18/ Tập san thơ Hương Sen số 12 (Phần 2).

 

HƯƠNG SEN - TẬP SAN LƯU HÀNH NỘI BỘ SỐ 12 - PHẦN 2

 

 

 

Về lại quê xưa


Ngày trở về thăm lại làng quê

Cầu Tràm ơi thương nhớ biết bao

Mảnh đất xưa bom cày đạn xới

Mà hiên ngang chiến tích mấy tầm cao.

Cầu Tràm1 nay hoàn toàn đổi mới

Cùng chung tay xây dựng lại bằng mười

Con sông hiền hoà nước vẫn xanh trong

Sông ơi đã biết bao lần lập chiến công

Đường về Cầu Tràm rộng mở thênh thang

Khu công nghiệp nhà máy khang trang

Cầu Tràm rực rỡ huy hoàng

Tự hào tiến tới vinh quang rạng ngời

Ai về cho nhắn mấy lời

Cầu Tràm lịch sử một thời liệt oanh

Cầu Tràm nay đã lên danh

Thăng hoa tiến mạnh tiến nhanh vững bền.

1 Cầu Tràm thuộc huyện Cần Đước, tỉnh Long An

 

 

 

 

Lỡ rồi


Ta gom từng chiếc lá

Mùa thu đã đi qua

Em giờ bờ bến lạ

Lỡ rồi bản tình ca.


Ta nhặt từng hạt nắng

Kết lại thành lời thơ

Bên hiên đời tĩnh lặng

Ôm nuối tiếc vô bờ.


Ta ghép từng sợi mây

Đan thành cung tâm sự

Gởi trao người viễn sứ

Sao hết nỗi sầu tư.


Từng cánh gió mỏng manh

Dệt ước mơ trong lành

Em về qua mấy lượt

Thềm cũ vẫn rêu xanh.

 

 

 

 

NĂM DÂN

Bo Bo, quê hương đổi mới


Giữa vùng Đồng Tháp mênh mông

Khi xưa bàng, lác, đưng, năn khắp vùng

Hoang vu nê địa đồng bưng

Mà nay vườn tược xanh um một màu

Tràm cừ thẳng tắp vươn cao

Hương tràm ngan ngát ngọt ngào mật ong

Này là Ông Cả, Ông Lân

Lồng Đèn, Lộp Cộp ... hoá thân diệu kỳ 1

Cầu cao, đường nhựa phẳng lỳ

Kiến Tường, Hựu Thạnh ngắn đi rất nhiều

Qua thời nhà dột cột xiêu

Bên đường mái đỏ mỹ miều làng quê

Vườn chanh vườn ổi xum xuê

Rẩy khoai, ruộng lúa liền kê bên nhau

Ai ngờ biệt thự đồng sâu

Ai ngờ đường nhựa vượt cầu Đông - Tây 2

Bo Bo phèn mặn sình lầy

Mà nay lúa tốt, xanh cây lạ thường

Không còn cầu thực tha phương

Từ ngày giải phóng quê hương đổi đời.

1 Tên các con rạch thuộc xã Long Thạnh, Long Thuận huyện Thủ Thừa

2 Đường N2 vượt cầu qua sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây

 

 

 

 

NGỌC HOA

Đẹp thay Tà Cú - Hàm Tân


Ai ơi có đến nơi này,

Ghé thăm Tà Cú mới hay lạ lùng.

Cáp treo lơ lửng trên không,

Gió reo hun hút một vùng núi non,

Trời xanh mây trắng mênh mông

Ngút ngàn cây với nghìn trùng đẹp thay.

Thiên nhiên hoa lá cỏ cây,

Thú rừng chim chóc gọi bầy rong chơi.

Nắng chang chang đổ lên người,

Vẫn say Tà Cú một đời khó quên.

Trèo lên đỉnh núi phía trên,

Viếng chùa, Phật tổ, niết bàn Thích Ca.

Cầu xin mưa gió thuận hòa,

Bốn mùa tươi tốt dân ta thái bình.

Quay vào trở lại Hàm Tân

Ghé thăm biển hát sóng tung trắng trời.

Hải âu tung cánh ngoài khơi,

Hàng dương vi vút tưởng lời mẹ ru.

Xa xa trong áng mây mờ

Hòn Bà thấp thoáng hiện từ nghìn xưa.

Nằm trên chiếc võng đung đưa

Lắng nghe biển hát tháng tư dạt dào.

 

 

 

 

Theo chị ra đồng


Tôi theo chị tôi ra đồng

Bắt sâu, làm cỏ oi nồng buổi trưa.

Trên trời những đám mây thưa,

Bầy chim sải cánh, gió đùa mơn man.

Đồng xanh bát ngát nắng vàng,

Nương dâu, bãi mía muôn vàn nhớ thương.

Nhớ thời cắp sách đến trường,

Bờ đê cong, những hàng dương nắng hè.

Nhớ tiếng kêu của con ve

Nhặt thưa tiếng cuốc, bờ tre cuối hồi.

Khẽ đưa như tiếng ru hời

Ngày xưa của mẹ à ơi êm đềm.

Đã thấm vào máu, con tim

Để cho tôi nhớ đi tìm ngày xưa.

 

 

 

 

Về thăm nhà Bác


Một chiều Xuân mới sang,

Con về thăm nhà Bác

Thấy trong lòng man mác

Nhớ Bác lắm, Bác ơi!


Hàng râm bụt đây rồi

Nở đầy hoa trước ngỏ,

Luống khoai xanh non lá

Cây bưởi đã trổ hoa.


Căn nhà Bác đơn sơ

Chiếc võng gai bình dị,

Tấm phản này đã cũ

Như còn ấm hơi Người.


Dâng Bác bó hoa tươi,

Thắp nén nhang tưởng nhớ,

Nghe câu hò xứ Nghệ

Lòng thương Bác không nguôi.

 

Đã có biết bao người

Thăm làng Sen quê Bác

Và bao người đã khóc,

Nước mắt chảy vào tim?


Chiều xứ Nghệ bình yên

Trời đầu Xuân xanh quá

Con thấy trong lặng lẽ

Ấm tình thương của Người!

Chiều ngày Mồng Mười Tết Kỷ Sửu

(tức 4/2/2009) tại làng Sen quê Bác.

 

 

 

 

NGUYỄN THỊ THANH

Hồ Tây


Hồ Tây có tự bao giờ

Long lanh mặt nước bên bờ cây xanh

Nắng chiều dạo bước cùng anh

Vào thăm Trấn quốc in hình mái cong

Một lời thề hẹn non sông

Hồ Tây đẹp mãi trong lòng thủ đô.

 

 

 

Con đường Bác cho

 

Bác Hồ là mẹ là cha

Là vầng nguyệt sáng, Bác là ánh dương

Bôn ba Bác đến muôn phương

Tìm đường cứu nước, con đường tự do

Độc lập, hạnh phúc, ấm no

Con đường Bác chọn để cho muôn đời

Cháu con ơn Bác đời đời

Những lời Bác dạy ta thời mãi ghi

Vững vàng mỗi bước chân đi

Làm theo lời Bác quản gì khó khăn

Bước đường còn lắm gian nan

Nhớ lời Bác dạy lòng càng hăng say

Cùng nhau tay nắm chặt tay

Xây dựng Tổ quốc ngày càng đẹp hơn

Muôn đời con cháu nhớ ơn

Tự do, Độc lập giang sơn mạnh giàu.

 

 

 

Xuân về

 

Xuân về nhớ đến quê ta

Hát câu quan họ mặn mà sao quên

Hội mùa đến hẹn lại lên

Cùng nhau “Ngồi tựa mạn thuyền” say mê

“Người ơi! Người ở đừng về”

Năm canh giã bạn hẹn về Hội Lim

Thương nhau anh mãi đi tìm

Áo khăn em gửi làm tin hôm nào

Xuân về lòng dạ xôn xao

“Còn duyên” em hát ngọt ngào bên anh

Ngập tràn ánh mắt long lanh

Thẹn thùng e ấp bên vành nón che

Người ơi! Nhớ độ xuân về

Bên nhau ta hát tình quê ngọt ngào.

 

 

 

 

NGUYỄN VĂN PHI

Ấn tượng rằm xuân


Xuân tiết Nguyên Tiêu nhớ Bác Hồ

Sông, nước, trăng khuya hoạ vần thơ

Bài học lòng dân người để lại

Việc quân chiến lược nước với thuyền


Như ánh trăng rằm rọi mặt đất

Soi đáy nước nền trời lung linh

Làm theo lời Bác ta học tập

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

 

 


Chân dung em

 

Vẽ chân dung em không dùng bút cọ

Hoạ vần thơ cảm phục một tấm gương

Xếp bút nghiêng em rời ghế giảng đường

Theo cao trào toàn dân ta đánh Mỹ

Bao năm dài miền đô thị vùng lên…

Em tự hào khí phách Hai Bà Trưng

“Khi giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”

Mặc thường phục em xông pha diệt giặc

Đánh bọn Phượng Hoàng, đánh hiểm, phá kèm

Khi bị thương em bị bắt tù đày

Vượt qua tháng ngày cực hình tra tấn

Giữ lòng trung với nước, hiếu với dân.

Cho tôi gọi bằng em như hồi trẻ

Dù hôm nay em lên đến tuổi bà

Bỏ sau lưng suối tóc thề đen mượt

Lốm đốm sợi vàng sợi trắng sắc màu hoa

Nhớ năm xưa em đanh giọng trước toà

Tranh luận với bọn nguỵ quân bán nước

Ngồi ghế cao ngất kết án em

Mười lăm năm tù, lưu đày biệt xứ

Ừ bản án tù, các ông có tội …

Khí tiết thành lời tiếng dội pháp đình

Em vẫn xinh như thiên thần ra trận

Chân dung em cánh chim đầu đàn

Chắp muôn cánh én, báo mùa xuân sang

Chân dung em hình ảnh tám chữ vàng

Danh hiệu vẻ vang Bác Hồ kkhen tặng

Phụ nữ Việt Nam :

“Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

 

 


Điều vinh nhục

 

Câu ngạn ngữ của Pháp:

Hôm nay ăn cắp quả trứng,

Ngày mai ăn cắp con bò1

Câu tục ngữ Việt Nam:

Đánh bạc quen tay, ngủ ngày quen mắt

Hai hành vi khác nhau

Giá trị luân lý gần nhau

Tựu chung thói quen xấu

Sanh lòng tham không đáy

Cờ bạc mất xe, mất nhà

Sinh ra tệ nạn xấu xa

Sinh ra mưu mô trộm cắp

Vậy hôm qua ăn cắp bao nhiêu quả trứng?

Mà hôm nay ăn cắp bạc triệu đô la

Tiền đầu tư công trình cấp quốc gia

Tiền thuế đóng góp của dân mà

Phải trả lại cho ngân sách

Phải rành rọt phân minh

Phải biết điều vinh nhục

Của người có văn hoá văn minh.

1 Qui vole un Oeuf volare unboeuf

 

 

 

 

Những con đường huyền thoại

 

Những con đường gập ghềnh đèo dốc

Cao tới mây uốn lượn hình rồng

Đường chạy dọc phía tây Tổ quốc

Hướng đi, về, Nam, Bắc Trường Sơn.

Năm mươi năm trước người mở đường

Ngàn, vạn gương thanh niên xung phong

Khát vọng tình yêu non sông cháy bỏng

Gác tình yêu đôi lứa lên đường.

Tuổi tre trai phá đá mở đường

Sống ngày đêm trong rừng trên lán

Nấm, măng trúc, thịt rừng làm bạn

Có niềm vui trộn mớ gian nan.

Vì miền Nam, thanh niên sẵn sàng

Xẻng, cuốc bén mở đường xe qua

Chi viện cho chiến trường phía trước

Đánh Mỹ cút khói nước ta.

Trên đỉnh cao địa hình chiến lược

Bao mồ hôi xương máu chiến binh

Đường đi của dũng tướng tinh binh

Đường là chiến trường quân hành tiến.

Đường quyết chiến giải phóng miền Nam

Có cả đường Trường Sơn trên biển

Đường đi dập tắt lửa chiến chinh

Đường mang tên Bác Hồ Chí Minh.

 

 

 

Viễn cảnh

 

Tiếng vọng tiền nhân từ quá khứ

Nghìn năm xưa tiếp nối nghìn sau

Tự hào thay! Thăng Long Hà Nội

Đất nghìn năm Văn vật thủ đô

Thủ đô biểu tượng tên Rồng bay

Rồng bay lừng lẫy thời chinh chiến

Điện Biên trên không chuyện thần kỳ

Giặc cút đi xa ta xây dựng đất nước.

“Đàng hoàng hơn to đẹp hơn bằng mười” 1

Cùng thủ đô cả nước vươn lên

Lời Bác tinh hoa dân tộc

Sáng tương lai viễn cảnh Việt Nam.

1 Di chúc Bác Hồ

 

 

 

 

PHAN LIÊN KHÊ

Chuyện chiếc kẹp tóc màu đen

Anh hùng Liệt sĩ Lê Thị Riêng, bị kẻ thù sát hại đêm mùng hai tết Mậu Thân – 1968. Chiếc kẹp tóc đẫm máu chị ngày ấy nay được trưng bày tại Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

 

Chuyện kể rằng có chiếc kẹp màu đen

Như bao cô gái cài lên mái tóc

Đã làm cho nhiều người rơi nước mắt

Khi đến xem kỷ vật thời chiến tranh.


Tết Mậu Thân, rung chuyển khắp đô thành,

Trút hờn căm lên mũi lê, đầu súng,

Quân mình tiến lên dưới cờ giải phóng,

Hang ổ quân thù bốc cháy tan hoang.


Không tránh được ngày tận số đến gần,

Quân Mỹ - ngụy càng hung tàn bạo ngược

Hèn hạ thủ tiêu tù nhân trong ngục

Là những con người cách mạng trung kiên

Các anh chị Ngọc Anh, Chín Kiểu, Hai Riêng…

Lúc nửa đêm, chúng điên cuồng xả đạn.

 

Trong gian nguy, lấy thân che cho bạn

Dòng máu thiêng, ướt đẫm tấm khăn rằn.

Người bạn tù cố lấy hết sức tàn

Gỡ chiếc kẹp màu đen trên mái tóc.

Không khóc được mà lòng đau như cắt:

“Chị Hai ơi! Em sẽ giữ suốt đời!”


Chiếc kẹp màu đen còn dính máu tươi

Theo Ngọc Anh vào nhà thương Chợ Quán,

Rồi tiếp đó là chuỗi ngày ảm đạm

Trong xà lim nơi ngục tối bạo tàn,

Cho đến ngày thoát ra khỏi nhà giam

Để trở về trong vòng tay đồng chí…


Chiếc kẹp màu đen đơn sơ bình dị

Nay đặt trong tủ kính viện bảo tàng,

Hằng ngày vẫn nhắc nhở khách tham quan

Hãy đừng quên, có một thời rực lửa,

Hãy đừng quên có những ngày lệ ứa!

 

 

 

 

Coi trọng luật giao thông


Tính mạng người ta đâu phải thường

Cứ nhìn tai nạn, nghĩ mà thương.

Phóng nhanh, té lộn sưng vài khớp

Vượt ẩu, lăn quay gãy mấy xương…


Phải nhớ nội quy khi đến sở

Đừng quên luật lệ lúc ra đường.

Văn minh đô thị không nên thiếu,

Thực hiện cho nghiêm, đẹp phố phường.

 

 

 

 

Hoa ban giữa lòng thành phố

Kính tặng Trung tướng Lê Nam Phong

và Đại tá Hoàng Minh Phương


Có người lính già đứng ngắm hoa ban

Trên đường Điện Biên giữa lòng thành phố.

Năm nhăm năm rồi không vơi nỗi nhớ

Những cánh hoa rừng nở khắp Điện Biên.


Mùa xuân năm ấy anh hái tặng em

Một bông hoa ban trên đường ra trận.

Ơi cô dân công tiếp lương, tải đạn

Trên đèo Lũng Lô còn nhớ tôi không?


Những cánh hoa ban rừng trắng tựa bông

Trong gió rập rờn trông như cánh bướm,

Có những chàng trai mơ màng đứng ngắm,

Rủ nhau cài vào vòng lá ngụy trang


Trận địa Điện Biên bom đạn rền vang,

Mặt đất rung lên, máu người lính đổ.

Có cánh hoa ban trở thành màu đỏ

Giữa bãi chiến trường, không thể nào quên.

 

Non nước chúng mình nay đã bình yên

Giữa đất phương Nam đầy nắng và gió

Bên đường, những cánh hoa ban trắng nở

Gợi nhớ cánh rừng Tây Bắc, Điện Biên.


Người lính già mái tóc bạc trầm ngâm

Có giọt lệ rơi trên đôi gò má.

Năm tháng qua đi, mỗi mùa ban nở

Lại nhớ bạn xưa, mãi mãi không về…

1 Trên thảm cỏ xanh phía đầu đường Điện Biên Phủ, thành phố Hồ Chí Minh có trồng một số cây ban, đem từ Điện Biên Phủ vào. Cây xanh tươi, lớn nhanh và đã ra hoa.

 

 

 

 

Khúc hát tháng tư


Bạn ơi ca khúc Tháng Tư

Cầm tay nhau hát vẫn như ngày nào.

“Vui sao nước mắt lại trào...…”1

Lời ca mãi mãi thấm vào trong tim!


Nhìn nhau khóe mắt chân chim

Gọi tên đồng đội, biết tìm nơi đâu?

Mấy mươi năm, bạc mái đầu

Không quên một thuở áo màu lá xanh.

Hai miền khói lửa chiến tranh

Đường xa, hát khúc quân hành rộn vang.


Ta mừng non nước huy hoàng

Bốn ngàn năm đã thắm trang sử hồng

Nối liền một dải non sông

Từ rừng xanh tới cánh đồng bao la,

Thiêng liêng trời biển của ta,

Đồng bào Nam Bắc một nhà yên vui…


Hát vang lên nữa bạn ơi,

Quên đi tuổi tác cho đời nở hoa!

1 Ca khúc “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Xuân Hồng

 

 

 

 

Thăm bạn


Mấy mươi năm bạn ngủ yên

Sâu trong lòng đất, một miền quê xa.

Phương Nam ánh nắng chan hòa,

Hoa thơm, trái ngọt cũng là quê hương.


Thương người giãi gió dầm sương,

Mười năm bom đạn chiến trường gian nan,

Hành quân ra Bắc, vào Nam

Bước theo cờ đỏ sao vàng sáng soi.


Thương người bạn tuổi đôi mươi,

Màu xanh áo lính, nụ cười có duyên

Xông pha ngay giữa trận tiền

Một chiều bom nổ, đạn xuyên, máu trào.


Lắng nghe tiếng gió rì rào,

Xót thương, nước mắt chảy vào trong tim.

Bạn ơi, non nước bình yên,

Những dòng máu đã viết nên sử vàng!


Thắp cho bạn một nén nhang

Hương bay theo gió, nghĩa trang ban chiều.

Giữa lòng đất mẹ thương yêu

Có nghe thấy tiếng chim kêu gọi đàn?

 

 

THÚY MINH

Phụ nữ phường 10 nuôi heo đất


Có một con heo đất

Trông mũm mĩm dễ thương,

Cái bụng rất căng tròn,

Heo ăn toàn bạc cắc.

Chú heo được chăm chút

Cứ mỗi ngày mỗi ngày

Heo lại thêm nặng tay,

Heo được nuôi đều đặn.

Làm theo Bác Hồ dặn

“Sinh hoạt phải kiệm, cần”

Để góp phần nuôi quân

Xưa ăn no đánh thắng,

Nay hòa bình cố gắng

Vận động chị em ta

Nên tiết kiệm từng nhà

Để giảm nghèo xóa đói.

Tháng mười hai sắp tới

Là ngày hội khui heo

Ôi! Vui biết bao nhiêu

Chị em ta chung sức.

 

 

 

 

XUÂN CẢNH

Địa ngục trần gian

 

Côn Đảo địa ngục trần gian

Đế quốc Pháp Mỹ giết oan bao người.

Phú Sơn, Phú Hải khắp nơi

Chuồng bò, chuồng cọp... mạng người lao đao.


Xiềng gông vôi bột tung vào

Nước trên dội xuống vôi ngào xác thân.

Quanh năm nóng, lạnh vai trần

Thủ tiêu ám hại ngâm phân chuồng bò.


Miếng cơm đâu có được no

Gạo pha cát, sạn, cá khô mục nhàu

Kiến bâu, ruồi đậu tranh nhau

Phần cơm tù ngục thành màu đậu đen.

Tháng năm, năm tháng phu phen

Mở đường, xây trại, lưới ken nhà tù...

Xà lim kiên cố âm u

Cầu tàu nhuộm máu sĩ phu ngót ngàn1

113 năm tồn tại dã man,

200.000 “tù tội”  gian nan cực hình

Hai vạn hài cốt sinh linh

Lấp vùi chồng chất bãi, ghềnh, hàng dương.

Đau thương, khắc cốt, ghi xương!

1 Cầu tàu 914 mạng ngừơi.

 

 

 

 

Sống vui, sống khỏe


Sống vui sống khoẻ ai ơi

Lớp người cao tuổi sống đời thanh cao

Tâm tư tình cảm dạt dào

Yêu già, mến trẻ tâm giao hiền hòa.


Kỹ năng kinh nghiệm trải qua,

Gian lao từng trải tinh hoa cuộc đời.

Trường kỳ hun đúc ai ơi

Tâm hiền, dạ thảo giúp người đớn đau.


Thuần phong mỹ tục trước sau

Kỷ cương phép nước cùng nhau dặn dò.

Sống vui sống khoẻ chăm lo

Dưỡng sinh, thể dục cốt cho khỏe người.


Tâm hồn thanh thản vui tươi

Sống vui sống khỏe, cuộc đời thanh cao.

 

 

 

 

Thuỳ Trâm đẹp mãi


Thuỳ Trâm đẹp mãi như hoa

Trái tim nhân hậu bao la tình người.

Tuổi xuân hiến trọn cho đời,

Máu hồng ấm mãi tim người mai sau.


Miền Nam vẫy gọi đi mau

Nam thanh nữ tú cùng nhau lên đường.

Vì dân không tiếc máu xương

Xông vào chiến địa quét phường xâm lăng.


Thùy Trâm bác sĩ trẻ măng

Lương y từ mẫu hằng tâm cứu người.

Mặc cho đạn xới bom rơi

Em như cô Tấm không rời bệnh binh.


Luôn tay lo việc cứu sinh

Chân theo đồng đội thác ghềnh Trường Sơn

Mưa dầm gió bấc đường trơn

Non cao dốc thẳm không sờn lòng em.


Giặc vây bốn phía bao phen

Thông minh bản lĩnh đội em thoát càn

Bom cày, pháo dậy tràn lan

Ruộng vườn trơ trụi dân làng điêu linh.


Đức Phổ em đã hy sinh

Lạc dòng lưu bút chiến chinh xứ người.

Bao năm người lính không nguôi

Đọc trang nhật ký lửa sôi từng dòng.


Thùy Trâm một tấm gương trong

Cần cù nhân hậu giàu lòng kiên trung.

Việt Nam bao nữ anh hùng

Thuỳ Trâm là một bông hồng mãi xanh.

 

 


THAM KHẢO

Chữ và nghĩa trong thơ

Mã Giang Lân


Trong quan niệm của chúng tôi, mỗi dòng thơ, mỗi ý thơ thể hiện thông qua các chữ. Chữ là đơn vị nhỏ nhất của thơ. Chữ có thể có nghĩa, có thể không có nghĩa hoặc chỉ đóng vai trò bổ trợ, vai trò chức năng liên kết. Từ là một đơn vị có thể trùng với chữ, có thể lớn hơn chữ (như từ láy, từ ghép gồm 2 chữ trở lên). Vì vậy, khi phân loại thơ, sẽ có thơ hai chữ, thơ ba chữ, thơ bốn chữ, thơ năm chữ, thơ sáu chữ, thơ bảy chữ, thơ lục bát... và cũng vì vậy nhiều câu thơ số từ bao giờ cũng ít hơn số chữ. Sự linh diệu của thơ, sức ám ảnh và biến hóa của thơ chính là tài năng sử dụng, chế tác các loại chữ. Trong thơ, các loại chữ ẩn hiện do sự sắp đặt nhiều khi ngẫu nhiên theo một lực vô hình.


Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu

Đợi gió đông về để lả lơi

(Bẽn lẽn - Hàn Mặc Tử)


Ở hai câu thơ trên, chữ có nghĩa là trăng, nằm, cành, liễu, đợi, gió, đông… chữ không có nghĩa là sóng, soãi trong sóng soãi, lả, lơi trong lả lơi, chữ chỉ có chức năng bổ trợ, chức năng liên kết là trên, để.


Như vậy, chữ có nghĩa là từ đơn, những chữ không có nghĩa kết hợp với nhau thành từ láy (từ kép) mang nghĩa: sóng soãi, lả lơi, hồi hộp, rào rạt, bẽn lẽn… Các loại từ ấy nằm trong một dòng âm thanh, ngữ điệu truyền đến người đọc, người nghe một trường ngữ nghĩa, cùng với cảm xúc và thẩm mỹ Chúng ta sẽ tiếp xúc với những bí ẩn về nghĩa được thể hiện qua chữ, mặt vật chất của nghĩa và mặt khác là linh hồn của nghĩa. Kí hiệu ngôn ngữ đều là sự thống nhất giữa chữ và nghĩa, hoặc nói cách khác là sự thống nhất giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Thông thường là thế, nhưng trong thơ không phải bao giờ cũng thế.


N (ký hiệu ngôn ngữ) = A (chữ) -> B (nghĩa)


Nhiều khi N = A -> B’, B”… Đó chính là đặc điểm của ngôn ngữ thơ. Có nhà ngôn ngữ học phân biệt: ngôn ngữ văn xuôi là ngôn ngữ đối thoại trực tiếp, ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ đối thoại qua một lớp kính. Tức là ngôn ngữ đã bị khúc xạ thành tiếng vọng, thành hồi âm và như vậy nghĩa của nó cũng bị “nhòe” đi, mờ đi, vẫn quan hệ nhưng không còn chuẩn xác như thông báo phát ban đầu.


Vấn đề quan tâm là hai chữ vô nghĩa kết hợp với nhau thành một từ có nghĩa như trong bài thơ Bẽn lẽn của Hàn Mặc Tử đã nêu trên. Và một chữ có nghĩa (từ) lại có thể kết hợp với một chữ vô nghĩa tạo thành một từ (từ láy) có nghĩa: lạnh lùng, run rẩy, rung rinh, mỏng manh...


Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

(Làm lẽ – Hồ Xuân Hương)


Những luồng run rẩy rung rinh lá

Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh

(Đây mùa thu tới – Xuân Diệu)


Điều diễn ra ở đây là chữ đầu có nghĩa biểu hiện thế giới cảm giác (lạnh, run, rung, mỏng) kết hợp với chữ thứ hai vô nghĩa (lùng, rẩy, rinh, manh) tạo thành một từ láy có nghĩa biểu hiện thế giới cảm xúc. Như vậy cả phía sáng tạo và phía tiếp nhận đều có một chất lượng thông báo mới, ngữ nghĩa mới với một thẩm mỹ cao hơn.


Chúng ta còn thấy một cơ chế tạo nghĩa nữa: chữ có nghĩa (từ) kết hợp với chính nó tạo thành một từ điệp (từ láy toàn phần): nhỏ -> nhỏ nhỏ, xiêu -> xiêu xiêu, lả -> lả lả (con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu  - lả lả cành hoang nắng trở chiều – Xuân Diệu); nặng -> nặng nặng, buồn -> buồn buồn (nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn – Huy Cận); xanh -> xanh xanh (tóc nàng xanh xanh – nắng chưa đầy búi – Hữu Loan)… Nghĩa của từ nhẹ đi, loãng bớt, đặc biệt tạo cảm giác về một trạng thái lập lại, kéo dài, trùng điệp và gợi cảm hơn.


Có trường hợp, chữ có nghĩa ban đầu mang một thông báo, khi lập lại chính nó tạo thành một từ điệp, một trường ngữ mang thông báo khác.


Lòng quê dợn dợn vời con nước

(Tràng giang – Huy Cận)


Dợn là nói sóng nước gợn lên lăn tăn, là nổi nên như sóng nước. Dợn dợn là một từ mới do nhà thơ sáng tạo, bộc lộ nỗi nhớ quê nhà dai dẳng, trải dài, loang rộng. Cũng tương tự một cơ chế tạo từ như thế: xiêu -> xiêu xiêu:


Sóng tình dường đã xiêu xiêu

Xem trong âu yếm có chiều lả lơi

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)


Lòng xiêu xiêu hồn nức hương mai

(Vọng hải đài – Phạm Hầu)


Xiêu là nghiêng lệch. Xiêu xiêu ở đây không phải là hơi xiêu mà là thế giới cảm xúc biểu hiện những xao động tâm hồn, không còn làm chủ được mình. Tức là từ cảm giác chuyển sang cảm xúc, hướng vào nội tâm mang tính nhân bản hơn.


Trong thơ mỗi chữ, mỗi từ đều hoạt động linh hoạt và đa dạng. Tùy theo ngữ cảnh nó đem theo những chức năng mới và ngữ nghĩa mới. Đặc biệt trong các thể thơ truyền thống, thơ luật tương xứng, đối xứng, việc chọn lựa, sử dụng chữ được đặt lên hàng đầu, làm sao có được “nhãn tự”, có được “thần cú”. Mỗi chữ, mỗi từ không đơn thuần chỉ là tạo nên một dòng ngữ nghĩa mà còn phải tạo nên một dòng âm thanh, phải tạo nên sự cân đối hài hòa theo luật đối, niêm với các chữ, từ ở các câu thơ trên, dưới. Có nắm được cái nghệ thuật đó, người đọc mới có điều kiện đi vào khám phá những điều lý thú của thơ và lao động nghệ thuật của nhà thơ.


Khi chối bỏ những trói buộc chặt chẽ niêm luật, các nhà thơ vẫn không ngừng tìm từ kiếm chữ. Xét cho cùng thì lao động của nhà thơ chính là lao động kiếm chữ tìm từ, chế tác ngôn ngữ, tạo nghĩa mới. Có những chữ vô nghĩa trong những từ kép (từ láy) chỉ đóng vai trò cấu tạo âm thanh, không biểu thị một ý nghĩa nào cả (trong giao tiếp nó không được sử dụng độc lập) được nhà thơ phát hiện mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, khám phá những trường ngữ nghĩa và cấp cho chúng một nghĩa. Ví dụ: đắn trong đắn đo, loi trong lẻ loi, gìn trong gìn giữ (giữ gìn):


Làm người phải đắn phải đo

Phải cân nặng nhẹ, phải dò nông sâu

(Ca dao)


Người ta đi đón về đôi

Thân anh đi lẻ về loi một mình

(Ca dao)


Gìn vàng giữ ngọc cho hay

Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)


Chữ đắnđo, lẻ loi, gìngiữ hoạt động hoàn toàn độc lập. Từ những chữ không có nghĩa, không độc lập (đắn, loi, gìn) các nhà thơ đã tách chúng ra khõi tổ hợp từ láy và cấp cho chúng một nghĩa.


Khảo sát đồng đại, tìm ra cấu trúc ngữ nghĩa của chữ, của từ nằm trên trục hình tuyến, từ đấy thấy những biến đối nghĩa. Trong lời nói (parole) cấu trúc ngữ nghĩa của chữ theo nguyên tắc cơ bản: ý xuất hiện trước tiên trong phát ngôn được chia ra thành từng phần, được tiếp nhận trong một môi trường nhất định. Và mặt khác phụ thuộc và cả những yếu tố, thói quen cá nhân, tập tục của một xã hội nào đó. Sự sáng tạo thơ ca có thể bắt đầu từ một âm thanh, một màu sắc, một ấn tượng tác động gây cảm xúc và ngôn ngữ (langua) hiện ra khi có một từ vô thức (inconscient), tiềm thức (subcounscient). Chữ làm nhiệm vụ ghi lại trung thành những rung động âm thanh, màu sắc, ấn tượng tức khắc mà chưa được xác định về nghĩa. Trong tác phẩm Sáu bài giảng về âm và nghĩa (Six lecons sur le son et le sens – Paris, 1976) R. Jacobson nhắc đến câu chuyện nhà thơ Edgar Poe kể lại: chính tiềm lực tượng thanh nằm trong các âm tố của từ “Nevermore” làm ông liên tưởng đến tiếng kêu của con quạ và cổ vũ ông sáng tác bài thơ Con quạ.


Trong những năm đất nước chúng ta có những cuộc tiễn đưa, những đôi lứa chia tay nhau lên đường kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ ra đời. Những chính ấn tượng màu sắc cây lá nhạn lai hồng trong một công viên đã gợi hứng cho Nguyễn Mỹ hình thành bài thơ ấy.


Một trong những nét độc đáo của hoạt động sáng tạo thơ ca là việc bố trí chữ, tạo nghĩa mới cho một chữ. Cùng một chữ ấy, từ ấy nằm trên một trục hình tuyến ngôn ngữ nhưng lại biểu hiện nhiều chiều của nghĩa. Ở đây không chứa đựng với tư cách là từ đồng nghĩa mà là từ đa nghĩa. Chính những từ đa nghĩa tạo nên độ sâu cảm xúc của thơ, tạo nên các tầng nghĩa và sự biến hóa linh hoạt của thơ, hình ảnh thơ, hình tượng thơ… Trong lời nói từ đơn (chữ), từ kép (từ láy) ở những ngữ cảnh khác nhau có thể tạo nên những nghĩa khác nhau, trong thơ những từ đó có khi cùng trong một ngữ cảnh nhưng lại được tiếp nhận, được rung động, được liên tưởng khác nhau tạo nên những nghĩa khác nhau.


Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

(Tràng giang – Huy Cận)


Những tranh luận, những ý kiến tập trung vào chữ đâu. “Cảnh vật vắng vẻ. Đâu đây vẳng lại đôi tiếng lao xao của buổi chợ chiều. Thật không có gì vui bằng lúc chợ đông và buồn bằng khi chợ chiều tan tác, không có tiếng người thì cảnh vật hoang vắng và xa lạ. Đôi chút âm thanh của cuộc sống con người không làm bớt đi sự vắng lặng nhưng vẫn tạo được ít nhiều màu vẻ của cuộc sống” (Nhà văn nói về tác phẩm. Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1998, trang 49). Đấy là một hướng tiếp nhận. Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều, chữ đâu theo nghĩa phiếm chỉ (indéfini), đâu đây có tiếng làng xa. Theo hướng tiếp cận thứ hai thì trong tiếng Việt từ đâu đứng ở đầu câu mang ý nghĩa phủ định (négatif) và trong câu thơ trên phải hiểu là đâu có, không có tiếng làng xa, cũng như không đò, không cầu, không khói hoàng hôn. Bốn lần phủ định trong suốt cả bài thơ Tràng giang, làm nổi bật sự trống vắng cô đơn, làm tăng thêm không khí đìu hiu của cảnh “sông dài trời rộng bến cô liêu”. Chúng ta nhớ đến sự tương đồng của chữ đâu trong thơ Thế Lữ:


Đâu những ngày mưa chuyển động bốn phương ngàn

Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?

Đâu những buổi bình minh cây xanh nắng gội

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt

(Nhớ rừng)


Đâu?... Đâu? Vẫn là phủ định và những câu thơ ấy như một niềm khao khát, một nuối tiếc về những gì đã có, đã qua.

Có thể hiểu chữ cao như thế nào trong câu thơ của Xuân Diệu:


Tiếng gà gáy buồn nghe như máu ứa

Chết không gian khô héo cả hồn cao

(Hè)


Cao ở đây nghĩa là trên cao, độ cao của không gian, hồn ở trên cao. Tiếng gà buổi trưa hè trong không gian nắng lung gió nóng, khô héo đi tất cả. Hay cao chất của tính ngữ chứ không phải trạng ngữ nơi chốn? Hồn cao là hồn trong sáng, thanh cao của một con người: hồn một thanh niên trai trẻ, của nhà thơ giữ được trong cái xã hội ngột ngạt trước kia?


Trường hợp này còn đặt ra vấn đề cách liên kết những chữ, những từ tạo thành những ngữ, từ đấy phát sinh những ý nghĩa mới biểu hiện những sắc thái tình cảm phức tạp, tinh tế. Đó là thao tác thường gặp trong lao động nghệ thuật thơ ca. ví như: tình non, ăn mưa, thuyền hồn, vườn mộng, thu mênh mông, mùa xuân chín, sầu biêng biếc, nước thời gian, màu thời gian...


Em, em ơi, tình non đã già rồi

(Giục giã – Xuân Diệu)


Những trâu bò thong thả cuối ăn mưa

(Chiều xuân – Anh Thơ)


Thuyền hồn chở một khoang không

(Thưa bà – Trần Huyền Trân)


Ta đi thơ thẩn bên vườn mộng

(Yêu – Thế Lữ)


Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông

(Tỳ bà – Bích Khê)


Khách xa gặp lúc mùa xuân chín

(Mùa xuân chín – Hàn Mặc Từ)


Vài chàng trai trẻ sầu biêng biếc

(Mây trắng – Lưu Trọng Lưu)


Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ

Nước thời gian gội tóc trắng phau phau

(Chợ Tết – Đoàn Văn Cừ)


Hương thời gian thanh thanh

Màu thời gian tím ngắt

(Màu thời gian – Đoàn Phú Tứ)


Những liên kết lạ này tạo nên sức ám ảnh của thơ. Có nhà thơ khẳng định công việc của mình là tạo chữ, vật lộn với chữ, là “phu chữ”. Chữ và đặc biệt từ láy là những phương thức tạo từ đặc sắc của tiếng Việt. Một từ láy kỳ thú chứa đựng âm thanh sẽ gây ra những ấn tượng cụ thể cho sự cảm thụ và thái độ trước hiện tượng của chủ thể tiếp nhận. Tạo từ, tạo ngữ là tạo những trường liên tưởng thông qua các giác quan gây những tác động mạnh mẽ và những gợi mở phong phú. Cách tạo từ phụ thuộc vào phong cách của mỗi nhà thơ. Và cũng có nghĩa là mỗi nhà thơ có cách tạo từ riêng của mình. Vì vậy cũng dễ hiểu, mỗi nhà thơ thường có một vùng thẩm mĩ của mình thích hợp với ngôn ngữ và trường liên tưởng của mình. Khi môi trường sống có những thay đổi lớn, hoặc chuyển dịch sang một môi trường văn hóa khác, nhà thơ không khỏi lúng túng khó khăn vì chưa “nhập” vào được môi trường mới, đối tượng mới và mặt khác nữa cũng vì ngôn ngữ, vì chữ và từ ngữ của mình còn bị ràng buộc nhiều với trường liên tưởng cũ.


Công việc của nhà thơ là tìm chữ. Chữ xác định tọa độ thời gian, không gian và tâm trạng tác giả trong khoảnh khắc nào đó. Nhiều trường hợp thay một chữ sẽ làm sai lạc tọa độ, không xác định được tâm trạng, tâm thế của người sáng tác. Trong một thông báo thẩm mỹ, ý nghĩa của chữ phụ thuộc vào môi trường hoạt động của nó và được quy định bởi các chữ tương tác trong một dòng cảm xúc, âm thanh, trên một trục hình tuyến ngôn ngữ.


Ví dụ, so sánh văn bản bài thơ Quê hương của Tế Hanh in trong tập Thi nhân Việt Nam (1942) và Hoa niên (1945).


  1. Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới.
  2. Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông.
  3. Khi trời trong, gió nhẹ, nắng mai hồng,
  4. Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
  5. Chiếc thuyền nhẹ băng như con tuấn mã
  6. Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang,
  7. Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
  8. Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…

(Thi nhân Việt Nam)


Ở tập Hoa niên được sửa chữa như sau:


5. Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

6. Phăng mái chèo vội vã vượt trường giang,

7. Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng


Theo Tế Hanh, câu 5, văn bản Hoa niên dùng chữ hăng mới đúng, mới nói được cái khí thế nội tại, tự thân con thuyền. Nếu dùng băng thì hóa thành sự quan sát bề ngoài, miêu tả hành động bề ngoài. Câu 6 văn bản Hoa niên dùng chữ vội vã là ăn nhập với chữ hăng ở câu trên, chữ phăng ở đầu câu nhấn mạnh được cảm giác, sắc thái, sắc thái tâm trạng. Nếu dùng chữ mạnh mẽ thì giọng điệu khẳng định quá hóa thành miêu tả trạng thái. Câu 7, văn bản Hoa niêntrương to. Trương là cánh buồm tự no gió, kiểu như hạt đỗ ngâm nước, tự nó trương to lên (Tạp chí văn học số 12 – 1998).


Như vậy, thay các chữ, có lúc làm cho câu thơ biểu hiện đúng hơn điều nhà thơ muốn nói, sau những năm tháng đắn đo, chiêm nghiệm nhưng mất đi sự hồn nhiên cần có của thơ ca. có khi gây lên “phản nhập cảm”. Người đọc tiếp nhận, nhập cảm câu thơ “Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng” từ những ngày Tế Hanh được giải thưởng Tự lực văn đoàn năm 1940 và cùng 5 bài thơ Quê hương được giới thiệu trên báo Ngày Nay, số ra ngày 25 - 5. thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Trân ra đời năm 1942 trong đó bài thơ Quê hương, dòng 7 vẫn là câu chữ ấy. Còn Hoa niên in tháng 4 năm 1945, mấy tháng sau cuộc Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, rồi tiếp theo là mấy chục năm chiến tranh, mấy người biết đến Hoa niên? Tiếp nhận ban đầu, ấn tượng ban đầu để lại ở người đọc không dễ phai mờ: “Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng”. Điều quan trọng hơn, chữ giương âm thanh nhẹ hơn, dịu hơn, chữ trương âm thanh mạnh hơn, cứng hơn. Cả bài thơ Quê hương là một hồi tưởng, thầm thì, trầm lặng và như vậy dùng chữ giương thích hợp hơn, hay hơn. Điều này, chính nhà thơ Tế Hanh đầu năm 1999 (trước ngày trọng bệnh) cũng đã cảm thấy như thế và thống nhất chọn chữ giương thay cho chữ trương.


Ví dụ, bài thơ Thề non nước của Tản Đà. Một bài thơ đa nghĩa: Các lớp nghĩa đều nằm ở chữ non và chữ nước. Các chữ ở đây rất quen thuộc, giản dị, dễ hiểu, có khi gần như mòn sáo, nhưng nhờ kết cấu độc đáo, các chữ liên hệ với nhau trong những trường ngữ nghĩa đặc biệt nên câu thơ sống động, gợi cảm có sức ngân vang.


  1. Nước non nặng một lời thề
  2. Nước đi mãi, không về cùng non
  3. Nhớ lời nguyện nước thề non
  4. Nước đi chưa lại, non còn đứng không
  5. Non cao những ngóng cùng trông
  6. Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày
  7. Xương mai một nắng hao gầy
  8. Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương

…...


13. Dù cho sông cạn đá mòn

14. Còn non còn nước vẫn còn thề xưa

15. Non cao đã biết thay chưa

16. Nước đi ra biển lại mưa về nguồn


Lớp nghĩa thứ nhất: non nước – thiên nhiên. Những cảm xúc về thiên nhiên. Bài thơ là một bức tranh sơn thủy.


Lớp nghĩa thứ hai: non nước – lời thề tình yêu. Tình yêu chung thủy (vợ chồng, trai gái)


Lớp nghĩa thứ ba: non nước chỉ giang sơn, Tổ quốc.


Câu 1: Non nước nặng một lời thề


Ở vị trí đầu nước, non chưa xác định nội hàm. Cụ thể là:


- Nướcnon có một lời thề sâu nặng với nhau.

- Ai đó đã có một lời thề sâu nặng về một việc gì đó.

- Vợ chồng, trai gái thề bồi tình nghĩa thủy chung son sắt.

- Lấy nước non, lấy thiên nhiên chứng giám lời thề (Thề có nước non…)

- Lời thề giang sơn, Tổ quốc (Thề với nước non…)


Câu 2: Nướcnon được nhân hóa thành hai cá thể, kẻ ở người đi:


Nước đi đi mãi, không về cùng non.


Từ câu 3 trở đi, non tượng trưng cho một người con gái, một người con gái đẹp đang ngóng trông chờ đợi khắc khoải, héo mòn: “Xương mai một nắng hao gầy”, tóc mây đầy sương tuyết, vẻ ngọc phôi pha…


Đến câu 13, nước khẳng định: “ cho sông cạn đá mòn” thì vẫn “còn thề xưa” vẫn thủy chung son sắt. Xét ở điểm này, Thề non nước đúng là chuyện phong tình cố hữu của Tản Đà và là nội dung chính của kết cấu hình tượng thơ.


Nhưng đặt bài thơ vào thời điểm những năm đầu thế kỷ XX của đất nước ta mới thấy rõ lớp nghĩa thứ 3 của hình tượng non, nước. Trong văn học công khai, lúc bấy giờ hai chữ nước, non như một hoài vọng, xa xôi, một tình cảm yêu nước thầm kín mà tha thiết. “Cái bước đêm khuya thân gái ngại ngùng – nước non gánh nặng – cái đức ông chồng hay hỡi có hay?” (Gánh nước đêm – Trần Tuấn Khải). Ngay trong thơ Tản Đà cũng trở đi, trở lại nhiều lần chữ nước, non da diết một nỗi niềm về non nước: “Non xanh nước biếc càng ngao ngán lòng”,… “Còn non, còn nước, còn người nước non”,… “Nước non muôn dặm đường trường”,… “Cảnh còn biếc nước xanh non – dầu ai trắng tóc, duyên còn thắm tơ”… Trong trường ngữ nghĩa đó, Thề non nước là tâm sự của nhà thơ gắn bó với giang sơn Tổ quốc trong cảnh ngộ mất chủ quyền.


Vậy, hình tượng nước non (trong Thề non nước được dựng nên do các chữ nước, non nằm trong những môi trường hoạt động tạo ra các lớp nghĩa mơ hồ làm cho hình tượng thơ phong phú, nhiều hàm ẩn.


Những ví dụ trên cho thấy, từ sâu thẳm, những liên kết lạ, đặc biệt của chữ sẽ cấp cho nó những nghĩa mới, thoát khõi ràng buộc về mặt vật chất (chữ) và chứa đựng, tỏa ra những lớp nghĩa mang tính biểu trưng. Trong văn học, nhất là trong thơ, tài năng của tác giả thể hiện rõ ở việc phân bố chữ trong một văn bản, có khi cực ngắn nhưng lại làm bùng ra những sắc màu của nghĩa hoặc hiện hình hoặc chìm khuất.

 

 


CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy