Chăm lo xây dựng giai cấp công nhân - nguồn lực cơ bản của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chăm lo xây dựng giai cấp công nhân - nguồn lực cơ bản của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Công nhân là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng, đời sống mọi mặt của công nhân còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, nâng cao đời sống cho công nhân là yêu cầu vừa cấp bách vừa lâu dài góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh. Trong việc thực hiện nhiệm vụ này, hệ thống chính trị có trách nhiệm lớn, đồng thời cần sự nỗ lực vươn lên của chính bản thân mỗi công nhân.
Hiện nay, tổng số công nhân trực tiếp sản xuất của nước ta có hơn 9,5 triệu người, chiếm tỷ lệ 11% số dân và 21% lực lượng lao động xã hội. Qua hơn 20 năm đổi mới, đội ngũ công nhân ngày càng tăng nhanh cả về lượng lẫn chất, đang hoạt động ngày càng đa dạng trong nhiều lĩnh vực: sản xuất kinh doanh, quản lý kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, giữ vị trí, vai trò chủ lực xây dựng đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trước áp lực khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và các giải pháp của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì mức tăng trưởng kinh tế hợp lý, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giai cấp công nhân phải tiếp tục phát huy hơn nữa bản chất của giai cấp và truyền thống yêu nước, không ngừng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, khả năng nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh ngày càng đạt chất lượng và hiệu quả cao.
Nhưng hiện nay, đời sống người công nhân vẫn còn nhiều khó khăn: thu nhập còn thấp, trình độ học vấn chưa cao, nhà ở vẫn đang là vấn đề còn nhiều bức xúc, đời sống tinh thần nghèo nàn. Để giai cấp công nhân vươn lên ngang tầm sứ mệnh lịch sử của mình, chúng ta tiếp tục cố gắng hơn nữa nhằm tạo bước chuyển mới về chất đội ngũ giai cấp công nhân.
Các tổ chức đảng và đoàn thể, các cơ sở đào tạo nghề tiếp tục nỗ lực vượt bậc
Thực tế cho thấy, tổ chức đảng mạnh là nhân tố có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và mọi mặt sinh hoạt của người lao động ở các doanh nghiệp. Để đời sống của công nhân được bảo đảm và nâng cao, cần tập trung xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức đảng ngay trong mỗi doanh nghiệp. Lâu nay, đời sống của công nhân còn khó khăn có một phần cơ bản là do hệ thống tổ chức đảng, các đoàn thể quần chúng tại một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp còn yếu kém, nhất là ở các khu công nghiệp, các doanh nghiệp dân doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tại không ít các doanh nghiệp loại hình này do thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các tổ chức đảng nên quyền và lợi ích của người lao động chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, tiếp tục xây dựng và củng cố tổ chức đảng trong toàn bộ các doanh nghiệp thuộc tất cả các loại hình kinh tế là việc làm cơ bản và cấp bách hiện nay.
Công đoàn với vị thế là người tập hợp giáo dục và bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động, ngày càng có ảnh hưởng to lớn đến đời sống mọi mặt của công nhân. Những năm qua Công đoàn các cấp đã thực hiện đáng ghi nhận chức năng bảo vệ quyền lợi người lao động tại các doanh nghiệp. Nhưng mặc dù doanh nghiệp nào cũng có tổ chức công đoàn cơ sở, song hoạt động chưa đều tay, đa số cán bộ công đoàn tại các cơ sở kiêm nhiệm công tác nên không có nhiều thời gian dành cho công tác công đoàn, ít cơ sở có cán bộ chuyên trách. Với gần 10 triệu công nhân và người lao động nhưng mới chỉ có gần 7 triệu tham gia vào tổ chức công đoàn. Hơn 30% số doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn, nhưng vẫn chưa được thành lập tổ chức công đoàn cơ sở. Để khắc phục những yếu kém đó trong thời gian tới, Công đoàn các cấp tiếp tục đổi mới cả nội dung lẫn hình thức hoạt động, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chính. Nhiệm vụ của tổ chức công đoàn cơ sở không chỉ quan tâm đến công nhân về quyền được hưởng đời sống vật chất và tinh thần tương xứng mà còn phải phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền, các đoàn thể khác và người sử dụng lao động bồi dưỡng đội ngũ công nhân viên về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, tinh thần tự lực tự cường, xây dựng đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, bảo đảm vệ sinh an toàn lao động, giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện làm việc và đời sống của mình. Đồng thời, Công đoàn các cấp vận động công nhân viên tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, tổ chức công đoàn trong sạch, vững mạnh; thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị và người bảo vệ thanh niên - lực lượng hùng hậu (60%) tại các tổ chức, doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế, bên cạnh các tổ chức đoàn ở các doanh nghiệp nhà nước phát huy tốt vai trò của mình, ở khu vực dân doanh vai trò tổ chức đoàn hoạt động rất mờ nhạt. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là phải xây dựng tổ chức đoàn cấp trên (quận, huyện đoàn; đoàn khối các ngành, các khu công nghiệp) thật mạnh, đủ sức chỉ đạo các tổ chức đoàn cơ sở ở khu vực các doanh nghiệp này theo hướng tạo điều kiện thuận lợi trong việc góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, khơi dậy tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ. Đồng thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của họ, phối hợp với Công đoàn quan tâm, tư vấn, hỗ trợ về mặt pháp lý bảo vệ thanh niên công nhân, khi quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm.
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đòi hỏi trình độ công nhân phải nâng tầm toàn diện, trước hết ở đây là tay nghề đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu đến năm 2020 về cơ bản nước ta trở thành nước công nghiệp, theo hướng hiện đại. Do đó, đào tạo công nhân có đủ tay nghề, tay nghề cao là vấn đề cấp bách. Hiện nay, tình trạng thừa thầy, thiếu thợ đang phổ biến trong xã hội, sự đào tạo nặng về lý thuyết nhẹ về thực hành đã gây lãng phí cho xã hội về chi phí và sự bất cập của sản phẩm đào tạo. Nguyên nhân chính là chúng ta đang chỉ đào tạo trung cấp nghề, cao đẳng nghề và vẫn còn hạn chế trong khi chưa có loại hình đào tạo đại học nghề (kỹ sư thực hành), đáp ứng nhu cầu của các tổ chức kinh tế. Cho nên mở rộng nhiều loại hình đào tạo công nhân, đào tạo thiên về thực hành là hướng đi hợp lý, vừa đáp ứng nhu cầu công nhân có tay nghề cao, vừa tiến gần hơn với thị trường lao động thế giới.
Tiếp tục đổi mới chính sách đãi ngộ công nhân
Trong rất nhiều vấn đề, nổi bật mấy phương diện sau:
Một là, nâng cao mức thu nhập cho công nhân nhằm bảo đảm đời sống cho họ. Hiện nay, đa phần thu nhập của công nhân chưa tương xứng với tần suất lao động và mức sống. Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có tới 44,4% số lao động cho rằng doanh nghiệp trả thu nhập cho người lao động thấp. Nhà nước có quy định mức lương tối thiểu, không quy định mức thu nhập tối đa, do đó thu nhập của người lao động tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động. Cùng với việc bảo đảm lương cơ bản phải chú trọng tới vấn đề phúc lợi. Vấn đề đặt ra là phần phúc lợi cần được chi trả cho người lao động theo tỷ lệ thỏa đáng tương ứng với lợi nhuận doanh nghiệp làm ra. Như vậy, người lao động sẽ yên tâm làm việc, chất lượng lao động và sinh mệnh của doanh nghiệp mới bảo đảm bền vững.
Hai là, khuyến khích người lao động nâng cao tri thức qua việc tự đào tạo hoặc doanh nghiệp đào tạo hoặc các cơ sở đào tạo khác hỗ trợ. Bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực theo hoạch định, doanh nghiệp cần khuyến khích người lao động tự học tập theo loại hình vừa học vừa làm (tại chức) bằng kinh phí riêng của họ, biểu dương hoặc thưởng khi có thành quả học tập và đương nhiên cũng kèm theo cam kết của người lao động phải phục vụ cho doanh nghiệp trong tương lai với thời gian hạn định.
Ba là, các tổ chức, doanh nghiệp coi trọng việc đầu tư nhà ở cho người lao động thông qua các hình thức cho thuê hoặc bán trả góp với những chính sách ưu đãi nhằm giúp người lao động được sớm "an cư, lạc nghiệp". Nhiều năm qua, gần 70% số công nhân và người lao động phải sống tạm bợ trong các căn nhà tồi tàn, thiếu những tiện nghi tối thiểu, nhất là tại các khu công nghiệp. Tình trạng đó là do chưa có chính sách ưu đãi về đầu tư nhà ở cho công nhân, doanh nghiệp rất muốn đầu tư lĩnh vực này nhưng vốn có hạn và ngại đầu tư vào vấn đề này sẽ kém hiệu quả... Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg, ngày 24-4-2009, về việc "Ban hành một số cơ chế chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê" và Quyết định số 96/2009/ QĐ-TTg, ngày 22-7-2009, về việc "Sửa đổi một số điều của Quyết định số 65/2009/ QĐ-TTg, Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg và Quyết định số 67/2009/QĐ-TTg, ngày 24-4-2009". Các tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện các quyết định đó bảo đảm nhà ở cho công nhân và đạt mức phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 50% số công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp được giải quyết nhà ở.
Bốn là, khuyến khích các doanh nghiệp ở tất cả các thành phần kinh tế tham gia phát triển các loại hình dịch vụ, các câu lạc bộ, cơ sở sinh hoạt văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động. Mỗi doanh nghiệp, cụm doanh nghiệp phải có các loại hình sinh hoạt cộng đồng. Để động viên phong trào, nên tổ chức các kỳ thi nâng bậc, thợ giỏi, thể thao, văn nghệ, tìm hiểu về pháp luật, đời sống hôn nhân và gia đình... Trong điều kiện hiện nay, để tổ chức thực hiện tốt đời sống văn hóa tinh thần, nên kết hợp giữa động viên khuyến khích với quá trình xây dựng những quy định có tính pháp lý. Nếu coi nhẹ việc đó thì việc nâng cao lĩnh vực đời sống tinh thần của người lao động khó đi vào chiều sâu, kém tính khả thi, hiệu quả chắc chắn không cao và không thể nói tới sự phát triển, tiến bộ của doanh nghiệp một cách bền vững. Đó là điều chắc chắn.
Theo Tạp chí Cộng sản