5/ Tập san thơ Hương Sen số 18 (Phần 2).

 

HƯƠNG SEN - TẬP SAN LƯU HÀNH NỘI BỘ SỐ 18 (6 THÁNG ĐẦU NĂM 2012) PHẦN 2

 

 

Ngọc Hoa

Anh ở nơi đâu

Kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7


Anh giờ đang ở nơi đâu,

Gốc cây, bờ suối, rừng sâu đại ngàn.

Hai mùa mưa nắng chứa chan

Mây phủ làm màn, anh có lạnh không?


Đã bao năm ở chiến trường

Nước nhà thống nhất mà không trở về

Mỗi ngày trên bước đường quê,

Nhớ sao thuở cắt tóc thề còn đây.


Mẹ cha nỗi nhớ vơi đầy,

Vợ con trông ngóng tháng ngày phôi pha.

Để vàng nhạt nắng trôi qua,

Tóc thề thêm bạc, lệ nhòa anh ơi!

 

 

 

 

Hè về, nhớ con sông quê


Hè về nhớ con sông quê

Mơn man mặt nước vỗ về hồn tôi.

Ngắm nhìn sông chảy, sông ơi

Bâng khuâng nhớ mẹ ru hời năm xưa.


Bên hè kẽo kẹt võng đưa,

Con vào giấc ngủ, say sưa cánh cò.

Dòng sông nước chảy lơ thơ,

Khuya về nghe vọng tiếng hò mênh mang.


Nhớ sao những chuyến đò ngang,

Có cô lái chở đưa sang bên này.

Sông xưa, bến cũ còn đây,

Làm sao quên được những ngày tuổi thơ.

 

 

 

Ngô Quang Trụ

Bảy mươi Xuân


Đã bảy mươi năm sống ở đời,

Đường dài từng trải biết bao nơi.

Công danh sự nghiệp chào thua nhé,

Phú quý, vinh hoa chạy mất rồi.


Xử thế tình đời nơi mọi chốn,

Giao lưu bạn hữu vẹn đôi nơi.

Đầy lòng thơ phú không sao nhãng,

Nhẹ gót đường chiều bước thảnh thơi.

 

 

 

Thơ bạn và tôi


Những ngày đi hội thi ca,

Biết bao thương mến thiết tha mặn nồng.

Bạn về có nhớ tôi không,

Yêu thơ chín đợi mười trông tháng ngày?


Vần thơ như có men say,

Mến thương thi hữu đong đầy nhớ nhung.

So giây cung bậc bổng trầm,

Vườn tao ngộ ánh trăng rằm sáng trong.


Thơ ngâm say đắm trong lòng,

Cho xuân thêm thắm, cho hồng ngát hương.

Để đời dâng mãi tình thương,

Tình thơ như nước sông Thương chảy hoài.


Mong em một buổi sáng mai,

Cùng nhau hội ngộ thêm vài vần thơ.

Cho đời đẹp tuổi mộng mơ,

Hẹn ngày xuân đẹp ta chờ gặp nhau.

 

 

 

Nguyễn Văn Phi

Điểm hội tụ

Ngày thơ Việt Nam - Rằm tháng Giêng Nhâm Thìn


Dòng sông, bến sông ngày hội ngộ,

Người yêu thơ thi thố gieo vần.

Ngập tràn cảm xúc lâng lâng,

Nghe tiếng thơ, với nỗi lòng thi nhân.


Tìm quá khứ chuyện xa, chuyện gần,

Kế mỹ nhân Nàng hai Bến Nghé,1

Nghĩa quân2 lặng lẽ ngụy trang,

Chọn đường sông đánh tan đồn lũy giặc.


Sông Sài Gòn hướng nhìn từ bờ Bắc

Cột cờ cao3 vàng đỏ sắc cờ.

Bảy công nhân Tự vệ cuộc4

Tấm lòng son quyết tử giữ ngọn cờ.


Bến Nhà Rồng tọa lạc bờ Nam

Bảo tàng chứa chan bao tình cảm.

Bác Hồ ra đi cứu nước

Đời đời sau mãi theo bước chân Người.


Điểm hội tụ Bến sông truyền thống,

Ta thêm yêu sự tích dòng sông.

Nhớ công lao người đi trước,

Chung sức vun bồi xây dựng tương lai.


Xây quần thể kiến trúc hiện đại,

Cầu vượt sông uốn lượn hình rồng,

Hầm đường bộ thông đôi bờ

Anh sang bờ Đông không còn cách trở.


Bờ Tây em thương nhớ tìm anh,

Năm tháng qua tình ta chín mọng.

Anh qua làm rể bờ Đông,

Bờ Tây theo chồng em đẹp nàng dâu.


Điểm hội tụ Nam, Bắc, Tây, Đông

Dòng sông mang tình yêu nỗi nhớ.

Nối bờ vui ước mơ chung,

Nối yêu thương hạnh phúc đến vô cùng.


1 Nhân vật đi vào tuồng cổ cải lương.

2 Nghĩa quân Trương Định chống xâm lược Pháp.

3 Cột cờ Thủ Ngữ.

4 Bảy công nhân hy sinh ngày đầu Nam bộ kháng chiến.

 

 

 

 

Góp đá


Góp tấm lòng tám mươi triệu dân,

Chất cao hơn nghìn tỷ khối đá.

Nung nóng lên tình yêu biển cả,

Yêu quân, dân, chiến sĩ, đảo xa.

Xây pháo đài bảo vệ Trường Sa,

Xây dựng đảo chìm thành đảo nổi,

Xây công sự địa võng thiên la,

Xây nhà giàn số một D.K.


Triệu người góp đá cao thành núi,

Chuyện cổ tích Việt Nam gần gũi.

Giặc Thủy Tinh dã tâm dâng nước,

Nước dâng cao núi mọc càng cao.

Quân dân biển đảo vững như núi,

Cùng đất liền giữ yên biển cả

Như Sơn Tinh thắng giặc Thủy Tinh

Giặc xâm lấn sẽ sớm nhận ra.


Dân Việt xem biển đảo là nhà,

Quyết bảo vệ chủ quyền lãnh hải,

Giữ thềm lục địa, nguồn tài nguyên,

Giữ vững vùng đặc quyền kinh tế,

Giúp ngư dân lao động hòa bình,

Khắp ngư trường làm ăn sinh sống,

Tôn trọng luật giao thông hàng hải,

Luật công bằng, công lý nhân văn.

 

 

 

Phạm Phí

Kệ đời

Họa bài Kệ đời của Đoàn Lâm

 

Đời lắm bon chen… tớ mặc đời,

Ngày dài, tháng rộng cứ rong chơi!

Nào thơ, nào phú tha hồ viết,

Này rượu, này bia thả sức mời.


Từ thuở đầu xanh ham cống hiến,

Đến thời tóc bạc thích nghỉ ngơi.

Vần xoay thế sự… vần xoay thế,

Lão giả an chi… sống thảnh thơi!

 

 

 

 

Chiều Xuân

Họa bài Chiều xuân của Thúy Yên


Chiều xuân quán vắng đọc thơ ai

Lòng những bâng khuâng điệu vắn dài.

Cánh bướm chập chờn lay chậu cúc,

Bầy chim ríu rít động nhành mai.


Nôn nao tiếng nhạc khơi trong dạ,

Man mác lời ca vẳng chính tai.

Ngào ngạt hương trà say lữ khách

Nghĩa tình tri kỷ ngẫm càng hay!

 

 

 

Phan Liên Khê

Bạn đến thăm tôi


Chiều nay bạn đến thăm tôi,

Anh em rỗi rãi ta ngồi hàn huyên.

Phải chăng thao thức hằng đêm

Nhân tình thế thái, bạc thêm mái đầu?


Tuổi xanh chinh chiến ngày nào,

Bao nhiêu ký ức gửi vào trong tim.

Bây giờ biển lặng, trời yên,

Bước chân đi khắp mọi miền quê xa.


Ta mừng non nước nở hoa

Xóm thôn đổi mới, cửa nhà yên vui.

Cháu con khôn lớn nên người

Còn ta, tóc bạc, da mồi, buồn không?


Nhìn ra khắp chốn tây đông,

Đâu đâu cũng thấy đục trong dòng đời.

Buồn vui cũng một nụ cười

Vì ta đã sống làm người trần gian.

 

 

 

 

Cảm ơn bè bạn


Cảm ơn bè bạn đến thăm,

Những ngày tôi yếu vào nằm nhà thương.

Này là đồng đội, đồng hương,

Anh em thi hữu vẫn thường ngân nga.


Tới đây bệnh viện là nhà,

Ngày ăn đủ bữa, thuốc ba bốn lần.

Nhân viên phục vụ ân cần,

Bệnh tình đã bớt mười phần còn ba.


Tuần sau bình phục về nhà

Cùng anh em lại uống trà, hàn huyên.

 

 

 

 

Nỗi nhớ quê nhà


Quê tôi ở tận cuối dòng sông,

Gắn bó bao năm với ruộng đồng.

Những lũy tre xanh, trời bát ngát,

Từng đàn cò trắng, đất mênh mông.


Cày bừa chăm chỉ, ngô đầy gánh,

Cấy hái chuyên cần, lúa nặng bông.

Dù có cách xa, lòng vẫn nhớ

Một thời gian khó, cảnh nhà nông.

 

 

 

 

Về thăm địa đạo Củ Chi


Về thăm địa đạo Củ Chi,

Cùng em ăn miếng khoai mì hôm nay.

Bây giờ đất nước dựng xây,

Bâng khuâng lại nhớ những ngày đạn bom.


Củ mì một thuở thay cơm,

Nghĩa tình đồng đội quý hơn bạc vàng.

Nhớ khi cầm súng chống càn,

Chia nhau lửa đạn, lòng càng sắt son.


Đường xa vất vả hành quân,

Củ mì lót dạ cho thêm ấm lòng.

Giờ đây về với đời thường,

Bình yên sống giữa phố phường đông vui.


Củ mì, thương lắm em ơi,

Làm sao quên được một thời gian nan?

 

 

 

 

Thanh Phong

Ngày về

Thân tặng NS Kim Long


Chiều nay trở lại bến thu xưa,

Kỷ niệm đong đầy tuổi ấu thơ.

Nắng quái lênh đênh cồn cát trắng,

Mây hồng bảng lảng bãi lau thưa.


Bên trời cánh nhạn trôi lơ lửng,

Quanh xóm lòng sông uốn lượn lờ.

Cảnh cũ còn đây, người vắng bóng,

Ôm đàn, lướt nhẹ mấy cung tơ.

 

 

 

Thanh Thế

Đón khách Tết

Mừng nhà thơ Sỹ Chi 80 tuổi


Mồng năm bất chợt khách thăm nhà,

Tất tưởi đằng sau chủ chạy ra.

Ngoài cổng Sỹ Chi còn loạng choạng,

Trong sân Thanh Thế đã mời trà.


Mai vàng rực rỡ chào thi sĩ,

Đào đỏ tỏa hương đón lão gia.

Tân Mão ngày xuân xin kính chúc

Thọ - Khang - Phúc - Lộc cả ông bà.

 

 

 

 

Thanh Vĩnh

Tìm đường cứu nước


Người từ bến cảng đã ra đi,

Kiểm lại hành trang có những gì?

Yêu nước luôn mang điều rộng nghĩ,

Thương dân vẫn gánh việc sâu suy.


Bôn ba khắp chốn không e khổ,

Hoạt động nhiều nơi chẳng ngại nguy.

Son sắt một lòng vì Tổ quốc

Hăng say chiến đấu dưới hồng kỳ.

 

 

 

Thu An

Chúc Hội thơ


Tuổi già tâm trí không già,

Thơ ca lỗi lạc, dung hòa bạn thân.

Thi hữu họp mặt xa gần,

Bài thơ trao đổi, luôn phần cảm thông.


Chu kỳ họp Hội ta trông,

Giao lưu bài viết, để không lỗi thời.

Nhà thơ - Nghệ sĩ nơi nơi

Chung vui với Hội, thảnh thơi với mình.

 

 

 

Thúy Minh

Tâm sự tuổi già


Khổ lắm ai ơi cái tuổi già

Yếu rồi nên hạn chế tham gia.

Có chân, chân khớp, đi đi vấp,

Có mắt, mắt mờ, chớp chớp lòa.


Muốn viết, tay cầm, cầm chẳng vững,

Muốn nghe, tai lắng, lắng không ra.

Nhớ câu “thà khổ còn hơn chết”,

Muốn cùng con cháu ở trong nhà.

 

 


Viên sỏi


Một viên sỏi nhỏ

Nó làm ta đau,

Phải đi bệnh viện.

Mổ lấy ra mau,

Chao ôi đau quá,

Trời đất quay cuồng,

Chân tay lạnh ngắt,

Đầu toát mồ hôi,

Thân thể rã rời,

Tưởng không sống nổi.

Nhưng nhờ bác sĩ

Phẫu thuật nội soi

Lấy sỏi ra rồi,

Hết đau mừng quá!

 

 

 

 

Thúy Yên

Chiều Xuân


Cà phê nồng ấm, ngồi cùng ai

Lất phất mưa bay, thả sợi dài.

Dào dạt nước về, tươi khóm trúc,

Êm đềm sương phủ, đẹp cành mai.


Giọng ca rộn rã xôn xao Tết,

Tiếng nhạc xập xình thỏa thích tai.

Nhấm nháp trà thơm say tứ lạ

Mừng người tri kỷ, lắm thơ hay.

 

 

 

 

Nghĩa bạn, tình thơ


Thi đàn gặp gỡ, kết thân nhau,

Xướng họa, giao lưu quả nhiệm màu.

Mái ấm, trường xưa, tình thắm thiết,

Chiến hào, công sự, nghĩa thâm sâu.


Hồn thơ trong sáng hòa âm điệu,

Ý bút thanh cao, nối nhịp cầu.

Tri kỷ nên duyên, năng tái ngộ

Gieo vần thi đẹp, tặng cho nhau.

 

 

 

 

Trọng Hàm

Tuổi tám mươi


Đã tám mươi năm sống với đời,

Dặm trường bươn trải biết bao nơi.

Công danh sự nghiệp cho là được,

Phú quý giàu sang chỉ vậy thôi.


Xử thế luôn chân tình, vẹn nghĩa,

Giao lưu chẳng giảo hoạt, mềm môi.

Đàn ca, thơ phú không xao nhãng,

Nhẹ gót đường chiều vẫn dạo chơi.

 

 

 

 

Trung Sơn

Nắng tháng tư


Thấm thoát xuân qua, nắng hạ vàng,

Nhớ về chiến thắng bảy mươi lăm.

Quê hương sạch bóng quân xâm lược,

Tổ quốc reo rừng tiếng hát vang.


Nhịp bước quân ca khúc khải hoàn,

Cờ hồng lộng gió đón vinh quang.

Qua rồi chinh chiến xua bom đạn,

Khúc ngoặt tương lai đã mở màn.


Chiều tím hoàng hôn phủ núi sông,

Quê xa phố thị ngát hương đồng.

Cảnh cò bay lả, chim về tổ,

Văng vẳng chuông chùa vọng giữa không.


Mấy chục xuân rồi hưởng tự do,

Non sông thống nhất tiếng reo hò.

Hòa bình, độc lập dân an hưởng,

Hạnh phúc sum vầy thỏa ước mơ.


Nhìn lại bây giờ khác trước xa,

Lầu cao, đường thoáng lộng hương hoa.

Dựng xây phường phố dân ra sức,

Khắp chốn cùng nhau giữ nước nhà.


Nắng sớm lên rồi, nắng tháng tư,

Quê hương nay đã khác ngày xưa.

Mơn man cây cỏ đung đưa gió,

Đón cảnh thanh bình, dệt tứ thơ.

 

 

 

 

Trương Công Bang

Cảnh rừng Việt Bắc


Giang sơn Việt Bắc đẹp và hay,

Cảnh vật thiên nhiên đợi tháng ngày.

Ai đã lên đây là thưởng thức,

Thú rừng săn được muốn ăn quay.


Đồi xanh, suối mát tha hồ ngắm,

Đặc sản nơi này cứ việc say.

Thống nhất nước nhà mời bạn đến,

Bình minh khắp cả Việt Nam này.

 

 

 

 

Tùng Sơn

Xuân Nhâm Thìn đẹp niềm tin


Hoa lá chào xuân thắm đượm tình,

Mai đào hớn hở ngát hương chinh.

Mưa dây bụi trắng đơm màu đẹp,

Nắng trải tia hồng tỏa sắc xinh.


Thơ tiễn Mão đi còn vọng tiếng,

Rượu chào Rồng đến vẫn lưu hình.

Muôn dân phấn khởi mừng năm mới,

Khúc múa đường thi ánh nguyệt minh.

 


 


Xuân Nhâm Thìn vạn loài hoa


Nhâm Thìn rực rỡ vạn loài hoa,

Kén dệt nền xanh cảnh thái hòa.

Cam quất rung rinh khoe trái đẹp,

Mai đào chúm chím vẻ kiêu sa.


Câu thơ đón Tết tình lai láng,

Bài phú nghinh xuân nghĩa đậm đà.

Khai bút đường thi mừng năm mới,

Giang sơn gấm vóc rộn lời ca.

 

 

 

 

Uyên Sa

Sân ga


Sân ga tiễn biệt vẫy tay trông,

Rằng khóc là hú lắm biết không.

Vẳng tiếng còi xa hồi giục giọng,

Mấy ai chẳng nước mắt trong lòng?

 

 

 

 

Bút lệ

Tặng nhà thơ Đoàn Lâm


Tôi nhớ một chiều chợt ý thơ,

Tôi đem nhung nhớ rải lên tờ,

Tôi mang giọt lệ tràn trên bút,

Tôi khóc ngọt ngào rớt tiếng tơ.

 

 

 

 

Võ Hoàng Bật

Tên nước, danh Người


Việt Nam! Ái Quốc! Nước và Người,

Hồ Chí Minh vang dội khắp nơi.

Đảng Cộng Sản Việt Nam làm Cách mạng,

Mùa thu Ất Dậu mở Tân Đời.

Công Nông đoàn kết xây dân chủ,

Binh Trí hiệp thương dựng đất trời.

Chủ thuyết Mác - Lê đường chiến thắng.

Tất Thành! Hồng Lạc! Mãi đi đôi!


Tên nước, tên Người mãi vọng đôi,

Bác Hồ lưu sử tiếng vang trời.

Vĩ nhân tế thế ngời gương Việt

Kiệt xuất kinh bang sáng hạnh đời.

Thế giới tôn vinh - tình chốn chốn,

Nhân tâm ngưỡng mộ - nghĩa nơi nơi.

Ba Đình di tích vầy ân đức,

Bác mãi còn thương mến mọi người!

 

 

 

Xuân Cảnh

Xứng danh công đoàn


Công đoàn nghĩa nặng tình sâu,

Keo sơn gắn bó bạn bầu cần lao.

Chân tay, trí óc dạt dào,

Lực lượng nền tảng xây cao cuộc đời.


Công nhân, viên chức khắp nơi

Góp bao công sức cho đời đơm hoa.

Đổi mới hội nhập mở ra,

Kỹ năng trí tuệ được đà cao vươn.


Định hướng – xã hội thị trường,

Công Đoàn, bộ luật đương nhiên ban hành.

Hân hoan, tiếp nhận, chấp hành,

Nêu cao gương sáng xứng danh Công đoàn!

 

 


Tham khảo

Lục bát - hồn thiêng văn hóa dân tộc

mãi mãi tuổi thanh xuân


Nếu Đường thi là báu vật của Trung Quốc thì Lục Bát được nhiều người xem là báu vật của Việt Nam.


Thơ Lục Bát là thành quả trí tuệ dân gian của cha ông ta từ xa xưa, nhưng không bao giờ cũ vì cảm xúc của người làm thơ luôn luôn đổi mới. Thơ Lục Bát truyền thống không chỉ dẫn dắt phương hướng cho thơ Lục Bát hiện đại mà còn tạo thêm sức sống mạnh mẽ để thăng hoa...



Chu Dịch chỉ có 2 dấu chấm dương nhưng để ra một khoảng trống trời đất mênh mông cho hậu thế phát huy biểu cảm của mình. Thơ Lục Bát cũng chỉ có câu 6 và câu 8 để cho các thi gia tài hoa phát triển đến không cùng. Lục Bát kết đôi như cặp môi hồng, câu lục như cối vàng, câu bát như chày ngọc đã tán thuốc trường sinh cho Lục Bát.


Em như câu lục nửa vời,

Anh như câu bát kết đôi tâm tình.


Từ tâm hồn đến với tâm hồn có mối quan hệ kín đáo giữa câu 6 và câu 8 như bóng đã ôm hình.


Hồn anh như hoa cỏ may,

Một chiều cả gió bám đầy áo em.

(Nguyễn Bính)

 

Ta hãy lắng nghe tiếng thơ đang thức tỉnh trong lòng. Phải lắng nghe từ cõi sâu thẳm với tâm hồn mở ngõ đợi chờ thì mới thấy được sự huyền diệu của Lục Bát. Lục Bát có nhiều tiếng nói, có nhiều giọng điệu hãy lắng mà nghe, tĩnh tâm mà cảm. Ở đâu có con gái, con trai là ở đó có Lục Bát. Ở đâu có buồn vui là có Lục Bát sà vào. Lục Bát ở đầu nguồn, ở thác ghềnh, ở sông, ở núi, ở trăng, ở nước, ở trước hiên nhà, ở cây đa giếng nước, ở bến bãi bờ sông:


Anh ngồi uống cạn dòng sông

Lo em nhan sắc về không có đò.

(Lời ru năm tháng - Trương Nam Hương)


Trí tưởng tượng đã biến không thành có, biến có thành không, đấy là sức mạnh của những câu Lục Bát tài hoa. Thơ Lục Bát như một dòng sông chảy, đang chảy và còn chảy mãi đến không cùng. Muôn đời vẫn là dòng sông Lục Bát nhưng mỗi khoảng khắc đều mới lạ. Ôi! Sung sướng biết bao những cây bút vừa hội tụ được chất dân gian truyền thống lại vừa kết tinh được chất hàn lâm Lục Bát:


Tụng kinh chú tiểu đánh vần

Bao nhiêu tượng Phật cởi trần ngồi nghe.

(Vườn xưa - Đặng Vương Hưng)


Chúng ta ghi nhận vào lòng, tôn vinh vào trí mọi học hỏi, mọi tìm kiếm, mọi vui buồn khi đến với Lục Bát. Mội đời gió có vì ai / Xô nghiêng chiều tím ra ngoài hoàng hôn (Nếu anh biết được - Đặng Thị Nguyệt Anh)

 

Lục Bát dạy ta lắng nghe, dạy ta học từ Lục Bát. Dòng sông Lục Bát đã tắm táp cho ta, cho ta ngụp lặn mà tìm kiếm, mà tận hưởng ôm ấp vỗ về như tiếng ầu ơ của mẹ:


Lòng người sao lắm đầy vơi,

Để câu Lục Bát chơi vơi giữa vần.

Thơ tôi mang nợ trả dần,

Một đời cha mẹ nối vần cho con.

(Một đời Lục Bát - Thế Hùng)


Biết chìm vào những suy tư trong hoàn cảnh, đó là một trạng thái nửa tỉnh, nửa mê. Tôi luôn khao khát tìm kiếm trong thơ Lục Bát. Tôi muốn buông mình trong dòng thơ Lục Bát, tới tận đáy của cảm nghĩ, tới cội nguồn sinh ra nó để tận hưởng cái cảm giác đích thực, qua đấy mà nhận thức cái hay, cái đẹp tiềm ẩn trong đó nhưng vì sức yếu bơi chưa qua, lặn chưa tới? Thơ Lục Bát đẹp làm tôi yêu nhưng cũng làm tôi e:

 

Chiều qua mống mọc đằng đông,

Sớm nay lại bắc cầu vồng phía tây.

Lục Bát nở trắng phây phây

Thời gian liệu có mưa rây bão bùng?


Thơ Lục Bát đẹp như tiên giáng trần, đẹp như thiếu nữ tát nước đêm trăng múc ánh trăng vàng khi trong hương nhã. Câu lục và câu bát đẹp như loan múa cặp, tình như yến đậu đôi, chỉ sợ mình múa chưa hòa nhịp, mình đậu còn chơi vơi. Mọi minh triết tuyệt vời đều chứa đựng trong Lục Bát. Câu lục là âm, câu bát là dương. Một âm, một dương chính là đạo. Cảm nhận thơ Lục Bát bằng nhãn quan triết học ta bỗng nhận ra trời đất và muôn loài đều hàm chứa hai mặt đối ứng nhau như nhật và nguyệt, như thuận và nghịch, như vơi và đầy, như trai và gái, như núi và sông, như dài và ngắn, như thấp và cao. Vì thế tôi mới có thơ:


Nghìn năm đá vẫn vô ngôn,

Một ngày nước đã xồn xồn phong ba.

Đất trời sinh hạ đôi ta

Trái tính, trái nết thế mà hữu duyên.

 

Vì trái tính, trái nết nên mới vận động biến hóa. Có biến hóa, vận động nên sinh sôi và phát triển. Thơ Lục Bát đã mở thông, khai sáng cách nhìn, cách nghĩ, cách làm tạo nên giá trị thẩm mỹ vô thủy, vô chung, thanh lọc hóa tâm hồn để hướng người sáng tạo thơ Lục Bát tự hoàn thiện mình bằng cái đẹp. Thơ Lục Bát đẹp như người con gái không cần son phấn mà vẫn có duyên. Mỗi chỗ trên cơ thể người con gái Lục Bát nở trắng, phây phây ấy đều chứa những bí mật. Khơi dậy được điều bí mật ấy thì khoái cảm sẽ lên tới tột đỉnh. Với nam và nữ thì vận chuyển tải là động tác, là xúc giác gây lên cảm giác. Với thơ thì chuyển tải là ngôn ngữ. Ngôn ngữ tạo ra cảm giác, cảm giác dẫn tới đam mê. Vì thế tìm kiếm lớn nhất của Lục Bát là tìm kiếm ngôn ngữ, tạo ra một ngôn ngữ khác với các thể thơ khác:

 

Bây giờ riêng đối diện tôi,

Còn hai con mắt khóc người một con.

(Mắt buồn - Bùi Giáng)

 

Và:

 

Vỗ vào bờ cát lặng câm

Là con sóng mấy ngàn năm bạc đầu,

Vỗ vào nỗi nhớ đêm sâu

Là em với chút tình đầu phù du.

(Sóng và em - Hồ Ngọc Diệp)


 

 

Kết cấu ngôn ngữ tinh xảo bám chặt vào tứ như ánh mắt đưa tình ám ảnh suốt cả cuộc đời. Vẫn biết rằng ngôn ngữ là tài sản chung của nhân loại nhưng làm thơ thì ai cũng có ngôn ngữ theo tư duy xúc cảm của mình. Vì thế ai cũng có Lục Bát của riêng mình nhưng lại vẫn mang hồn thiêng văn hóa của dân tộc. Chính cái bản sắc văn hóa người Việt ấy, bản sắc văn hóa phương Đông ấy đã gây men kích thích sáng tạo trong lòng bạn đọc.


Trái tim tôi vẫn để dành

Cho em - Người vốn vô tình với tôi.

(Đơn phương - Phạm Đức)


Cảm xúc thường nằm ở phía sau cái nhìn thấy được, cái nghe thấy được. Thơ Lục Bát bảo ta hãy dành cho nhau, hãy ở lại dòng sông này, dòng sông Lục Bát nở trắng phây phây mà tận hưởng nó và làm cho nó tình tứ hơn, duyên dáng hơn và mẫn cảm hơn.

 

Vì sao chúng ta tôn vinh thơ Lục Bát? Thơ Lục Bát có quốc tịch Việt Nam và chỉ có ở Việt Nam ta mới có thơ Lục Bát. Thơ lục Bát Việt Nam được nhiều nước Đông Âu, Tây Âu đón mời nồng hậu. Đại thi hào Lục Bát Việt Nam được cả hành tinh này tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế gới. Thơ Lục Bát là nơi hội tụ tinh hoa của thơ ca. Vì thế thơ Lục Bát không chỉ khác các thể thơ khác mà còn hơn các thể thơ khác. Các loại hình nghệ thuật khác như văn xuôi, hội họa, nhiếp ảnh, điện ảnh… lại khó hoặc không thể thay thế thơ Lục Bát. Hãy thử xem:


Núi đầy chẳng hiểu đất vơi

Em đi mang cả đi rồi… mùa thu.

Thềm ngoài giọt nắng suy tư

Phòng trong se lạnh hình như… câu thề.

Liệu nhiếp ảnh, điện ảnh… có thay thế được chăng?

 

Lục Bát như một vùng thiêng liêng nghệ thuật đầy quyền năng, chứa học thuật, tụ tinh hoa. Ngày xưa mỗi khi làng mở hội, phố vào xuân thì nam thanh, nữ tú lại gặp gỡ giao lưu ứng đối bằng những vần thơ Lục Bát đẹp như sen thắm trong ao, mai phô dưới nguyệt. Dòng sông Lục Bát luôn chảy về phía trước vượt qua bao thác ghềnh. Trong quá trình trôi chảy ấy lại có thêm những dòng nước mới đổ vào. Những nhà thơ làm thơ 6-8 cũng giống như cá chép vượt vũ môn, chiến thắng thời gian, bơi ngược dòng vượt qua thác ghềnh để hóa Rồng nhả ra ngọc bích Lục Bát. Nếu không qua được thì đánh chấp nhận câu văn vần 6-8 mà thôi.

 

Lục Bát - Nguồn suối thiêng thao thức với thiên thu.


Nhà giáo ưu tú Hoàng Trung Hiếu

Hội viên Hội VHNT Nam Định

Điện thoại: 097 799 9537

 

CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy