Một số điều cần biết về hoạt động của UBKT trong tổ chức Công đoàn.
A. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ CÔNG TÁC KIỂM TRA
1- Khái niệm:
Kiểm tra là xem xét tình hình thực tế để đánh giá, nhận xét. Ví dụ: kiểm tra sổ sách; thi kiểm tra; kiểm tra sức khỏe (Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2004).
Như vậy, kiểm tra có thể hiểu là hoạt động của một chủ thể được Nhà nước giao quyền, nhằm kiểm tra, xem xét, đánh giá về những mặt, những hoạt động nào đó đối với một khách thể theo quy định của pháp luật.
2- Mục đích:
Hoạt động của kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật;
Phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các biện pháp khắc phục;
Coi trọng phát hiện và phát huy nhân tố tích cực, phổ biến những tấm gương, những bài học kinh nghiệm tốt;
Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý Nhà nước, cơ quan và đơn vị; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3- Nguyên tắc hoạt động:
Hoạt động của công tác kiểm tra phải tuân theo pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được giao;
Chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp về nhiệm vụ kiểm tra;
Bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời;
Không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra.
B. NHIỆM VỤ VÀ BIỆN PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN KIỂM TRA CÔNG ĐOÀN CÁC CẤP:
1- Nhiệm vụ:
1.1- Giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Công đoàn cùng cấp và cấp dưới:
Kiểm tra chấp hành Điều lệ Công đoàn là nhiệm vụ của Ban chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn mỗi cấp, Ủy ban kiểm tra Công đoàn có trách nhiệm giúp Ban chấp hành, Ban Thường vụ công đoàn cấp mình trong việc kiểm tra chấp hành Điều lệ công đoàn, để việc kiểm tra có hiệu quả, không chồng chéo cần phân định rõ trách nhiệm Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Ủy ban kiểm tra, đoàn kiểm tra và đơn vị được kiểm tra:
- Trách nhiệm, quyền hạn của Ban chấp hành, Ban Thường vụ:
+ Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
+ Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra chấp hành Điều lệ;
+ Quyết định chương trình, kế hoạch kiểm tra chấp hành Điều lệ Công đoàn;
+ Cung cấp các văn bản, tài liệu liên quan đến hoạt động kiểm tra chấp hành Điều lệ;
+ Nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của Ủy ban kiểm tra;
+ Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra và chỉ đạo tổ chức, tiến hành kiểm tra và chịu sự kiểm tra của công đoàn cấp trên;
+ Báo cáo, cung cấp tài liệu, chứng cứ và giải trình những vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm tra khi Ủy ban kiểm tra hoặc Đoàn kiểm tra yêu cầu;
+ Tạo điều kiện để Ủy ban Kiểm tra tổ chức việc kiểm tra chấp hành Điều lệ;
- Trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban kiểm tra:
+ Giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ công đoàn xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra và soạn thảo các văn bản kiểm tra;
+ Chủ động triển khai tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra theo sự phân công hoặc được ủy quyền;
+ Theo dõi, nắm bắt tình hình chấp hành Điều lệ Công đoàn và tình hình kiểm tra việc chấp hành Điều lệ công đoàn ở cấp dưới;
+ Phúc tra, thẩm định lại kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra công đoàn cấp dưới hoặc xem xét những ý kiến chưa nhất trí về kết luận kiểm tra của Ủy ban kiểm tra công đoàn cấp dưới;
+ Báo cáo kết luận kiểm tra và báo cáo chuyên đề kiểm tra Điều lệ;
+ Nghiên cứu tham gia sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam và các quy định của công đoàn;
+ Hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chấp hành Điều lệ;
+ Đề nghị cơ quan thường trực công đoàn cùng cấp trưng tập cán bộ; bố trí phương tiện, tạo điều kiện để thực hiện việc kiểm tra;
+ Chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành, Ban Thường vụ về những hoạt động kiểm tra hoặc khi được ủy quyền tổ chức thực hiện việc kiểm tra chấp hành Điều lệ Công đoàn.
- Trách nhiệm, quyền hạn của Đoàn kiểm tra:
+ Công bố quyết định kiểm tra với đơn vị được kiểm tra;
+ Thực hiện các nhiệm vụ theo quyết định kiểm tra;
+ Được xác minh, thu thập chứng cứ và yêu cầu đơn vị được kiểm tra báo cáo, giải trình, cung cấp các tài liệu liên quan phục vụ công tác kiểm tra;
+ Chấp hành đúng nội dung, đối tượng, thời gian theo quyết định kiểm tra;
+ Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện những dấu hiệu tội phạm hoặc vi phạm ngoài nội dung đã ghi trong quyết định, Trưởng đoàn phải báo cáo với người có thẩm quyền của Công đoàn hoặc Ủy ban Kiểm tra xem xét;
+ Kiến nghị với Cơ quan Thường trực công đoàn cấp có thẩm quyền đình chỉ ngay các việc làm xét thấy đang hoặc sẽ gây tác hại nghiêm trọng đến cơ quan, tổ chức công đoàn;
+ Có thể kiến nghị với người ra quyết định kiểm tra xem xét gia hạn cuộc kiểm tra để kiểm tra làm rõ thêm một số vấn đề cần kiểm tra.
+ Dự thảo kết luận kiểm tra.
+ Kết thúc kiểm tra, Đoàn kiểm tra phải hoàn chỉnh và ký ban hành kết luận kiểm tra báo cáo Ban thường vụ, gửi đơn vị được kiểm tra và lưu vào hồ sơ kiểm tra.
+ Trưởng đoàn kiểm tra phải chịu trách nhiệm về các nội dung kết luận kiểm tra.
- Trách nhiệm, quyền hạn của đơn vị được kiểm tra:
+ Báo cáo, cung cấp kịp thời đầy đủ các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra, giải trình các yêu cầu của Đoàn kiểm tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực về thông tin, tài liệu đã cung cấp.
+ Thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu, kiến nghị, kết luận của Đoàn kiểm tra và tạo điều kiện để Đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ kiểm tra.
+ Phản ánh đến Đoàn kiểm tra, cấp ra quyết định kiểm tra khi cán bộ trong Đoàn kiểm tra thực hiện sai nội dung trong quyết định, vi phạm các quyết định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn.
+ Khiếu nại về kết luận của Đoàn kiểm tra khi có căn cứ cho rằng kết luận đó là trái pháp luật, trái quy định của Tổng Liên đoàn, xâm phạm đến quyền lợi ích tổ chức, cá nhân. Trong khi chờ giải quyết vẫn phải thực hiện kết luận của Đoàn kiểm tra.
+ Kiểm tra chấp hành Điều lệ Công đoàn là nội dung rộng và phạm vi ở tất cả các caaps công đoàn, vì vậy Ban chấp hành, Ban thường vụ công đoàn mỗi cấp cần chỉ đạo Ủy ban kiểm tra nghiên cứu lựa chọn những nội dung cần tập trung để kiểm tra đảm bảo yêu cầu thiết thực và có hiệu quả, cần tránh hình thức, chạy theo số lượng của các cuộc kiểm tra. Việc kiểm tra chấp hành Điều lệ phải hướng đến giúp đoàn viên và Công đoàn các cấp sửa chữa những sai sót, khuyết điểm, thực hiện Điều lệ tốt hơn.
1.2- Kiểm tra Công đoàn cùng cấp và cấp dưới khi tổ chức hoặc đoàn viên có dấu hiệu vi phạm Điều lệ, Nghị quyết, Chỉ thị và các quy định của Công đoàn
Đây là nhiệm vụ của Công đoàn các cấp nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện vi phạm Điều lệ Công đoàn, Nghị quyết, chỉ thị và các quy định của Công đoàn, thực hiện nhiệm vụ này, UBKT chịu sự lãnh đạo của Ban chấp hành Công đoàn cùng cấp và sự chỉ đạo của UBKT Công đoàn cấp trên, UBKT có quyền chủ động về đối tượng, nội dung, thời gian kiểm tra, các văn bản thuộc nhiệm vụ này đều do UBKT ký.
Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm được thực hiện ở đồng cấp và cấp dưới, có dấu hiệu vi phạm ở nội dung nào thì đi sâu kiểm tra nội dung đó.
- Khi kiểm tra có dấu hiệu vi phạm cần lưu ý một số điểm sau đây
+ Không nên đồng nhất vi phạm với dấu hiệu vi phạm: Vi phạm là “Không tuân theo hoặc làm trái lại điều quy định” (Từ điển Tiếng Việt, NXH Đà Nẵng 2004). Còn dấu hiệu vi phạm là hiện tượng phản ánh bên ngoài của bản chất, nên có thể đồng nhất đúng với bản chất hoặc không đúng với bản chất.
+ Cần xử lý thông tin để có quyết định đúng: Việc phát hiện dấu hiệu vi phạm có thể qua nhiều kênh thông tin, khi tiếp nhận những thông tin, người kiểm tra cần nghiên cứu, phân tích sàng lọc để có thông tin chính xác và quyết định kiểm tra đúng.
+ Cần tránh một số khuynh hướng mắc phải:
Ngại không kiểm tra đồng cấp khi có dấu hiệu vi phạm;
Thụ động chờ vi phạm rõ mới kiểm tra;
Đơn vị kiểm tra thường hay mặc cảm, băn khoăn;
Người được giao nhiệm vụ kiểm tra thì làm sơ sài, kết luận chung chung không rõ ràng;
Phát hiện dấu hiệu vi phạm chủ yếu dựa vào đơn thư tố cáo mà không dựa vào các nguồn thông tin khác.
1.3- Kiểm tra việc quản lý, sử dụng, tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế Công đoàn đồng cấp và cấp dưới:
+ Cần xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của UBKT Công đoàn các cấp. Làm tốt nhiệm vụ này Công đoàn các cấp sẽ góp phần tích cực vào việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Công đoàn theo đúng quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn, góp phần đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng trong hệ thống Công đoàn, xây dựng hệ thống Công đoàn thực sự vững mạnh.
Khi thực hiện nhiệm vụ này, UBKT hoàn toàn chủ động trong các khâu của quá trình kiểm tra ở cấp mình cũng như cấp dưới; đối tượng kiểm tra, nội dung kiểm tra, phương pháp kiểm tra, thời gian, kết luận kiểm tra…
- Nội dung kiểm tra gồm có:
+ Tài chính công đoàn;
+ Tài sản công đoàn;
+ Hoạt động kinh tế Công đoàn;
+ Các đơn vị sự nghiệp do Công đoàn quản lý;
+ Các Dự án Công đoàn là chủ dự án hoặc tham gia trong dự án có liên quan đến sử dụng tài chính, tài sản;
+ Các Quỹ xã hội.
- Về nguyên tắc:
+ Tất cả những nội dung tài chính, tài sản và hoạt động có gắn với tài chính, tài sản do Công đoàn quản lý, liên kết, liên doanh đều thuộc nhiệm vụ kiểm tra của Ủy Ban kiểm tra Công đoàn. Song khi tiến hành kiểm tra phải tuân thủ các quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn.
+ Hàng năm UBKT Công đoàn các cấp phải tiến hành kiểm tra tài chính đồng cấp.
Tiến hành kiểm tra quản lý sử dụng tài chính, tài sản cấp ở cấp dưới theo kế hoạch, trong một nhiệm kỳ, đảm bảo mỗi đơn vị cấp dưới được kiểm tra ít nhất một lần về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản.
1.4- Giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Công đoàn; tham gia các cơ quan chức năng Nhà nước giải quyết các khiếu nại tố cáo của CNVCLĐ:
Việc giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của đoàn viên, CNVCLĐ là nhiệm vụ của Công đoàn các cấp. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành quyết định số 530/QĐ-TLĐ ngày 20/3/2006 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định về việc Công đoàn giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quy định này gồm 7 Chương 21 Điều quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Công đoàn các cấp trong việc giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, cũng như trách nhiệm của UBKT Công đoàn trong việc giúp BCH, BTV giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo. Điều 17 của quy định nêu trên khẳng định:
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất quản lý công tác giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hệ thống tổ chức Công đoàn.
UBKT Tổng Liên đoàn Lao động giúp Tổng Liên đoàn thực hiện việc quản lý công tác giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hệ thống tổ chức Công đoàn.
Công đoàn các cấp thực hiện việc quản lý công tác giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo theo phân cấp quản lý của tổ chức Công đoàn; hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra công đoàn cấp dưới thực hiện việc giải quyết và tham gia việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; chấp hành chế độ báo cáo theo quy định của Công đoàn và Ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên.
UBKT giúp BCH, Ban Thường Vụ Công đoàn mỗi cấp thực hiện việc quản lý công tác giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo theo phân cấp quản lý của tổ chức Công đoàn.
Công đoàn cấp trên trực tiếp có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của Công đoàn cấp dưới; xử lý đối với cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về giải quyết và tham gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo của Công đoàn và các quy định của pháp luật.
Để thực hiện tốt quy định nêu trên Công đoàn và UBKT Công đoàn các cấp cần thực hiện tốt các nội dung công việc sau.
- Đối với trách nhiệm của BCH, BTV Công đoàn các cấp:
+ Tổ chức chỉ đạo thực hiện việc giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo;
+ Bố trí nơi tiếp, cán bộ tiếp và ban hành nội quy tiếp đoàn viên, CNVCLĐ;
+ Chỉ đạo Công đoàn các cấp, các ban, các đơn vị có liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo phối hợp với UBKT Công đoàn cùng cấp giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo;
+ Ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, hoặc quyết định xử lý tố cáo;
+ Đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo Công đoàn tham gia giải quyết thì tổ chức các hình thức tham gia, ký các văn bản tham gia với cơ quan tổ chức có thẩm quyền.
- Trách nhiệm của UBKT Công đoàn các cấp:
+ Tổ chức tiếp đoàn viên và người lao động đến khiếu nại, tố cáo và quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.
+ Giúp BCH, BTV giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam và trình tự giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quyết định số 530 ngày 20/3/2006 của Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn.
+ Tổ chức bồi dưỡng cán bộ công đoàn làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
+ Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước, Công đoàn về khiếu nại, tố cáo.
+ Kiểm tra việc thực hiện quy định về giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo.
+ Tổng hợp tình hình khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo;
+ Sơ kết, tổng kết công tác giải quyết, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo.
1.5- Tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ Công đoàn làm công tác kiểm tra:
Công tác tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra là công việc hết sức quan trọng, phải được Công đoàn các cấp quan tâm. Hơn nữa đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra hầu hết là bán chuyên trách, kiêm nhiệm và thay đổi theo nhiệm kỳ, do đó việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ kiểm tra nắm được nội dung cũng như phương pháp hoạt động là một đòi hỏi khách quan, cần thiết.
Nội dung tập thuấn cần có trọng tâm, trọng điểm lựa chọn sao cho thiết thực với người học, phù hợp với từng loại đối tượng và các cấp khác nhau trong tổ chức Công đoàn.
Về hình thức bồi dưỡng, tập huấn: Cần đa dạng, phong phú, linh hoạt sát với thực tiễn.
2- Biện pháp:
2.1- Nâng cao nhận thức của các cấp Công đoàn về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tác dụng của công tác kiểm tra: Vai trò, trách nhiệm của BCH, BTV Công đoàn các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, trách nhiệm của Công đoàn các cấp, của UBKT Công đoàn các cấp, của cán bộ, đoàn viên đối với công tác kiểm tra, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động về công tác kiểm tra, khắc phục những lệch lạc về nhận thức và yếu kém trong công tác kiểm tra như: khoán trắng công tác kiểm tra cho UBKT, xem nhẹ, buông lỏng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các cuộc kiểm tra mang tính hình thức, các kết luận kiểm tra không được thực hiện nghiêm túc.
2.2- Tiếp tục kiện toàn, củng cố UBKT công đoàn các cấp, đồng thời tăng cường việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra về cả số lượng và chất lượng, cũng như cơ chế, chính sách bảo vệ cán bộ làm công tác kiểm tra.
Công tác kiểm tra vốn khô khan, khó khăn và phức tạp, dễ va chạm, mất lòng người khác, nhất là những người chịu trách nhiệm và liên quan tới vấn đề đang kiểm tra nên nhiều người không muốn nhận công tác này hoặc nhận nhưng khi thực hiện kiểm tra thì hình thức, nể nang, xê xoa, thiếu kiên quyết. Trong khi đó số lượng cán bộ chuyên trách của Ủy ban Kiểm tra Công đoàn các cấp rất mỏng (thường 1-2 người); trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế; dẫn tới tình trạng số lượng các cuộc kiểm tra còn ít, chất lượng các cuộc kiểm tra chưa cao, mức độ giải quyết nhiều khi chưa đến nơi đến chốn.
2.3- Tăng cường tự kiểm tra và kiểm tra của cấp trên với cấp dưới, nâng cao chất lượng cuộc kiểm tra chấp hành Điều lệ; kiểm tra quản lý, sử dụng tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế của Công đoàn cấp mình và cấp dưới; kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ, Nghị quyết, Chỉ thị và các quy định của Công đoàn để chủ động phòng ngừa vi phạm, phát hiện những điển hình, tiên tiến để phát huy, những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm để khắc phục, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm khi được phát hiện.
2.4- UBKT Công đoàn các cấp chủ động xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch kiểm tra nhiệm kỳ, kiểm tra hằng năm báo cáo BCH, BTV và triển khai thực hiện.
6 tháng, hàng năm và cuối nhiệm kỳ UBKT Công đoàn các cấp phải tổ chức sơ kết, tổng kết hoạt động và báo cáo BCH, BTV Công đoàn cùng cấp, UBKT Công đoàn cấp trên.
Trích Tài liệu phổ biến văn kiện Đại hội X Công đoàn Việt Nam (Tổng LĐLĐ Việt Nam - tháng 2/2009)