Mùa nóng uống gì, ăn gì để "hạ hỏa"?

Mùa nóng, cơ thể chúng ta thường mệt mỏi do bị mất nhiều nước; mụn nhọt, hăm da, nổi sảy... do đó cũng phát sinh nhiều hơn. Vì vậy, cần một chế độ ăn uống phù hợp. Dưới đây là một số ý kiến tư vấn của BS CK1 Đào Thị Yến Thủy - Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM.

 

 

Thức uống, món ăn nên dùng

 

Nên chú ý uống nhiều nước để làm mát cơ thể, điều hòa thân nhiệt, tăng thải độc chất và loại bỏ chất thải ra ngoài. Trung bình một người trưởng thành cần uống khoảng 1,5 - 2 lít nước/ngày, chưa tính lượng cung cấp qua nước canh trong bữa ăn.

 

Về thành phần loại nước uống hàng ngày, có thể tạm chia thành 10 phần, trong đó, sáu phần nước lọc (nước tinh khiết), hai phần sữa và hai phần nước trái cây là lý tưởng nhất. Những người chơi thể thao hay làm việc ngoài trời nắng nóng cần uống thêm nước sao cho trọng lượng cơ thể không giảm nhiều và nước tiểu được pha loãng đến độ vàng trong (khi thấy nước tiểu màu vàng cam sậm là thiếu nước).

 

Các loại nước mát quen thuộc như nước mía lau, rễ tranh, mã đề... uống rất ngon vì vị ngọt dịu và thơm mát, giúp thanh lọc cơ thể khi mụn nhọt, rôm sảy nhiều, nhưng không nên uống thường xuyên vì gây lợi tiểu và mất nước. Trà atiso giúp nhuận gan, lợi mật, tăng cường thải độc, có thể dùng nếu ưa thích, nhưng cũng không thể thay thế hoàn toàn nước lọc hay lượng sữa trong ngày.

 

Nước trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa, rất tốt cho người lớn (không khuyến khích trẻ em dùng nước trà), nhưng không nên uống trà quá đặc vì có thể gây táo bón, thiếu sắt nếu dùng thường xuyên và mất ngủ ở những người nhạy cảm. Chỉ dùng nước trà xanh tối đa hai-ba ly/ngày, còn lại vẫn nên uống nước lọc, sữa và ăn thêm trái cây.

 

Nước ngọt có gas, nước hương trái cây... giúp giải cơn khát, nhưng chỉ nên dùng hạn chế vì trong thành phần có đường tinh là loại thực phẩm cần sử dụng hạn chế (dưới 20g/người/ ngày), chưa kể khả năng bị nhiễm hóa chất từ đường hóa học, phẩm màu, hương liệu... Các loại nước khoáng được khuyến khích sử dụng cho người tập thể thao hoặc làm việc ngoài trời đổ nhiều mồ hôi, người bị tiêu chảy cấp để bù các ion khoáng cho cơ thể bị mất qua mồ hôi và phân trong thời hạn ngắn vài giờ sau khi cơ thể mất nước, sau đó vẫn nên dùng nước lọc để bù nước.

 

Như vậy đối với người bình thường (không bị mất chất khoáng nhiều như những đối tượng kể trên) thì không nên dùng nước khoáng thường xuyên, mặc dù nếu thận hoạt động tốt thì những chất khoáng thừa vẫn được thải ra ngoài. Trẻ em dưới một tuổi, người bị bệnh thận không nên uống nước khoáng, vì thận yếu không thải được những chất khoáng dư thừa, sẽ tích lũy lại trong cơ thể và gây rối loạn nhịp tim, cao huyết áp, phù nề...

 

Các món rau trộn, củ hấp, bầu bí luộc và trái cây là những thức ăn được khuyến khích sử dụng trong mùa nóng. Nên hạn chế các món béo, chiên xào, quay.

 

Lưu ý giá trị dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm

 

Cần lưu ý đến giá trị dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian này. Ngoài việc lựa chọn thực phẩm tươi mới, ngay sau khi đi chợ về cần bảo quản thực phẩm tốt như cho vào tủ lạnh hoặc nấu chín, ăn sớm. Lựa chọn đồ hộp thì phải xem kỹ nhãn hiệu bao bì, chọn nơi sản xuất tin cậy, sản phẩm còn nguyên vẹn, bày bán chỗ thoáng mát, còn hạn sử dụng và bảo quản đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

 

Rửa rau quả tươi sống phải trải qua ba bước: rửa sạch đất cát, trứng giun sán bám trên lá, ngâm trong nước sạch hoặc nước muối khoảng 8-10 phút để thuốc trừ sâu tan hết rồi rửa sạch lại một-hai lần cho đến khi nước trong. Đối với rau lá lớn như họ cải nên rửa trực tiếp dưới vòi nước chảy để loại trừ phân bón và thuốc trừ sâu.

 

Khi ăn ở các tiệm, quán ngoài, nên chú ý chọn quán ăn bảo đảm vệ sinh và an toàn thực phẩm; có bàn ghế kê cao ráo, sạch sẽ, không có ruồi nhặng, không gần cống rãnh, nơi chứa rác...

 

Cảnh giác với những loại thức ăn, nước uống có màu sắc sặc sỡ vì hương liệu, phẩm màu có thể làm chúng ta bị ngộ độc, dù không xảy ra ngay cũng sẽ ảnh hưởng về sau. Sữa là một môi trường rất tốt cho vi sinh vật phát triển, vì vậy cần bảo quản cẩn thận, nhất là sau khi đã pha thành sữa nước. Sữa bò tươi tốt nhất cần tiệt trùng ở 70 độ C trong 30 phút, nếu nghi ngờ nên nấu sôi 100 độ C trong 5 phút.

 

Theo Phụ Nữ online


CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy