11/ Tập san thơ Hương Sen số 15 (Phần 2).
HƯƠNG SEN - TẬP SAN LƯU HÀNH NỘI BỘ SỐ 15 THÁNG 1/2011.
PHẦN 2
PHAN LIÊN KHÊ
Mây trắng về trời
Tưởng nhớ Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ
Mẹ như mây trắng về trời
Từ nay từ biệt phận người trần gian.
Con không ra được Quảng Nam
Tìm ề quê mẹ Điện Bàn, tiễn đưa.
Lao xao cơn gió chuyển mùa,
Triền miên, trời đất đổ mưa, thêm buồn.
Mẹ ơi, uống nước nhớ nguồn,
Chín con mẹ mất, nước còn tự do.
Đồng bào áo ấm, cơm no,
Non sông chung một ngọn cờ vàng sao.
Dựng xây đất nước mạnh giàu,
Đường lên hạnh phúc, vui nào vui hơn.
Đẹp thay một tấm lòng son,
Mẹ còn mãi với nước non huy hoàng.
Lòng thành, thắp một nén nhang,
Nhớ thương, dòng lệ tuôn tràn, mẹ ơi!
Ông già thi sĩ
Cảm hứng đầu năm đến bất ngờ,
Tâm hồn thi sĩ khó làm ngơ.
Chu du mọi chốn, chân không mỏi
Thưởng ngoạn khắp nơi, mắt chẳng mờ.
Đón tết, phố phường vui tựa hội,
Mừng xuân, làng xóm đẹp như mơ.
Tuổi già, hôm sớm cùng con cháu
Ghi lại mấy dòng, những ý thơ.
Tâm sự với con đê
Xa cách bao năm mới trở về,
Thì thầm tâm sự với bờ đê
Con đường đi học ngày xưa ấy,
Nỗi nhớ đong đầy đến tái tê.
Thấp thoáng gần xa, những xóm làng
Bức tranh quê đẹp, cảnh thôn trang.
Nhà nông vất vả quên khuya sớm,
Cho vụ mùa thu hạt lúa vàng.
Ngồi ngắm sườn đê, dải lụa xanh
Tràn về ký ức, mái nhà tranh
Con đê ngày ấy, đêm trăng sáng
Ngọn gió chiều nay vẫn mát lành.
Tìm lại tuổi thơ, chiều cuối thu
Cánh diều no gió, sáo vi vu
Xóm làng yên ấm, vui cày cấy
Sâu lắng, ngọt ngào, tiếng mẹ ru.
Con đê sừng sững đã bao đời
Che chở xóm làng tránh nước trôi
Như bức thành đồng trong bão táp
Đã từng thấm máu với mồ hôi.
Người con xa xứ nặng tình quê
Thương nhớ không nguôi ngày trở về
Ngọn cỏ, hàng tre từng gắn bó
Mái trường xưa học dưới chân đê…
THÚY MINH
Cố đô Hoa Lư
Vừa qua ghé thăm Ninh Bình,
Non xanh, nước biếc hữu tình đẹp thay.
Thật là tiên cảnh bồng lai
Vua Đinh thuở trước, nơi này đóng đô.
Cờ lau phấp phới trên bờ
Một thời dựng nước khi xưa hào hùng.
Núi sông ta đẹp vô cùng
Thiên nhiên ưu đãi Ninh Bình xưa nay.
Đi thăm Tràng An
Tràng An đẹp lắm ai ơi
Du lịch sinh thái, ôi thời khỏi chê!
Núi là thành, sông là đường đi
Thuyền vào hang động thôi thì cảnh tiên.
Nhũ đá tạo hình thiên nhiên
Long lanh, óng ánh đẹp quên đường về.
Kia hình là một cụ rùa
Vào hang nấu rượu, nhà vua xưa dùng.
Vào hang Ba Giọt lạ lùng
Ai được ba giọt vô cùng gặp may.
Viếng đền thờ Mẫu ở đây,
Núi sông hùng vĩ, nơi này uy nghi.
Hướng về Miền Trung
Vừa qua lũ lớn quá trời ơi
Gió mưa bão lũ phá tơi bời
Gây nên tang tóc, bao đau khổ
Hoa màu, nhà cửa nước cuốn trôi!
Ôi, khổ thay bao cảnh màn trời
Dưới nước dâng lên, trên mưa xuống
Đói cơm ăn và không nước uống
Gió mưa vùi dập đến tả tơi.
Tội cụ già và những em thơ
Rét run cầm cập dưới trời mưa,
Nước ngập ngang người môi tím ngắt,
Dỡ ngói chui lên mặt bơ phờ.
Ôi đồng bào ruột thịt Miền Trung
Cả nước hướng về dốc một lòng
Nhường cơm sẻ áo trong hoạn nạn,
Đẩy lùi gian khổ dân đang mong.
Thời tiết
Thiên tai, trời nắng, nóng quá thôi
Vừa sáng ngày ra, nắng đỏ trời.
Ti vi dự dự báo ba tám độ,
Ngồi không mà cứ toát mồ hôi.
Hỏi trời: Sao nắng mãi không mưa
Khi mưa, nước lại quá dư thừa
Lũ lụt nhiều nơi dân đói khổ
Màn trời chiếu đất khổ hay chưa?
Trời rằng: Có phải tại ta đâu,
Bảo vệ môi trường phải toàn cầu.
Việt Nam gánh chịu nhiều ảnh hưởng
Ô nhiễm đẩy lùi phải mau mau.
Phong trào xanh, sạch trên đề ra
Sáu tiêu chuẩn đã phát từng nhà.
Giữ xanh, sạch trong nhà, ngoài phố,
Phải do ý thức của chúng ta.
Viếng chùa Bái Đính
Về thăm Bái Đính, Ninh Bình,
Ngôi chùa lớn nhất nước mình là đây.
Giếng Ngọc in bóng trời mây,
Quả chuông to nhất xứ này vang xa.
Bồ đề xanh tươi bao la
Linh thiêng tượng Phật Thích Ca trong chùa.
Cảnh thật mà tưởng như mơ
Ai đi xin nhớ ghé qua Ninh Bình.
TRUNG SƠN
Kính dâng Mẹ Thứ
Mẹ Nguyễn Thị Thứ - người Điện Bàn, Quảng Nam có 11 người con cháu là liệt sĩ.
Dâng hiến cả đàn con cho Tổ quốc,
Chẳng hổ danh mẹ nước Việt anh hùng.
Mẹ suốt đời chỉ nghĩ đến non sông,
Không tính toán và cũng không đòi hỏi.
Độc lập hòa bình Mẹ thầm mong mỏi,
Giữ giang sơn vĩnh viễn mãi dài lâu.
Đảng và dân luôn ý hợp tâm đầu,
Đưa đất nước sánh năm châu bốn biển.
Mẹ chỉ muốn giống Tiên Rồng vinh hiển,
Nắm chặt tay xây đắp vững sơn hà.
Gieo nghĩa nhân kết tụ nhưng tinh hoa,
Tưới nhân ái trên quê nhà tươi đẹp.
Ơn của mẹ sử vàng trân trọng chép,
Để ngàn thu thương nhớ mãi không mờ.
Toàn dân Nam cung kính mẹ vần thơ,
Nguyện đoàn kết dưới ngọn cờ Độc lập.
Kỷ niệm ngày thành lập Quân đội
Hiên ngang lẫm liệt chí tung hoành,
Đuổi giặc – diệt thù ngăn chiến tranh.
Nặng nợ tang bồng – yêu đất nước,
Một lòng trung hiếu, rạng công danh.
Bộ đội cụ Hồ súng vác vai,
Đuổi quân cướp nước rạng danh tài.
Qua rồi chiến trận yên bờ cõi,
Trở lại đời thường thỏa chí trai.
Non sông một dải đẹp huy hoàng,
Đất nước phì nhiêu, lúa trĩu vàng.
Cảnh sắc quê hương thanh tú quá
Ngàn năm oai trấn thịnh giang san!
Muôn đời dân tộc nhớ ơn anh,
Tổ quốc giờ đây đã thái bình.
Nối gót cha ông đi giữ nước,
Một lòng chung thủy, sáng niềm tin.
Trung dũng, kiên cường vượt sóng cao,
Con Hồng, cháu Lạc chí anh hào.
Xả thân vì nước nào đâu tiếc,
Cờ đỏ tung bay nhuộm máu đào.
Chung lòng xây đắp đẹp quê hương,
Nắng mới bừng lên khắp nẻo đường.
Cây cỏ tốt tươi hoa trái ngọt,
Rộn ràng đất mẹ nở yêu thương!
THAM KHẢO
Mùa xuân nhớ lại thơ chúc Tết của Bác Hồ
PGS.TS Nguyễn Như An
Chúng ta nhớ lại năm 1911, Bác Hồ rời cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước. Cả đất nước Việt Nam mùa đông kéo dài heo hắt, tàn úa, rên xiết dưới ách nô lệ lầm than. Trong tâm tưởng, Người vẫn luôn ước mong tìm được con đường cách mạng để cứu dân, cứu nước.
Ước mơ đó canh cánh bên lòng Bác nhất là mỗi khi Tết đến, xuân về. Sau 30 năm đằng đẵng xa quê hương đất nước, năm 1941, Bác về Pắc Bó. Cỏ cây, hoa lá núi rừng Việt Bắc bỗng tươi sáng mừng đón Bác về theo tiếng thơ vang vọng của Người, chào đón mùa xuân, chiến đấu bảo vệ và xây dựng sơn hà xã tắc theo đường lối của chủ nghĩa Mác - Lênin:
Non xa xa, nước ta xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lênin, kia núi Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà. (Xuân 1941)
Tháng 6 - 1941, phát xít Đức bội ước, tấn công Liên Xô, gây ra chiến tranh giữa hai phe dân chủ và phát xít quốc tế.
Mùa xuân 1942, Bác kêu gọi và "chúc đồng bào ta đoàn kết mau! chúc Việt Minh ta cùng tiến bộ" để mưu sự nghiệp lớn, giải phóng đất nước ta. Lời thơ mừng xuân 1942 của Bác đã trở thành ước mơ và niềm tin, đồng thời là biểu tượng thiêng liêng của hồn non nước, của muôn vàn lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới!
Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi
Năm cũ qua rồi, chúc năm mới
Chúc phe xâm lược chóng diệt vong
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau
Chúc Việt Minh ta cùng tiến tới!
Chúc toàn quốc ta trong năm nay
Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới
Năm nay là năm Tết vẻ vang
Cách mạng thành công khắp thế giới.
Vào mùa thu 1945 (Ất Dậu) trước đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Bác đã nêu cao quyết tâm sắt đá đó: "Thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn ta cũng phải cương quyết giành cho được độc lập".
Cách mạng tháng 8 - 1945 thành công, nhân dân ta giành được chính quyền, giành lại nền độc lập cho tổ quốc. Mùa xuân 1946 (Bính Tuất) - mùa xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, cả giang sơn rực rỡ cờ đỏ sao vàng vẫy gọi toàn dân, toàn quân nô nức đi tổng tuyển cử, sử dụng quyền dân chủ để xây dựng một nhà nước pháp quyền dân chủ, bình đẳng đầu tiên ở Đông Nam Á. Cũng trong năm ấy, thực dân Pháp trở lại xâm chiếm nước ta. Bác kêu gọi toàn dân: "Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, ai không có súng có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc nhất tề đứng dậy đánh giặc cứu nước".
Vào ngày mồng 1 tết Bính Tuất (1946), Tết đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác "gửi các chiến sĩ và đồng bào yêu quý”. Đối với các chiến sĩ lời thư của Bác rất thắm thiết, ân tình, xúc động. “... Trong ba ngày tết, đồng bào ai cũng đoàn tụ sum vầy xung quanh những bình hoa, mâm bánh. Còn các bạn thì chịu ăn gió nằm sương lạnh lùng ở chốn sa trường. Song hình ảnh các bạn thì ấm áp trong lòng thân ái của mỗi một quốc dân”.
Bao giờ kháng chiến thành công
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào
Tết này ta tạm xa nhau
Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy"
Bác chúc đồng bào:
Trong năm Bính Tuất tới
Muôn việc đều tấn tới
Kiến quốc mau thành công
Kháng chiến mau thắng lợi
Việt Nam độc lập muôn năm!
Ý chí sắt đá đầy chất sử thi trong lời thơ của vị lãnh tụ, anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh vang lên như một lời thề quyết chiến, quyết thắng:
Chống gậy lên non xem trận địa
Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây
Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.
Cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp vô cùng gian khổ, nhưng theo lời dạy của Người, toàn dân, toàn quân ta đã "Chín năm làm một Điện Biên! Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng" (thơ Tố Hữu).
Năm 1954, hoà bình lập lại, nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Miền Nam sống trong đêm đen của chế độ Mỹ - Ngụy. Ở miền Bắc nước ta, Đảng và nhà nước, Bác Hồ phát động toàn dân thi đua chiến đấu giỏi, sản xuất tốt.
Năm 1960, đúng vào dịp tết Nguyên Đán Canh Tý cổ truyền của dân tộc, Bác đã phát động Tết trồng cây. Đó là một sáng kiến vĩ đại, một quan điểm bảo vệ môi trường sinh thái cho dân tộc ta và cho cả trái đất. Người nói: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người".
Trước kia cũng có một danh nhân nói câu ấy, nhưng để nghiên cứu một cách khoa học để bảo vệ môi trường sinh thái thì chính Bác Hồ là vị lãnh đạo trước cách mạng đầu tiên của các nước phương Đông và toàn thế giới đề xuất chủ trương sáng tạo này. Trong bài thơ chúc Tết trồng cây, Bác đã khẳng định một chân lý vĩnh hằng qua những câu thơ trong sáng:
Mùa xuân là tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.
Từ năm 1960 trở đi, Bác đã vận động thành nếp sống lao động, văn hóa cho cả nước: "Phát động tết trồng cây vào dịp Tết dân tộc, nhằm giáo dục ý thức tôn trọng và bảo vệ môi trường sống, yêu quý thiên nhiên, yêu quý đất nước giàu đẹp của chúng ta và cả trái đất này".
Mỗi độ xuân về, toàn dân ta lại lắng nghe và làm theo lời thơ chúc tết, mừng xuân của Người. Mùa xuân 1967, phấn khởi trước chiến thắng của cả 2 miền Nam - Bắc, Bác đọc bài tứ tuyệt dạt dào tin tưởng, hy vọng:
Xuân này xin có một bài ca
Gửi chúc đồng bào cả nước ta
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi
Tin mừng thắng trận nở như hoa! (xuân 1967)
Hẳn chúng ta còn nhớ bài thơ xuân chúc tết nhân dân và quân đội ta trước khi Người chuẩn bị đi xa vào năm 1969. Bài thơ đó của Người vang xa như một lời hịch chiến thắng, thể hiện quyết tâm vững vàng của toàn dân tộc:
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to!
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn! (xuân 1969)
Vào tháng 5 - 1969, Bác đã nghĩ đến ngày thống nhất đất nước. Người hằng mong ước để được đi thăm đồng bào miền Nam ruột thịt. Thấy sức mình đã yếu đi nhiều nên Bác đành nhắn gửi toàn dân tộc ta trong lời di chúc thiêng liêng bất hủ. Lời di chúc thiêng liêng và ân tình của Người có giá trị thiết thực và sâu sắc, toàn diện, không những cho cán bộ và nhân dân trong những năm trước mắt mà còn có giá trị chỉ đạo chiến lược lâu dài cho cách mạng nước ta. Thời gian thấm thoát thoi đưa năm 2011 Tân Mão đã đến. Trải qua 42 mùa xuân kể từ khi Người đi vào cõi vĩnh hằng, xuân về ta không được nghe thơ chúc tết của Bác nhưng trong tâm tưởng của mình, toàn dân, toàn quân ta vẫn tưởng nhớ Người và nhớ mãi những bài thơ xuân của Người. Toàn Đảng, toàn dân ta luôn ghi nhớ và tích cực thể hiện bằng hoạt động thực tiễn thắng lợi rực rỡ điều mong muốn thiêng liêng của Bác: "... Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới" (trích Di chúc - Hồ Chí Minh ngày 10 tháng 5 năm 1969).
Câu lục lệch chuẩn trong Truyện Kiều
Nhà thơ Vương Trọng
Cùng là thơ lục bát, nhưng có bài nghe êm dịu, có bài lại trúc trắc, khó đọc. Nguyên nhân ngoài vần ra, còn do điệu, tức là thanh trắc và thanh bằng của các chữ trong câu quyết định điều đó. Chúng ta biết rằng, với một câu thơ lục bát chuẩn thì chữ thứ 2 của câu lục cũng như của câu bát phải là thanh bằng, chữ thứ tư của mỗi câu phải là thanh trắc.
Trong 1627 câu bát của Truyện Kiều, câu nào cũng chuẩn, nghĩa là mọi câu đều có chữ thứ hai thanh bằng, chữ thứ tư thanh trắc. Nhưng trong 1627 câu lục thì không như thế, nghĩa là có một số câu có chữ thứ hai thanh trắc, hoặc chữ thứ tư thanh bằng. Ta tạm gọi những câu lục như vậy là câu lục lệch chuẩn. Trước hết ta hãy thống kê những câu lục ấy:
- Mai cốt cách, tuyết tinh thần
- Đau đớn thay phận đàn bà
- Nền phú hậu, bậc tài danh
- Người quốc sắc, kẻ thiên tài
- Khi tựa gối, khi cúi đầu
- Người nách thước, kẻ tay đao
- Đồ tế nhuyễn, của riêng tây
- Duyên hội ngộ, đức cù lao
- Nước vỏ lựu, máu mào gà
- Tin nhạn vẩn, lá thư bài
- Khi khoé hạnh, khi nét ngài
- Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
- Khi gió gác, khi trăng sân
- Khi hương sớm, khi trà trưa
- Khi chè chén, khi thuốc thang
- Sao chẳng biết ý tứ gì
- Có cổ thụ, có sơn hồ
- Khi Vô Tích, khi Lâm Tri
- Mụ quản gia, vãi Giác Duyên
- Hết nạn nọ, đến nạn kia
- Hại một người, cứu muôn người
- Người một nơi, hỏi một nơi
- Người yểu điệu, kẻ văn chương
- Tưởng bây giờ là bao giờ
- Thêm nến giá, nối hương bình
- Khi chén rượu, khi cuộc cờ
Như vậy, ta tính được 26 câu lục lệch chuẩn, chiếm tỷ lệ chưa đến 1,6% tổng số câu lục. Trong 26 câu này thì có đến 21 câu có chữ thứ hai mang thanh trắc, và chỉ 7 câu có chữ thứ tư mang thanh bằng. Với những câu lục bát chuẩn, khi không thất vận, bao giờ nghe cũng êm tai; ngược lại với trắc bằng lệch chuẩn, ngay cả khi chuẩn vần, thường trúc trắc, khó đọc. Thế nhưng khi đọc Truyện Kiều, không câu nào ta có cảm giác trúc trắc, ngang ngang, ngay cả những câu lục lệch chuẩn. Nguyên nhân vì sao?
Ta biết rằng thơ lục bát thường ngắt nhịp từng cặp hai chữ một:
Trăm năm/ trong cõi/ người ta (2/2/2)
Chữ tài/ chữ mệnh/ khéo là/ ghét nhau (2/2/2/2)
Phần lớn những câu lục bát trong Truyện Kiều cũng được ngắt nhịp như vậy. Thế nhưng ở 26 câu lục lệch chuẩn trên kia, không câu nào Nguyễn Du ngắt theo nhịp 2/2/2 quen thuộc, mà ngắt theo nhịp 3/3. Như vậy, chính nhịp 3/3 trong câu lục có sức mạnh làm tiêu tan sự trúc trắc, cho phép một câu lục lệch chuẩn làm thành viên một cặp lục bát êm dịu, mượt mà. Phải chăng đây cũng là một “bí quyết” mà những người làm thơ lục bát chúng ta cần tham khảo?
Đọc lại 26 câu lục trên kia, ta thấy rằng, chúng không chỉ được ngắt theo nhịp 3/3; mà chỉ trừ ba câu: Đau đớn thay phận đàn bà, Sao chẳng biết ý tứ gì, Người một nơi, hỏi một nơi, còn 23 câu lục còn lại, mỗi câu được chia ra hai phần, tạo thành một cặp tiểu đối 3-3 hoàn chỉnh, và khi đó đọc lên nghe thuận tai hơn ba câu trên kia dù ngắt nhịp 3/3 nhưng không tạo thành tiểu đối.
Như trên đã nói, lục bát chuẩn thường có âm điệu du dương, lên bổng xuống trầm theo quy luật. Tuy nhiên nó cũng có “tác dụng phụ” là dẫn đến sự đơn điệu, nhất là đối với những bài thơ dài hay những truyện thơ hàng ngàn câu. Có đôi khi những câu lệch chuẩn giống như con ngựa bất kham dễ quật ngã những nài ngựa trình độ hạn chế, nhưng với những nài ngựa giỏi thì tìm được cái hay ở chúng. Với “đàn ngựa ngôn ngữ” thì Nguyễn Du là nài ngựa kỳ tài, có phép riêng để sử dụng những con ngựa lệch chuẩn, để cho lục bát trong Truyện Kiều giàu âm điệu, tiết tấu, tránh được sự đơn điệu thường tình.
Cũng cần lưu ý rằng, khi không thể ngắt nhịp 3/3 thì đại thi hào tìm cách hoán vị các từ, chứ không chịu để cho câu lục lệch chuẩn xuất hiện. Ví dụ như khi nói về Hoạn Thư:
Ở ăn thì nết cũng hay
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.
Trong ngôn ngữ tiếng Việt, chúng ta thường nói nết ăn ở, chứ không mấy khi nói ở ăn. Nguyễn Du thừa biết điều ấy, nhưng nếu dùng ăn ở thì chữ thứ hai câu lục mang thanh trắc: Ăn ở thì nết cũng hay, không thể ngắt theo nhịp 3/3, thế là “con ngựa bất kham” này không có “chiêu ngắt nhịp” để trị, không thể dùng được, nên đành phải hoán vị hai chữ đầu câu để đưa nó về một câu lục chuẩn.
Để giúp các bạn dễ nhớ 26 câu lục trên, tôi ghép chúng lại trong một bài lục bát như sau:
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ, phong trần khác xa
Đau đớn thay phận đàn bà
Sống làm vợ khắp người ta, tội tình
Nền phú hậu, bậc tài danh
Tình đầu ngắn ngủi sau dành phần ai
Người quốc sắc, kẻ thiên tài
Vô duyên, chỉ để vắn dài dòng châu
Khi tựa gối, khi cúi đầu
Bên nhau ai biết về sau thế nào
Người nách thước, kẻ tay đao
Đầu trâu mặt ngựa ào ào đến ngay
Đồ tế nhuyễn, của riêng tây
Chắt chiu bao thuở, một ngày sạch lau
Duyên hội ngộ, đức cù lao
Nhẹ tình, nặng hiếu lòng đau biệt nhà
Nước vỏ lựu, máu mào gà
Tính toan của Mã nghe mà sởn gai
Tin nhạn vẩn, lá thư bài
Khi khoé hạnh, khi nét ngài, mà kinh!
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình, chiếc thân
Khi gió gác, khi trăng sân
Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ
Khi hương sớm, khi trà trưa
Bàn vây điểm nước, vần thơ họa đàn
Khi chè chén, khi thuốc thang
Không hay địa ngục, thiên đàng là chi
Sao chẳng biết ý tứ gì
Cho chàng buồn bã tội vì Hoa Nô
Có cổ thụ, có sơn hồ
Đêm Quan Âm Các lần mò trốn đi
Khi Vô Tích, khi Lâm Tri
Thương thay thân gái chuyển di bao miền
Mụ quản gia, vãi Giác Duyên
Mấy lần gặp gỡ, mấy phen chia lìa
Hết nạn nọ, đến nạn kia
Biết bao gìờ mới yên bề thảnh thơi?
Hại một người, cứu muôn người
Người một nơi, hỏi một nơi, lầm đường
Người yểu điệu, kẻ văn chương
Đoàn viên một cuộc tình thương vô bờ
Khi chén rượu, khi cuộc cờ
Tưởng bây giờ là bao giờ, nét xinh
Thêm nến giá, nối hương bình
Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan…
Dùng bao câu chữ làng nhàng
Chỉ mong chuyên chở hạt vàng văn chương!
Lại nghĩ về thơ
Lê Thiên Minh Khoa
1. Thơ ca và bia rượu: Tình hình thơ Việt Nam hiện nay?
Ngày nay, các nhà thơ lớp trước, thế hệ kháng chiến chống Mỹ, nhiều tác giả vẫn sáng tác nhiều bài thơ hay, nhiều nhà thơ trẻ có tài năng xuất hiện và thơ dễ in nên được sản xuất nhiều hơn vì chỉ cần có tiền hoặc có tài trợ là có tác phẩm nhưng hình như công chúng yêu thơ thực sự (là độc giả khó tính nhất trong các thể loại văn chương vì thơ được xem là một thứ nghệ thuật cao cấp) lại ít đi. Trong số đông tác phẩm đó, có cả “chính phẩm” lẫn “thứ phẩm”. Công chúng yêu thơ đọc hoài thơ “thứ phẩm” (mà có người gọi là thơ “sercond hand”) đến nhàm chán, gặp thơ “chính phẩm” lại tưởng là thơ “thứ phẩm” nên chê, có người đọc hoài thơ “thứ phẩm” đâm ra nghiền loại thơ này.
Xin kể chuyện này, chuyện thiệt 100%, không liên quan đến thơ nhưng liên quan đến cảm nhận thơ: Có lần đi dự đám ở một vùng quê, chúng tôi đem theo một kết bia Sài Gòn để mừng. Mấy ông bạn cũ, nay là bạn nhậu thứ thiệt trong làng lại chê là bia dỏm, nhạt, uống “không đã”, mang bia mua ở đầu xóm ra uống. Thì ra, họ quen uống và nghiền bia Sài Gòn dỏm, nay gặp bia Sài Gòn thứ thiệt lại chê là “thứ phẩm”, không có pha… cồn nên nồng độ thấp.
Thế thì, hãng bia chính hiệu bị thất thu và mất uy tín do nhiều hãng bia giả hiệu đã mạo hóa ra bia dỏm còn hãng bia giả hiệu thu lợi nhuận cao nhiều khi hơn cả hãng bia chính hiệu, vì không đầu tư cho cơ sở vật chất nhiều, không đóng thuế và nguyên liệu (giả) lại rẻ. Người uống bia là thiệt thòi nhiều nhất: tăng “đô” theo chiều hướng xấu, cơ thể hao mòn vì uống nhiều bia giả gồm nước lã, ga và rượu cồn có nồng độ cao thay vì men lúa mạch. Do mọi sự so sánh đều khập khễnh, nên câu chuyện “thật – giả” trên có lẽ chưa nói rõ được điều liên quan đến hai mặt hàng (Bia Rượu và Thơ Ca): người sản xuất bia “thứ phẩm”, trốn tránh pháp luật vì không có giấy phép sản xuất, còn người sản xuất ra thơ “thứ phẩm” thì đàng hoàng, công khai vì có giấy phép xuất bản hẳn hoi; bia rượu và thơ ca đều cần chất lượng cao, nhưng bia được sản xuất hàng loạt nên mỗi chai từ hình thức (mẫu mã) đến nội dung (hàm lượng) đều giống nhau là tốt, nhưng thơ ca thì không được thế. Mỗi “chai” đều phải “không giống ai”, từ hình thức (ngôn ngữ) đến nội dung (tình và tứ) mỗi “chai” một vẻ, một “hương vị” riêng. Tuy nhiên chúng có nhiều điểm giống nhau đến… thú vị; cả hai nhà sản xuất hàng “chính phẩm” (bia và thơ) đều cần đưa hàng thứ thiệt đến tận tay người tiêu dùng, còn người tiêu dùng “sành điệu” đều cần đến nhà sản xuất chính hiệu, nhưng họ đều không gặp nhau được, do có “anh” sản xuất hàng kém chất lượng đứng chắn ngang và trong quan hệ giữa người sản xuất hàng kém chất lượng với người tiêu thụ thì nhà sản xuất luôn luôn “đầu độc” khách hàng làm suy yếu “khẩu vị” của họ, mỗi bên theo một kiểu khác nhau.
Trở lên là nói chuyện thơ ca và bia bây giờ xin nói chuyện thơ ca và rượu. Từ đầu thập niên 30 của thế kỷ trước - khi phong trào thơ mới bột phát các nhà phê bình và các nhà thơ thường sử dụng các từ “bình” - “rượu” - “cũ” - “mới” để chỉ hình thức thơ - nội dung cảm hứng thơ - truyền thống cổ điển - hiện đại. Đang nói chuyện thơ ngày nay (mới) nên xin phép không nhắc đến từ “cũ” nữa mà chỉ vận dụng 2 cụm từ “bình mới” – “rượu mới” để chỉ thơ VN ngày nay. “Bình mới” – “rượu mới” trong thơ VN ngày nay có thể nói rất đa hệ với những trăn trở tìm tòi thử nghiệm sáng tạo của các nhà thơ đương đại thuộc nhiều lứa tuổi nên đã hình thành nhiều xu hướng nhiều trào lưu sáng tác nhiều dòng thơ… rất đa dạng. Trong số đó thời sự nhất trong những năm gần đây là chủ nghĩa hậu hiện đại và tân hình thức. Chỉ nói về 2 phương pháp sáng tác nầy: nếu qui chụp vào “bình mới” – “rượu mới” thì có thể coi: “bình mới” = tân hình thức + các thủ pháp nghệ thuật mà hậu hiện đại chấp nhận và dung hóa; “rượu mới” = cảm thức hậu hiện đại.
Chủ nghĩa hậu hiện đại được một số văn nghệ sĩ VN tiếp nhận và thực tế nó đang trở thành một xu hướng sáng tác (xu hướng chứ chưa phải là trào lưu) trong thơ ca đương đai VN nhất là trong giới sáng tác trẻ. Có nhiều cây bút đã vận dụng thành công phương pháp sáng tác này và “đứng được” trên thi đàn. Nhưng cũng không tránh khỏi thực trạng lạm dụng cái mới cái lạ học chưa hết chiêu đã hành nghề… gây ra một môi trường thơ hổ lốn đầy rượu dỏm bơm vào vỏ rượu Tây. Cho nên có những bài thơ tắc tị nhưng ngụy trang bằng một cảm thức cao siêu kiểu như là một số người viết chữ xấu đọc không được lại thành nghệ thuật thư pháp tiếng Việt vậy. Phổ biến nhất là loại thơ dung tục thông tục hóa tầm thường - cả nội dung lẫn hình thức mà có lẽ tác giả của nó chưa học hết chiêu “tục và thanh” trong thơ truyền thống.
2. Phân biệt thơ và cái không phải thơ: Xác định thế nào là thơ?
Lại đụng phải một vấn đề lớn, khó khăn của lý luận văn học đây. Xưa nay, các bậc học giả đã thường tìm cách định nghĩa, nhưng có thể nói, đây là “một câu hỏi lớn không lời đáp” vậy. Hình như con số định nghĩa về thơ phải có đến hàng ngàn, có điều không có cái nào giống cái nào, điều đó chứng tỏ cái cụ thể đó (thể loại thơ) lại rất trừu tượng và khó nắm bắt. Chẳng hạn theo Voltaire: “Thơ là hùng biện du dương”, theo A.De Musset: “Thơ là tiếng nói nhẹ nhàng của tâm tình”. Ở VN ta cũng có hàng chục định nghĩa về thơ. Chẳng hạn, theo Tố Hữu: “Thơ là tiếng nói đồng tình, đồng ý, tiếng nói đồng chí”, còn Chế Lan Viên: “Thơ là gì? Là thơ lơ mơ …”. Hai định nghĩa về thơ của hai danh nhân nước ngoài khác nhau hoàn toàn, thậm chí đối nghịch nhau và xác định đối tượng phản ánh của thơ cũng không giống nhau: là du dương của hùng biện, là nhẹ nhàng của tâm tình. Còn hai định nghĩa của hai nhà thơ VN cũng vậy: là tiếng nói đồng cảm, đồng điệu (Tố Hữu), là tâm hồn bảng lảng, bay bổng, mơ màng… (Chế Lan Viên).
Nhà thơ dù lớn, vừa vừa, hay nhỏ, tự mình cũng phải xác định thơ là gì khi cầm bút sáng tác ra thơ, (dĩ nhiên là sự xác định này không ai giống ai).
Nói theo dân gian: Trước khi làm phải biết mình làm cái gì thì mới làm được. Hơn nữa, thơ hiện đại luôn đòi hỏi là nhà thơ có tri thức, kể cả tri thức lý luận… Xác định “thơ là gì” theo lối thực dụng thì có công thức 3T: Tình – Từ –Tứ.
Thơ trước hết phải có “Tình”, tức là nhà thơ phải có tình cảm mảnh liệt, chân thật và sâu sắc đối với đối tượng trữ tình; phải có rung động (cảm xúc) đột xuất, cao trào và bức xúc để tự “bức bách” mình phải “động thủ” thành thơ; đồng thời tình cảm và rung động này phải đủ để làm nảy sinh, hòa nhập “quấn quít” với một trí tưởng tượng phong phú, bay bổng.
Thứ hai là “Từ”, tức là ngôn ngữ thơ. Thơ là nghệ thuật bậc cao của ngôn ngữ, mà là ngôn ngữ hình tượng. Ngôn ngữ thơ phải mới, phải sáng tạo không lặp lại người khác, không lặp lại mình, không ước lệ sáo mòn, nói theo ngôn ngữ hiện đại là không “lập trình sẵn”. Ngôn ngữ đó phải càng “lệch chuẩn” càng hay. Vì càng “lệch chuẩn” càng tránh được sự sáo mòn, lặp lại, lập trình sẵn ngôn ngữ, điều kiêng kị nhất trong thơ. “Lệch chuẩn” nghĩa là vừa giống mọi người (chuẩn), vừa khác mọi người (lệch). Vì cái “Giống” tức là theo chuẩn mực chung về sử dụng ngôn ngữ để mọi người hiểu được. “Khác” tức là phải có cái mới, cái lạ mới thành thơ để mọi người thích. Chẳng hạn như Nguyễn Du viết: “Trăm năm trong cõi người ta” thì cái “giống” (chuẩn) là: cõi trời, cõi tiên, cõi Phật, cõi trần gian… theo kết cầu cụm từ tiếng Việt, chứ chưa ai nói “cõi người ta” như Nguyễn Du cả.
Khi Tố Hữu viết: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”, thì cái “giống” (chuẩn) là: “từ đó, từ ngày ấy” chứ chưa ai nói: “từ ấy” cả. Gần đây, Vũ Quần Phương viết: “Hạ chưa về nhưng nắng đã Côn Sơn” thì thiệt là “quá đã”. “Khác” (lệch chuẩn) là: sau phó từ “đã” và trước danh từ chỉ địa danh lẽ ra phải là một động từ chỉ sự di chuyển: Không thể nói “đã Sài Gòn, đã Biên Hòa”, mà phải nói: “đã đi Sài Gòn, đã về Biên Hoà”. Nhưng ở đây Vũ Quần Phương lại nói được, mà người đọc thơ không những hiểu, chấp nhận mà còn thích nữa: “đã Côn Sơn”, thế thì có “đã đời” không? Cái “giống” (chuẩn) là Vũ Quần Phương vận dụng quy luật tiết kiệm của ngôn ngữ dựa trên điệp kết cấu các vế trong câu và nghĩa “hàm ngôn” của từ “nhưng”: “Hạ chưa về (1) nhưng nắng đã Côn Sơn”(2). Hai vế câu đều có chủ ngữ là biểu tượng thiên nhiên (Hạ và nắng), thành phần vị ngữ đều có hai phó từ chỉ thời gian đối lập nhau (chưa, đã), quan hệ từ “nhưng” biểu thị quan hệ hai vế tương phản nhau về ý, vậy thì vế (1) là “chưa về” thì vế 2 theo logic câu phải là “đã về, đã tới Côn Sơn”, câu thơ do vậy đọc mới “sướng”! Nếu như họ viết “Trăm năm trong số người ta”, “Từ đó, trong tôi bừng nắng hạ”, “Hạ chưa về nhưng nắng tới Côn Sơn” thì chưa chắc ngày nay chúng ta có thi hào Nguyễn Du, nhà văn hóa lớn của thế giới, Tố Hữu là thơ lớn, lá cờ đầu của thơ ca Cách mạng suốt ba thập niên rưỡi – (1930 - 1975) và Vũ Quần Phương, một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ ca chống Mỹ cứu nước.
Cả tuần nay giới thơ ca đang xôn xao về bài thơ dài “Trăng ca” của tác giả trẻ Võ Thị Phương Thúy. Thành công của bài thơ do nhiều yếu tố hợp lại: điêu luyện - cách tân - tứ thơ mới - cảm xúc cái nhìn lạ lẫm về trăng… Nhưng có một yếu tố quan trọng đã biến câu lục bát thành thơ lục bát mà tác giả vận dụng rất có tay nghề là: ngôn ngữ thơ “lệch chuẩn” một cách rất có ý thức.
Thứ ba là Tứ. Tứ thơ là một khái niệm có vẻ rất khái quát và trừu tượng nên rất khó diễn giải. Theo tôi, “tứ” được hiểu như là một phương thức nào đó để tổ chức liên kết các ý trong bài thơ và hệ thống các ý đó với “tình” của nhà thơ và biểu hiện chúng bằng yếu tố ngôn ngữ (từ). Cả ba yếu tố đó tổng hòa trong một thể thống nhất gọi là bài thơ – tác phẩm. Như thế, chất trí tuệ, năng lực hư cấu văn học và trí tưởng tượng của nhà thơ được vận dụng hết công suất để xây dựng tứ thơ mà giới chuyên ngành gọi là “cấu tứ”. Chính tứ thơ làm cho văn bản trở thành bài thơ, là yếu tố không thể thiếu của một bài thơ, nhất là thơ hiện đại. Thơ tứ tuyệt đường luật chỉ ngắn bốn câu, nhiều bài ta thuộc lòng mà vẫn thích đọc lại, thích ngâm vì tứ thơ quá hay, quá bất ngờ. Thơ Hai-ku của Nhật Bản, chỉ có ba câu, ta chỉ đọc qua bản dịch mà vẫn cảm được vì tứ thơ quá lạ, quá “siêu”.
Bài thơ hai câu của Phan Thị Thanh Nhàn: “Người tôi yêu ở rất xa – Người yêu tôi ở gần nhà, chán không?” được rất nhiều người Việt Nam yêu thích vì tứ thơ quá thiệt, quá quen mà quá lạ. Ngày nay, nhiều bài thơ văn xuôi dài ngoằng, gần như không vần, không luật, rất khó nhớ mà có người vẫn thuộc lòng vì tứ thơ quá độc đáo. Dù có vần, có điệu mà không có tứ thơ thì không thành bài thơ mà chỉ là vè, văn vần, là khẩu hiệu tuyên truyền cổ động… mà thôi. Không quan niệm thế, không chú trọng yếu tố “tứ” trong thơ, một quan niệm khá phổ biến hiện nay, mà tiêu biểu là trong một số sách giáo khoa, giáo trình… là thay thế yếu tố “tứ” bằng yếu tố “tính nhạc” của thơ. Ai làm thơ cũng biết câu: “Thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc”, vậy thì tính nhạc nằm đâu trong 3 T? Xin thưa: Nó nằm trong “từ” (ngôn ngữ thơ). Ngôn ngữ thơ có hai mặt: ngữ nghĩa (có thể coi như thuộc về phạm trù tinh thần) như đã nói qua ở trên và tính nhạc (có thể coi như phạm trù vật chất).
Tính nhạc trong thơ bao gồm 4 yếu tố: âm, thanh, vần, nhịp của thơ, trong đó, theo tôi thanh (nhóm thanh bằng, nhóm thanh trắc, nhóm thanh cao, nhóm thanh thấp) và nhất là nhịp (tiết tấu) là hai yếu tố quan trọng nhất, thiếu nó văn bản không thể thành thơ, Chính chúng đã góp phần làm cho thơ văn xuôi hội đủ điều kiện thành thơ, vì bài thơ có thể không vần, không cần có sự hài âm, nhưng không thể thiếu yếu tố hài thanh và tiết tấu. Ngoài ra còn phải kể thêm nhạc điệu nội tại của bài thơ toát ra từ tình và tứ của bài thơ. Cũng có người ngược lại, coi nhẹ yếu tố nhạc tính trong thơ, vì xem đó chỉ là yếu tố hình thức, mà quên rằng: Hình thức trong thơ nói riêng và trong văn học nghệ thuật nói chung là hình thức đã được “nội dung hóa”, nói thẳng ra: hình thức thơ, trong đó có tính nhạc, cũng chính là nội dung thơ…
3. Làm sao tránh được tình trạng… lạm phát thơ như hiện nay?
“Cái không phải thơ” nhưng lại “giống thơ” đã gây bao ngộ nhận. Công chúng ngộ nhận là thơ, còn người làm thơ ngộ nhận về tài làm thơ của mình. “Cái giống thơ” lại dễ làm. Khi học cấp 2 đã được học các thể thơ rồi, bây giờ lập trình, ráp chữ, đúng luật bằng trắc thì thành “cái giống thơ” thôi. Nên có rất nhiều người làm thơ, in ra hàng loạt để... tặng và để… “thành” nhà thơ. Do đó, người làm thơ phải tự kiểm định thơ mình trước khi đưa thơ ra mắt công chúng, nhưng mà khó lắm, vì “văn mình, vợ người” mà. Xin mượn câu nói của nhà thơ Inrasara để tạm kết luận: “Nhà thơ cần biết sợ thơ… để người đọc còn cần đến thơ”.