Qui chế tổ chức và hoạt động của Nhà Văn Hóa Lao Động.

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1493 /QĐ-TLĐ ngày 17 tháng 11 năm 2009 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).


Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi áp dụng


Quy chế này áp dụng đối với các Cung Văn hóa, Nhà Văn hóa Lao động, Trung tâm Văn hóa Lao động (gọi chung là Nhà Văn hóa Lao động) cấp tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do ngân sách nhà nước hoặc ngân sách công đoàn đầu tư, hoặc do viện trợ quốc tế.


Điều 2: Tư cách pháp nhân


1. Nhà Văn hóa Lao động do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành lập theo các quy định tại Điều 4 và Điều 5 Quy chế này. Nhà Văn hóa Lao động được Tổng Liên đoàn phân cấp cho Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc (gọi chung là Công đoàn cấp trên) trực tiếp quản lý, chỉ đạo.


2. Nhà Văn hóa Lao động là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng được mở tài khoản tại Ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.


Điều 3: Đối tượng phục vụ


Đối tượng phục vụ chủ yếu của Nhà Văn hóa Lao động là cán bộ, công nhân, viên chức, lao động và đoàn viên công đoàn (gọi chung là CNVCLĐ), cán bộ hưu trí, con em người lao động và các đối tượng khác trên địa bàn.


Chương II

THÀNH LẬP VÀ GIẢI THỂ


Điều 4: Điều kiện thành lập


Nhà Văn hóa Lao động được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ra quyết định thành lập khi đảm bảo các điều kiện cơ bản sau đây:


- Căn cứ vào nhu cầu phát triển sự nghiệp văn hóa và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và yêu cầu tập hợp, giáo dục công nhân, viên chức, lao động của tổ chức Công đoàn.


- Có đội ngũ cán bộ, viên chức theo chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu quản lý và tổ chức hoạt động.


- Có cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo các yêu cầu cơ bản để tổ chức hoạt động.


- Các điều kiện tài chính theo quy định.


Điều 5: Thủ tục và hồ sơ thành lập


1. Thủ tục thành lập: Công đoàn cấp trên xây dựng đề án và hoàn chỉnh hồ sơ trình Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, có xác nhận đồng thuận của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố hoặc lãnh đạo Bộ và tương đương (nếu có).


2. Hồ sơ thành lập:


- Tờ trình đề nghị thành lập (bao gồm các nội dung như Điều 4)


- Đề án thành lập bao gồm các nội dung chính: Mục đích, mục tiêu, quy mô, tên gọi, tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, địa điểm, cơ sở vật chất, nguồn tài chính, nguồn cán bộ, dự kiến chức danh giám đốc, hiệu quả kinh tế, văn hóa, xã hội.


Điều 6: Giải thể


Nhà Văn hóa Lao động hoạt động không hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ sẽ bị giải thể. Việc giải thể Nhà Văn hóa Lao động do Tổng Liên đoàn quyết định theo đề nghị của Công đoàn cấp trên.


Chương III

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN


Điều 7: Chức năng


Nhà Văn hóa Lao động là trung tâm hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; trung tâm tập hợp, tuyên truyền giáo dục công nhân, viên chức, lao động; trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ và hạt nhân cho phong trào cơ sở; nơi thu hút công nhân, viên chức lao động và nhân dân đến vui chơi, giải trí, thụ hưởng và sáng tạo văn hóa, thể thao lành mạnh.


Điều 8: Nhiệm vụ


1. Tuyên truyền, phục vụ các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong nước và quốc tế do Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và tổ chức Công đoàn yêu cầu.


2. Tổ chức các đội nhóm, các câu lạc bộ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thông tin tuyên truyền vui chơi giải trí, các hình thức bồi dưỡng, phát triển năng khiếu, tài năng cùng các sở thích lành mạnh của CNVCLĐ, nhất là CNLĐ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa; bồi dưỡng hạt nhân cho phong trào cơ sở.


3. Tổ chức và phục vụ có thu trên các lĩnh vực hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch, hội nghị, hội thảo, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và các dịch vụ văn hóa, thể thao khác không trái với quy định của Nhà nước và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Nhà Văn hóa Lao động… để bổ sung kinh phí hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất và dành một phần chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân viên.


4. Quản lý sử dụng có hiệu quả, bảo toàn, phát triển cơ sở vật chất nguồn vốn được giao. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước và Công đoàn. Xây dựng mối quan hệ phối hợp thường xuyên với các ngành có liên quan, đặc biệt là với ngành văn hóa, thể thao và du lịch, ngành thông tin và truyền thông để thực hiện hiệu quả công việc của mình.


Điều 9: Quyền hạn


1. Nhà Văn hoá Lao động có quyền hạn và nghĩa vụ như một đơn vị hoạt động trên lĩnh vực văn hóa – thể thao của nhà nước, tổ chức Công đoàn cấp tương đương.


2. Được đề nghị xếp hạng theo quy định của Nhà nước.


3. Được ngân sách nhà nước và kinh phí công đoàn hỗ trợ khi sửa chữa bảo dưỡng lớn, xây dựng cơ bản hoặc một phần kinh phí hoạt động cho những nơi thật sự khó khăn.


4. Được huy động, nhận tài trợ, quản lý, sử dụng các nguồn lực huy động theo quy định của pháp luật đảm bảo sự thống nhất của Công đoàn cấp trên và sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.


5. Được liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Nhà Văn hoá Lao động và có sự thống nhất của Công đoàn cấp trên và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động của Nhà Văn hóa Lao động.


6. Được sử dụng nguồn thu từ các hoạt động thường xuyên (kể cả dịch vụ) để đầu tư cơ sở vật chất; chi cho các hoạt động và bổ sung nguồn kinh phí của Nhà Văn hóa Lao động; chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân viên.


7. Thực hiện các quyền tự chủ khác theo phân cấp quản lý của công đoàn và quy định của pháp luật.


Chương IV

TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ NHÂN SỰ


Điều 10: Tổ chức bộ máy của Nhà Văn hóa Lao động


1. Giám đốc, Phó Giám đốc;


2. Phòng Nghiệp vụ, Phòng Tổ chức - Hành chính, phòng Kế hoạch - Tài vụ (hoặc phòng Kế toán - Tài chính); Xuất phát từ nhu cầu, quy mô mở rộng hoạt động của Nhà văn hóa Lao động, Giám đốc Nhà văn hóa Lao động quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng, bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của Nhà văn hóa Lao động (sau khi được sự đồng ý của Công đoàn cấp trên).


3. Nhà Văn hóa Lao động có tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.


Điều 11: Nhân sự


1. Biên chế, cán bộ nhân viên của Nhà Văn hóa Lao động do Ban Thường vụ Công đoàn cấp trên quyết định. Ngoài ra, căn cứ vào yêu cầu công việc và khả năng tự cân đối thu chi, Giám đốc Nhà văn hóa Lao động được ký hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu định biên đã được giao, nhưng phải đảm bảo các quy định của pháp luật.


2. Việc tiếp nhận và điều động cán bộ trong khung biên chế của Nhà Văn hóa Lao động do giám đốc Nhà Văn hóa Lao động đề xuất, Ban Thường vụ Công đoàn cấp trên quyết định.


3. Cán bộ nhân viên công tác tại Nhà Văn hóa Lao động phải có chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng hoạt động phù hợp với chức danh công việc, đáp ứng yêu cầu hoạt động và quản lý của Nhà Văn hóa Lao động. Việc tuyển dụng phải theo quy chế, tiêu chuẩn và dân chủ, công khai.


Điều 12: Tiêu chuẩn, điều kiện và thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm giám đốc, phó giám đốc, trưởng, phó phòng trực thuộc Nhà văn hóa Lao động.


1. Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm: Thực hiện theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Giám đốc, phó giám đốc Nhà văn hóa Lao động phải có trình độ đại học trở lên, trình độ chính trị trung cấp trở lên, am hiểu về lĩnh vực quản lý văn hóa, thể thao.


2. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm giám đốc Nhà văn hóa Lao động do Ban Thường vụ Công đoàn cấp trên quyết định.


3. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm phó giám đốc và kế toán trưởng Nhà Văn hóa Lao động do giám đốc Nhà Văn hóa Lao động đề nghị, Ban Thường vụ Công đoàn cấp trên quyết định.


4. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm trưởng phòng của Nhà Văn hóa Lao động do giám đốc Nhà Văn hóa Lao động quyết định sau khi có ý kiến của Công đoàn cấp trên quản lý.


5. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm phó trưởng phòng của Nhà Văn hóa Lao động do giám đốc Nhà Văn hóa Lao động quyết định.


Điều 13: Nhiệm vụ của Giám đốc


1. Điều hành hoạt động của Nhà Văn hóa Lao động theo chế độ thủ trưởng. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của Nhà Văn hóa Lao động hàng năm theo định hướng của Ban Thường vụ Công đoàn cấp trên và Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đề ra các biện pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chương trình đã được thông qua.


2. Quản lý cơ sở vật chất, tài sản, tài chính của Nhà Văn hóa Lao động và tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực huy động được để phục vụ hoạt động của Nhà Văn hóa Lao động theo các quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn.


3. Thực hiện công tác quản lý tài chính – tài sản của Nhà Văn hóa Lao động theo đúng quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn. Hàng năm, thực hiện việc công khai tài chính theo quy định của Nhà nước và của Tổng Liên đoàn.


4. Thường xuyên chăm lo nâng cao đời sống, cải thiện điều kiện làm việc, học tập cho cán bộ, nhân viên của Nhà Văn hóa Lao động.


5. Chỉ đạo và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong Nhà Văn hóa Lao động.


6. Thực hiện quy chế dân chủ trong Nhà Văn hóa Lao động; thực hiện đúng các chế độ chính sách của Nhà nước và của Tổng Liên đoàn đối với cán bộ, nhân viên của Nhà Văn hóa Lao động.


7. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định của Công đoàn cấp trên.


8. Hàng năm xây dựng kế hoạch hoạt động của Nhà Văn hoá; báo cáo kết quả hoạt động của năm (kể cả kết quả tài chính trong năm) trình Công đoàn cấp trên phê duyệt.


Điều 14: Quyền hạn và trách nhiệm của Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động


1. Quyết định các biện pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn của Nhà Văn hóa Lao động quy định tại điều 7, điều 8 và điều 9 của bản Quy chế này.


2. Quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng, bộ phận chuyên môn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và quy mô hoạt động của Nhà Văn hóa Lao động sau khi xin ý kiến của Ban Thường vụ Công đoàn cấp trên.


3. Quyết định thành lập câu lạc bộ, đội, nhóm theo sở thích, nghề nghiệp và xây dựng mạng lưới cộng tác viên trực thuộc Nhà Văn hóa Lao động.


4. Quyết định tuyển dụng, ký kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật và theo sự phân cấp của Công đoàn cấp trên.


5. Ký hợp đồng liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để đầu tư nâng cấp, mở rộng và tổ chức các hoạt động của Nhà Văn hóa Lao động theo quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn và sự thống nhất của Ban Thường vụ Công đoàn cấp trên.


6. Quyết định việc khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công nhân viên Nhà Văn hóa Lao động theo thẩm quyền được phân cấp.


7. Chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Công đoàn cấp trên về hiệu quả quản lý và hoạt động của Nhà Văn hoá Lao động.


Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động


1. Giúp Giám đốc trong việc quản lý và điều hành các hoạt động của Nhà Văn hóa Lao động; trực tiếp phụ trách một số lĩnh vực công tác theo phân công của giám đốc và giải quyết các công việc do Giám đốc giao.


2. Được thay mặt Giám đốc giải quyết công việc khi được Giám đốc giao hoặc được ủy quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật và Giám đốc về kết quả thực hiện công việc được giao.


Chương V

CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH KẾ TOÁN


Điều 16: Quản lý tài sản


1. Nhà Văn hóa Lao động quản lý và sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật đối với đất đai, nhà cửa, thiết bị, tài sản do ngân sách nhà nước và tổ chức công đoàn giao để đảm bảo các hoạt động của Nhà Văn hóa Lao động (không được cho thuê lại).


2. Hàng năm, Nhà Văn hóa Lao động phải tổ chức kiểm kê, đánh giá lại giá trị tài sản của Nhà Văn hóa Lao động và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật, của Công đoàn cấp trên và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.


Điều 17: Quản lý tài chính


1. Nhà Văn hóa Lao động thực hiện chế độ tài chính - kế toán theo quy định của Nhà nước và của Tổng Liên đoàn và theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu. Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động phải xây dựng dự toán hàng năm trên cơ sở kế hoạch hoạt động và khai thác các nguồn thu, chi, báo cáo Công đoàn cấp trên phê duyệt.


2. Định kỳ 6 tháng, Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động có trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động nói chung và công tác tài chính với Công đoàn cấp trên, chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan tài chính nhà nước, công đoàn và Uỷ ban kiểm tra Công đoàn cấp trên.


3. Báo cáo kết quả hoạt động hàng năm và quyết toán tài chính phải được Ban Thường vụ Công đoàn cấp trên phê duyệt.


Chương VI

QUAN HỆ CHỈ ĐẠO


Điều 18: Đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam


Nhà Văn hóa Lao động chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.


Điều 19: Đối với Công đoàn cấp trên.


1. Nhà Văn hóa Lao động chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Công đoàn cấp trên.


2. Hàng năm Công đoàn cấp trên xem xét phê duyệt kết quả hoạt động tài chính và hoạt động chuyên môn trong năm; kế hoạch tài chính và hoạt động chuyên môn năm sau của Nhà Văn hoá Lao động.


Điều 20: Đối với Nhà Văn hóa Lao động quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Nhà Văn hoá Lao động cấp huyện).


1. Nhà Văn hoá Lao động cấp huyện do Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố quyết định thành lập.


2. Tổ chức và hoạt động của Nhà Văn hoá Lao động cấp huyện vận dụng theo quy chế này.


3. Nhà Văn hóa Lao động cấp tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp công tác chuyên ngành và phối hợp tổ chức các hoạt động khác theo chức năng, nhiệm vụ của Nhà Văn hóa Lao động.


Chương VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN


Điều 21: Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn có nhiệm vụ triển khai tổ chức, chỉ đạo các Nhà Văn hoá Lao động trực thuộc thực hiện tốt Quy chế này.


Điều 22: Ban Tuyên giáo chủ trì, các Ban Tổ chức, Tài chính Tổng Liên đoàn phối hợp hướng dẫn thi hành và định kỳ kiểm tra báo cáo Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn kết quả hoạt động của các Nhà Văn hoá Lao động.

 

CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy