Xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Chiến lược xây dựng giai cấp công nhân cần được hoạch định trên cơ sở nhận thức đầy đủ điều kiện, môi trường công nhân lao động sản xuất và sinh sống.


Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp công nhân trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Các Đại hội của Đảng đều đề cập đến yêu cầu phát huy bản chất giai cấp công nhân và xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh. Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã ra Nghị quyết “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước". Nghị quyết đã cụ thể hoá, bổ sung và phát triển các quan điểm của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân không ngừng lớn mạnh gắn với chiến lược phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới.

 

Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị số 23-KL/TW, ngày 08-4-2008 về những công việc cần cụ thể hoá để triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khoá X, Bộ Chính trị giao cho Đảng Đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng “Đề án chiến lược xây dựng giai cấp công nhân trong giai đoạn tới”.


Chiến lược đang trong quá trình xây dựng, nhưng các cơ sở lý luận ban đầu là cơ sở quan trọng giúp cho Đảng ta có những nhận định đánh giá đúng thực trạng về giai cấp công nhân Việt Nam để đề ra chiến lược xây dựng giai cấp công nhân.


Để hình thành Chiến lược xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn đã dựa vào một số căn cứ quan trọng.


Thứ nhất, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức ngày nay đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp


Tác động của sự bùng nổ thông tin và cách mạng tin học dẫn đến sự phát triển lực lượng sản xuất với tốc độ chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Ở một số nước phát triển, kinh tế tri thức đã đóng vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất. Cùng với quá trình tri thức hoá nền kinh tế, giai cấp công nhân sẽ phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Lao động trí tuệ gia tăng và có vai trò là động lực thúc đẩy xã hội tiến lên. Tình hình đó đặt ra yêu cầu cực kỳ quan trọng đối với giai cấp công nhân Việt Nam là cần nâng cao trình độ về mọi mặt, làm chủ khoa học - công nghệ, lao động sáng tạo, xứng đáng là lực lượng đi đầu trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.


Thứ hai, thực trạng của giai cấp công nhân Việt Nam sau hơn 20 năm đổi mới.


Đội ngũ công nhân ở nước ta hiện chiếm tỷ lệ khoảng 11% dân số và 21% lực lượng lao động xã hội, làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp của tư nhân và tập thể, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, làm việc trong các hộ sản xuất kinh doanh cá thể), trong lĩnh vực công nghiệp hoặc có tính chất công nghiệp. Bên cạnh đó còn có một lực lượng lớn lao động Việt Nam đang làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài (chủ yếu làm việc trong các doanh nghiệp).


Cùng với các giai cấp, tầng lớp và thành phần xã hội khác trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giai cấp công nhân nước ta là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước.


Tuy vậy, sự phát triển của giai cấp công nhân chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế; thiếu nghiêm trọng các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế; đa phần công nhân xuất thân từ nông dân chưa được đào tạo cơ bản và có hệ thống.


Giai cấp công nhân còn hạn chế về phát huy vai trò nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị của công nhân không đồng đều; sự hiểu biết về chính sách, pháp luật còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ đảng viên và cán bộ lãnh đạo xuất thân từ công nhân còn thấp. Một bộ phận công nhân chưa thiết tha phấn đấu vào Đảng và tham gia hoạt động trong các tổ chức chính trị - xã hội.


Mặc dù nền kinh tế phát triển, nhưng nhìn chung đời sống vật chất và tinh thần cũng như điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động của công nhân chưa được cải thiện rõ rệt.


Thực trạng đó đòi hỏi cần tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng, có cơ cấu hợp lý, đời sống ngày càng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, đẩy mạnh công nghiệp hoá theo hướng hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế.


Thứ ba, những xu hướng biến đổi của giai cấp công nhân Việt Nam


Giai cấp công nhân Việt Nam sẽ phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, đồng thời có biến động sâu sắc về thành phần và cơ cấu. Theo đó, công nhân trong các thành phần kinh tế ngoài nhà nước ngày càng tăng nhanh về tỷ lệ; công nhân trong doanh nghiệp có xu thế giảm và ổn định, nhưng có trình độ và năng lực cao hơn. Công nhân nước ta có xu hướng thay đổi nơi làm việc nhiều hơn, sự di chuyển và biến động công nhân giữa các ngành nghề, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế sẽ diễn ra thường xuyên. Giai cấp công nhân ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển lực lượng sản xuất và đóng góp chủ yếu vào thu nhập quốc dân ở nước ta.


Tuy nhiên, hiện tượng phân hoá giàu nghèo, phân tầng xã hội trong giai cấp công nhân tiếp tục diễn ra sâu sắc, nhiều vấn đề liên quan đến giai cấp công nhân cũng cần được quan tâm như nhận thức chính trị, bản lĩnh giai cấp, trung thành với Tổ quốc, với lý tưởng của Đảng, tinh thần yêu nước, yêu nhân dân...


Thứ tư, định hướng phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến năm 2020


Việt Nam đã xác định phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là định hướng đúng và phù hợp với xu thế thời đại. Phát triển kinh tế, mở rộng đầu tư, tiếp xúc với khoa học công nghệ hiện đại tất yếu là điều kiện thuận lợi để phát triển giai cấp công nhân.


Mục tiêu chiến lược xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam đến năm 2020


Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh toàn diện, đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, phát triển nhanh về số lượng, nâng cao chất lượng, có cơ cấu hợp lý, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức; thích ứng nhanh với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; có tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cao.


Xây dựng giai cấp công nhân có giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; có ý thức pháp luật cao, phát huy truyền thống tốt đẹp, tiêu biểu cho tinh hoa văn hoá của dân tộc; có lòng tự hào và tự tôn dân tộc, có tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết và hợp tác quốc tế; có đủ năng lực lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam.


Nâng cao đời sống công nhân, đảm bảo việc làm ổn định, cải cách một cách cơ bản chính sách tiền lương cho công nhân lao động ở các doanh nghiệp, đảm bảo công nhân có nhà ở, phương tiện đi lại, được hưởng thụ các hoạt văn hoá văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí.


Để thực hiện chiến lược xây dựng giai cấp công nhân đến năm 2020, cần tập trung các nhiệm vụ chủ yếu sau:


Phát triển mạnh các ngành công nghiệp, tạo điều kiện cho giai cấp công nhân tăng về số lượng. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, phát triển đội ngũ công nhân có trình độ cao, làm chủ được khoa học công nghệ, có kỹ năng lao động, có tác phong công nghiệp, có ý thức kỷ luật.


Bổ sung, sửa đổi, xây dựng chính sách đào tạo, đào tạo lại công nhân; khuyến khích, tạo điều kiện cho công nhân tự học tập nâng cao trình độ; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề gắn với các ngành, các vùng kinh tế trọng điểm. Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế dành kinh phí thích đáng và thời gian cho đào tạo, đào tạo lại công nhân; có quy định bắt buộc mọi thành phần kinh tế khi sử dụng công nhân đã qua đào tạo tại các trường, các trung tâm phải đóng góp kinh phí đào tạo; phát triển đa dạng các hình thức, các thành phần kinh tế tham gia đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.


Xây dựng và thực hiện nghiêm hệ thống chính sách, pháp luật để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân. Rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm và đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao thể chất cho công nhân. Nhà nước ban hành chính sách đầu tư để các tỉnh, thành phố xây dựng nhà ở và các công trình phúc lợi công cộng cho công nhân. Đề cao trách nhiệm, tính tự giác của người sử dụng lao động và của công nhân trong thực hiện chính sách, pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Nhà nước, tổ chức công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong doanh nghiệp; có chế tài xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm.


Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng và hoạt động của tổ chức công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đối với công tác tuyên truyền, giáo dục trong công nhân. Quan tâm đến công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, ý thức giai cấp, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tình hữu ái trong giai cấp công nhân. Nâng cao trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, phát triển đảng trong công nhân. Có cơ chế, chính sách đẩy mạnh việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng những cán bộ ưu tú xuất thân từ công nhân, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất, tăng dần tỷ lệ cán bộ xuất thân từ công nhân trong bộ máy lãnh đạo các cấp của Đảng, Nhà nước, công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác.


Coi trọng tuyên truyền, vận động, thuyết phục, khuyến khích các doanh nghiệp ủng hộ, tạo điều kiện để thành lập và hoạt động của các cơ sở đảng và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp. Có nhiều hình thức tăng cường và phát triển đảng viên tại các doanh nghiệp của tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, làm nòng cốt xây dựng tổ chức cơ sở đảng, công đoàn, đoàn thanh niên... Xây dựng giai cấp công nhân không ngừng lớn mạnh phải luôn được đặt trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, vì lợi ích chung của toàn dân tộc.


Đổi mới tổ chức, tăng cường đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về giai cấp công nhân, hướng vào giải đáp kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra, qua đó cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để đề ra chủ trương, giải pháp xây dựng giai cấp công nhân trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.


Chiến lược xây dựng giai cấp công nhân của tổ chức công đoàn luôn gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và chăm lo xây dựng giai cấp công nhân; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa công nhân, người sử dụng lao động, Nhà nước và toàn xã hội./.


Theo tuyengiao.vn

CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy