Vai trò và trách nhiệm của Công đoàn trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà tại doanh nghiệp.
Nền kinh tế Việt Nam hiện đang vận hành theo cơ chế thị trường, vì vậy tính chất của quan hệ lao động so với nền kinh tế kế hoạch hoá trước đây đã thay đổi. Do có sự thay đổi về tính chất của quan hệ lao động nên đã ảnh hưởng trực tiếp đối với hoạt động của Công đoàn.
Trước đây quan hệ lao động là do Nhà nước và CNLĐ tạo thành và lấy lợi ích chung làm điểm xuất phát, còn hiện nay quan hệ lao động là do doanh nghiệp và người lao động tạo thành trên cơ sở hai bên giúp đỡ lẫn nhau cùng có lợi. Do tính chất quan hệ lao động thay đổi, nên những xung đột trong quan hệ lao động những năm gần đây ngày càng có xu hướng gia tăng.
Sự thay đổi của quan hệ lao động, đòi hỏi Công đoàn phải lấy lĩnh vực lao động làm lĩnh vực hoạt động cơ bản và lấy việc điều hoà, ổn định quan hệ lao động làm nhiệm vụ xã hội cơ bản. Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, Công đoàn có vai trò điều hoà và ổn định quan hệ lao động xã hội, đây là vai trò không một tổ chức nào khác có thể thay thế. Bởi vì, Công đoàn là đại diện một bên của quan hệ lao động, thiếu Công đoàn không thể tạo thành quan hệ lao động hoàn chỉnh. Chính sự điều tiết quan hệ lao động yêu cầu Công đoàn phải tham gia, bởi vì việc điều tiết quan hệ lao động trong cơ chế thị trường là do hai bên trong quan hệ lao động qua cơ chế thị trường tự điều tiết, không có sự tham gia của Công đoàn, quan hệ lao động sẽ không thể vận hành bình thường.
Sau nhiều năm thực hiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ngày 5/6/2008 Ban Bí thư Trung ương đã ban hành hành Chỉ thị số 22-CT/TW về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp. Tiếp theo là Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày18/8/2008 triển khai chỉ thị 22-CT/TW về quy định nhiệm vụ cho các bộ, ban ngành và uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN cũng đã có Kế hoạch số 1233/KH-TLĐ ngày 17/7/2008 về triển khai chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương trong hệ thống Công đoàn.
Hoạt động của các cấp Công đoàn trong những năm qua đang thích ứng dần với nhu cầu thay đổi của quan hệ lao động, song chúng ta còn thiếu kinh nghiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu điều chỉnh quan hệ lao động ngày một phức tạp trong quá trình phát triển kinh tế thị trường XHCN. Để tiếp tục khẳng định và thực hiện tốt hơn vai trò của một bên không thể thiếu trong quan hệ lao động. Công đoàn cần chủ động hơn nữa trong việc điều tiết quan hệ lao động. Trong đó cần chú ý các vấn đề sau:
- Trong điều tiết quan hệ lao động, Công đoàn không xuất hiện là người trung gian, mà phải là đại diện một bên, đóng vai trò một bên chủ thể quan hệ lao động trực tiếp tham gia.
- Công đoàn điều tiết và ổn định quan hệ lao động phải lấy sự phát triển của doanh nghiệp và kinh tế xã hội làm mục đích cuối cùng. Người lao động thu được lợi ích cuối cùng phải dựa vào vào sự phát triển của doanh nghiệp và kinh tế xã hội. Do đó trong quá trình Công đoàn đại diện người lao động xử lý quan hệ lao động, phải nghĩ tới lợi ích của doanh nghiệp. Khi nêu yêu cầu bảo vệ lợi ích CNLĐ, cần phải xét tới tình hình thực tế và sức chịu đựng của doanh nghiệp.
- Công đoàn điều tiết và ổn định quan hệ lao động, phải trên cơ sở lấy quy định của pháp luật làm chuẩn. Sự điều hoà và ổn định của quan hệ lao động, thực hiện thông qua sự điều chỉnh của pháp luật. Quá trình Công đoàn điều tiết và ổn định quan hệ lao động phải trên cơ sở chấp hành pháp luật lao động của Nhà nước. Đây chính là yêu cầu của pháp luật đối với tổ chức Công đoàn trong việc điều hoà và ổn định quan hệ lao động, vừa là căn cứ pháp luật để Công đoàn dựa vào đó để điều hoà và ổn định quan hệ lao động.
- Công đoàn điều tiết và ổn định quan hệ lao động trên cơ sở thông qua phương thức thoả ước là chính. Giám sát, đôn đốc việc thực hiện tốt giao kết hợp đồng lao động tại doanh nghiệp và chủ động thương lượng, đàm phán, ký kết, thực hiện tốt thoả ước lao động tập thể và tăng cường việc tổ chức đối thoại giữa người sử dụng lao động với người lao động trong doanh nghiệp. Để thực hiện tốt chỉ đạo và thực hiện thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể, trước hết cần tập trung quán triệt Nghị quyết số 01/NQ-DCT ngày 18/6/2009 của Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn về đổi mới, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thoả ước lao động tập thể và xây dựng kế hoạch triển khai nghị quyết tới các cấp Công đoàn.
- Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn CĐCS đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thực hiện pháp luật lao động trong CNLĐ và chủ động đôn đốc, phối hợp cùng người sử dụng lao động thực hiện tốt việc duy trì mở hội nghị người lao động theo quy định Nghị định 87/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của chính phủ.
- Nâng cao năng lực của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐCS trong hoạt động đối thoại, tham vấn, thương lượng.
- Khi thành lập mới Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong khu vực có quan hệ lao động, trước hết cần nghiên cứu, xác định rõ đối tác của Công đoàn phải là đại diện cho người sử dụng lao động (nếu không có đại diện sử dụng lao động thì không nên hình thành tổ chức Công đoàn).
Công đoàn thực hiện tốt điều tiết và ổn định quan hệ lao động hài hoà mới có điều kiện để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị của mình, mới thực hiện được nhiệm vụ là “chiếc cầu” nối liền giữa Đảng với CNLĐ.
Theo congdoanvn.org.vn