7/ Tập san thơ Hương Sen số 17 (Phần 2).

 

HƯƠNG SEN, MƯỜI NĂM - TẬP SAN LƯU HÀNH NỘI BỘ SỐ 17 (THÁNG 12 NĂM 2011) PHẦN 2

 

 

 

NGỌC YẾN

Duyên thơ


Mong đợi, được nghe tiếng đáy lòng,

Yên tâm vững dạ những đêm không.

Gởi mộng thần giao ngời mộng thắm,

Trao tim cách cảm đẹp tim hồng.


Cung thương nắn nót đan tơ lụa,

Thần bút thảo vần nở nụ bông.

Hương ngát hoa thơ duyên gắn bó,

Châu ngọc ngập dâng tứ ấm nồng.

 

 


Mừng Câu lạc bộ tròn mười năm


Hội ta nay đã được mười năm,

Thi phú vườn thi bón rất chăm.

Hằng tháng sum vầy Câu lạc bộ,

Mỗi kỳ họp mặt chữ đồng tâm.


Hát ngâm nghệ sĩ lòng say đắm,

Xướng họa người thơ tiếng bổng trầm.

Hai tám cung tơ tháng bảy thắm,

Tao nhân gắn bó nặng tình thâm.

 

 

 


NGUYỄN VĂN PHI

Khoảnh khắc vui


Khán phòng hẹp thời gian ngắn ngủi,

Khoảnh khắc vui sinh nhật thứ mười.

Mừng Câu lạc bộ, chào thi hữu,

Tâm hồn thơ, tinh thần hưng phấn.

Bạn thơ trẻ nhựa sống tràn trề

Cùng đam mê niềm vui trong sáng.

Nghe thơ anh lãng mạn trữ tình,

Giọng em ngâm đậm khúc dân ca.

Góp cho đời thêm hương, thêm sắc,

Khoảnh khắc vui thơ ca giao hòa.

 

 


Mười năm tình thơ


Thấm thoát mười năm một chặng đường,

Tập san ý tưởng từ bốn phương.

Hội tụ một nhà Câu lạc bộ,

Sống động tình người nét văn chương.


Tuổi xanh người lính đã bước qua,

Tâm hồn thơ ước mơ còn mãi.

Ngoảnh lại nhìn gương vóc dáng già,

Giao lưu, xướng họa thơ trẻ ra.


Thơ em tha thiết niềm tâm sự,

Chuyển thể thành lời, khúc dân ca.

Thơ anh chan chứa bầu nhiệt huyết,

Tình yêu người lính đảo Trường Sa.


Thơ ông san sẻ chuyện cùng bà,

Gắn làm giàu trên biển của ta.

Muối mặn, gừng cay tình biển cả,

Nối nghề truyền thống của ông cha.


Thơ bạn dạt dào lời chia sẻ

Như người lĩnh xướng bản hợp ca.

Thế sự trên đời thơ nhập cuộc,

Gạn đục khơi trong lời ngợi ca.


Thanh thoát, hồn nhiên những trang thơ,

Mười năm lắng đọng đến bây giờ.

Qua tình thơ nồng hương thi vị,

Thêm hương hoa mật ngọt cho đời.

 

 


PHAN LIÊN KHÊ

Mười năm


Thoi đưa thấm thoát trọn mười năm,

Bè bạn xa gần vẫn ghé thăm.

Bác Thưởng, anh Hoàn hăng hái viết,

Cô Hoa, chị Cảnh dịu dàng ngâm.


Giao lưu tác giả hay vài bận,

Tuyển chọn thơ ca đẹp mấy lần.

Lành mạnh, vui tươi, quên tuổi tác,

Nghĩa tình thắm đượm khách tri âm.

 

 

 


Tách trà mời khách thơ


Nâng niu những tách nước trà,

Tinh hoa trời đất, đậm đà vị hương.

Kính chào mái tóc điểm sương,

Tôi xin mời khách bốn phương tụ về.


Những vần thơ nặng hồn quê,

Thấm trong câu chữ, say mê lòng người,

Có dòng sông chảy về xuôi,

Có thương, có nhớ nụ cười ngày xưa…


Tâm tình xin gửi vào thơ,

Dù cho ngày tháng thoi đưa, mặc lòng.

Gặp nhau tay bắt mặt mừng,

Bao nhiêu ý hợp, tâm đồng bấy nay.


Xanh tươi hoa lá cỏ cây,

Ta yêu non nước Việt này ngàn năm.

Thêm yêu chữ nghĩa, chữ nhân,

Quên đi khó nhọc, gian truân ở đời.


Mùa thu xanh thắm mây trời,

Tách trà tình nghĩa, tôi mời bạn thơ.

 

 


THANH THANH

Anh ở nơi nào?


Anh ơi! Anh ở nơi nào,

Có nghe em hát ngọt ngào tìm anh?

Tuổi đời tóc chẳng còn xanh,

Vấn vương thương nhớ mong manh chút tình.


Nợ duyên em chịu một mình,

Ngậm ngùi thèm có bóng hình người thương.

Cuộc đời lắm nỗi đoạn trường,

Lời thơ, ý nhạc thêm hương cho đời.

 

 

 


Nhớ lời mẹ ru


“Con ơi con ngủ đi con

Cha đang vì nước, vì non xa nhà”

Lời thơ mẹ hát ru ta,

Vần thơ sáu tám ngân nga ru hời.

Từ khi mở mắt chào đời,

Hồn thơ tình mẹ biển trời bao la.

“Cha còn đánh giặc phương xa,

Con ngoan, con ngủ, mẹ ra ngoài đồng”

Mẹ ru con ngủ say nồng,

Câu thơ mẹ hát trong lòng không quên…

 

 


Tôi đến hội thơ


Tôi đến hội thơ chuyện tình cờ,

Bao lần bạn rủ cứ làm ngơ,

Nghĩ mình đâu có tài thi sĩ

Đến chỉ ngồi nghe bạn ngâm thơ.


Lần một, lần hai mãi cũng say,

Mong nhớ bạn thơ tính từng ngày,

Giao lưu ca hát, thơ mời họa,

Hẹn tuần cuối tháng gặp nhau đây.

 

 

 


THÚY MINH

Lòng tôi


Mười năm thấm thoát đã qua mau,

Trong Câu lạc bộ đã cùng nhau

Vun đắp cho vườn thơ tươi tốt,

Tình cảm anh em mãi dạt dào.


Nhớ lắm các anh, các chị ơi,

Một mình tôi lạc chốn xa xôi.

Tình thơ đơn lẻ sao nảy nở,

Tàn héo lòng tôi ở một nơi.


Không đi thì lại nhớ bạn thơ,

Mỗi tháng gặp nhau có mấy giờ.

Đem trải lòng mình ra tâm sự

Vui buồn ta gửi gắm cho thơ.

 

 

 


THÚY YÊN

Mười năm Hương sen


Hương sen đón tiếp khách văn chương,

Chẳng ngại nắng mưa khác quận phường.

Lưu luyến, bạn bè nơi chiến trận,

Dạt dào, bằng hữu chốn đồng hương.


Hân hoan, tay bắt trao vần nhớ,

Niềm nở, mặt mừng gởi vận thương.

Ấm áp tình thơ thêm gắn bó,

Mười năm, sen nở vẫn thơm hương.

 

 


TRUNG SƠN

Hương sen lên mười


Lên mười đang độ tuổi trăng non,

Cái nợ thi đàn vẫn sắt son.

Bầu bạn kính yêu gìn chẳng mất,

Anh em thân thiết giữ luôn còn.


Tình thơ xướng họa, tình tươi đẹp,

Nghĩa bút giao lưu, nghĩa vẹn tròn.

Kính chúc Hương sen vui phấn khởi,

Thang đời vươn tới nấc chon von.

 

 

 


Ngát Hương sen


Mừng Hương sen vừa tròn mười tuổi,

Mến thơ ca, rong ruổi đến chơi.

Đường thi, lục bát rạng ngời,

Giao lưu, xướng họa khắp nơi vui vầy.


Lưu luyến bấy tình đầy nghĩa đọng,

Nhớ bao đêm trăng vọng Hằng Nga.

Sao khuya lấp lánh Ngân hà,

Vẳng nghe tiếng gáy canh gà rạng đông.


Giật mình dậy, thu phong lạnh ngắt,

Ngỡ như còn khuya khoắt canh ba.

Ngọn đèn hiu hắt từ xa,

Mơ màng tâm thức thềm hoa ra vào.


Nắn nót thơ, giấy hao, mực cạn,

Gác khuê văn bầu bạn trông chờ.

Nghe lòng thổn thức bơ vơ,

Hương sen thơm ngát tình thơ dạt dào.

 

 


TÙNG SƠN

Tình thơ và nỗi nhớ


Con người ta thật lạ kỳ,

Cách xa vạn dặm biết gì mà thương?

Chỉ vì một áng văn chương,

Ngờ đâu sợi nhớ sợi thương buộc vào.


Trống lòng gõ nhịp chênh chao,

Muốn quên nhưng vẫn thấy xao xuyến lòng.

Giọt buồn lặn mãi vào trong,

Cớ sao vẫn thấy nhớ mong chất chồng?


Hay chi tình cảm đèo bòng,

Muốn quên chẳng được cõi lòng xôn xao.

Sóng tình mỗi lúc dâng cao,

Nhấn chìm ta giữa cồn cào nhớ thương.

 

 

 


XUÂN CẢNH

Tình thơ thi hội Hương sen


Thấm thoát thoi đưa đã mười năm,

Tình thơ thi hội mãi thắm đằm.

Hương sen phảng phất hồn thanh diệu,

Lựa ý gieo vần mãi bón chăm.


Ngày đầu chập chững tập làm thơ,

Tình yêu thi phú dẫn đường tơ.

Thi hữu cùng nhau dìu dắt bước,

Theo chân anh chị mãi đến giờ.


Mỗi tháng một lần cùng hội tụ,

Liên đoàn lao động, chiếc nôi ru *

Thơ ngâm, ý đối, lời ca hát

Thư giãn tâm hồn vẳng tiếng thu.


Tình thơ thi hội Hương sen thắm,

Ấm mãi tâm tình quý bạn thơ.

Trung trinh đạo lý chân, thiện, mỹ,

Dâng hiến cho đời đẹp tiếng thơ.

* Nhà văn hóa Liên đoàn Lao động Quận 11 Thành phố Hồ Chí Minh.

 

 


Tham khảo

Tính thống nhất và sắc thái riêng

của thể thơ lục bát trong ca dao ba miền

Bắc, Trung, Nam


Trần Kim Liên

Thạc sĩ, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.


I. Tính thống nhất của thể lục bát trong ca dao ba miền Bắc, Trung, Nam


1. Ca dao Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ đều sử dụng thể lục bát ở mức độ rất cao.


Trong bài tựa sách Quốc âm từ điệu, Phạm Đình Toái đã nhận xét: "Thể thơ lục bát đâu đâu cũng quen thuộc không hẹn mà giống nhau, tao nhân mặc khách mở miệng nên thơ, gái dệt, trai cày nói lời hợp điệu, cho đến câu hát của xóm làng, lời đùa của trẻ con cũng không gì là không nhịp nhàng, hợp vần".(1)


Trong sách Kho tàng ca dao người Việt, có 10.305 lời ca dao trên tổng số 11.825 lời được sáng tác theo thể lục bát, chiếm 87%(2).


Trong sách Ca dao Việt Nam, có 973 lời trên tổng số 1015 lời được sáng tác theo thể lục bát, chiếm 95%.(3)


Trong sách Ca dao Việt Nam trước Cách mạng, có 1125 lời được sáng tác theo thể lục bát, chiếm 94%(4).


2. Thể lục bát trong ca dao ba miền Bắc, Trung, Nam đều ngắn gọn


Đây là kết quả thống kê độ dài các tác phẩm ca dao trong hai cuốn sách biên soạn ca dao:


Chúng ta thấy trong số 2310 lời ca dao (được ghi trong hai cuốn sách), số lời có độ dài từ 2 đến 4 dòng chiếm 81%.


Do yêu cầu phản ánh, thể hiện tình cảm cần lời ít mà ý sâu, càng ngắn gọn càng dễ nhớ, dễ lưu truyền, phổ biến nên tính kiệm lời, cô đọng, ngắn gọn là đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật biểu hiện của ca dao.


Khác với truyện cổ, phương thức biểu hiện tình cảm của ca dao ngắn gọn, cô đọng nhưng giàu sức chứa chở cảm xúc. Ví dụ: khi đề cập đến thân phận, cuộc đời, tương lai.


Các cô gái miền Bắc nói về tâm trạng mình:


Thân em như tấm lụa đào,

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?

 


Cùng tâm trạng, tình cảm đó, cô gái Trung Bộ thể hiện:


Thân em như chiếc thuyền tình,

Mười hai bến nước linh đinh,

Biết đâu trong đục nương mình gửi thân.


Trên miền đất Nam Bộ, dù thiên nhiên có hào phóng ban tặng nhiều sản vật phong phú thì người con gái vẫn có nỗi lo:


Thân em như trái bần trôi,

Gió dập, sóng dồi biết tấp vào đâu?


Những thân phận mong manh, lênh đênh như "tấm lụa đào", "chiếc thuyền tình", "trái bần trôi" đã mang tâm hồn, tình cảm, dấu ấn thiên nhiên miền đất sinh sống của những người con gái không có quyền định đoạt số phận, hạnh phúc, cuộc đời. Nỗi đau khổ, cay đắng chất chứa trong tiếng thở than nghẹn ngào đã làm rung lên niềm thương cảm của trái tim bao người nghe. Nỗi khổ đau đó cũng được đại thi hào Nguyễn Du thể hiện trong tác phẩm Truyện Kiều với độ dài 3254 dòng lục bát đầy những niềm cảm thông thương xót:


Đau đớn thay phận đàn bà,

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.


Do đặc điểm ngắn gọn nên dung lượng phản ánh của mỗi lời ca dao có phần hạn chế. Bởi hiện thực cuộc sống vô cùng phong phú, đa dạng, phức tạp. Tâm hồn, cảm xúc của con người rất tinh tế, nhiều cung bậc. Mỗi lời ca dao chỉ phản ánh được một khía cạnh của cuộc sống nên từ đó có hiện tượng trái nghĩa, hay có nhiều cách biểu hiện khác nhau.


Hãy nghe một cô gái miền Bắc nói về bổn phận:


Có chồng thì phải theo chồng,

Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng đi.


Tương tự, cô gái miền Nam cũng nói:


Có chồng phải luỵ cùng chồng,

Nắng mưa phải chịu, mặn nồng phải theo.


Thực tế lại có lời ca dao biểu hiện thái độ:


Có chồng thì mặc có chồng,

Ở đây vắng vẻ tơ hồng cứ xe.

...

Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn,

Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ.


Bên cạnh lời ca dao ca ngợi người phụ nữ chung thuỷ:


Lên non thiếp cũng lên theo,

Tay vịn chân trèo hái trái nuôi nhau.


thì lại có những lời có nội dung trái ngược:


Chính chuyên chết cũng ra ma,

Lẳng lơ chết cũng khiêng ra ngoài đồng.


Thái độ tương phản đó là sự phản kháng quyết liệt chống đối lại lễ giáo nghiệt ngã, những quan niệm cực đoan.


Phải tập hợp được một số lượng đủ đến mức cần thiết những lời ca dao về người phụ nữ thì mới nhận thức được tương đối đầy đủ quan niệm dân gian về họ.


Như vậy, qua nhiều lời ca dao, tính thống nhất nổi bật đó là sự ngắn gọn, kiệm lời, cô đọng, hàm súc. Tính chất ngắn gọn là một đặc điểm chung, thống nhất của ca dao ba miền, có liên quan chặt chẽ với hoàn cảnh, điều kiện của việc sáng tác và sinh hoạt văn nghệ.


3. Thể lục bát trong ca dao ba miền Bắc, Trung, Nam đều có hình thức biến thể


Có nhiều cách hiểu rộng, hẹp khác nhau về lục bát biến thể, chúng tôi đồng tình với cách hiểu của Mai Ngọc Chừ "Lục bát biến thể ở đây được quan niệm là những câu ca dao có hình thức lục bát nhưng không khít khịt "trên sáu, dưới tám" mà có sự co giãn nhất định về số lượng âm tiết (tiếng)".


Đây là lục bát biến thể trong ca dao.


Đôi ta tình thẳm nghĩa dày,

Dù có xa nhau đi chăng nữa ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.


(6/14 tiếng)


Đau tương tư đầu tóc rối bù

Đặt lược lên, lấy lược xuống, nước mắt chùi không khô.


(7/11 tiếng)


Thực tế cho thấy, những lời ca dao lục bát biến thể chủ yếu là do làn điệu của việc ca hát quy định (đối với dân ca) do yêu cầu thể hiện một số nội dung nhất định (đối với ca dao). Hai lời ca dao vừa dẫn cho thấy: Số lượng âm tiết tăng thêm hoặc giảm đi đóng vai trò quyết định để nhịp thơ thay đổi tạo nên ưu thế cho việc biểu đạt những điều kiện khó khăn, không thuận lợi và sự quyết tâm khắc phục những trở ngại đó.


Ngoài ra, lục bát biến thể còn đắc dụng trong những lời châm biếm, trào phúng:


Chập chập, cheng cheng,

Con gà sống thiến để riêng cho thầy.

Đơm xôi thì đơm cho đầy,

Đơm mà vơi đĩa thì thầy không ưa.


(Ca dao Bắc Bộ)


Anh đi đâu lúc la lúc lắc, quạt dắt sau lưng,

Hay làng cử anh làm lý trưởng để  “giữ rừng" cho em?

Rừng em anh chẳng dám vô,

Sợ phụ mẫu em giấu mả mồ ở trong.


(Ca dao Trung Bộ)


II. Sắc thái riêng của thể lục bát trong ca dao ba miền Bắc, Trung, Nam.


Các tác giả dân gian ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đã sử dụng rất tài tình, linh hoạt thể thơ lục bát nhưng mức độ sử dụng và trau chuốt có khác nhau.


Ca dao Bắc Bộ sử dụng thể lục bát nhuần nhuyễn, trau chuốt hơn ca dao Trung Bộ và Nam Bộ. Ca dao Bắc Bộ tiếp nhận lối ngắt nhịp truyền thống của ca dao Việt Nam (ngắt nhịp chẵn dòng lục 2/2/2, dòng bát 2/2/2/2 hoặc 4/4).


Nước trong nước chảy quanh chùa (2/2/2)

Không yêu ta cũng bỏ bùa cho yêu.(2/2/2/2)

Công cha nghĩa mẹ thiếp đền (2/2/2)

Xin chàng đừng có kết duyên chốn nào (2/6)

Xin đừng đứng thấp trông cao (2/2/2)

Xin đừng tơ tưởng chốn nào hơn đây (6/2)

Xin đừng tham gió bỏ mây (2/4)

Tham vườn táo rụng bỏ cây nhãn lồng (4/4)


Đọc những lời ca dao Bắc Bộ ta cảm nhận được sắc thái tình cảm nhẹ nhàng, dìu dịu, đằm thắm, tha thiết. Trong lời ca dao trên, người con gái như đang "rót mật vào tai", dùng "lạt mềm buộc chặt". Cái duyên dáng, tươi trẻ, dịu dàng, thanh lịch của người con gái xứ Bắc đã níu giữ chân chàng trai lại. Những lời tha thiết yêu thương được láy lại trong từ "xin chàng" và điệp từ "xin đừng" khiêm nhường mà không hạ mình, nhắc nhở mà không giáo điều, giáo huấn. Người nghe không chỉ cảm nhận được điều hay lẽ phải mà còn cảm nhận được phẩm chất đẹp đẽ, lịch lãm, thanh cao, đáng trọng của con người xứ Bắc.


Ca dao Bắc Bộ chịu ảnh hưởng nhiều hơn của ngôn ngữ văn chương bác học. Cuộc sống lao động sản xuất của người dân đồng bằng Bắc Bộ nhìn chung ổn định, hiền hoà. Thiên nhiên Bắc Bộ dù có sự chuyển đổi bốn mùa khắc nghiệt nhưng cuộc sống lao động và văn hoá tinh thần của con người vẫn được đảm bảo. Những lễ hội mùa xuân tưng bừng cùng những hội chùa, hội làng... kéo dài từ tháng giêng sang hết tháng hai. ở đâu cũng có lễ hội, dường như điều đó đã giải toả tâm linh và những khúc mắc trong tình cảm. Do vậy con người không phải chịu sự dồn nén, bức bối.


Giữa sinh hoạt văn hoá và thiên nhiên đầy những hình ảnh thơ mộng, lãng mạn, con người có thể trao đổi gửi gắm cảm xúc bay bổng. Điều đó được ghi lại trong ca dao Bắc Bộ, lục bát biến thể ít và thiên về sự co giãn ở dòng lục hoặc dòng bát:


Chàng trẩy đi nước mắt thiếp tôi chảy quanh,

Chân đi thất thểu lời anh dặn dò.


(9/8 tiếng)


Người ta chung nón chung tơi,

Cho em chung thầy, chung mẹ, chung hơi, chung tình.


(6/10 tiếng)


Trung Bộ phải chịu cảnh quá khắc nghiệt của thiên tai liên tiếp. Con người nơi đây từng trải qua bao thăng trầm, biến cố của các cuộc xung đột, khai phá, chiến tranh giữa các thế lực phong kiến. Sự khắt khe của tư tưởng lễ giáo, sự nghiệt ngã của thiên nhiên khiến con người chất chứa bao nỗi uất ức, hờn căm, dồn nén đau khổ muốn giãi bày:


Nốc tôi chật chội chẳng cùng,

Làm thân con gái, nỏ biết rùng nơi mô.


(6/9 tiếng)


Nốc năm mui sóng khó chèo,

Muốn kết đôi với bạn, bạn chê nghèo thì thôi.


(6/10 tiếng)


Trong lao động, nhịp điệu sản xuất của người miền Trung mạnh mẽ, chắc khoẻ. Người lên rừng trèo đèo, lội suối, chặt cây, động tác phải nhanh. Người đi biển đánh cá phải chống chọi với sóng to gió lớn, hiểm nguy. Không có sự dũng cảm, cứng rắn, vượt lên để đấu chọi, tồn tại thì làm sao có hạnh phúc, tươi vui. Ngay cả khi làm ruộng, đất cứng vì khô hạn, các động tác cũng phải thật mạnh, thật chắc nịch, bền bỉ mới bổ được từng nhát cuốc...


Cuộc đời đầy những thách thức, khó khăn đã làm biến đổi nhịp sống của con người. Điều đó có thể thấy trong thái độ biểu hiện cảm xúc của con người miền Trung cũng mang nét khác dân Bắc Bộ. Họ ưa sự dứt khoát, thẳng thắn, trung thành, bền bỉ, chịu khó. Sự biến thể đột ngột với nhiều cung bậc khác nhau trong ca dao Trung Bộ là biểu hiện nghệ thuật mang ý nghĩa nội dung trên. Lục bát ở Trung Bộ thiên về sự giãn tiếng ở dòng bát:


Đôi ta tình thắm nghĩa dày,

Dù có xa nhau đi chăng nữa / ba vạn sáu ngàn ngày / mới xa.


(6/14 tiếng)


Hai tay bưng bát nước đầy,

Anh muốn kết duyên em mãi mãi / sợ thầy mẹ không thương.


(6/12 tiếng)


Nguyện thề trước miếu sau đình,

Đó vong ân / đó chịu / đây bạc tình / đây mang.


(6/10 tiếng)


Thương anh nỏ biết mần răng,

Cứ lơ lơ, lửng lửng như sao băng giữa trời.


(6/10 tiếng)


Ca dao Nam Bộ sáng tác thuần thể lục bát ít hơn ca dao nói chung, tỉ lệ lục bát chiếm 79,1%, thấp hơn ca dao Bắc Bộ. Lục bát trong ca dao Nam Bộ vẫn sử dụng nhịp một cách linh hoạt, uyển chuyển như ca dao cả nước để biểu hiện sinh động tâm trạng, tình cảm. Song số thanh bằng hoặc trắc được sử dụng nhiều tạo nhịp điệu man mác, da diết hoặc dứt khoát, mạnh chắc. Ngoài ra còn có kiểu ngắt nhịp khá táo bạo, tự do, phá vỡ sự nhàm chán nhịp chẵn bằng nhau tuyệt đối. Cách ngắt nhịp có chẵn, lẻ hoặc phối hợp sáng tạo với thanh trắc để diễn tả, nhấn, láy được những cung bậc tình cảm của con người Nam Bộ:


Chiều chiều chim vịt kêu chiều,

Bâng khuâng nhớ mẹ, chín chiều ruột đau.

Biển cạn lòng anh không cạn,

Núi non kia mòn, nghĩa bạn không vong.


Bản sắc Nam Bộ thể hiện rõ ở hoàn cảnh, gắn bó xuất hiện của lời ca dao, đặc biệt là sự phá cách táo bạo, bất ngờ theo hai chiều hướng co hoặc giãn tiếng trong cả hai dòng lục và bát nhiều hơn so với ca dao Trung Bộ và Bắc Bộ:

 

Tôi than với mình huỷ huỷ, hoài hoài,

Biểu em đừng gá nghĩa với ai, để anh gá nghĩa lâu dài với em..


(8/15 tiếng)


Cực chẳng đã cha mẹ gả em đã đành,

Chớ ăn khoai lang chấm muối ngon lành gì đâu.


(9/10 tiếng)


Lời ca dao đối đáp ở trên có biến thể ở cả bốn dòng, diễn đạt một tâm sự ngổn ngang, nặng nề của đôi trai gái bởi sự cách ngăn, trắc trở tình yêu, ngậm ngùi thở than, trách cứ.


Qua việc tìm hiểu bản sắc riêng của ca dao ba miền có thể thấy lục bát biến thể có mặt ở ca dao Bắc Bộ ít hơn ở Nam Bộ và Trung Bộ về tỉ lệ. Lục bát biến thể ca dao miền Bắc chiếm 8%, ở ca dao Trung Bộ là 15%, trong khi đó ca dao Nam Bộ là 26%.


Về hình thức biến thể, ở ca dao Bắc Bộ, lục bát biến thể thường nhỏ, ít đột ngột, chỉ thêm bớt vài tiếng, co giãn so với khuôn 6/8 (nhiều nhất là 11 tiếng) số tiếng thường giãn ở dòng lục. Các tác giả dân gian tỏ rõ sự trau chuốt nghệ thuật trong khuôn khổ vần nhịp, số tiếng.


Ca dao Trung Bộ số tiếng giãn nhiều (14 - 15 tiếng) ở dòng bát. Còn ca dao Nam Bộ thì co giãn cả hai dòng với số tiếng có khi lên 19 tiếng. Với độ co giãn nhiều như vậy nên ca dao Nam Bộ thể hiện sự linh hoạt về vần nhịp nhưng cũng bộc lộ nhược điểm ít trau chuốt.


Lối ngắt nhịp của lục bát trong ca dao ba miền đều nằm trong sự thống nhất chung của ca dao người Việt với cách ngắt nhịp linh hoạt, uyển chuyển, có sức lưu chuyển các trạng thái tình cảm. Điều khác nhau cơ bản là trong ca dao mỗi miền có những biến thể và độ dài ngắn bất thường để tạo nên cảm xúc biểu hiện khác nhau mang nét đặc trưng riêng.


(1) Dẫn theo Nguyễn Xuân Kính (1992), Thi pháp ca dao, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.


(2) Nguyễn Xuân Kính và Phan Đăng Nhật chủ biên (1995), Kho tàng ca dao người Việt, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội.


(3) Viện Văn học (1963) Ca dao Việt Nam trước Cách mạng, Nxb Văn học, Hà Nội.


(4) Mai Ngọc Chừ (1989), "Vần, nhịp, thanh điệu và sức mạnh biểu hiện ý nghĩa của lục bát biến thể", Tạp chí Văn hoá dân gian, Hà Nội, số 2.



Ban biên tập mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, phê bình.

CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy