của Nga còn rất khó khăn. Nhưng chúng tôi đã tích trữ được một số vốn. Sau này chúng tôi cứ phải tích trữ như thế. Vốn liếng ấy thường thường do nhân dân mà ra, chúng tôi cần phải tiết kiệm từng li từng tí. Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu làm thế nào để giảm bớt ngân sách của Chính phủ, giảm bớt số nhân viên ở các cơ quan. Vô luận thế nào, chúng tôi cũng phải giảm bớt số nhân viên, cũng phải ra sức tiết kiệm. Tiết kiệm về mọi mặt, thậm chí chi tiêu cho các trường học cũng phải tiết kiệm. Phải làm như thế, vì nếu không cứu vãn công nghệ nặng, không khôi phục công nghệ, thì không xây dựng được công nghệ nào hết. Mà không xây dựng công nghệ, thì không giữ được địa vị độc lập của nước mình”.


Về thực hành tiết kiệm và chống nạn lãng phí, Lênin viết: “Nước nhà mà chúng ta ra sức xây dựng là phải làm sao cho công nhân có thể lãnh đạo nông dân và giữ gìn lòng tin cậy của nông dân. Phải cực kỳ tiết kiệm để tẩy sạch những vết tích lãng phí...”. (Thà ít hơn, mà tốt hơn, 2-3-1923).


Về cách chống bệnh quan liêu, thì Lênin nói: “Cần phải dùng nhiều hình thức và phương pháp
kiểm tra từ dưới lên trên... để nhổ đi nhổ lại cho sạch hết những cỏ rác bệnh quan liêu”. (Chính quyền Xôviết, 28-4-1918).


Đồng chí Xtalin dạy chúng ta:


“Phải tiết kiệm tiền bạc, lại phải chi tiêu tiền bạc ấy cho hợp lý. Không được phí phạm một đồng xu nào của dân. Phải dùng toàn bộ tiền bạc ấy vào công nghệ của nước ta.


Không như vậy thì chúng ta sẽ vấp phải cái nguy hiểm lãng phí, cái nguy hiểm dùng tiền vào những việc không cần kíp cho sự phát triển công nghệ, cho sự bồi bổ kinh tế của nhân dân.


Khéo tính toán, chi tiêu tiền bạc cho hợp lý - Đó là một nghệ thuật quan trọng. Nghệ thuật ấy không phải là dễ. Các cơ quan ta chưa thông thạo nghệ thuật ấy. Chúng ta còn rất kém về nghệ thuật ấy.


Thừa nhận sự kém cỏi ấy, là một điều đau đớn. Nhưng đó là sự thật, không thể lấy nghị quyết nào mà che giấu được nó. Có đôi khi các cơ quan quản lý của ta giống như người nông dân nọ - Y tiết kiệm được một ít tiền, y không dùng tiền ấy mà sửa chữa cày bừa để tăng gia sản xuất, nhưng y đi mua một cái máy hát thật to... Đó là chưa kể đến những việc lãng phí, những vụ ăn cắp của công.


Vì vậy, cần phải dùng nhiều phương pháp để giữ gìn cho tiền bạc của ta khỏi bị lãng phí, bị phân tán, bị dùng vào những việc không cần thiết, bị dùng ra ngoài công việc xây dựng căn bản.


1. Kế hoạch sản xuất không định theo cách quan liêu, mà phải liên hệ chặt chẽ với tình hình kinh tế, với nguồn của cải, với sự tính toán rõ rệt sức hậu bị của ta.


Kế hoạch không nên sụt lại sau, nhưng cũng không nên chạy quá trước sự phát triển của công nghệ, không nên xa rời nông nghiệp, không nên quên lãng sức tiết kiệm của ta.


Nền tảng phát triển công nghệ phải dựa trên sự cần thiết cho thị trường trong nước, trước hết là thị trường của nông dân và dựa trên phạm vi của cải của ta. Đó là nền tảng để liên hệ công nghệ với kinh tế của nông dân.


Về tiết kiệm, về cách dùng tiền bạc tiết kiệm được - cũng như vậy.


Có người theo ảo tưởng của mình mà định kế hoạch, chứ không nghĩ đến vốn liếng. Họ quên rằng: Nếu không có một số vốn tối thiểu, không có một số tiền hậu bị tối thiểu, thì chẳng những không đạt được kế hoạch công nghệ nào, mà cũng không xây dựng được những xí nghiệp “to lớn bao la”.


Họ quên điều đó, họ chạy trước sự thực.


Thế nào là chạy trước sự thực mà đặt kế hoạch?


Là không cân nhắc lực lượng, mà làm ẩu. Là đặt kế hoạch rất to tát, động viên hàng nghìn
hàng vạn công nhân, xem rất oai. Nhưng rồi thấy vốn liếng không đủ, phải để công nhân về, phải cấp lộ phí cho họ về. Kết quả là hao tổn rất nhiều, gây ra thất vọng cho công cuộc xây dựng, gây mối khó khăn cho chính trị...


Chỉ có liên hệ chặt chẽ với nông nghiệp, không rời xa sức tiết kiệm và ăn khớp với vốn liếng và sức hậu bị của ta - thì công nghệ mới làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của nó, là lãnh đạo và cải tạo kinh tế của quốc dân.


Một bộ chỉ huy mà xa rời bộ đội, mất liên lạc với bộ đội, thì bộ chỉ huy ấy không thành bộ chỉ huy nữa. Công nghệ mà xa rời toàn bộ kinh tế của quốc dân, mất liên hệ với nó, thì công nghệ không lãnh đạo được kinh tế của quốc dân.


Vì vậy, đặt kế hoạch công nghệ cho đúng đắn và hợp lý - là một điều kiện chủ chốt trong việc tiêu dùng tiền của.


2. Các cơ quan chính quyền và đoàn thể, các cơ quan kinh tế và các Ủy ban, cần phải nâng cao năng suất, giảm bớt số người (tinh giản). Hiện nay, các cơ quan của ta người nhiều, việc ít, xài phí lu bù... Lênin đã nhắc đi nhắc lại hàng chục hàng trăm lần rằng: Công nhân và nông dân không thể chịu đựng những cơ quan kềnh càng và tốn kém như vậy. Vô luận thế nào cũng phải tìm đủ cách để biên chế các cơ quan lại. Chúng ta phải dùng tinh thần bônsêvích mà thực hành một chế độ tiết kiệm nghiêm ngặt. Nếu chúng ta không muốn dùng vốn liếng của ta vào những việc linh tinh, thì chúng ta phải thực hành ngay chế độ ấy.


Một thí dụ: có người bảo chúng ta xuất cảng lương thực không có lãi, không ăn thua.


Vì sao không có lãi. Vì các cơ quan phụ trách thu góp lương thực tiêu quá nhiều tiền. Kế hoạch định mua 1 cân lương thực là 8 xu. Nhưng các cơ quan tiêu đến 13 xu, tức là tăng lên 5 xu. Vì sao? Vì trước khi thu góp lương thực, thì các cán bộ đều lấy thêm người vào văn phòng, mua thêm máy đánh chữ và xe hơi... Vì tiêu tiền quá nhiều vào chỗ không sinh lợi, đến khi cộng lại, thì thấy xuất cảng lương thực không có lãi.


Thử tính xem: Chúng ta thu góp hàng chục triệu cân lương thực, mà mỗi cân đắt thêm 5 xu, thì đã lãng phí mất mấy triệu đồng.


Nếu chúng ta không dùng chế độ rất nghiêm ngặt để ngăn ngừa các cơ quan tiêu dùng bừa bãi, thì chúng ta tiết kiệm được bao nhiêu tiền của cũng bị lãng phí hết bấy nhiêu...


3. Chúng ta phải kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sự sinh hoạt của chúng ta. Chống cách tiêu dùng bừa bãi tiền của của nhân dân và vốn liếng của Chính phủ.


Hiện nay, có những cuộc khai hội, những lễ kỷ niệm, những đám yến tiệc tốn hàng vạn, hàng chục vạn. Cần phải chấm dứt nạn phô trương, lãng phí ấy. Trong lúc công nghệ cần phải xây dựng, đồng bào đang bị thiếu thốn, chúng ta không thể tha thứ những việc phô trương, lãng phí như vậy.


Một điều đáng chú ý: Nhiều khi có những người ngoài Đảng họ tiết kiệm của công hơn những đảng viên. Có những đảng viên rất “dũng cảm, kiên quyết” trong trường hợp này: họ âm thầm phát phụ cấp cho nhân viên của họ, mượn tiếng là “hoa hồng” tuy sự thực không có gì là “hồng hoa”. Họ âm thầm phớt qua phép luật, trốn tránh và làm trái phép luật. Về điểm này, những người ngoài Đảng cẩn thận hơn. Vì đảng viên thường xem phép luật, chính quyền, v.v... là việc trong nhà. Vì vậy, mà có đôi đảng viên như những con lợn, (xin lỗi tiếng đó), họ rúc vào vườn rau của Nhà nước, chén một bữa no say, hoặc họ hy sinh lợi ích của nước nhà, để lên mặt mình là khảng khái.


Chúng ta phải chấm dứt cái thói vô chính phủ ấy.


4. Phải chống nạn ăn cắp của công, mà các cơ quan quen gọi là trộm cắp “đường hoàng”.


Các báo chí phân biệt: có thứ trộm cắp xấu xa, kín đáo, có thứ trộm cắp “đường hoàng”. Vừa rồi, báo Thanh niên cộng sản có nói về thứ trộm cắp “đường hoàng” ấy: Một chàng thanh niên bảnh bao, ở một cơ quan nọ, đã trộm cắp của công một cách đường hoàng, một cách có ngăn nắp, và trộm cắp đã nhiều lần. Điều đáng chú ý ở đây, không phải là thằng kẻ trộm. Đáng chú ý là những người xung quanh biết nó là kẻ trộm, chẳng những không chống nó, mà lại vỗ vai nó, khen ngợi nó, xem nó như một người anh hùng.


Đó là một điều đáng chú ý, một điều rất nguy hiểm.


Khi bắt được một tên mật thám, một tên phản quốc thì quần chúng rất căm giận, đòi xử bắn nó đi. Song khi tên giặc hoạt động trước mắt mọi người, thì quần chúng lại hiền lành với nó, vỗ vai nó, khen ngợi nó.


Trộm cắp tiền bạc của nhân dân, tổn hại kinh tế của Chính phủ, cũng là mật thám, phản quốc, nếu không phải là tệ hơn nữa.


Cuối cùng tên kẻ trộm “đường hoàng” kia đã bị bắt. Nhưng bắt một tên trộm ấy, có nghĩa lý gì, vì còn có hàng nghìn hàng vạn tên giặc như nó. Cần phải có biện pháp khác, biện pháp nghiêm ngặt hơn, để trừng trị chúng. Biện pháp ấy là gây nên một đạo đức để ngăn ngừa trộm cắp, gây nên một phong trào quần chúng gớm ghét, bao vây lũ giặc ấy. Biện pháp ấy là gây nên một cuộc vận động trong công nông chống trộm cắp; làm cho lũ trộm cắp “đường hoàng” cũng như trộm cắp kín đáo - không sống còn được.


Tiêu diệt trộm cắp, là một cách để bảo vệ, tiết kiệm và tránh lãng phí.


Sau cùng, chúng ta cần có một cuộc vận động: Tiêu diệt lười biếng, nâng cao năng suất, củng cố kỷ luật lao động.


Công nhân vắng mặt không đi làm, đã gây cho công nghệ thiệt mất hàng chục vạn giờ lao động, tổn thất hàng trăm vạn đồng.


Nếu không chấm dứt thói lười biếng, không nâng cao năng suất, thì công nghệ không tiến được, mà lương bổng công nhân cũng không tăng được.


Anh chị em công nhân phải hiểu rõ, nhất là những công nhân mới, phải hiểu rõ rằng: lười biếng và không nâng cao năng suất là có hại cho sự nghiệp chung, có hại cho cả giai cấp công nhân, có hại cho công nghệ của ta.


Vì lợi ích của kinh tế, vì lợi ích của giai cấp công nhân - chúng ta phải chống thói lười biếng, phải nâng cao năng suất”. (Hội nghị cán bộ Đảng ở Lêningrát, 13-4-1926).

CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy